Hoạt động giải trí công cộng qua mạng lưới rạp phim tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh

Hoạt động giải trí công cộng qua mạng lưới các rạp phim tư nhân thời gian qua ở TP.HCM có những kết quả bước đầu, đóng góp tích cực cho việc xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của thành phố. Hoạt động cung ứng dịch vụ chiếu phim của các rạp tư nhân đã đem tới sự đa dạng, phong phú và nhiều tiện ích vượt trội cho sự lựa chọn của công chúng giải trí bằng hình thức nghe nhìn; khẳng định sứ mệnh tích cực của các cơ sở tư nhân trong tổ chức hoạt động văn hóa công cộng và vai trò chủ đạo của nhà nước trong quản lý, điều tiết việc cung ứng dịch vụ văn hóa công cộng cho xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm nhất định, cần được khảo sát, nhận định và đánh giá một cách khoa học.

1. Quan niệm về hoạt động giải trí công cộng

Thuật ngữ giải trí xuất hiện phổ biến trong xã hội ngày nay. Theo Đào Duy Anh trong Hán - Việt từ điển: “Giải trí là khi làm việc rỗi, làm cho trí não được khoan khoái”. Gần nghĩa với giải trí là tiêu khiển, “Tiêu khiển là làm cho khuây khỏa và tan biến sầu muộn” (1). Theo cách giải nghĩa trên, giải trí là những hoạt động trong thời gian rỗi hay hoạt động giải trí là những hoạt động vui chơi trong lúc con người rảnh rỗi. Từ đó, Đoàn Văn Chúc cho rằng: “Giải trí là một dạng hoạt động xã hội, diễn ra chủ yếu là trong thời gian rỗi, nhằm lập lại thế cân bằng tâm - sinh lý, đồng thời đáp ứng các nhu cầu phát triển về các mặt thể chất, trí tuệ, tình cảm, ý chí và cảm xúc thẩm mỹ của con người” (2).

Bất cứ hoạt động nào của con người cũng đều xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của bản thân và ẩn sâu trong mỗi nhu cầu đó đều chứa đựng một mục đích cần được đáp ứng và thỏa mãn. Mỗi nhu cầu xã hội của con người chỉ được thỏa mãn và đạt mục đích khi được xã hội đáp ứng thông qua một hay một vài thiết chế xã hội cụ thể, phù hợp nào đó. Mỗi thiết chế xã hội đều gắn với từng chủ thể quản lý xã hội, tại những thời điểm khác nhau. Mỗi chủ thể quản lý xã hội trong vai trò là nhà nước đều thực hiện hai chức năng cơ bản là quản lý xã hội (cai trị) và phục vụ xã hội. Để đảm bảo trật tự, công bằng và duy trì sự ổn định, phát triển xã hội, nhà nước không ngừng tăng cường sự quản lý xã hội thông qua sức mạnh quyền lực của mình; đồng thời chăm lo phục vụ các nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân thông qua các thiết chế dịch vụ cụ thể.

Như vậy, hoạt động giải trí công cộng là quá trình cung ứng và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa; đáp ứng nhu cầu giải tỏa những căng thẳng trí não, tạo sự vui thú và sảng khoái tinh thần cho con người trong thời gian rỗi; do nhà nước chịu trách nhiệm, trực tiếp tổ chức cung ứng hay ủy quyền và tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội thực hiện, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích văn hóa cho người dân và cộng đồng, xã hội.

Yếu tố công cộng trong cụm từ hoạt động giải trí công cộng mang ba ý nghĩa: là nơi công cộng, mang tính công chúng, đảm bảo tính công bằng. Hoạt động giải trí công cộng là những hoạt động phục vụ cho nhu cầu văn hóa tình thần chung của người dân trong cộng đồng xã hội, có tổ chức, có hoặc không có thu phí, do nhà nước chịu trách nhiệm. Xét theo tiêu chí đối tượng cung ứng, hoạt động giải trí công cộng được phân thành hai loại cơ bản: hoạt động giải trí công, do cơ quan nhà nước trực tiếp cung ứng thông qua hệ thống các đơn vị sự nghiệp văn hóa công lập như trung tâm văn hóa, thư viện công cộng, nhà hát, trung tâm chiếu phim...; hoạt động giải trí thông thường, do các tổ chức phi chính phủ, tổ chức tư nhân cung ứng, nhà nước có trách nhiệm đôn đốc, giám sát.

