KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG CỦA NGƯỜI THÁI TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Người Thái được coi là dân tộc đa số của vùng Tây Bắc cũng như miền tây Thanh - Nghệ. Do là tộc người có số lượng dân số đông nhất so với các dân tộc thiểu số khác, nên bên cạnh tiếng Việt, tiếng Thái là ngôn ngữ giao tiếp chính của hai khu vực trên. Việc nghiên cứu tính chất, bản sắc và khả năng thích ứng cũng như mối quan hệ giữa người Thái với các tộc người khác trong vùng; giữa người Thái Việt Nam với người Thái trong khu vực có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ việc tổng hợp các tài liệu nghiên cứu đã công bố về người Thái ở miền tây 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, kết hợp với những tư liệu thu thập được qua nghiên cứu thực địa tại 3 địa điểm: huyện Tương Dương (xã Xá Lượng), huyện Quế Phong (xã Tri Lễ), tỉnh Nghệ An và huyện Quan Sơn (xã Mường Mìn), tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi xin trình bày một số vấn đề sau.

1. Tính chất của xã hội Thái - truyền thống và biến đổi

Nông nghiệp trồng trọt thung lũng chân núi

Xã hội cổ truyền của người Thái vận hành dựa trên nền tảng nông nghiệp trồng trọt, lấy canh tác ruộng nước hoặc kết hợp ruộng với nương là chính. Nền nông nghiệp mang tính độc canh rõ rệt, trong đó lúa là giống cây trồng chủ đạo. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng thể hiện tính tự túc, tự cấp triệt để. Tuy nhiên, so với vùng người Thái Tây Bắc, hình thức chợ phiên ở vùng người Thái Thanh - Nghệ xuất hiện sớm hơn. Mặc dù trao đổi, mua bán chủ yếu diễn ra trong nội bộ tộc người hoặc với các tộc thiểu số trong vùng, theo hình thức phổ biến là vật đổi vật, song ngay từ thời Pháp cũng đã xuất hiện một số nghề trao đổi, buôn bán muối, phẩm nhuộm với các tư thương miền xuôi hay buôn bạc nén với người Lào.

Mặc dù duy trì chăn nuôi gia súc, gia cầm ở quy mô nhỏ, phạm vi gia đình, theo phương thức thả rông,  ngoài cải thiện bữa ăn, mục đích chính là phục vụ nhu cầu vật hiến tế trong các nghi lễ, tín ngưỡng, nên họ chỉ chú trọng về số lượng mà không mấy quan tâm về trọng lượng.

 Nghề thủ công truyền thống phổ biến và phát triển nhất, còn được duy trì đến nay là nghề dệt. Là một trong những tộc người tự túc được nhu cầu vải mặc, người Thái coi vải vóc tương đương với tiền bạc (phải ngân). Bên cạnh nghề dệt, một số nghề như đan lát, nghề gốm bàn xoay và kim hoàn cũng được duy trì ở một số nơi.

Cho đến nay, về cơ bản, các hoạt động kinh tế của người Thái vẫn là trồng trọt, song đã có khá nhiều sự thay đổi. Một số địa phương phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, nuôi đàn hàng vài chục hoặc vài trăm con. Nhiều nơi, các nghề thủ công đã và đang mai một dần. Ở một số huyện, nhất là vùng giáp biên, bà con đã biết mang các loại nông sản ra bán ven đường hay ở chợ huyện.

Sự phân chia giai cấp

Bên cạnh bảo lưu các yếu tố xã hội cổ truyền, trong xã hội của người Thái Thanh - Nghệ đã có sự phân chia giai cấp rõ rệt, khác nhau về vai trò, địa vị và thế lực kinh tế. Theo đó, xã hội đã hình thành hai giai cấp: địa chủ và nông dân. Các chủ đất (chầu đin), chủ mường (tạo mường), dòng dõi quý tộc và chức dịch  dòng họ quý tộc: Cầm Bá, Phạm Bá Lò, Lang, Sầm/Cầm, Hủn Vi, Quản Vi và  dòng họ  được đứng vào hàng ngũ chức dịch: Hà, Vi, Lương.

Nông dân gọi chung là páy, gồm: páy đinh (Tày Mường, Tày Dọ) và páy cư (Tày Thanh, Tày Mười và các tộc lệ thuộc) là những đối tượng bị bóc lột.

