Gala xiếc & Ảo thuật ba miền 2024

Nhân dịp kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2024), vừa qua, từ 27/4-1/5, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt chương trình đặc biệt Gala xiếc & Ảo thuật ba miền 2024, quy tụ các nghệ sĩ xiếc, ảo thuật nổi tiếng trên khắp cả nước.

Chương trình là sự hòa quyện văn hóa ba miền Bắc - Trung - Nam thông qua nghệ thuật xiếc và ảo thuật. Khán giả Thủ đô có cơ hội được gặp các nghệ sĩ xiếc và ảo thuật đã giành nhiều giải thưởng cao quý trong các cuộc thi xiếc và ảo thuật trong nước và quốc tế. Chương trình do NSND Tống Toàn Thắng viết kịch bản và đạo diễn; NSND Trần Mạnh Cường là chủ nhiệm chương trình.

Tiết mục mở màn "Sắc màu quê hương" mang đến cho khán giả không khí tươi vui, rực rỡ sắc màu văn hóa ba miền đất nước

Mở đầu là tiết mục Sắc màu quê hương, lấy bối cảnh trên nền nhạc đồng quê Bắc Bộ. Một anh nông dân xuất hiện cùng một chú trâu, xung quanh là những cô gái tay cầm quạt lụa, bên cạnh là các cô gái tay cầm bó lúa. Tốp nữ khác trong trang phục áo dài trắng tay cầm nón lá múa kết hợp. Ba tốp nghệ sĩ nữ thể hiện cho ba vùng miền trên đất nước Việt Nam, cùng múa quạt, tung hứng bó lúa, múa và tung nón, tạo nên không khí sôi động. Từ hai bên, các nghệ sĩ nam tay cầm những cây tre dài, chạy ra theo đội hình vòng tròn, sau đó vào vị trí hàng một làm sóng lượn, phối hợp tre đổ thành hai hàng, kết hợp với tốp nữ múa. Đôi nam ở giữa đu dây lên cao, tốp tre tạo hình theo vòng tròn. Các nghệ sĩ nữ trong trang phục áo dài, tay cầm nón đu trên cao với 4 chiếc đu hình nón ở 4 vị trí xung quanh. Tốp nam nhào lộn theo đội hình. Tiếp theo, một đôi nam nữ tay dắt 2 chú lợn xuất hiện trên vòng bục sân khấu. Đôi rồng chạy ra múa theo đội hình xung quanh, sau đó cuộn vào giữa hướng đầu lên đôi nam nữ đu dây, xung quanh tốp đu nón cùng xoay tròn. Tất cả tạo nên sắc màu rực rỡ trên sân khấu xiếc, mang đến cho khán giả sự háo hức, phấn khởi nhân ngày kỷ niệm ý nghĩa của lịch sử đất nước.

Tiết mục "Đạp ô" đến từ Nhà Hát xiếc & Tạp kỹ Hà Nội

Khán giả, đặc biệt là khán giả nhí có những phút giây thư giãn, hài hước, tràn ngập tiếng cười với tiết mục Hề chó (do nghệ sĩ Thanh Hải thể hiện cùng bạn diễn), tiết mục Đám cưới dê (nghệ sĩ Ngọc Quyết - Xuân Thắng)… Tham gia vào đám cưới của hai chú dê trên chiếc xe xích lô. Hai chú dê đi bằng hai chân và theo nhịp nhạc nhảy qua nhau và đi luồn qua chân. Số lượng các chú dê xuất hiện ngày càng nhiều hơn, lần lượt thực hiện các trò diễn đi trên vòng lăn, cả đàn dê đi qua cầu, hai con dê qua cầu nhảy qua nhau, đi qua cầu hai tầng, dê nhảy qua vòng lửa…

Tiết mục "Đu son" của hai nàng công chúa xiếc Hồng Thúy và Phạm Hướng với nhiều động tác nguy hiểm đòi hỏi kỹ thuật cao

