Giáo dục đạo đức liêm chính là cái gốc để phát triển văn hóa trong giai đoạn mới

Ngày 24-11-2021 tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt đưa ra những chủ trương lớn, quyết sách mới, đột phá về việc phát triển văn hóa được Đảng ta xác định là nền tảng tinh thần của xã hội để góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trong khuôn khổ bài viết này, xin chỉ bàn tới “đạo đức liêm chính” của người cán bộ, đảng viên và vai trò của tổ chức đảng trong việc giáo dục đạo đức liêm, chính đối với cán bộ, đảng viên để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới.

Trong bài viết “Một số vấn đề và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới…” (1).

Nghị quyết Trung ương số 33-NQ/TW ngày 5-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp…”. Chúng ta đều biết, “liêm” và “chính” là hai trong bốn đức tính cốt lõi của con người: cần, kiệm, liêm, chính. Đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên, bốn đức tính ấy là nội dung cốt lõi, phản ánh đạo đức cách mạng, là “nền tảng của đời sống văn hóa mới”, là phẩm chất trung tâm của đạo đức, là mối quan hệ đối với “tự mình” của người cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bốn đức tính cần có ấy của con người, giống như “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Mức độ cần, kiệm, liêm, chính trong Đảng mà trực tiếp của mỗi cán bộ, đảng viên chính là trình độ văn minh, sự phát triển văn hóa của một dân tộc vì Đảng ta là Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.

Thực tiễn xây dựng chính Đảng Mác-xít đã chứng minh, đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước nếu không thực hiện tốt đạo đức cách mạng, không làm tốt nhiệm vụ chống tha hóa, hủ bại, suy thoái đạo đức, lối sống thì càng ngày sẽ càng trở nên khó khăn, gian nan và đứng trước nhiều thách thức lớn hơn. Muốn thực hiện có hiệu quả xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì càng cần phải nâng cao năng lực chống tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên, thường xuyên thực hiện đạo đức liêm, chính trong Đảng. V.I. Lênin đã chỉ ra rằng, điều nguy hiểm nhất của một đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước chính là xa rời quần chúng. Vậy, cái gì khiến đảng xa rời quần chúng? Đó chính là tình trạng tha hóa, biến chất ngay trong nội bộ của Đảng Cộng sản. Trên thực tế, nhiều đảng cầm quyền trên thế giới tự suy vong, tự đánh mất mình khỏi vũ đài chính trị chính là do sự tha hóa, biến chất trong đảng, đảng không còn đủ uy tín trong lòng nhân dân. Đảng chỉ có thể cầm quyền khi vẫn còn đủ uy tín bởi phẩm chất trong sạch, giữ được phẩm chất liêm, chính và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng đã cảnh báo rất rõ: “Những hạn chế, khuyết điểm hiện nay trong Đảng đang làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

Thực tế ấy đã và đang diễn ra với Đảng ta. Bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện đạo đức liêm, chính nghiêm túc thì có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã giảm sút nghiêm trọng, suy thoái về đạo đức, lối sống, gây nhiều hệ lụy trong Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ. Điều đáng quan tâm là, các đối tượng bị xử lý kỷ luật hầu hết đều là cán bộ, đảng viên có vai trò chính trong các vụ việc vi phạm. Chỉ riêng thành phần thuộc diện Trung ương quản lý từ đầu khóa XII đến nay đã có hơn 100 trường hợp bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều người vi phạm pháp luật đã bị xử lý hình sự. Đáng chú ý, có trường hợp là Ủy viên Bộ Chính trị, một số Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng do không thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã bị “rơi vào vòng lao lý”! Qua kết quả nêu trên, cùng với những vụ án lớn nghiêm trọng tại các ngân hàng, tập đoàn kinh tế, đến các vụ việc xảy ra ở một số tỉnh, thành trong thời gian qua… đã phản ánh rõ tinh thần liêm, chính trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không còn được giữ vững và thậm chí còn bị tha hóa nghiêm trọng. Đáng tiếc là, những cán bộ, đảng viên sai phạm phần lớn là những người được Đảng và Nhà nước đào tạo cơ bản, có hiểu biết pháp luật, nhưng đã không vượt qua được cám dỗ hay nói như một nhà văn nổi tiếng thế giới là “đã bị hơi lạnh của đồng tiền truyền qua người” dẫn đến làm trái các quy định của Đảng và Nhà nước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên đã được nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Trong thời gian dài, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể đã buông lỏng công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đảng viên thiếu được tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.

