HALLYU, SỨC MẠNH TRUYỀN THÔNG VĂN HÓA HÀN QUỐC

 

1. Hiện tượng làn sóng Hàn Quốc (Hallyu)

Hàn Quốc là một trong top 10 nước xuất khẩu văn hóa hàng đầu thế giới, làn sóng Hàn Quốc - Hallyu (1) - bắt đầu với việc xuất khẩu các sản phẩm phim truyền hình như Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông  Nàng Dae Jang Geum khắp Đông và Đông Nam Á. Sự thành công nhanh chóng của phim truyền hình Hàn Quốc kéo theo sự nổi tiếng của phim nhựa, âm nhạc đại chúng Hàn Quốc (K pop), ẩm thực và tiếng Hàn. Từ Hallyu hiện nay cũng ám chỉ nền kinh tế đang lên của Hàn Quốc và sự nổi lên của các tập đoàn đa quốc gia đến từ đất nước này như Samsung, LG và Hyundai.

Truyền thông quảng bá về văn hóa truyền thống là một trong những yếu tố tập trung hàng đầu của Hàn Quốc trong chiến lược đẩy mạnh làn sóng Hàn. Đối với Hàn Quốc, văn hóa một trong năm yếu tố tạo nên sức mạnh quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa thông tin. Ông Ma Young Sam, viên chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, cho biết: “Khi người nước ngoài chú ý nhiều hơn đến những ca sĩ, điện ảnh Hàn Quốc thì từ từ họ sẽ phát triển một niềm yêu thích với những sản phẩm Hàn Quốc và sẽ mua chúng. Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng để thúc đẩy”. Do đó, để hiểu thành công của Hàn Quốc, cần phải hiểu được thứ quyền lực mềm đã được hoạch định một cách toàn diện trong chiến lược phát triển văn hóa; hiểu vị trí của sức mạnh văn hóa Hàn Quốc, liên quan đến giá trị thị trường và tiềm năng phát triển thị trường của nó trong môi trường cạnh tranh xuyên quốc gia.

Văn hóa trong kích thước của khái niệm quyền lực mềm (2)

 

 

Các chiều tương tác tạo nên sức mạnh mềm ở Hàn Quốc (3)

 

 

Có thể thấy văn hóa là một trong những nguồn lực tương tác để tạo nên sức mạnh quốc gia cho Hàn Quốc trong thời đại toàn cầu hóa thông tin. Quyền lực mềm từ Hallyu đã mang lại giá trị kinh tế to lớn cho Hàn Quốc. Ví dụ, các doanh nghiệp Hàn Quốc thâm nhập sản phẩm của mình tại các thị trường quốc tế dễ dàng hơn các đối thủ cạnh tranh khác trong những năm gần đây thu hút nhiều khách du lịch tới các điểm du lịch phi truyền thống, chủ yếu liên quan đến bối cảnh trong các bộ phim truyền hình và phim ảnh Hàn Quốc (ví dụ, lượng khách du lịch Nhật Bản đến Hàn Quốc tăng vọt sau khi phát sóng Bản tình ca mùa đông). Có thể nói, Hallyu chính là phương tiện ngoại giao văn hóa là sản phẩm thương hiệu quốc gia (tài sản vô hình).

Khi mới bắt đầu, Hallyu chỉ tập trung vào lĩnh vực K pop (4), nay đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực như phim ảnh, thời trang du lịch…

Các lĩnh vực trong làn sóng Hallyu

 

 

 

Phạm vi mở rộng của Hallyu đã thúc đẩy hình ảnh tổng thể và nhận thức của bên ngoài về Hàn Quốc và ngược lại, hiệu ứng này đã mang lại thành công to lớn về kinh tế. Theo Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc, Hallyu đã tạo ra khoảng 4,5 tỷ USD lợi ích kinh tế cho Hàn Quốc năm 2008, chẳng hạn có nhiều du khách đến tham quan du lịch tại đây và sử dụng sản phẩm của Hàn Quốc như điện thoại di động, thiết bị gia dụng và hàng hóa khác. Điều này đã mang đến một phiên bản toàn diện của Hàn Quốc trên toàn cầu từ hiện tượng Hallyu.

