Chiều ngày 21-4-2025, Chương trình Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên qua phim truyện điện ảnh “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối", Gặp gỡ Đoàn làm phim và khách mời với chủ đề “Tri ân lịch sử – Truyền lửa thanh niên” đã diễn ra tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Hà Nội. Đây là hoạt động thiết thực nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Các khách mời tham dự buổi giao lưu
Chương trình do Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL cùng các đơn vị Đoàn Thanh niên Bộ Tài chính, Vietnam Airlines, Vietcombank, Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia Việt Nam tổ chức. Chương trình là hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng ý nghĩa dành cho đoàn viên, thanh niên, nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước và trách nhiệm với Tổ quốc.
Thông qua bộ phim điện ảnh có đề tài về chiến tranh, thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận những câu chuyện chân thực về cuộc sống chiến đấu của quân và dân vùng đất thép Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chương trình có sự tham gia của hơn 400 đoàn viên thanh niên đến từ nhiều cơ quan, đơn vị. Tất cả cùng chung tinh thần học hỏi, tri ân và kết nối thế hệ, truyền ngọn lửa yêu nước, tự hào dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị của độc lập dân tộc mà biết bao thế hệ cha anh đã vun đắp. Đặc biệt, chương trình còn vinh dự đón tiếp Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực - nhân chứng lịch sử từng trực tiếp chiến đấu tại địa đạo Củ Chi.
Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Nguyễn Thị Thúy Hà - đại diện cho các đơn vị trong lĩnh vực điện ảnh thuộc Bộ VHTTDL ghi nhận, chương trình là một hoạt động có ý nghĩa của đoàn viên các đơn vị nhằm tri ân với sự hy sinh của các thế hệ đi trước cũng như giúp tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho các đoàn viên để thế hệ trẻ ngày nay hiểu rõ hơn về những gian khổ, tinh thần bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Toàn cảnh chương trình
Phát biểu tại chương trình, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL Lê Minh Đức cho rằng, đối mặt với những thách thức về bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thanh niên trong thời đại mới phải nắm vững lịch sử, hiểu rõ những hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước để từ đó hình thành lòng yêu nước sâu sắc. Bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là một trong những nguồn cảm hứng lớn lao, giúp thế hệ trẻ thêm tự hào về dân tộc mình, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm công dân.
Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là phần giao lưu giữa đoàn viên thanh niên các cơ quan thuộc Đoàn Thanh niên Chính phủ và đoàn làm phim, với sự góp mặt của các nghệ sĩ trẻ: diễn viên Anh Tú (vai Lục Tạc), diễn viên Nhật Ý (vai Ba Hiếu), cùng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và nhà đầu tư Nguyễn Thành Nam.
Chương trình vinh dự đón tiếp Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực
Tại buổi giao lưu, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ về quá trình ấp ủ làm bộ phim này kéo dài 10 năm, từ năm 2014 khi anh có cơ duyên làm một phim 3D dài 10 phút về địa đạo Củ Chi, với rất nhiều nhân chứng là những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu ở Củ Chi năm xưa. Các đoạn tư liệu được sử dụng ở phần cuối phim đều là những trích đoạn phỏng vấn thực hiện từ năm 2014. Câu chuyện vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều chứng nhân lịch sử về cuộc chiến của những người nông dân với một kẻ thù hùng mạnh nhất đã mang đến cho anh một nguồn cảm hứng về một dân tộc nhỏ bé nhưng không thể đánh bại. Nó là tiền đề cho một câu chuyện tuyệt vời mà bộ phim chỉ là một phần rất nhỏ của thực tế.
