Đôi điều về văn hóa cầm quyền quản trị quốc gia

1. Vai trò của văn hóa cầm quyền quản trị quốc gia

Văn hóa cầm quyền được hiểu là hệ giá trị văn hóa lãnh đạo quản lý, nhằm hướng tới quản trị đất nước, điều hành quốc gia dân tộc trong các tiến trình phát triển. Lịch sử thế giới đã minh chứng rằng: hầu hết các chính trị gia kiệt xuất đã từng hiến dâng cuộc đời mình cho cộng đồng, dân tộc sẽ còn sống mãi với thời gian, bởi nhân cách văn hóa của họ tỏa sáng trong quá trình thực thi cầm quyền hiệu quả, đem lại hạnh phúc cho đất nước, cho quảng đại quần chúng nhân dân.

Bản chất văn hóa cầm quyền được thể hiện trước hết ở lý tưởng vì dân, an dân, giữ dân. Một nền chính trị ưu tú chính nghĩa (đại chính) phải thể hiện đầy đủ lý tưởng an dân. Chỉ cần khảo sát một vài hiện tượng dưới các chế độ phong kiến tập quyền tiến bộ ở nước ta sẽ thấy rõ điều đó. Văn hiến Việt Nam có một đặc điểm vượt trội xuyên suốt trường kỳ lịch sử dựng nước, giữ nước là dòng chảy sức mạnh kỳ diệu của dân, về trách nhiệm của dân và về lợi ích của dân. Dưới thời Trần, chính sách “khoan thư sức dân” để làm kế “gốc sâu, rễ bền” được coi là thượng sách để giữ nước. Lệ đặt chuông trước cung điện hoàng tộc để dân đến kêu oan bằng những hồi chuông giục giã và việc vua trực tiếp phán xử là một nét đẹp độc đáo của văn hóa nước ta thời phong kiến. Nhận thức rõ về sức mạnh to lớn của nhân dân, các vương triều Lý, Trần đều có chính sách khuyến nông, an dân, dựa vào dân để giữ nước. Dưới thời Lê thịnh trị, cảm hứng chủ đạo thương dân, biết ơn dân đã được Nguyễn Trãi nêu rõ: “Chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ/ Suốt đời ôm mãi mối lo dân”, hoặc “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày” và thấy được sức mạnh to lớn của dân: “Nhân dân bốn cõi một nhà/ Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới” (Bình Ngô đại cáo).

Tuyên ngôn của Hoàng đế Quang Trung trong Chiếu cầu lời nói thẳng: “Vua không dân thì cùng ai giữ nước”, trong Hịch Tây Sơn mở đầu “Sinh dân phải nuôi dân làm nước”, trong Chiếu lên ngôi: “Trẫm nay có cả thiên hạ, sẽ dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi đài xuân”… là những dấu hiệu văn hóa của đường lối “dân vi bản”, “giữ chặt lòng người”, đó là văn hiến giữ nước.

Dưới thời Nguyễn, lịch sử vẫn nhắc đến những vị vua, những vị đại thần có tư chất văn hóa, thấy được những hiền tài từ trong dân. Tự Đức coi “nhân tài là cội gốc để làm chính sự”… Còn đại thần Doãn Uẩn thì nói: “Xưa nay nói đến việc trị dân đều lấy việc dùng người tài làm gốc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta TK XX đã tiếp thu truyền thống trọng dân - một biểu tượng sáng ngời của văn hiến Việt Nam, đã sớm đề xuất chính sách: lấy dân làm gốc, coi trọng nhân dân, luôn khoan sức dân và an dân, bởi ở đó hội tụ sức mạnh, quyền hành, lực lượng của nhân dân.

Hệ giá trị của văn hóa cầm quyền sẽ làm nên cơ sở, nền tảng của đường lối chính trị sáng suốt, chính sách tiến bộ, dễ đi vào cuộc sống và sớm có hiệu lực.