2. Các thành tựu của Hàn Quốc từ Hallyu

Phim truyền hình (drama): lĩnh vực phim truyền hình đã đóng góp đáng kể nhất cho Hallyu. Trong các thể loại như hoạt hình, phim tài liệu và phim truyện…, phim truyền hình chiếm tỷ trọng và doanh thu cao.

Thống kê doanh thu các chương trình truyền hình của Hàn Quốc từ 2001 - 2008 (6)

Đơn vị tính: Triệu USD

Năm

Phim truyền hình

Hoạt hình

Nội dung khác

(phim tài liệu, điện ảnh, và các nội dung truyền thông khác)

Doanh thu

%

Doanh thu

%

Doanh thu

%

2001

12,2

64,3%

3,7

19,8%

3

15,9%

2005

101,6

92%

2,7

2,2%

7,2

5,8%

2006

85,6

68,2%

3,8

2,8%

44,2

29,9%

2007

96,4

89,7%

5,4

3,4%

11,2

6,9%

2008

105,4

91,1%

8,1

4,6%

7,7

4,3%

Ngoài sự tăng trưởng về số lượng, giá thành cho mỗi tập phim cũng tăng lên đáng kể. Trước năm 2001, một tập phim truyền hình Hàn Quốc có giá trung bình dưới 1.000 USD, nhưng đến năm 2005 đã tăng lên 6.000 USD, tương đương với một chương trình truyền hình của Mỹ. Đỉnh điểm về giá bán các tập phim Hàn Quốc là 19.000 USD/ tập cho bộ phim truyền hình Ván bài định mệnh (All in), mức giá cao nhất mà phim Hàn Quốc đạt được vào năm 2008, mang về 3 triệu USD cho các nhà làm phim. Tuy nhiên, ở các bộ phim khác, giá trung bình các tập phim đạt được có mức dao động từ 2000 - 4000 USD/ tập (giai đoạn từ năm 2005 - 2008), cụ thể là 4.600 USD trong năm 2006, 2.500 USD năm 2007 và 3.900 USD vào năm 2008 (7).

Phim điện ảnh: Ngoài kênh phim truyền hình, truyền thông văn hóa Hàn Quốc còn thành công trên lĩnh vực quảng bá qua điện ảnh. Từ năm 2006, Hàn Quốc đã trở thành thị trường phim lớn thứ bảy trên thế giới với doanh thu đạt khoảng 620 triệu USD mỗi năm. Tuy chi phí làm phim ít hơn Hollywood, cao nhất khoảng 100 triệu USD/ dự án phim, nhưng với những bộ phim như Silmido Taegugki, với hiện tượng phá vỡ kỷ lục các phòng vé, cho thấy ngành công nghiệp phim Hàn Quốc có khả năng sản xuất được những bộ phim mang giá trị thương mại rất lớn (8), nâng thương hiệu made in Korea lên một tầm cao mới, mang lại sự bùng nổ cho ngành công nghiệp phim trong nước.

Hơn nữa, sự hấp dẫn của một số bộ phim Hàn Quốc hiện nay còn đóng một vai trò quan trọng trong kinh doanh quốc tế với các nước khác. Tổng kim ngạch xuất khẩu điện ảnh Hàn Quốc đã tăng từ 492.000 USD trong năm 1997 lên gần 76 triệu USD trong năm 2005, với thị trường chính là Nhật Bản. Ở đỉnh cao của Hallyu, chi phí bản quyền cho một bộ phim có sự tham dự của các ngôi sao hàng đầu như Jang Dong Gun hay Lee Byung Heon được trả từ 2 - 5 triệu USD (9). Đặc biệt với bộ phim Tuyết tháng Tư (April Snow) của đạo diễn Jin-ho Hur được trả tới 7 triệu USD - mức giá cao nhất từ trước tới nay cho một bộ phim Hàn tại Nhật Bản. Để giành quyền ưu tiên phát hành, một số nhà phát hành không chỉ tranh thủ đặt mua trước hoặc trong thời gian sản xuất mà còn tiến tới giúp vốn sản xuất và liên kết sản xuất với các nhà làm phim Hàn Quốc.

