HỒ CHÍ MINH VỚI VẤN ĐỀ ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ

Tiến trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc sẽ không bình thường nếu không có sự quan hệ hợp tác với thế giới bên ngoài. Mở rộng quan hệ quốc tế đã trở thành đường lối chiến lược của tất cả các quốc gia từ TK XX. Với Việt Nam, những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đã và đang tạo lập được luôn có sự đóng góp to lớn của các nhân tố thời đại và quốc tế.

 

Vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế hôm nay có được trước hết là nhờ những hy sinh to lớn và thắng lợi vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc đồng thời cũng là nhờ có đường lối quốc tế đúng đắn và sáng suốt của Đảng mà tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đấu tranh đòi triệt để thi hành Hiệp định Giơnevơ 1954

Đối với Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu họ phải tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, dù đại biểu Mỹ không ký vào các văn kiện Hội nghị. Người mạnh mẽ tố cáo nhà cầm quyền Mỹ tiếp sức cho bọn ngụy quyền tay sai gây ra nhiều tội ác nghiêm trọng đối với đồng bào ta ở miền Nam đồng thời trân trọng cảm ơn sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Mỹ đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Đối với nước Pháp, một nước đã gây ra cho nhân dân ta bao đau thương tang tóc trong chiến tranh, Người cũng tuyên bố khép lại quá khứ và mở ra một thời kỳ mới “Chúng tôi muốn lập với nước Pháp những mối quan hệ kinh tế và văn hóa trên cơ sở bình đẳng hai bên đều có lợi và cộng tác thẳng thắn tin cậy nhau”(1).

Tăng cường tình hữu nghị với các nước láng giềng và các nước XHCN anh em

Củng cố và phát triển quan hệ với các nước XHCN là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong giai đoạn này. Trong thời gian từ 1955-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam đi thăm Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác: CHDCND Triều Tiên, Tiệp Khắc, Ba Lan, CHDC Đức, Hunggari, Nam Tư, Anbani, Bungari và Rumani. Kết quả của những chuyến đi thăm này chúng ta đã tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị và nhận được sự giúp đỡ to lớn của các nước anh em. Với sự giúp đỡ to lớn đó, chúng ta căn bản hoàn thành kế hoạch khôi phục nền kinh tế quốc dân (1955-1957) và kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa; chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) trên toàn miền Bắc làm hậu phương vững chắc chi viện cho cuộc đấu tranh trực diện với Mỹ ở miền Nam.

Đúng vào lúc cách mạng miền Nam Việt Nam chuyển sang hình thức đấu tranh vũ trang và ngày càng thu nhiều thắng lợi, thì giữa các nước XHCN, nhất là giữa Liên Xô và Trung Quốc xảy ra những bất đồng và mâu thuẫn ngày càng gay gắt, cả 2 nước lớn đều yêu cầu ta phải tỏ thái độ nhất biên đảo, trong lúc công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam của ta đang phụ thuộc vào sự viện trợ rất lớn của cả 2 nước về kinh tế và quân sự. Mỹ đã lợi dụng tình hình này để khai thác mâu thẫn Xô - Trung, ép ta, đòi thương lượng với ta trên thế mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà hoạt động quốc tế lỗi lạc, đã ý thức được tính chất nghiêm trọng của sự chia rẽ trong phong trào cộng sản quốc tế, bằng trí tuệ, tình cảm quốc tế chân thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vẫn kiên trì đuờng lối độc lập, tự chủ, kiên trì khôi phục sự đoàn kết quốc tế trên cơ sở nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tại Hội nghị 81 Đảng cộng sản và công nhân quốc tế họp ở Matxcơva, Người đã nêu rõ: “...Đoàn kết nhất trí trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin giữa các đảng anh em, nhất là giữa Đảng cộng sản Liên Xô và Trung Quốc là điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo cho phong trào cộng sản và công nhân toàn thắng trong công cuộc đấu tranh vĩ đại cho tương lai tươi sáng của toàn thế giới”(2).

Kết quả là ta vẫn giữ được đoàn kết, vẫn tranh thủ được viện trợ to lớn của Liên Xô và Trung Quốc, vẫn buộc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn thương lượng không điều kiện với ta.

Song song với những hoạt động trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo nhiều hoạt động của Đảng và Nhà nước ta nhằm xây dựng mối quan hệ rộng rãi với nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nhân sĩ, trí thức, chính khách, nhà văn hóa có tên tuổi để hình thành một mặt trân nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân ta chống Mỹ xâm lược. Ngay cả với quốc gia đã có lúc là kẻ thù của dân tộc Việt Nam như Pháp, Hồ Chí Minh đã chủ trương duy trì, phát triển quan hệ trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, hoan nghênh thái độ ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, lên án chính sách hiếu chiến của các tổng thống Mỹ. Ngay từ 1954, Người đã nêu rõ: “...Chúng ta sẽ bảo hộ lợi ích kinh tế và văn hóa của người Pháp ở Việt Nam. Chúng ta sẵn sàng đàm phán tiếp tục với chính phủ Pháp để đặt lại mối quan hệ tốt giữa nước ta và nước Pháp trên nguyên tắc bình đảng và hai bên đều có lợi ích. Đồng thời chúng ta mong chính phủ Pháp cũng tôn trọng và thực hiện hiệp định đình chiến”(3).

