Hà Tĩnh triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Gia đình và xã hội có mối quan hệ mật thiết, khăng khít, tác động qua lại với nhau. Xã hội tốt sẽ là cơ sở hình thành gia đình tốt. Mỗi gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động tạo ra sự biến đổi và phát triển.

Đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Tĩnh, UBND huyện Lộc Hà trao tặng hoa và loa hỗ trợ cho câu lạc bộ thôn Kim Tân (xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) năm 2019

Trong thời gian qua, với quan điểm gia đình là một trong những giá trị tinh thần vô cùng quý báu của nhân loại cần được giữ gìn và phát huy, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác gia đình như Chỉ thị số 49 – CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 3/1/2013 của Chính phủ quy định về công tác gia đình; Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 4/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 28/6 là ngày Gia đình Việt Nam; Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 8/12/2017 của Bộ VHTTDL về thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”; và đặc biệt ngày 24/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW của về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới nhằm phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, phòng, chống tệ nạn xã hội; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Hà Tĩnh tuy không phải là tỉnh được chọn thí điểm triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” nhưng được sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, bằng ngân sách địa phương đã tổ chức xây dựng kế hoạch, lựa chọn và thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại thôn Kim Tân (xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) và tổ dân phố Trần Phú (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên). Từ đó, hướng dẫn cơ sở ban hành các quyết định về thành lập câu lạc bộ (CLB), Ban chủ nhiệm, quy chế hoạt động của CLB. Trong đó, chỉ đạo đồng chí công chức văn hóa xã hội phụ trách lĩnh vực gia đình làm Chủ nhiệm CLB, đồng chí Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố làm phó Chủ nhiệm.

Trong năm 2019, Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã tổ chức lễ phát động, tập huấn cho 200 hộ gia đình nội dung “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, kỹ năng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”.

Sở VHTTDL đã biên soạn tài liệu tuyên truyền về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, chỉ đạo, hướng dẫn 2 đơn vị thí điểm tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh cơ sở. Tài liệu tuyên truyền được biên soạn bám sát nội dung Tài liệu hướng dẫn thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” của Bộ VHTTDL, bao gồm các nội dung sau: văn bản quản lý nhà nước về xây dựng và triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; tìm hiểu chung về gia đình và chức năng của gia đình; văn hóa ứng xử trong gia đình Việt Nam xưa và nay; tiêu chí ứng xử trong các mối quan hệ gia đình; những bài viết tuyên truyền về kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình. Sau khi nhận bàn giao tài liệu tuyên truyền từ Sở VHTTDL, từ 12/8/2019 - 28/10/2020, 2 đơn vị được lựa chọn thí điểm đã thực hiện hơn 100 buổi phát thanh tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đây là kênh thông tin quan trọng, trực tiếp truyền tải những thông tin cần thiết về việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến với toàn thể nhân dân trên địa bàn được lựa chọn thí điểm.

Bên cạnh hỗ trợ chuyên môn, Sở VHTTDL đã phát hơn 1.000 tờ rơi tuyên truyền tiêu chí ứng xử chung: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ; 4 tiêu chí ứng xử cụ thể trong gia đình: Ông bà, cha mẹ gương mẫu, yêu thương con cháu/ Vợ chồng chung thủy, nghĩa tình/ Con cháu hiếu thảo, lễ phép với ông bà, cha mẹ/ Anh chị em hòa thuận, chia sẻ. Sở VHTTDL còn chỉ đạo và hỗ trợ cơ sở treo các phướn, băng rôn tại các trục đường chính, trung tâm địa bàn xã, phường nhằm tuyên truyền tới đông đảo nhân dân trên địa bàn thí điểm với các thông điệp cụ thể như sau: Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; Ông, bà, cha mẹ mẫu mực; con, cháu thảo hiền; Gia đình, nơi của yêu thương và chia sẻ; Vợ chồng chung thủy, nghĩa tình; Anh, chị, em hòa thuận, chia sẻ. Bằng những hình ảnh sinh động, hấp dẫn, dễ nhớ, tạo hiệu ứng nhanh, thu hút được sự quan tâm của nhân dân địa phương. Công tác tuyên truyền trực quan đã góp phần quan trọng trong việc định hướng thông tin về việc triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trên địa bàn xã, thị trấn, thuận lợi cho việc huy động sự tham gia của nhân dân, tạo tiền đề quan trọng để việc triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí đạt được mục tiêu đề ra.