Âm nhạc: K pop cũng nhận được một lượng lớn sự chú ý ở các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là các nước châu Á. Sự thu hút ban đầu của K pop được tạo ra bởi cá nhân như ca sĩ như Rain (nam ca sĩ), Jang Nara, Boa (nữ ca sĩ). Trong đó, Rain được biết đến nhiều bởi phong cách thể hiện độc đáo của cá nhân kết hợp giữa nguồn gốc từ văn hóa châu Á và phong cách R&B của Mỹ, có sự sáng tạo, độc đáo và nhạy cảm, tinh tế hơn với biên đạo được kết hợp giữa khiêu vũ cổ điển và võ thuật. Năm 2005, vé cho buổi hòa nhạc của Rain ở Hong Kong lên tới 300 USD. Số lượng phát hành album thứ ba của Rain lên tới 92.000 bản tại các thị trường Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, và Indonesia. Và hơn 130.000 fan hâm mộ tham gia tour du lịch châu Á mang tên Rainy Day, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12-2005. Bên cạnh đó, Rain còn tham gia diễn xuất trong các bộ phim và phim truyền hình Hàn Quốc để tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.

Nhìn chung, các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc như phim truyền hình, phim điện ảnh, và nhạc K pop đã cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp văn hóa mà Hàn Quốc đã định hướng. Các nhân vật nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông vẫn tiếp tục mê hoặc người hâm mộ, lôi kéo họ đến các buổi hòa nhạc hoặc các sự kiện họp fan hâm mộ ở khắp nơi. Do đó, các sản phẩm truyền thông Hàn Quốc đã làm tăng mức độ quan tâm của quần chúng đến với văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Và, đến lượt nó, văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã dẫn nhiều du khách châu Á đến thăm Hàn Quốc.

Du lịch: Thành công của Hallyu là tạo được một ảnh hưởng lớn đến du lịch Hàn Quốc, mà chủ yếu vì sự phổ biến của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, điển hình là Bản tình ca mùa đông, với giá trị kinh tế của bộ phim ước tính lên hơn 2,3 tỷ USD tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, du lịch trở thành một nguồn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Hàn Quốc. Từ năm 1988, ngành du lịch đã đóng góp tới 4% tổng sản phẩm nội địa của Hàn Quốc (GDP)(10). Kết quả là, từ năm 2001 đến năm 2002, chính phủ đã tăng các khoản hỗ trợ cho ngành công nghiệp du lịch, khiến doanh thu đạt được tăng 942% (vượt khoảng 160 triệu USD) (11). Cũng theo thống kê của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO) (2009), số lượng khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc năm 2004 tăng 968.000 lượt so với các năm trước. Trong đó, các điểm đến được khách du lịch chọn ghé thăm khi đến Hàn Quốc chủ yếu là các địa điểm quay của các bộ phim truyền hình và họ mua nhiều các kỷ vật từ trong các bộ phim tại các cửa hàng lưu niệm ở đây.

Rõ ràng, Hallyu đã có một tác động đáng kể vào Hàn Quốc. Nền kinh tế của Hàn Quốc đã được hưởng lợi từ ngành công nghiệp truyền thông và Hallyu đã mở ra nhiều cánh cửa cơ hội cho Hàn Quốc bước ra thế giới. Sự thành công của Hallyu có sự tham gia không nhỏ của công nghệ truyền thông, nhờ sự hợp tác giữa văn hóa và các phương tiện truyền thông Hàn Quốc.

Mô hình tích hợp văn hóa và truyền thông

 

 

Mô hình trên cho thấy Hallyu là sự tích hợp giữa hai tầng vĩ mô và vi mô.

Ở tầng vĩ mô: là một tương tác mạnh mẽ giữa các mối quan hệ bao gồm giới truyền thông, các nhà sản xuất và xuất khẩu văn hóa, các học giả khoa học có liên quan và các nhà nghiên cứu; chính phủ Hàn Quốc.

Ở tầng vi mô: là sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống được phổ biến qua các nhà phân phối địa phương. Qua các luồng thông tin, các sản phẩm này thu hút được các công ty nước ngoài tham gia tài trợ tại một cấp độ vi mô. Khi đó, nội dung truyền thông mới được sản xuất qua các công ty, tập đoàn đa quốc gia, biến đối thành sản phẩm văn hóa cung cấp thị trường toàn cầu.