Đường lối đổi mới do Đảng ta phát động và lãnh đạo có bài bản, có trí tuệ, có “đạo đức và văn minh” nên việc chuyển đổi mô hình nền kinh tế từ kế hoạch hóa hành chính bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa được diễn ra từ lĩnh vực kinh tế. Các lĩnh vực khác như thể chế chính trị, nhân sự, tổ chức phải chuyển đổi có bước đi thích hợp với điều kiện cụ thể thời hậu chiến nên đã giữ vững được ổn định chính trị. Đây là thành công to lớn của văn hóa cầm quyền vì nó được lòng dân và được dân lựa chọn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn những hạn chế trong đó có công tác cán bộ. Mục 6 của Nghị quyết Đại hội Đảng XI (2011) trong phần Hạn chế - Khuyết điểm nói đến công tác xây dựng Đảng viết: “Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện và sử dụng người tài; chậm đổi mới cơ chế phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Tình trạng “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” bằng cấp, “chạy” huân chương chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Công tác cán bộ thiếu tầm nhìn xa… Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi…”. Tất cả các hiện tượng trên có thể gộp vào mấy chữ: tha hóa quyền lực, lối sống hưởng thụ đầy bản năng sinh học. Văn hóa cầm quyền thể hiện trình độ nhất định về quản trị đất nước, trong đó nổi bật lên dấu ấn cá nhân người lãnh đạo. Nhà lãnh đạo muốn được nhân dân tin yêu, trước hết phải có tư tưởng đạo đức vì dân, vì nước, không chỉ gương mẫu trong lối sống mà còn cần có nhãn quan văn hóa, tư duy khoa học, có tri thức cần và đủ để nâng cao trình độ lý luận và năng lực tổng kết thực tiễn.

Vấn đề Đảng tin dân và dân tin Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy là lòng tin hai chiều: lãnh đạo và dân khi đã tin nhau thì như nghĩa lớn gặp nhau. Một trong nhiều phẩm chất của người lãnh đạo được dân tin yêu là tầm nhìn thời cuộc, phải biết phát hiện và dùng người tài để bổ sung nguồn lực con người. Không phải nhà lãnh đạo nào cũng có thể phát hiện ra tài năng của con người. Thực tế cho thấy, phải là người quang minh chính đại, công tâm, có con mắt tinh đời mới nhìn ra và thu phục được người tài.

 Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng sớm có ý thức phát hiện tài năng trong lĩnh vực văn nghệ, giáo dục, đào tạo. Đến với giới văn nghệ sĩ, bao giờ ông cũng có những kiến giải mới đầy sức thuyết phục: “Một thiên tài, một khả năng lớn mà không nhận thấy, không phát hiện, không giúp đỡ thì rất có thể thiên tài đó cũng mai một. Ta cần phát hiện tài năng trẻ. Đội ngũ của ta lớn mạnh là do lực lượng trẻ, mới, gắn bó với sự nghiệp cách mạng hơn ai hết” (1). Ngay cả khi Phạm Văn Đồng nói thẳng ra những nhược điểm, yếu kém của văn nghệ sĩ thì người nghe không vì vậy mà phẫn ý, trái lại càng khâm phục và làm gia tăng uy tín của Thủ tướng. Bởi lẽ, họ hiểu rằng Phạm Văn Đồng rất tin yêu văn nghệ sĩ một cách chân thành: “Đọc tác phẩm của các đồng chí, nói thực, tôi thấy các đồng chí chưa coi trọng văn lắm. Phải có công phu trong việc trau dồi hình thức… làm văn nghệ phải có khiếu có tài… làm văn học nghệ thuật mà không có tài thì khó làm nên việc lắm… nếu không có tài gì đặc biệt thì anh (chị) nên đi làm việc khác chứ làm văn nghệ khổ lắm” (2).

Tài năng đi liền với “lòng thành, đức khiêm” thường tạo nên uy tín của người lãnh đạo cấp cao. Đồng chí Hà Huy Giáp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng nhiều khóa nhưng suốt nhiều nhiệm kỳ, chỉ giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục rồi Thứ trưởng Bộ Văn hóa, bởi ông biết Bộ trưởng của hai bộ nói trên là những nhà văn hóa lớn, những bậc nhân sĩ được Bác Hồ trọng dụng. Trong tập hồi ký Đời tôi những điều nghe, thấy và sống, Hà Huy Giáp kể lại rằng: Vào năm 1963, trước khi nhận nhiệm vụ mới (Thứ trưởng Bộ Văn hóa), ông được Bác Hồ mời đến giao nhiệm vụ “rất tế nhị” nói trên, một trong những điều Bác dặn, ông nhớ nhất câu: “Gặp nhà giáo, chú có thể gặp tập thể; gặp văn nghệ sĩ, chú nên gặp riêng từng người một. Đối với văn nghệ sĩ phải có tình trước mới đưa họ vào lý… Văn nghệ sĩ góp phần rất nhiều vào việc đào tạo con người”.