Bên cạnh sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ban, ngành và địa phương, các nhà đầu tư đã góp công sức rất lớn trong việc thực hiện bộ phim. Tham dự buổi giao lưu, nhà đầu tư Nguyễn Thành Nam bày tỏ sự biết ơn ê-kíp làm phim đã kể lại câu chuyện truyền cảm hứng và tình yêu nước cho các thế hệ khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó là lý do mà các nhà đầu tư muốn đồng hành để giúp đạo diễn có thể thực hiện giấc mơ của mình, và ông cũng bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư sản xuất phim với sự giúp đỡ của Nhà nước. Theo ông, trên khắp đất nước Việt Nam còn rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng như vậy, giúp các bạn trẻ có thể học được những bài học ý nghĩa trong cuộc sống hiện tại.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ tại buổi giao lưu
Hai diễn viên Như Ý và Anh Tú chia sẻ về những ngày tháng quay phim. Trong khi Như Ý vào vai cô du kích Ba Hiếu kể lại cảm giác khi trải nghiệm khám phá địa đạo, làm quen với môi trường chật hẹp, súng đạn, thuốc nổ thì Anh Tú cho rằng so sánh trải nghiệm trong địa đạo với thời gian phục vụ quân đội, cảm giác hoàn toàn khác biệt. Cả hai cũng cho rằng để vào vai thật chân thực cần hiểu rõ, phân tích tâm lý nhân vật và hoàn cảnh để diễn xuất tốt. Trả lời câu hỏi của một đoàn viên về cái tên nhân vật Lục Tạc, Anh Tú cho biết đây là tên một nhân vật có thật, một chiến sĩ du kích đã hy sinh. Vai diễn này đã để lại cho anh ấn tượng sâu sắc bởi không chỉ là cái tên nhân vật, đây còn là câu chuyện về một con người đã hy sinh cho đất nước, anh muốn thể hiện tình yêu và lòng biết ơn qua nhân vật đặc biệt này.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng tiết lộ, tên các nhân vật chính trong phim đều là tên những người du kích từng chiến đấu ở địa đạo Củ Chi, từ Bảy Theo, Ba Hương, Tư Đạp (từ tên của AHLLVT Tô Văn Đực), Lục Tạc đến Sáu Lập… người còn sống, người đã hy sinh. Theo lời những người còn sống kể lại, anh muốn giữ nguyên tên của họ và đưa vào phim. Điều khiến anh xúc động nhất khi đi tìm tư liệu về họ là khi tìm được một trích đoạn được đưa vào phần kết phim, hình ảnh các du kích đang chế tạo bom, đun thuốc nổ y như Tư Đạp đã làm trong phim.
Tham dự buổi chiếu phim với tư cách đoàn viên thanh niên của Bộ VHTTDL, diễn viên Thu Quỳnh bày tỏ sự xúc động với những cảnh quay chân thực khiến khán giả ngộp thở trong phim, cũng như được sống cùng câu chuyện với diễn xuất sống động của các diễn viên. Dường như họ không vào vai, không dùng kỹ thuật biểu diễn mà tình yêu nước sâu thẳm trong từng tế bào của mỗi diễn viên giúp họ hóa thân thành vai diễn, khiến khi xem phim, tình yêu nước cuộn trào trong mỗi khán giả. Cô đặt câu hỏi, mất thời gian bao lâu để diễn viên có thể hiểu và sống với nhân vật như vậy?
Diễn viên Thu Quỳnh giao lưu cùng đoàn làm phim
Trả lời câu hỏi này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, một trong những yếu tố phức tạp nhất của bộ phim chính là diễn viên. Các diễn viên không chỉ phù hợp vai diễn mà còn phải rèn luyện thể lực, làm quen với môi trường địa đạo và quan trọng nhất là tìm cảm xúc, tư liệu từ chính những người du kích địa đạo. Họ phải cống hiến hết mình, giảm cân, đầu tư thời gian thể hiện khả năng tâm lý phức tạp. Dự án phim trải qua quá trình sản xuất kéo dài, bắt đầu casting từ 2 năm trước, các diễn viên cố gắng vượt qua bằng việc duy trì thể trạng tốt và tâm lý ổn định. Đoàn phim tạo môi trường làm việc thân thiết, gắn kết thông qua thời gian dài tập trung trước khi quay. Họ gọi nhau bằng tên nhân vật, tạo cảm giác như đang sống trong vai diễn. Quá trình hai tháng tập huấn quân sự, bao gồm một tháng trong trường quay mô phỏng môi trường sống thực tế được thiết kế để diễn viên nhập vai hoàn toàn, tin mình là nhân vật. Buổi sáng tập luyện thể lực, buổi chiều tập luyện các cảnh quay. Môi trường làm việc và điều kiện sống này đã hỗ trợ tâm lý và thể trạng diễn viên trong hành trình ghi hình đầy thách thức với nhiều cảnh quay đòi hỏi sự hy sinh, cống hiến và kết quả đạt được đã xứng đáng với nỗ lực bỏ ra.
Với sự chuẩn bị công phu, tổ chức chuyên nghiệp và nội dung ý nghĩa, chương trình giao lưu không chỉ để tưởng nhớ những đóng góp hy sinh của thế hệ cha anh, mà còn là dịp để nuôi dưỡng tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ hôm nay. Qua đó, Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL và các đơn vị phối hợp tổ chức mong muốn lan tỏa mạnh mẽ thông điệp: Biết ơn quá khứ - sống trách nhiệm với hiện tại - kiến tạo tương lai.
NGÔ HỒNG VÂN