 Sự phân hóa giàu nghèo

Trong xã hội cổ truyền của người Thái đã có sự phân hóa giàu nghèo. Một bên là tầng lớp thống trị được hưởng đặc quyền, đặc lợi về ruộng đất, cung cách làm nhà cửa, ăn mặc; được thu lâm thổ sản quý hiếm... Còn một bên là các tầng lớp nhân dân lao động gồm: nông dân tự do, bán tự do, nhà nghèo (páy) và những người làm tôi đòi trong gia đình chủ đất (côn hươn), bị bóc lột về sưu, thuế, tô lao dịch và cống nạp. Sự phân hóa giàu nghèo còn thể hiện ở sự phân chia thành dòng họ quý tộc, chức dịch (Lò, Cầm/Bạc Cầm, Xa/Hà Vi, Điêu/Đèo ở vùng Tây Bắc; Phạm Bá, Hà, Sầm/Cầm, Lang, Hà, Vi; Hủn Vi, Quản Vi, Lương, Lưu... ở Thanh - Nghệ) với dòng họ bình dân (Lương, Quang, Lữ, Lộc, Khà, Vì...); sự khác biệt về vai trò, địa vị và thế lực kinh tế.

Ngày nay, sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp xã hội, trong các bản làng vẫn còn ở những mức độ khác nhau. Nông dân vẫn là những người nghèo nhất.

 Hình thức bóc lột

Hình thức bóc lột phổ biến trong xã hội cổ truyền của người Thái Thanh - Nghệ là: tô hiện vật (thuế), tô lao dịch và một phần cống nạp. Tô hiện vật chủ yếu là nộp thóc lúa tỷ lệ thuận với số ruộng được nhận dưới danh nghĩa là nghĩa vụ việc mường. Tô lao dịch là số ngày phải đi làm không công cho các chức dịch trong mường; còn cống nạp cũng được định ra theo lệ mường. Hai loại tô và lệ cống nạp được áp dụng đối với toàn bộ páy và các tộc lệ thuộc (cuông, nhốc), nằm trong sự quản lý của các chủ mường. Nhìn chung, vùng Thái Thanh - Nghệ phổ biến sưu thuế và lao dịch. Hình thức cống nạp vẫn được duy trì, song khá mờ nhạt.

Vai trò của luật tục

Mỗi mường đều có luật tục riêng gọi là hịt khoong bản mương. Nội dung đề cập tới nhiều lĩnh vực xã hội, gồm hai phần: quy định về ranh giới mường, bộ máy quản lý, quyền sở hữu; hội hè, tội phạm. Lệ là những điều quy định (tang ma, cưới xin, nộp tô, nghĩa vụ việc mường…) mà người dân phải thực thi.

2. Bản sắc của xã hội Thái - truyền thống và biến đổi

Mô hình tổ chức xã hội

Tổ chức xã hội cổ truyền của người Thái ở Thanh - Nghệ An theo mô hình bản - mường. Theo đó, tổ chức hành chính có 2 cấp: mường (đơn vị hành chính); dưới mường là bản (đơn vị cư dân). Nếu như ở vùng Tây Bắc, mường có mường to (mương luông), mường nhỏ (mương vảy); về quy mô có 3 cấp: mường hàng chu (châu mường/mường trung tâm), mường phìa và mường lộng hay quán; thì ở vùng người Thái Thanh - Nghệ, mường chỉ có 2 cấp: mương luông (mường lớn) và mường nọi (mường nhỏ). Mỗi mường có phạm vi đất đai, vùng thiên nhiên và có luật lệ riêng.

 Mường là đơn vị kinh tế xã hội được hình thành trong lịch sử. Vùng Thái Nghệ An, sau cách mạng tháng Tám 1945, các mường ở khu vực đường 7 tan rã. Riêng các mường khu vực đường 48 sau năm 1954 mới tan rã hoàn toàn, chấm dứt chế độ chủ đất. Các cấp hành chính và chế độ dân chủ nhân dân được thành lập trên toàn bộ vùng miền tây Nghệ An. Mường với tư cách là một tổ chức xã hội từ đó đến nay không còn tồn tại.