2. Nhân cách văn hóa của chính trị gia

Nhân cách văn hóa của các chính trị gia sẽ quyết định hoạt động chính trị của họ. Và hoạt động chính trị với họ chỉ là phương tiện, mà văn hóa mới là mục đích tối thượng cuối cùng cần vươn tới.

 Khái niệm nhà văn hóa theo nghĩa rộng nhất được hiểu là sự “kết tinh những giá trị của con người mới là mục đích”, rõ nhất ở các nhà hoạt động chính trị lỗi lạc như V.I.Lênin, Hôxê Mácti, Hồ Chí Minh…

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là tất cả. Định nghĩa con người của Bác thật độc đáo: “Chữ người nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là loài người” (3). Ngay từ những ngày đầu cách mạng và kháng chiến chống Pháp, giữa lúc chúng ta phải dốc nhân tài vật lực nhằm đánh thắng kẻ thù xâm lược, Hồ Chí Minh vẫn nêu cao đúng mức vị trí con người: “người trước, súng sau” nói nên sức mạnh to lớn của dân tộc. Bác cũng không quên đời sống của dân: “Nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. “Đời tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…”. Muốn có chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa. Triết học của Hồ Chí Minh về con người, về mục đích cuối cùng của chủ nghĩa xã hội là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” chính là lý tưởng của các nhà lãnh đạo có văn hóa. Muốn học tập tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có hiệu quả thì nhà lãnh đạo phải luôn nêu cao khẩu hiệu “vì con người”, muốn thế phải “dĩ công vi thượng” chứ không phải “dĩ công vi ngã”. Nếu quá coi trọng cái tôi cá nhân để mà lãnh đạo thì dễ dẫn đến thảm họa cho dân, cho Đảng. Phải coi chuyện bổ nhiệm, miễn nhiệm là phép biện chứng bình thường khi quyền lực cao nhất thuộc về dân.

 Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là công bộc của dân” nên hiểu theo nghĩa biểu tượng, tức là lòng trung thành, tinh thần tận tụy. Thiếu hai phẩm chất đó, cán bộ lãnh đạo khó lòng được dân tin. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là phải biết nghe ý kiến góp ý trái chiều, tư duy phản biện của dân, đồng thời phải gương mẫu trong mọi mặt.

Trong lãnh đạo, mối quan hệ giữa quyền lực và tri thức đang là vấn đề “nóng”. Trong nền kinh tế tri thức, con người ít dựa vào tài nguyên thiên nhiên mà dựa vào tri thức và công nghệ cao. Thông tin và tri thức là yếu tố đầu vào của sản xuất. Không nên nghĩ rằng lý lẽ của người có chức quyền bao giờ cũng đúng. Nghĩ vậy là lấy quyền lực, chức vụ thay cho tri thức vốn rất phong phú trong thực tiễn đời sống. Điều đó không chỉ thể hiện tác phong quan liêu, sự hiểu biết hạn hẹp của người lãnh đạo mà còn làm mất khả năng sáng tạo của đối tượng mà mình lãnh đạo.

Người lãnh đạo có văn hóa là người biết phát hiện, sử dụng và bảo vệ tài năng

Muốn vậy, trước hết người lãnh đạo phải hữu tài, hữu đức. Người lãnh đạo ở cấp cao hay ở một ngành, một tỉnh phải có kiến văn tổng hợp, có nhãn quan xa rộng, có phương pháp tư duy khoáng đạt mới phát hiện và quy tụ người tài vốn không thiếu trong dân. Phải thừa nhận rằng người tài thường “khó tính”, cá tính “gai góc”. Họ chỉ quy thuận, khâm phục những vị lãnh đạo có lý tưởng chính trị trong suốt, có bản lĩnh và ý chí kiên định, có tư duy chiến lược, có tri thức lý luận và năng lực tổ chức thực tiễn. Người xưa nói: “Tri nhân thiện nhiệm”, giao đúng việc, giao đúng quyền cho người cấp dưới thì mới hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, tạo môi trường xã hội thuận lợi để người tài có đất dụng võ. Nhà lãnh đạo có văn hóa chính là “bà đỡ” cho những nhân tài. Từ đó, uy tín của họ được nhân lên trong công luận.