Tiếp đó là tiết mục Ảo thuật (của NSƯT Minh Tuấn đến từ Quảng Trị), tiết mục Đạp Ô (đến từ Nhà hát Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội), tiết mục Vòng xoay mạo hiểm (của nghệ sĩ Duy Anh, Việt Duy, Anh Vũ), tiết mục dây thép căng Lửa tình Tây Nguyên… Khán giả cũng có cơ hội được gặp hai nàng công chúa xiếc Hồng Thúy và Phạm Hướng với tiết mục Đu son. Trong trang phục váy trắng thướt tha, nghệ sĩ Hồng Thúy mở màn với đu bay trên khóa son treo lơ lửng. Nghệ sĩ Phạm Hướng tay kéo đàn Vi-ô-lông điêu luyện. Trong tư thế dốc ngược người, nghệ sĩ Phạm Hướng vẫn say sưa chơi đàn. Hai nghệ sĩ liên tục đu bám, di chuyển thoăn thoắt trên khóa son. Khán giả được mãn nhãn với màn biểu diễn độc đáo nhưng cũng thót tim với nhiều chuỗi động tác trên cao vô cùng mạo hiểm…

Nghệ sĩ trẻ Harry Nguyễn (đến từ Nha Trang) mang lại cho khán giả thủ đô màn ảo thuật Hoa hồng dại vô cùng độc đáo. Tiết mục ảo thuật của nghệ sĩ Việt Duy đến từ TP.HCM đã mang đến không khí tươi mới khi khán giả được mời lên sân khấu, giao lưu và trực tiếp tham gia vào các màn ảo thuật thú vị.

Nghệ sĩ trẻ Harry Nguyễn đến từ Nha Trang với nhiều tiết mục ảo thuật đầy bất ngờ, cuốn hút người xem

Tiết mục Ngày hội Tây Nguyên (của các nghệ sĩ: Mỹ Linh, Ngọc Giáp, Hồng Phong, Thanh Tùng, Văn Tùng, Sơn Thái, Thành Long, Việt Duy) mang đến không khí cồng chiêng của vùng đất Tây Nguyên. Các diễn viên hóa thân vào vai những chàng trai, cô gái Tây Nguyên tay cầm cồng chiêng tham gia ngày hội với các tiết mục nhào lộn, nhào cầu bật (cầu bật tập thể) vô cùng đẹp mắt. Các chàng trai tung, nâng hai cô gái lên cao, sau đó lần lượt các chàng trai nhào lộn trên cầu bật. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ xiếc kết hợp với tốp nữ múa phụ họa tạo nên không khí sôi nổi theo phong cách Tây Nguyên trên sân khấu xiếc, đồng thời với hiệu ứng ánh sáng, sử dụng màn múa lửa, múa cồng chiêng tạo nên bức tranh sống động mang màu sắc Tây Nguyên. Sau động tác nhào chồng người trên trụ, các nghệ sĩ tạo thành một hình tròn quây xung quanh cây trụ giữa - tượng trưng cho cây nêu trong lễ hội Tây Nguyên.

Các chàng trai, cô gái Tây Nguyên tham gia ngày hội với những tiết mục nhào lộn, nhào cầu bật

Phần kết của chương trình dài 120 phút là tiết mục Ngày hội non sông. Những chiếc nón được nâng lên theo nhịp nhạc kết hợp cùng hiệu ứng đèn, ánh sáng. Đu nón to ở chính giữa được từ từ kéo lên cao, các nữ nghệ sĩ tạo hình sau đó di chuyển về phía vành nón, hai tay bám đu người bay lên cao. Chiếc nón xoay tròn, các nữ nghệ sĩ tạo hình trên đu nón phối hợp các động tác thăng bằng, mềm dẻo khi đu nón bay trên cao. Trong quá trình thực hiện, đu nón được điều khiển lên cao và hạ xuống theo chuỗi các động tác kỹ thuật cao và kết hợp với tốp múa phụ họa ở dưới. Các chuỗi kỹ thuật thực hiện gồm: kết hợp cả bốn người, phối hợp 2 đôi trụ nhau, phối hợp một trụ 3 người…

Các nữ nghệ sĩ tạo hình trên đu nón

Độc đáo và ấn tượng với động tác nhảy dây trên vòng xoay trong tiết mục "Vòng xoay mạo hiểm"

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;