Bản là đơn vị cơ sở của mường, gồm nhiều gia đình của nhiều dòng họ cư trú, có ranh giới phân định, có khu vực đất đai và vùng thiên nhiên thuộc sở hữu tập thể. Đất bản có những khu rừng cấm gọi là gò săn (đon húa) để tổ chức săn thú tập thể (săn dóng). Ngoài các khu rừng dành cho sản xuất, bản còn có khu rừng áo bản (đông tu sửa/đông xên), cấm mọi người chặt, phá. Nằm trong vùng đất bản còn có đoạn sông, khúc suối gọi là vũng cấm (văng hảm), thường được chọn làm nơi xây đập (phai). Đây là địa điểm chọn để thờ thần mẹ nước (chẩu me nặm) tức ma thuồng luồng (phi ngược) hay còn gọi là ma rồng (luông). Vùng Thái Thanh Hóa có hình thức bản poọng (dân tự do) và bản thín (dân lao dịch và cống nạp/phụ thuộc); còn vùng Thái Nghệ An có bản páy đinh (dân gốc, chỉ nộp thuế), bản páy cư (dân ngụ cư, bao gồm cả bản của những tộc người lệ thuộc phải chịu thuế, lao dịch và cống nạp).

Đứng đầu bản là tạo bản hay tùm bản quản lý, điều hành. Mỗi bản đều có chắm bản hay ông đăm phụ trách lễ lạt chung. Bản có tín ngưỡng thờ thần bản (phi bản) tức linh hồn của những người có công lập bản đầu tiên (chầu xừa). Hàng năm dân bản thường tổ chức lễ xên bản, nhằm cố kết tâm linh.

Vấn đề sở hữu, chiếm hữu đất đai

Theo quan niệm và cách phân chia của người Thái, đất đai gồm 2 loại: ruộng nước và đất đai; vùng thiên nhiên (rừng núi, lâm thổ sản...).

Đối với những bộ phận Thái canh tác ruộng nước là chính, thường có các loại: ruộng công (ruộng của mường chia cho dân), ruộng chức (ruộng của mường chia cho chức dịch), ruộng tư (của chức dịch và do dân tự khai phá), ruộng của dòng họ (do dòng họ tự khai phá), ruộng, mảnh đất dành cho người trông coi đền mường (thường gọi là na,đin tên chua).

Đất đai và vùng thiên nhiên thuộc sở hữu chung: là vùng đất đai, thiên nhiên chung của mường. Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 trở đi, thể chế bản - mường bị giải thể, nên vùng đất đai, thiên nhiên này do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, mỗi hộ được giao một số diện tích đất lâm nghiệp để khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác; được cấp sổ xanh với hạn sử dụng 50 năm. Vì thế, người dân vẫn tự ý thức rằng, khu vực đất đai, thiên nhiên này cũng vẫn giống như sở hữu chung của cộng đồng, bởi họ không được bán.

 Đất đai và vùng thiên nhiên thuộc quyền quản lý của bản: các bản Thái không những là đơn vị cư trú của các gia đình có mối quan hệ thân tộc chằng chịt, có ranh giới cụ thể, mà còn là những đơn vị cư dân có tổ chức, bao gồm các gia đình có chung một vùng đất đai, thiên nhiên để sử dụng vào việc phục vụ cuộc sống. Khu vực này bao gồm rừng, bãi tha ma, bãi chăn thả, bãi ném còn, vũng cấm. Rừng cấm (đông căm) thường là các khu rừng phòng hộ ở đầu nguồn nước, rừng măng đắng... nhằm đáp ứng nhu cầu tự túc tự cấp. Để giúp các gia đình có chỗ chăn thả trâu bò, bản có các thung lũng để thả trâu bò chung (tung). Ngoài ra, bản còn có những khu đất chuyên dùng như rừng để chôn người chết (đông héo), không ai được phép phát đốt để trồng trọt; những địa điểm sinh hoạt mang tính cộng đồng bản như bãi ném còn, bến nước với những quy định về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ nguồn nước sạch.