2. Vai trò của nhà nước trong quản lý và điều tiết hoạt động giải trí công cộng

Quản lý và phục vụ là hai chức năng cơ bản của nhà nước. Trong đó, quản lý đóng vai trò cai trị, còn phục vụ thể hiện vai trò cung cấp các dịch vụ công cho toàn xã hội. Thông qua vai trò quản lý và điều tiết của mình đối với hoạt động giải trí công cộng, nhà nước cần thực hiện những việc sau:

Nhà nước không chỉ trực tiếp thực hiện việc cung ứng các dịch vụ giải trí công cộng, mà còn cần phải hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ, tổ chức tự quản của cộng đồng, tổ chức tư nhân… tham gia vào việc cung ứng các dịch vụ này. Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, cụ thể như: chỉ ra cụ thể các lĩnh vực dịch vụ giải trí công cộng cần khuyến khích thị trường tham gia cung ứng, chính sách hỗ trợ tài chính, chính sách thuế, các điều kiện vật chất, các chính sách đào tạo, thanh tra, kiểm tra và kiểm soát…

Nhà nước tăng cường vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các chủ thể cung ứng dịch vụ giải trí công cộng ngoài nhà nước. Trước tiên, cần khẳng định nhà nước là người chịu trách nhiệm cuối cùng trước xã hội về số lượng, chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ giải trí công cộng. Trong khi đó, chất lượng, hiệu quả của các dịch vụ giải trí công cộng do tư nhân tổ chức cung ứng không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với số lượng của dịch vụ này. Hơn nữa, trong lĩnh vực văn hóa giải trí, nhà nước luôn có những mục tiêu văn hóa gắn với các giá trị mang tính cốt lõi, nền tảng chung nhằm đảm bảo việc xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong điều kiện hoàn cảnh hiện thời. Song, không phải lúc nào các mục tiêu văn hóa, xã hội của hoạt động giải trí cũng đảm bảo được thực hiện một cách tích cực, chuẩn mực trong khi các công ty, tổ chức ngoài nhà nước lại đặt tiêu chí lợi nhuận là yếu tố hàng đầu trong cung ứng các dịch vụ giải trí.

Trước thực tế đó, nhà nước cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu chất lượng dịch vụ giải trí công cộng để đánh giá hoạt động của các đơn vị cung ứng dịch vụ, giám sát và kiểm tra hoạt động của các tổ chức này. Nhà nước cần định hướng phát triển đối với khu vực tư nhân, hướng khu vực tư nhân vào những lĩnh vực mà tư nhân có thể hoạt động hiệu quả, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm không ngừng cải tiến việc cung ứng dịch vụ giải trí công cộng cho toàn xã hội.

3. Thực trạng hoạt động cung ứng dịch vụ giải trí công cộng qua các cụm rạp phim tư nhân ở TP.HCM

Hiện nay, tại TP.HCM, bên cạnh khu vực nhà nước với các rạp chiếu phim quốc doanh như: cụm rạp Đống Đa, hệ thống rạp Fafilm cinema, khu vực tư nhân có sự hiện diện của nhiều rạp như: cụm rạp CGV cinema, hệ thống rạp Galaxy cinema, cụm rạp Lotte cinema, cụm rạp BHD Star cinema, Cinestar Hai Bà Trưng, Cinestar Nguyễn Trãi, Cinebox 212, rạp Đống Đa, rạp Mega GS Cao Thắng, rạp phim tại Viện trao đổi văn hóa với Pháp...