Góp phần củng cố hoàn bình ở châu Á và trên toàn thế giới

Để phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh nhằm mở rộng quan hệ quốc tế và góp phần củng cố hòa bình ở châu Á và trên toàn thế giới, người thường xuyên nhắc nhở nhân dân ta về những nhiệm vụ của Nhà nước Việt Nam DCCH đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các nước này: Ra sức ủng hộ phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và giành độc lập dân tộc của nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ La tinh, tăng cường quan hệ hữu nghị phát triển sự hợp tác kinh tế và văn hóa với các nước đó trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình: “Đối với tất cả các nước trên thế giới, nước Việt Nam DCCH thiết tha mong muốn duy trì quan hệ hữu nghị và thành thật hợp tác trên cở sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài”(4).

Để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm chính thức hữu nghị một số nước châu Á như Ấn Độ, Mianma năm 1958, Inđônêxia năm 1959... và đón tiếp nhiều đoàn đại biểu cấp cao từ các nước Á, Phi và các đoàn đại biểu của nhiều tổ chức quốc tế sang thăm Việt Nam. Các chuyến viếng thăm nước ngoài của Người được đánh giá cao, đã góp phần to lớn vào việc nâng cao uy tín của nhà nước ta, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và tăng cường hợp tác vì sự nghiệp bảo vệ hòa bình chống chiến tranh xâm lược.

Tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế và mở rộng quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời không quên nhắc nhở phải hoàn thành tốt nghĩa vụ quốc tế, coi giúp bạn là tự giúp mình, nhất là với cách mạng Lào và cách mạng Campuchia. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương ủng hộ mặt trận Lào yêu nước, động viên nhân dân Lào kiên quyết đấu tranh chống âm mưu can thiệp vào Lào của Mỹ, tích cực giúp đỡ Pathet Lào xây dựng lực lượng và phối hợp chiến đấu chống Mỹ.

Với Campuchia, Hồ Chí Minh tuyên bố ủng hộ chính sách hòa bình trung lập của Campuchia, ủng hộ Campuchia khi họ bị chính quyền ngụy Nam Việt Nam và Thái Lan uy hiếp, đồng thời làm cho chính giới Campuchia hiểu rõ hơn và ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam chống Mỹ. Chủ trương này đã được Hồ Chí Minh khẳng định trong diễn văn khai mạc Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9-1960: “Trong cuộc đấu tranh chung để bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc ở Đông Dương, nhân dân Việt Nam ta kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Lào hiện nay nhằm chống đế quốc Mỹ, đưa nước Lào lên con đường hòa hợp dân tộc, độc lập thống nhất và hòa bình trung lập. Chúng ta thành tâm mong rằng quan hệ hữu nghị giữa nước ta và các nước láng giềng, trước hết là Campuchia và Lào được xây dựng và phát triển tốt”(5).

Vì vậy, những năm 1960-1964, trên thực tế đã dần hình thành mặt trận nhân dân ba nước Đông Dương đoàn kết chống Mỹ, kết quả của đường lối đoàn kết đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Vận động nhân dân thế giới ủng hộ cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam

Từ năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà nước ta đã chủ trương vận động nhân dân thế giới, các tổ chức của nhân dân Á, Phi, Mỹ Latinh có hành động phối hợp mạnh mẽ hơn đòi đế quốc Mỹ chấm dứt xâm lược Việt Nam, để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc của mình. Ở nhiều nước đã bắt đầu có những lời kêu gọi thành lập ủy ban đoàn kết với Việt Nam và tháng 4-1967, khi Hội nghị Lơke được tổ chức để lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hồ Chí Minh đã gửi điện cảm ơn tới các vị đứng đầu 5 nước châu Phi (Cộng hòa Arập thống nhất, Angiêri, Ghinê, Môritania và Tandania): “Chúng tôi coi đó là một sự ủng hộ quý báu đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của chúng tôi và là một biểu hiện đẹp đẽ của tình đoàn kết giữa nhân dân các nước Á, Phi”(6).

Bằng những quan niệm đúng đắn về bạn thù, với thái độ thiện chí và tình cảm chân thành, Hồ Chí Minh đã làm cho nhân dân thế giới hiểu đúng hơn về nhân dân Việt Nam. Việt Nam trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là Hội nghị quốc tế chống đế quốc bảo vệ hòa bình thế giới họp tại Hà Nội tháng 11-1964. Tham dự hội nghị có 64 đoàn đại biểu đến từ 52 nước và nhiều tổ chức quốc tế. Đánh giá về hội nghị này, Hồ Chí Minh nói: “Hội nghị lịch sử này là kết tinh của mặt trận nhân dân toàn thế giới đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân” và Người tỏ ý tin tưởng rằng, “sau hội nghị này, tình đoàn kết vĩ đại và làn sóng đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc thực dân sẽ dâng cao hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa”(7).

