Ngày 15-4, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố quyết định và trao bằng công nhận các danh hiệu làng nghề và chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2024.
Tại Hội nghị, UBND thành phố đã công nhận 14 làng đạt danh hiệu “Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống” Hà Nội năm 2024. Trong đó: ba làng được công nhận “Làng nghề Hà Nội” gồm: Làng nghề mộc Vạn An (xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây); Làng nghề mộc Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ); Làng nghề may Chung Chản (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên).
UBND TP Hà Nội trao quyết định cho 14 làng nghề truyền thống và chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố
Bốn “Làng nghề truyền thống” được công nhận: Làng nghề thêu thôn Cổ Chất (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín); làng nghề giày da thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên); làng nghề ướp trà sen Quảng Bá (phường Quảng An, quận Tây Hồ).
Bảy “Nghề truyền thống” được công nhận, đó là: Sản phẩm từ cốm phố Hàng Than và đúc đồng Ngũ Xã (cùng ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình); diều sáo làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng); kim hoàn, đậu bạc làng Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai); cốm làng Vòng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); Nghề đậu phụ mơ Mai Động (phường Mai Động, quận Hoàng Mai); ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ).
Đồng thời, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã trao quyết định công nhận cho 108 sản phẩm của 17 quận, huyện được UBND thành phố chứng nhận đạt 4 sao, tiềm năng 5 sao năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết: "Sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 15-1-2025 của UBND thành phố về việc phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; tham mưu cho thành phố trong công tác phối hợp với Hội đồng Thủ công thế giới phê duyệt có thêm ít nhất 2 làng nghề của Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới trong năm 2025".
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống để duy trì, tôn vinh, gắn kết với phát triển sản phẩm OCOP để hình thành các điểm đến du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm.
Đối với các làng nghề, chủ thể OCOP, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo hướng phát triển sản phẩm bền vững theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, cải tiến bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày càng tinh xảo, cuốn hút người tiêu dùng; ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh quảng bá đa dạng trên các nền tảng số, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, lớn nhất toàn quốc. Trong đó, 337 làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố công nhận.
THÁI AN - Ảnh: NGUYỄN TRUNG