Đất đai do các gia đình quản lý, sử dụng: ngoài những mảnh nương nằm trong đất đai chung của bản, các hộ gia đình còn sở hữu: đất thổ cư, đất vườn, soi bãi và cả những mảnh ruộng tư tự khai phá ven sông suối. Đối với đất thổ cư, đất vườn và ruộng tư, người ta có quyền nhượng bán, đổi chác cho nhau, kể cả những người ngoài bản. Hiện nay, vấn đề sở hữu, chiếm hữu đất đai của người Thái hoàn toàn áp dụng theo quy định của Nhà nước.

 Các mối quan hệ xã hội

 Một trong những đặc trưng quan trọng nhất của bản người Thái là ba mối quan hệ họ hàng: ài noọng, lúng ta, nhính xao. Đó là quan hệ không anh cũng em (bó ài cá noọng), không anh em phía vợ cũng anh em phía mẹ, phía bà (bó lung cá ta), không anh em phía chồng các chị gái, cũng là anh em phía chồng các con gái (bó nhinh cá xao).

Quan hệ ài noọng: đây không chỉ là khái niệm hẹp, chỉ những anh em cùng cha mẹ sinh ra (ài noọng huốm pó), mà còn bao hàm nghĩa rộng để chỉ những anh em con chú con bác (ài noọng huốm ông, ú, ạnh mộ); anh em chung một cụ, kỵ (ài noọng huốm pầu, pú) và anh em đồng tộc Thái nói chung (ài noọng Tay).

Quan hệ lúng ta và nhính xao: đây là mối quan hệ được hình thành do hôn nhân mang lại. Người Thái Thanh - Nghệ có 5 mối quan hệ lúng ta là: lung ta mé (họ hàng của mẹ), lung ta (họ hàng bên vợ của cha), lung ta noọng (họ hàng bên vợ của các em trai), lung ta lực (họ hàng bên vợ của các con trai) và lung ta lan (họ hàng nhà vợ của các cháu trai).

Quan hệ dòng họ: nổi bật nhất là mối quan hệ anh em, anh em họ và anh em ruột (ài noọng). Do nguyên tắc thuận chiều trong hôn nhân các nhóm ài noọng trong bản sẽ trở thành một cộng đồng thân tộc khá chặt chẽ. Trước kia, trong các bản người Thái, hầu hết những người cùng họ đều là ài noọng hay ít nhất cũng là những nhóm ài noọng có quan hệ gốc gác với nhau.

Do không có tên gọi cụ thể, nên đời thứ năm trở lên trong dòng họ được gọi chung là anh em cùng một tổ tông (ài noọng huốm lận khận). Hai từ lậnkhận có thể chỉ một thế hệ cụ thể như pú, pẩu, pấn hoặc cũng có thể chỉ các bậc tổ tiên nói chung. Cộng đồng thân tộc này gọi là vả hay vả chặn, tương đương như một chi họ lớn. Người ta còn phân biệt rõ hai loại quan hệ anh em. Anh em bạn bè, láng giềng thì gọi là ài noọng lầu khôm (anh em rượu đắng) tức những người anh em hàng ngày thường lui tới chỉ để chén thù chén tạc. Lúc này chỉ còn ài noọng đôm nạu (anh em ngửi thối) tức những người anh em  luôn sát cánh giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn.

Tập quán tương trợ: được coi là quyền lợi và nghĩa vụ đối với nhau. Vì thế, khi trong bản có tang, hầu như gia đình nào cũng có mặt. Ngoài việc giúp tiền, gạo phúng viếng theo tinh thần tự nguyện, thanh niên thường giúp tang chủ mổ lợn, nấu nướng, các cụ bà thì giúp cắt khâu quần áo tang, còn các cụ ông thì ngồi nói chuyện tiếp khách khứa...

Trước kia, trong mỗi bản Thái Nghệ An đều tồn tại tổ chức lang (tương đương hội hay phe), do trưởng lang điều hành chung. Hội viên của lang bao gồm tất cả các gia đình trong bản, nhưng không bắt buộc, mà theo tinh thần ai vào thì vừa có quyền lợi, vừa có nghĩa vụ. Sau 3 năm (có bản 1 năm) thì bầu lại một lần. Nội dung hoạt động của lang bao gồm tương trợ về 2 lĩnh vực: số lượng và các khoản đóng góp khi trong bản có thành viên làm nhà mới và có tang. Theo đó, đối với làm nhà mới, mỗi nóc nhà phải nộp 20 nẹp tranh cọ, 1 bó lạt, 2 ngày công. Đối với tang ma, bắt buộc mỗi thành viên phải có mặt tại nhà tang chủ. Trưởng lang sẽ phân công, cắt cử: một nhóm lo nấu nướng, sắp xếp mâm bát, chỗ ngồi; một nhóm lo đào huyệt, làm nhà mồ, lấp huyệt; còn một nhóm lo việc khiêng quan tài.