Đa số các rạp phim tư nhân ở TP.HCM đều thuê hoặc đầu tư địa điểm chiếu phim tại các cao ốc, tòa nhà cao tầng, không có diện tích mặt đất như các rạp chiếu phim thuộc khu vực nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các rạp chiếu phim tư nhân đều có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ nhu cầu đa dạng của khán giả. Về đầu tư cơ sở vật chất, có thể thấy, đa số các rạp đều tạo ra không gian sinh hoạt chung khá rộng rãi trước tiền sảnh, hành lang hay các khu vực ngồi chờ tới lượt xem, với thiết kế trang trí, ấn tượng, hiện đại, đa phong cách, đa dịch vụ. Không gian bên trong các khán phòng xem phim tại các cụm rạp này cũng được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống ghế ngồi hiện đại, có thể tự điều chỉnh theo sở thích. Về đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, hầu hết các rạp đều tập trung đầu tư mạnh cho hệ thống âm thanh và màn hình của phòng chiếu phim với công nghệ chiếu phim 4DX, công nghệ âm thanh vòm, hệ thống âm thanh kỹ thuật số tân tiến nhất. Bên cạnh đó, hệ thống âm thanh kỹ thuật số 7.1 có tính năng tạo nên cảm giác sống động, chân thực, nhằm nâng cao hiệu ứng tối đa cho khán giả khi xem các phim hành động, phiêu lưu mạo hiểm. Màn hình rộng và hệ  thống âm thanh vòm kỹ thuật số 7.1 của Dolby Digital, có thể trình chiếu các bộ phim định dạng 3D, 2D kỹ thuật số. Ngoài ra, một số cụm rạp còn có phòng chiếu được trang bị màn hình bạc nhằm tối ưu hóa độ sáng, độ sắc nét và tính sống động cho các bộ phim.

Về thể loại và phong cách phim, ngày càng phong phú, đa dạng, bao gồm: phim hành động, phim hài, khoa học viễn tưởng, kinh dị, hoạt hình gia đình… Sự đa dạng hóa các thể loại và phong cách phim chiếu ở rạp tư nhân nhằm tạo cho công chúng có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn các sản phẩm giải trí phù hợp với sở thích, thói quen thưởng thức điện ảnh.

Tại các rạp chiếu phim, bên cạnh dịch vụ chính là chiếu phim thì còn có khá nhiều dịch vụ khác đi kèm như phục vụ ăn, uống, trò chơi, bán quà… Có thể nói, việc tạo ra ngày càng nhiều dịch vụ phụ đi kèm tại các rạp chiếu phim đã đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của người đi xem phim tại rạp.

Qua tìm hiểu về giá vé xem phim và một số dịch vụ, khuyến mãi tại thời điểm hiện nay của một số cụm rạp chiếu phim tư nhân ở TP.HCM, có thể thấy giá vé xem phim và giá cả dịch vụ nói chung giữa các rạp, cụm rạp chiếu phim không đồng đều. Có sự chênh lệch nhất định giữa các rạp ở từng vị trí, địa điểm khác nhau và giá vé cao tỉ lệ thuận với mức độ đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị của từng rạp, phòng chiếu phim.

4. Thực trạng hoạt động tiêu dùng dịch vụ giải trí công cộng qua các cụm rạp phim tư nhân ở TP.HCM

Hầu hết các rạp phim tư nhân hiện nay ở TP.HCM đều đáp ứng và thỏa mãn cao nhu cầu của công chúng về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chiếu phim cũng như các dịch vụ tiện ích khác trong quần thể cụm rạp.

Nếu trước đây, nguồn cung ứng phim dồi dào và đa dạng nhất phải là thị trường Hollywood với các hãng phim danh tiếng như: Warner Bros, Uniersal, Disney, Paramount, 20th Century Fox, Colombia Pictures… chủ yếu là do Công ty  Megastar và Công ty phim Thiên Ngân nhập về, hiện nay khán giả có nhiều cơ hội để thưởng thức dòng phim Bollywood (Ấn Độ), phim Trung Quốc, phim châu Âu và gần đây nhất là dòng phim Thái Lan ồ ạt chiếm lĩnh thị trường phim hè 2013-2014 từ các nhà nhập khẩu phim mới như Công ty truyền thông Bạch Kim M.P.V, Công ty A Company... Sự mở cửa cơ chế thị trường và tiềm năng to lớn của công nghệ giải trí tại TP.HCM khiến cho các đơn vị phát hành phim mạnh dạn đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu phim, đa dạng hóa các nguồn phim, phát hành phim bom tấn cùng lúc với thế giới... Tất cả những yếu tố trên tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi hơn cho khán giả xem phim rạp. Có thể thấy, khán giả có mức hài lòng khá cao đối với sự tự do được lựa chọn bộ phim mà mình xem. Điều này cho phép chúng ta đánh giá rằng các cụm rạp chiếu phim tư nhân đã góp phần tích cực làm cho thị trường giải trí trở nên sôi động và phong phú hơn; đồng thời mang tới những cơ hội bình đẳng, tự do nhiều hơn cho công chúng trong quá trình hưởng thụ, tiêu dùng các sản phẩm giải trí công cộng.