Có thể nói, ngành công nghiệp truyền thông Hàn Quốc đã có sự tích hợphệ thống các yếu tố quan trọng ở nhiều cấp độ. Mặc dù Hallyu không có một phong cách thống nhất hoặc một sự thay đổi theo hướng cố định nhưng đã trở thành một hiện tượng bắt nguồn từ Hàn Quốc lan truyền với thế giới. Thành công của Hallyu là sự kết hợp đa tầng, đa chiều và năng động. Bắt đầu từ cuối những năm 80 TK XX, Hàn Quốc đã cởi bỏ cơ chế và khuyến khích hoạt động tự do hóa hoạt động của phương tiện truyền thông, đẩy mạnh công nghệ thông tin mới bên cạnh những phương tiện truyền thông truyền thống.

Sự thành công của Hallyu còn là sự hợp tác của các công ty viễn thông và các nhà cung cấp nội dung truyền thông. Gần đây, Công ty Viễn thông Hàn Quốc (Korea Telecommunication - KT), đã quyết định hợp tác cùng Công ty Olive Nine với số tiền đầu tư lên tới 200 triệu USD, trở thành cổ đông lớn nhất trong Olive Nine với thị phần 19,12%. Sự phối hợp này đã tạo ra một cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc hoành tráng với mô hình hội tụ của công nghệ truyền thông và sản phẩm văn hóa, giúp Hàn Quốc có cơ hội tốt hơn trong việc thâm nhập thị trường toàn cầu. KT còn mua lại một bộ phận sản xuất phim của Sidus FNH, tổ chức các buổi biểu diễn lớn và sản xuất được hơn mười bộ phim truyền hình, các chương trình giải trí trong một năm. Đây là trường hợp minh họa cho sự hợp tác giữa các công ty viễn thông và các công ty sản xuất nội dung như một mô hình kinh doanh mới cần được xem xét cho môi trường phương tiện truyền thông kỹ thuật số để tối đa hóa lợi nhuận và tận dụng lợi thế của hiện tượng Hallyu (12).

Chính phủ Hàn Quốc và Viện Phát thanh truyền hình Hàn Quốc (KBI) còn thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa và hợp tác sản xuất. Ví dụ như Công ty phát thanh truyền hình Munhwa Broadcasting Corporation (MBC) - một công ty chi nhánh của đài MBC, đã ký một thỏa thuận hợp tác sản xuất với một công ty sản xuất truyền hình địa phương tại Singapore, Sweet Rain Productions để hợp tác sản xuất các chương trình truyền thông cho địa phương và phân phối ra toàn cầu. Tiêu chí của việc tăng cường hợp tác nhằm địa phương hóa các chương trình giải trí Hàn Quốc, giảm thiểu tình trạng các đài địa phương, đài nước ngoài cắt giờ phát sóng các chương trình made in Korea.

Tương tự, ở Thái Lan, các tập đoàn, công ty giải trí Hàn Quốc cũng hợp tác với các công ty sản xuất truyền thông Thái Lan với hy vọng rằng các nỗ lực hợp tác sẽ giảm xung đột văn hóa giữa hai nước. Việc khuyến khích trao đổi văn hóa hai chiều giúp Hallyu nhẹ nhàng thâm nhập và được chào đón tại các nước mà không bị kỳ thị như một dạng xâm lược văn hóa. Nói cách khác, chiến lược tăng cường hợp tác giữa tư nhân, quốc gia, địa phương và toàn cầu là một trong những thế mạnh làm nên thành công cho công nghệ xuất khẩu văn hóa của Hallyu trên toàn thế giới trong lĩnh vực truyền thông.