Quan hệ tộc người: là quan hệ giữa người Thái với các tộc thiểu số khác trong vùng như người Mông, Khơ mú, Thổ và Kinh, thể hiện trên các khía cạnh ngôn ngữ và tiếng nói, quan hệ về lãnh thổ và địa bàn cư trú, quan hệ trao đổi và mua bán, quan hệ về văn hóa.

3. Các khả năng thích ứng về xã hội

Lĩnh vực sở hữu, chiếm hữu

Trong xã hội cổ truyền Thái, tất cả đất đai, rừng núi, sông suối… đều là sở hữu toàn mường. Ý thức về tài sản chung của toàn mường hay của cộng đồng dường như vẫn được người Thái thừa nhận, coi trọng và phát huy tác dụng. Một ví dụ qua tập quán khai thác vàng ở sông Nặm Nơn trước kia của người Thái Tương Dương chỉ tiến hành trong vòng 2 tháng (11 và Chạp) với phương tiện thô sơ, nên vẫn đảm bảo yêu cầu bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, nhưng sau này các đầu nậu khai thác vàng sử dụng máy móc hiện đại, khai thác có tính hủy diệt, khiến nguồn vàng cạn kiệt, gây ô nhiễm nguồn nước.

Đối với đất đai, rừng thiên nhiên, 3 hình thức sở hữu: Nhà nước, tập thể và cá thể như hiện nay, suy cho cùng cũng không khác gì mấy so với hình thức sở hữu đất đai vốn tồn tại trước kia của người Thái nơi đây.

Lĩnh vực tổ chức, quản lý xã hội

Xưa các chủ mường quản lý xã hội theo luật tục của mường, bản. Tuy không phải là luật thành văn, nhưng những điểm quy định thường rất sát với thực tế đời sống, nên được người dân tự giác tuân theo. Bên cạnh đó là vai trò của các dòng họ lớn, có tiếng về sự giàu có của cải, về tinh thần tương thân tương ái và về cả bảo lưu, duy trì phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Uy tín của người già được tôn trọng và đề cao, nhất là những người có kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi; các thày cúng, thày mo, thày lang. Việc quản lý thường gắn với người trưởng bản, sau này là chánh tổng, lý trưởng. Việc huy động đóng góp theo lệ, sau này theo quy định, thường bổ đầu theo từng bản. Tính dân chủ được phát huy rộng rãi, tính công khai, minh bạch, bình đẳng được đề cao, nên được dân tin tưởng.

Ngày nay, việc tổ chức, quản lý và điều hành xã hội theo pháp luật, đồng thời nguồn nhân lực của người Thái ở nhiều địa phương được đào tạo, có năng lực, trình độ, là thuận lợi hết sức quan trọng trong phát triển bền vững.

Vai trò của người Thái

Xưa cũng như nay, vai trò người Thái rất lớn, rất quan trọng, thể hiện ở chỗ: nắm quyền lãnh đạo, chỉ đạo trong điều hành, quản lý người dân các mường. Hiện nay, người Thái tham gia đông đảo, nắm nhiều cương vị chủ chốt các chức vụ lãnh đạo ở các xã, huyện. Bên cạnh đó, người Thái vốn có đức tính cần cù chịu khó; thật thà chất phác, có truyền thống đấu tranh cách mạng. Cho dù đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi, song tâm lý, thói quen và lối sống của họ vẫn mang nặng tình cảm bà con xóm giềng, tập quán gắn bó, tinh thần tương thân tướng ái giúp đỡ lẫn nhau; sống chan hòa, có tình có lý, tình yêu quê hương và tinh thần đoàn kết.