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta, Người đã giáo dục toàn dân phân biệt rõ ràng thực dân cướp nước, bọn đế quốc hiếu chiến với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý ở các nước đi xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất coi trọng sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ Mỹ, Người đã tích cực thúc đẩy phong trào quần chúng Mỹ chống chiến tranh ở Việt Nam. Trong thư gửi nhân dân Mỹ (1-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: “Nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam không thù oán gì nhau... nhân dân Việt Nam kính trọng các bạn là một nước đầu tiên phất cờ chống chủ nghĩa thực dân và chúng tôi mong muốn có quan hệ hữu nghị với các bạn”(8).

Tiếng nói chính nghĩa của Hồ Chí Minh đã tác động sâu sắc tới nội bộ nước Mỹ, phân hóa hàng ngũ kẻ thù, khiến ngày càng nhiều người, nhiều tầng lớp nhân nhân Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta, lên án chính quyền Mỹ và đòi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Người đã nhận xét với nhà báo Anh, Phêlích Gơirin (18-11-1965): “...nhân dân chúng tôi đánh giá rất cao cuộc đấu tranh ấy của nhân dân Mỹ. Chúng tôi rất cảm động trước những tấm gương anh dũng hy sinh của cụ bà Henga Hecdơ và của chiến sĩ hòa bình Norman Morixơn, Rôgiơ Lapotơ và Xilin Gancaoxki...”(9). Có thể nói những phong trào trên đã bùng nổ và lan rộng chưa từng có trong nước Mỹ, đưa tới đỉnh cao là những “mùa hè nóng bỏng” vào những năm 1967-1968 với những cuộc biểu tình diễu hành được tổ chức cùng một lúc trong 120 thành phố của nước Mỹ.

Không chỉ thể hiện ước vọng hòa bình, tình thân ái của nhân dân ta với nhân dân Pháp và Mỹ, nhiệt liệt hoan nghênh sự ủng hộ của nhân dân Pháp, Hồ Chí Minh còn luôn giáo dục quân dân ta giữ gìn truyền thống nhân đạo, bao dung của dân tộc và đích thân Người còn thể hiện những cử chỉ đầy lòng vị tha đối với cả sĩ quan binh lính bị bắt hoặc đầu hàng của đối phương. Người thực sự tượng trưng cho truyền thống “lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn” của nhân dân ta và điều đó làm cho kẻ thù xâm lược bị khuất phục.

Nhìn lại lịch sử của công cuộc xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất đất nước của Đảng ta và nhân dân ta (thời kỳ 1954-1969), thấy rõ được trí tuệ thiên tài Chủ tịch Hồ Chí Minh với: đức độ khiêm nhường, thái độ thiện chí, đã vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, từ trong những mối quan hệ chồng chéo, phức tạp của thời đại, đề ra được những đường lối, phương châm, phương pháp, đối sách, ứng xử... đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với mỗi tình hình, mỗi giai đoạn cách mạng, nên đã phát huy được tối đa sức mạnh dân tộc trong sự kết hợp với sức mạnh thời đại như Người đã khẳng định: “Sự đoàn kết quốc tế có một ý nghĩa to lớn đối với chúng tôi. Đúng là trước hết chúng tôi phải dựa vào sức mình, song chúng tôi còn được sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của nhân dân các nước khác. Vì như vậy, chúng tôi có cả sự đoàn kết quốc tế”(10), nhờ vậy “mà chúng tôi đã chiến đấu vả giành được những thắng lợi to lớn”(11).

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành đổi mới mở cửa, hội nhập với thế giới, lợi dụng tình hình đó, các lực lượng đế quốc đang đẩy mạnh diễn biến hòa bình dưới nhiều hình thức, nhằm làm suy yếu, tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trước bối cảnh đó, để đứng vững và phát triển, chúng ta phải kế thừa và vận dụng tốt tư tưởng cũng như đường lối đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh, xử lý khéo léo, nhạy bén trước mỗi tình hình, trước mỗi quan hệ, theo tinh thần dĩ bất biến, ứng vạn biến, kiên địch mục tiêu, linh hoạt mềm dẻo về sách lược, giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ nhưng cũng biết đối thoại, nhân nhượng khi cần thiết để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những thời điểm khó khăn, tạo được thế đứng lâu dài và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

__________

1, 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.386, 339.

2, 5. Sđd, tập 10, tr.235, 200.

4. Sđd, tập 8, tr.53.

6, 10, 11. Sđd, tập 12, tr.255, 70, 576.

7, 9. Sđd, tập 11, tr.344, 545.

8. Thư gửi nhân dân Mỹ (tháng 1-1962), lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 311, tháng 5-2010

Tác giả : Trần Thị Thắm

;