Ngoài ra, Hallyu còn tận dụng những thành tựu mới trong công nghệ truyền thông để phân phối nội dung chương trình. Gần đây, sự phát triển công nghệ kỹ thuật số và toàn cầu hóa nhanh chóng đã khiến người tiêu dùng của nền văn hóa pop TK XXI có khả năng hưởng thụ văn hóa, nội dung chương trình giải trí trên nhiều loại phương tiện đồng bộ. Theo một khảo sát của Nielsen NetRatings, khoảng 75% hộ gia đình có truy cập internet băng thông rộng tại nhà, và gần như tất cả mọi người đều trang bị điện thoại di động có khả năng lướt web và xử lý các dịch vụ đa phương tiện. Do đó, số hóa các chương trình để phân phối qua internet đang phát triển nhanh chóng, phù hợp với xu thế của thị trường đang gia tăng trên toàn thế giới. Chẳng hạn, khi SM Entertainment phát hành băng video nhạc phẩm Hoot của nhóm nhạc nữ hàng đầu Girls’ Generation, hay nổi tiếng với tên gọi SNSD trên mạng, thông qua Youtube hồi tháng 10-2010 thì clip này đã nhận được hơn 1 triệu lượt truy cập chỉ trong vòng 2 ngày. Hay ban nhạc 2NE1 của YG trong đợt phát hành 3 video nhạc, nằm trong album chính thức đầu tiên của họ, gồm Clap Your Hands, Can’t Nobody Go Away, thông qua Youtube và website chính thức của họ; kết quả là 3 nhạc phẩm này đã có hơn 10 triệu lượt truy cập chỉ trong vòng 2 tuần. Đặc biệt là ca khúc Clap Your Hands đã trở thành clip được xem nhiều nhất trong ngày trên Youtube với 470.000 lượt truy cập. Taeyang, một thành viên của Big Bang, đã giới thiệu album đầu tay của mình - mang tựa đề Solar - hồi tháng 7/2010 thông qua Youtube mà không hề xúc tiến các hoạt động marketing ở nước ngoài. Album này đã chiếm vị trí thứ 2 về lượng đĩa bán ra của dòng nhạc R&B ở thị trường Mỹ và đứng đầu trên iTunes ở Canada… Cũng nhờ Youtube mà Gangnam Style (PSY) của công nghệ Hallyu đã vượt qua mốc 1 tỉ người xem. Có thể nói ngoài việc giúp quảng bá các sản phẩm mới, Youtube còn tiết kiệm được cho các nghệ sĩ các chi phí marketing. Nếu như trước đây khi phân tích về sự hình thành và phát triển của truyền thông đại chúng, người ta không thể bỏ quan vai trò của tivi và radio, đặc biệt là trong quá trình thương mại hóa các sản phẩm văn hóa đại chúng như phim ảnh hay các album nhạc, thì nay, bên cạnh tivi và radio, người ta không thể bỏ qua vai trò của internet toàn cầu, nhất là trong bối cảnh hội tụ truyền thông hiện nay.

Bên cạnh đó, sự thành công của Hallyu cũng là do truyền thông Hàn Quốc còn biết cách phối hợp loại hình quảng cáo với nhau rất tốt. Khi quảng cáo truyền hình thực tế đang dần bị gạt ra trong lựa chọn của khán giả thì các kênh mua sắm tại nhà đang dần được thay thế quảng cáo riêng lẻ xen kẽ trong các chương trình. Hơn nữa, khán giả sẽ có thể xem một bộ phim và mua các sản phẩm mà họ đã thấy trong các chương trình thông qua phụ đề hoặc thông báo trước và sau chương trình. Ngoài ra, nội dung và sản phẩm quảng cáo chương trình còn được kết hợp trong nội dung bộ phim hay chương trình thực tế, làm mờ ranh giới nội dung tách ra từ quảng cáo. Bởi tâm lý thông thường, khi người tiêu dùng mua sản phẩm, họ không chỉ muốn được sở hữu sản phẩm đó mà còn mong muốn tiếp cận tới cả một nền văn hóa được chứa đựng bên trong sản phẩm đó. Vì vậy, khi họ tiêu thụ sản phẩm văn hóa Hàn Quốc qua các hình thức chuyển tải trên phương tiện truyền thông như xem bộ phim truyền hình, phim điện ảnh hay nghe nhạc, người tiêu dùng dễ bị tác động bởi những yếu tố văn hóa liên hệ một cách vô ý nhưng lại tiêu thụ các sản phẩm trong vô thức. Do đó, Hallyu đã không sử dụng ngành công nghiệp giải trí để công khai quảng bá sản phẩm của Hàn Quốc, mà lồng ghép vào trong từng sản phẩm văn hóa khi trình chiếu ra công chúng. Điển hình nhất là trên phim truyền hình, âm nhạc, các sản phẩm được lồng ghép để quảng bá như du lịch, thực phẩm, điện thoại, điện thoại di động, máy ảnh, máy tính, mỹ phẩm, quần áo,… Đây là chiến lược mang lại hiệu quả, bởi vì, tiếp thị văn hóa được gắn liền với một hình thức hữu hình trong một chương trình hoặc trong phim, tạo ra một hiệu ứng gần như vô thức cho người xem. Ví dụ, Ahn Jae wook, diễn viên chính trong bộ phim truyền hình Ước mơ vươn tới một ngôi sao, được đại diện cho TV LCD của Samsung. Kết quả là, Samsung chiếm vị trí số một trong thị trường màn hình LCD của Trung Quốc, thay thế Philips (13). Hay tại Việt Nam, sản phẩm Debon của LG được đại diện bởi nữ diễn viên Hàn Quốc Kim Nam Joo trong một chương trình quảng cáo và nhanh chóng chiếm giữ hơn 70% thị trường mỹ phẩm Việt Nam, đánh bại đối thủ Lancôme (Pháp), một trong những công ty mỹ phẩm lớn nhất thế giới. Khi đó, diễn viên, ca sĩ, những người biểu diễn có vai trò như đại sứ thương hiệu cho sản phẩm made in Korea (14).