Quan hệ với các dân tộc

Cùng chung sống trên địa bàn có điều kiện thiên nhiên, hoàn cảnh lịch sử tương đồng, nên các dân tộc tuy khác nhau về ngôn ngữ, phong tục tập quán, song đã sớm có tinh thần tương thân, tương ái, nương tựa vào nhau, đùm bọc lẫn nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Nhìn chung, người Thái vốn quen sản xuất nhỏ theo con đường cá thể, nên họ vẫn chưa thể tách khỏi khối cộng đồng chung bản mường. Người ta vẫn cảm thấy nếu tách ra khỏi bản thì hình như sẽ không có nước tưới ruộng, không có nhà ở, ruộng vườn hay khi ốm đau, hoạn nạn, tang ma... không có ai đỡ đần. Hàng loạt vấn đề còn quyện chặt lấy cái chung. Nói cách khác, tâm lý của người Thái có những mặt giống với nông dân ở vùng xuôi.

4. Một số vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững

Bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi nêu trên, những yếu tố hạn chế, khó khăn về mặt xã hội của người Thái trong quá trình phát triển bền vững là:

Hiện tượng mua bán đất đai, nhất là đất thổ cư, vườn tược khá phổ biến. Đây là điều không thể hoặc rất hiếm xảy ra trong xã hội truyền thống. Tuy việc quản lý rừng theo pháp luật, nhưng lại được cụ thể hóa về quyền lợi và nghĩa vụ đối với các hộ gia đình; trong khi đó từ trước tới nay, người Thái không có tập quán trồng rừng, nên cho dù được nhận một số diện tích nào đó để khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ, nhưng thực tế, dường như họ chỉ khai thác.

Bản của người Thái không phải là đơn vị hành chính, mà là đơn vị dân cư có tính tự trị khá cao, luôn tạo ra lực cản, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào đời sống riêng của đồng bào. Đó là sức ỳ của chính các thiết chế xã hội truyền thống, mặt khác do không ít cán bộ quan liêu, xa dân, nên thường bị kẻ thù lợi dụng, làm cho các đơn vị dân cư có biểu hiện xa rời với hệ thống chính trị các cấp.

 Một trong những khó khăn trong quá trình phát triển bền vững chính là sự ỷ lại, cục bộ, hẹp hòi; ý thức về bản - mường, về khu vực riêng của dân tộc; nếp nghĩ, lối sống bị chi phối bởi quan niệm cá nhân đã hạn chế tính chủ động trong làm ăn kinh tế; thói quen tuân thủ tập quán, luật tục ít nhiều làm thui chột tính sáng tạo của người lao động, không khuyến khích việc tìm tòi, cải tiến để vươn lên.

 Năng lực quản lý hạn chế, năng lực điều hành của bộ máy chính quyền non kém. Chính quyền cấp xã vừa điều hành, quản lý công việc theo luật pháp, lại vừa chịu sức ép và sự ràng buộc của luật tục, nên chưa phát huy được tác dụng và hiệu quả. Thêm vào đó, hoạt động của các đoàn thể xã hội chưa đạt hiệu quả cao, thụ động, hình thức sinh hoạt nghèo nàn.

Do trình độ dân trí thấp, dẫn đến số lượng tham chính của các tộc thiểu số khác vào các cấp chính quyền cũng như vai trò, tiếng nói của họ chưa được chú trọng so với cán bộ người Thái, người Kinh, khiến cho việc được hưởng lợi của họ từ những chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo chưa thật công bằng, bình đẳng. Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng trở nên sâu sắc giữa cán bộ, lãnh đạo, những người có chức quyền với hầu hết người nông dân sản xuất nông nghiệp thuần túy. Những quy luật hết sức nghiệt ngã của cơ chế kinh tế thị trường cũng đang làm cho nhiều gia đình thuần nông trở nên bần cùng. Sự đối lập giữa đường phố, nhà cao tầng, tiện nghi sinh hoạt, đời sống kinh tế... với đường đất, nhà lợp tranh, phibrô xi măng, đời sống tạm bợ đang diễn ra tại nhiều vùng cũng đang là nguy cơ tiềm ẩn của sự bất bình đẳng và mâu thuẫn tộc người (1).

_______________

1. Bài viết là sản phẩm của đề tài Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc Thái trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Mã số KHCN-TB. 19X/13-18. Đề tài được tài trợ bởi Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : VI VĂN AN

;