Sau hơn 1 năm triển khai, 2 CLB thí điểm hoạt động khá hiệu quả, hiện nay đã có trên 400 hội viên tham gia. CLB duy trì sinh hoạt hằng tháng theo từng chuyên đề, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung của Bộ tiêu chí, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em. Nhân các ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, CLB đều tổ chức gặp mặt, mời chuyên gia tâm lý và một số gia đình tiêu biểu nói chuyện về kỹ năng tổ chức sắp xếp cuộc sống gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Người dân tại hai địa bàn thực hiện thí điểm cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện. Từ đó, góp phần làm thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, về mối quan hệ và vai trò của mỗi người nhằm xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

Đặc biệt, ở một số gia đình, mối quan hệ “mẹ chồng - nàng dâu” từ chỗ vẫn còn những hiểu lầm nho nhỏ thì sau khi cùng sinh hoạt trong mô hình đã hiểu ra vấn đề và yêu thương nhau hơn. Người chồng cũng tự mình có ý thức hơn trong việc đỡ đần người vợ trong công việc nhà. Việc áp dụng bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình không chỉ đã thay đổi nhận thức của người trẻ mà còn khiến người lớn tuổi cũng cố gắng mẫu mực hơn; xóm làng đoàn kết, văn minh hơn. Đời sống văn hóa trong mỗi gia đình và khu dân cư ở 2 địa phương đã có những chuyển biến mới. Bên cạnh mỗi gia đình đều hòa thuận, êm ấm thì tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết san sẻ yêu thương đùm bọc lẫn nhau nhiều hơn.

Các thành viên của hai CLB đều nhận thức được rằng “trao yêu thương chân thành sẽ nhận lại được sự đền đáp”. Từ đó, mỗi người hiểu rõ về vai trò của mình để có các hành vi, hành động ứng xử phù hợp, hài hòa. Cái được lớn nhất sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình chính là sự thay đổi nhận thức, thái độ của nhiều người về vai trò của ứng xử giữa các thành viên trong mỗi gia đình. 100% hộ tham gia mô hình đều khẳng định rằng thực hiện Bộ tiêu chí đã góp phần xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh trong xã hội.

Trên cơ sở các hộ gia đình đã đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2019, cuối năm 2020, Sở VHTTDL đã tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Bộ tiêu chí của đại diện 200 hộ gia đình đã tham gia đăng ký thực hiện. Kết quả là 200/200 hộ gia đình đã tham gia đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (tỷ lệ 100%); 200/200 hộ gia đình góp ý việc thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình là cần thiết (tỷ lệ 100%). Tại hội nghị sơ kết tiến hành khen thưởng, 12 hộ gia đình tiêu biểu đã có nhiều hoạt động thực hiện tốt thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”.

Có thể nói, việc triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt được một số kết quả bước đầu là do nhận được sự chỉ đạo thống nhất, hướng dẫn cụ thể, chi tiết của Bộ VHTTDL. Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp của các đoàn thể; sự nhiệt tình chung tay vào cuộc của cán bộ và nhân dân trên địa bàn thí điểm. Việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí được triển khai đúng quy trình, tiến độ và phương pháp tiến hành, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng các hoạt động tuyên truyền trọng tâm, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhân dân trên địa bàn thí điểm.

100 hộ gia đình đại diện cho hơn 260 hộ gia đình của tổ dân phố Trần Phú - thị trấn Thiên Cầm ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí

Tuy nhiên, công tác triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trên địa bàn Hà Tĩnh gặp một số khó khăn. Đó là kinh phí để thực hiện thí điểm không nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương mà do ngân sách địa phương bố trí nên còn hạn chế. Ngân sách hỗ trợ các mô hình thực hiện Bộ tiêu chí còn hạn hẹp, mới chỉ hỗ trợ 1 phần cho mô hình thí điểm, dẫn tới việc nhân rộng mô hình hạn chế. Các tiêu chí mang tính trừu tượng cho nên việc đánh giá tính hiệu quả khi thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của các thành viên khó khăn. Nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện Bộ tiêu chí đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình và xã hội. Sự phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của các cấp hội, đoàn thể đôi khi chưa thường xuyên. Tình hình dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt của thành viên các mô hình. Việc trao đổi, tổ chức sinh hoạt bằng các hoạt động vì thế gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, để việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình ngày càng hiệu quả, tỉnh Hà Tĩnh đề xuất các giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân về việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng sinh hoạt CLB, vận động nhân dân tiếp tục thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đa dạng hóa các nội dung, hình thức sinh hoạt của mô hình. Việc duy trì mô hình cần thực hiện chú trọng đến tuyên truyền qua truyền thanh và các nội dung tờ rơi phát cho các thành viên; triển khai hình thức sinh hoạt mới đó là trực tuyến hoặc lập nhóm mô hình mạng xã hội để vẫn đảm bảo hoạt động và tuyên truyền trong thời điểm dịch COVID -19.

Ba là, tăng cường tổ chức tập huấn, cung cấp kiến thức cơ bản về gia đình và các kỹ năng về truyền thông, vận động, tổ chức sinh hoạt mô hình, câu lạc bộ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp.

Bốn là, phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan tiếp tục nhân rộng mô hình Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.

Năm là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả tình hình thực hiện Bộ tiêu chí. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình triển khai thí điểm Bộ tiêu chí.

Sáu là, cần tiếp tục bố trí kinh phí để thành lập và duy trì các mô hình tiếp theo trên địa bàn các tỉnh để phát huy tính hiệu quả của mô hình Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Tác giả: Nguyễn Nga

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

 

;