Nhìn chung, chiến lược xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, đang dần trở thành một dạng quyền lực có khả năng chi phối các mặt đời sống xã hội của một quốc gia theo một cách tự nguyện và tự nhiên từ người nhận, đó là loại quyền lực mềm. Thông qua chiến lược này, khán giả ngành công nghiệp giải trí đang dần dần tiếp xúc với nền văn hóa khác một cách thoải mái, tự nguyện thông qua bộ phim truyền hình, phim ảnh, hoặc các bản nhạc. Theo thời gian, cùng với sự quan tâm ngày một tăng của khán giả, việc tiếp xúc với các sản phẩm còn lại sẽ trở nên hiển nhiên cần có trong các chương trình. Điều đó giải thích vì sao các sản phẩm Hàn Quốc có khả năng gây nên sự thích thú và gần gũi với người xem.

Tóm lại, sự thành công của Hallyu có thể giải thích ở hai cấp độ. Ở cấp độ vi mô, các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc có sự phong phú về thể loại, thu hút được nhiều đối tượng người tiêu dùng. Ở cấp độ vĩ mô, là những nỗ lực phối hợp không ngừng để tạo ra một sức mạnh tổng hợp giữa các ngành công nghiệp truyền thông văn hóa (các công ty viễn thông và nhà cung cấp sản phẩm văn hóa…), cộng đồng khoa học, và chính phủ. Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ, định hướng linh hoạt và đưa ra các chiến lược phát triển ngành công nghiệp sản xuất văn hóa. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp truyền thông Hàn Quốc cũng đã có những thành tựu nhất định khi tạo ra được cơ sở hạ tầng viễn thông tốt nhất thế giới để truyền thông sâu rộng Hallyu trên thị trường toàn cầu. Sự thành công của Hallyu trong chiến lược truyền thông văn hóa toàn cầu là một bài học đáng để cho Việt Nam suy nghĩ.

_______________

1. Hallyu, hay còn gọi là Hàn lưu - làn sóng Hàn Quốc, là tên gọi được bắt nguồn từ cách gọi của một số nhà báo ở Bắc Kinh về sự nổi tiếng nhanh chóng của Hàn Quốc và các sản phẩm của Hàn Quốc trên thế giới ở TK XXI (theo Wikipedia).

2, 3, 5. Jeong Nam Kon, Lan Ni, The Nexus between Hallyu and Soft power: Cultural Public Diplomacy in the Era of Sociological Globalism, Seoul National Press, 2011, tr.134, 137, 438.

4. K pop là từ viết tắt tiếng Anh của nhạc pop Hàn Quốc (còn gọi là nhạc Kayo hay nhạc Gayo). Nhiều nghệ sĩ và nhóm nhạc đã xuất phát từ Hàn Quốc và đã trở nên nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới. Sự phổ biến của K pop thường được xem là một phần của sự nổi lên của các làn sóng Hàn Quốc - Hallyu (Wikipedia).

6, 7, 8, 9, 14. Chua Beng Huat, Koichi Iwabuchi, East Asian Pop Culture: Analysing the Korean Wave, Hong Kong University Press (ebook), 2008.

10, 11, 12, 13. Phan Thị Thu Hiền, Sự tiếp nhận và ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc trong giới trẻ Việt Nam hiện nay (qua khảo sát ý kiến học sinh, sinh viên), Tạp chí Văn hóa và Du lịch, số 9-2013.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014

Tác giả : Tạ Thị Lan Khanh

;