Hơn lúc nào hết, các cấp ủy Đảng cần hết sức coi trọng giáo dục đạo đức liêm, chính cho cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện lịch sử mới, mở cửa và phát triển kinh tế thị trường, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền, luôn đứng trước những cám dỗ, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải luôn giữ mình liêm, chính; phải cảnh giác như “đi trên băng mỏng”, như “đứng trước vực sâu” mới có thể vượt qua sự trói buộc của công danh, lợi lộc, để không hành động vì quyền lực, không bị ham muốn dụ dỗ, không để “hơi lạnh của đồng tiền truyền qua người”, mãi mãi không bao giờ bị vật chất đánh bại. Trách nhiệm của các tổ chức đảng là rất lớn trong việc xây dựng văn hóa trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước để giáo dục đạo đức liêm, chính cho cán bộ, đảng viên mới ngăn chặn và đẩy lùi nạn tham nhũng mà Đảng ta xác định đó là giặc “nội xâm”!

Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có thái độ làm việc nghiêm túc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng lối sống trong sáng, liêm, chính, gương mẫu, đấu tranh quyết liệt với tình trạng suy thoái biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Đối với những vấn đề lớn có hệ lụy đến sự tồn vong của Đảng, các tổ chức Đảng không chỉ coi trọng về mặt tư tưởng mà còn phải hết sức coi trọng về mặt hành động, vừa kiên quyết vừa quyết đoán, có thể phải “kỷ luật một vài người để cứu muôn người” như thông điệp đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm.

Giáo dục đạo đức liêm, chính đối với cán bộ là một nhiệm vụ khó khăn, thường xuyên, lâu dài, xuyên suốt quá trình xây dựng Đảng. Trong điều kiện cơ chế, chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ và còn có nhiều sơ hở chưa đủ răn đe, trừng phạt, nếu tinh thần liêm, chính không được giáo dục thường xuyên và tự giác thực hiện, khi có chức, có quyền, cán bộ, đảng viên dễ bị tha hóa, biến chất. Vì thế, tổ chức đảng các cấp, các ban, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội, bên cạnh việc giáo dục liêm, chính, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức của Đảng ngay từ lúc mới bắt đầu manh nha. Đồng thời, cần phát hiện, giúp cho tổ chức đảng và các cơ quan pháp luật nghiêm khắc với những phần tử sai phạm để giành được thành quả trong công tác xây dựng Đảng, tạo niềm tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Các cấp ủy đảng cần hết sức coi trọng giáo dục đạo đức liêm, chính gắn với giáo dục tinh thần nêu gương. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương cho cấp dưới. Vì vậy, khi các đồng chí lãnh đạo cấp cao thật sự gương mẫu, trong sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu biểu cho trí tuệ và đạo đức của toàn Đảng sẽ tích cực xây dưng đội ngũ cán bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW mà Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra. Song, với tinh thần mọi đảng viên đều bình đẳng trước Điều lệ, các nguyên tắc, quy định của Đảng thì chúng ta cũng phải thấm nhuần tư duy kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trên tinh thần đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chúng ta đều biết khi xử lý đồng chí của mình là một việc khó khăn, nhạy cảm như ông cha ta đã nói: “Việc với nước là việc lớn nhưng việc giữa người với người cũng là việc không nhỏ” nhưng vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải kiên quyết thực hiện theo pháp luật.

Khi tiến hành giáo dục đạo đức liêm, chính cho cán bộ, đảng viên các cấp ủy đảng phải thấm nhuần phương châm “có xây, có chống và xây trước chống sau” theo tinh thần: lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực để việc giáo dục đạo đức liêm, chính ngày càng hiệu quả và đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới. Đồng thời cũng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nếu Đảng ta không thực sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ thì Đảng không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên”.

Cùng với đó, phải tăng cường tuyên truyền việc các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát để giáo dục đạo đức liêm, chính thật sự đi vào cuộc sống. Cần phải đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra không chỉ phát hiện những tổ chức đảng, những cán bộ, đảng viên thực hiện chưa tốt hoặc vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước mà cần phải phát hiện, cổ vũ, biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến của các tổ chức đảng trong việc thực hiện tốt các phong trào văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị, xã hội để cung cấp kịp thời cho các cơ quan truyền thông báo chí tuyên truyền. Điều đó sẽ tạo ra sự lan tỏa trong Đảng, trong xã hội để thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Do vậy, để hiện thực hóa quan điểm trên của Đảng đi vào cuộc sống thì việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng giữ vai trò quyết định. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra việc “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới” (2). Chúng ta tin rằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với các chủ trương lớn, chính sách mới, đột phá về phát triển văn hóa của Đảng trong giai đoạn tới sẽ góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn tại Hội nghị: “Tôi tha thiết mong rằng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới” (3).

______________

1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.11-20.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143.

TS BÙI THẾ ĐỨC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

;