 Người lãnh đạo có văn hóa là người được tôi luyện ở bình diện “tâm sinh lý”

Trong nhiều nghị quyết, Nhà nước ta đã quan tâm đúng mức đến những phẩm chất của cán bộ lãnh đạo như đạo đức, lối sống, tri thức nghề nghiệp, tác phong công tác… còn phương diện “tâm sinh lý” như truyền thống, huyết thống, nhu cầu, thể lực… của người lãnh đạo thường bỏ trống. Truyền thống đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành mỗi con người. Truyền thống danh gia vọng tộc, truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học… không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực của sự phát triển trong gia đình. Không thể có một nhà lãnh đạo giỏi mà sinh ra trong một gia đình thiếu nề nếp gia phong.

 Không phải vô cớ mà tiền nhân truyền tụng câu nói chí lý của Khổng giáo: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muốn lãnh đạo tốt đất nước, cán bộ lãnh đạo, nhất là ở cấp chiến lược, phải biết tề gia. Nếu gia đình thiếu nề nếp gia phong, con cái học hành yếu kém, lại dính líu tới các tệ nạn xã hội, vợ dựa vào quyền lực của chồng để kinh doanh phi pháp, làm giàu bất chính… thì cán bộ lãnh đạo đó ăn nói với thiên hạ ra sao, quản lý các cấp dưới quyền như thế nào? Nói gì đến uy tín? Không thể trốn tránh trách nhiệm khi vợ, con vi phạm pháp luật, tệ hại hơn là bị pháp luật trừng trị. Mỹ tục gia phong là sản phẩm lịch sử. Nó chịu sự biến đổi của truyền thống và hiện đại. Dù biến đổi đến đâu thì gia phong chính là gốc của thiên hạ.

Người xưa nói “Gốc thiên hạ ở tại gia đình. Có dạy bảo được người trong gia đình, nhiên hậu mới dạy được người trong nước…” (4). Tầm vóc, thể lực là những việc đặc điểm sinh thể quan trọng phản ánh thực trạng cơ thể có liên quan tới hoạt động trí tuệ, năng lực và lao động của con người. Lãnh đạo đòi hỏi sức sáng tạo, sáng tạo đòi hỏi sức khỏe. Những thí nghiệm của nhiều nhà y học, dân tộc học cho hay rằng: đại bộ phận các nhà khoa học lớn, các nhà tư tưởng nổi tiếng, nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc… đều xuất thân từ những dòng huyết thống tuyệt đối khỏe mạnh, trong số đó có từ các ông tổ vốn lao động nông nghiệp hay nghề thủ công.

Người lãnh đạo có văn hóa là người có nhân cách văn hóa

Nhân cách là một giá trị thuộc phạm trù “văn hóa - đạo đức - thẩm mỹ” nên mới có nhân cách văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc: Thực hiện việc tôn trọng nhân cách là làm sao cho cái tốt trong con người luôn luôn sinh sôi, nảy nở, cái xấu được dần dần đẩy lùi, làm cho con người trở nên tốt đẹp nhờ giáo dục và tự giáo dục.

Người lãnh đạo không phải lúc nào cũng làm chủ được bản thân vì trong tay họ có đủ quyền lực, bộ máy, “êkíp” nên dễ sinh ra quan liêu, lộng hành, tưởng không bị ai giám sát, kiểm tra. Nếu lãnh đạo khi vừa mới lên chức đã lo thu vén cá nhân, xà xẻo của công, đục khoét của dân, thậm chí có những hành vi muốn “đè đầu cưỡi cổ” dân hoặc có những lối sống vô luân, vô đạo… thì người lãnh đạo đó thiếu nhân cách.

 Ở đây, đòi hỏi mỗi người lãnh đạo phải tự biết mình, biết người, phải biết “tri túc”, biết chỗ dừng, mới bước được ra khỏi cái riêng, cái tôi bản vị để đến cái ta cộng đồng tức là nhân cách văn hóa. Đòi hỏi rất cao đối với bản thân mình, vượt lên chính mình là dấu hiệu của nhân cách văn hóa.

_____________

1, 2. Hồ Chí Minh, Về văn hóa văn nghệ, Nxb Văn hóa, 1972, tr.375, 368, 369, 370.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr.644.

4. Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2001, tr.262.

Tác giả: Hồ Sĩ Vịnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

 

;