Về giá cả dịch vụ, đặc biệt là giá vé xem phim, có sự dao động khá lớn giữa các giờ chiếu, ngày thường hay ngày nghỉ cuối tuần và các dịp lễ tết trong năm. Thường giá vé sẽ tăng cao vào các giờ từ 17h - 21h trong ngày, các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật, các dịp lễ, mùa hè, giáng sinh hay dịp cuối năm và các ngày tết Nguyên đán. Mức độ cao thấp của giá vé xem phim tùy thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời điểm chiếu, ghế ngồi, loại phim 2D, 3D… Tuy nhiên, so với mặt bằng thu nhập bình quân chung của người dân thành phố thì giá vé xem phim tại các rạp tư nhân còn cao so với nhu cầu của đại đa số, đây chính là yếu tố cản trở lớn cho số đông khán giả đến với loại hình giải trí này.

5. Thực trạng công tác quản lý, điều tiết hoạt động giải trí công cộng qua các cụm rạp phim tư nhân ở TP.HCM

Để dịch vụ điện ảnh tư nhân có bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay, có lẽ xuất phát điểm chính là chủ trương, nghị quyết liên quan tới việc xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. Tiếp theo là sự ra đời của nhiều nghị định, quy chế liên quan tới lĩnh vực hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; sự ra đời của hệ thống chính sách pháp luật về điện ảnh ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển.

Trong quản lý hoạt động giải trí công cộng, hoạt động thanh tra diễn ra thường xuyên, liên tục và đúng theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, các dịch vụ giải trí công cộng của các rạp chiếu phim tư nhân đã đi vào hoạt động có chất lượng và hiệu quả hơn, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ phim ảnh của người dân thành phố. Tuy nhiên, từ thực tiễn cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như sự thiếu kiểm soát một cách hiệu quả trong khâu giá vé bán dẫn đến tình trạng có những thời điểm giá tăng vọt đột biến và biến động thường xuyên trên thị trường. Việc quản lý và xử lý các hình thức quảng cáo vẫn chưa được phát hiện và xử lý triệt để. Một số cụm rạp chiếu phim có những dịch vụ kinh doanh ngoài hạng mục đăng ký và không đúng với chức năng chính của rạp chiếu phim có nhiều xu hướng nở rộ. Hoạt động kiểm tra, giám sát còn mang tính hình thức, chưa thực hiện một cách đồng bộ, khách quan và triệt để trong xử lý các vi phạm phát sinh từ thực tế.

Cùng với việc xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, thì việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật cũng cần được tiến hành đồng bộ, nhất quán, nhằm tạo ra hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách thực chất. Đồng thời, nhà nước cũng cần tạo thêm những cơ chế, chính sách mới nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dịch vụ giải trí công cộng đảm bảo vừa thực thi tốt chức năng kinh doanh văn hóa nghệ thuật, vừa đảm bảo yếu tố phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa giải trí của số đông người dân; đảm bảo cho các cơ sở chiếu phim được tự do cạnh tranh lành mạnh, từ đó mang tới những lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội cao nhất cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Có thể khẳng định, chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa đã thể hiện rõ tính đúng đắn, kịp thời và tất yếu đối với hoạt động văn hóa trong điều kiện nước ta thời gian qua. Góp phần tháo gỡ những khó khăn nhất về nguồn lực tài chính cho các hoạt động văn hóa nói chung trong đó có lĩnh vực hoạt động giải trí công cộng. Tạo động lực tích cực cho sự phát triển đa dạng của hoạt động văn hóa giải trí công cộng, bắt kịp và hòa nhịp cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, phân phối, cung ứng, tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa tinh thần của người dân. Song, để hoạt động giải trí công cộng của hệ thống rạp chiếu phim tư nhân tiếp tục phát triển bền vững, nhà nước cần phải nâng cao và phát huy hơn nữa vai trò quản lý, điều tiết của mình đối với hoạt động này. Từ đó không ngừng cải cách về cơ chế, chính sách, phương thức kiểm tra, giám sát nhằm tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng, khoa học và phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn để không ngừng nâng cao chất lượng việc cung ứng và tiêu dùng các dịch vụ giải trí công cộng nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân thành phố.

_______________

1. Từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.1918.

2. Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.243 - 244.

 

Tác giả: Trịnh Đăng Khoa

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

;