Đánh thức tiềm năng du lịch ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát

Vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát thuộc xã Chi Khê nằm về phía Tây Nam của huyện Con Cuông (Nghệ An) với diện tích 75,61km² và dân số 5.943 người. Xã Chi Khê là địa bàn cư trú của các dân tộc anh em: Thái, Kinh, Hoa; người Thái chiếm 80% dân số của toàn xã và sinh sống trải khắp 13/13 thôn, bản trong xã. Người Thái ở xã Chi Khê sống mật tập trong các thôn, bản địa hình thấp, cá biệt có bản Đình là nơi tụ cư của gần 400 hộ. Nếu tính ba bản dọc theo khe Chai gồm: Bản Đình, Bản Đốc, Bản Chai thì có gần 800 hộ và 4.000 nhân khẩu, chiếm 67% dân số toàn xã. Nguồn sinh kế chính của người Thái dựa chủ yếu vào nông nghiệp, trong đó khai thác lâm, thổ sản đóng một vai trò quan trọng. Điều kiện sinh tụ của người Thái gần rừng với thảm thực vật phong phú, nằm trọn trong vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát. Vườn quốc gia Pù Mát được thành lập năm 2001, trải dài trên 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Đây là vườn quốc gia với hệ sinh thái phong phú, là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam. Vườn quốc gia Pù Mát có điều kiện thuận lợi rất lớn để phát triển du lịch. Hiện nay, huyện Con Cuông đã được tỉnh Nghệ An định hướng phát triển du lịch sinh thái. Vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát được xem là trọng tâm của định hướng phát triển du lịch tại Con Cuông, với những gói sản phẩm du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, khám phá cảnh quan núi rừng... Hướng đi này khai thác được 3 yếu tố thiên thời thời, địa lợi và nhân hòa.

Trước hết là yếu tố thiên thời: vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát được thiên nhiên ban tặng cho một cảnh sắc thiên nhiên đẹp với khu rừng nguyên sinh. Rừng được người dân ví như một câu chuyện cổ tích với cây san sát như bó đũa, còn động vật phong phú. Hệ động vật tại vườn có những loài được xếp vào sách đỏ của Việt Nam và trên thế giới như sao la, sơn dương, hổ Đông Dương… Pù Mát vô vàn cây gỗ quý như: đinh, lim, sến, tấu, trầm hương, cánh kiến, chò chỉ, vàng tâm….; bên cạnh đó là các cây thảo dược quý, trữ lượng mây, tre, song nhiều vô kể. “Chúng tôi vẫn được nghe văng vẳng những câu chuyện kể hổ về bắt lợn, trâu bò khắp làng, voi đến phá nương rẫy, đàn khỉ ăn sấu, sóc bay, tắc kè kêu điếc tai về ban đêm…” - ông Lương Văn Thắng, 50 tuổi ở bản Đình kể lại. Đặc biệt, có những địa danh đã đi vào thơ ca, câu chuyện kể của người dân như suối buồng tiên (huồi Xuồm Nang), thác chín tầng (Cành Xộc), đầm Hòm (Noong Hòm), săn họ Lê… Mỗi địa danh gắn với những câu chuyện và những cảnh sắc đẹp như một bức tranh vẽ được thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Khu Cành Xộc thường được người dân gọi là thác chín tầng; thác nước chảy từ trên cao xuống 9 nấc thang người Thái gọi là cành xộc (mỗi nấc giống như một cối đá). Cành Xộc theo nguyên nghĩa tiếng Thái tức là thác 9 cối hoặc thác 9 tầng. Cảnh sắc xung quanh kết hợp thác nước chảy theo hình xoắn ốc từ trên cao xuống tựa như dây thang 9 tầng nối từ trời xuống tới trần gian. Mỗi xộc (cối) là một vũng nước có thể khai thác làm điểm du lịch, tắm mát, chụp ảnh, khám phá thác từ trên cao. Khách ưa mạo hiểm thì có thể trải nghiệm trượt ván, đu dây khám phá thác. Với các vị cao niên, trước đây, khi đến Cành Xộc lúc cây cối còn um tùm, nước nhiều, chỉ cần đến gần thác cảm giác mát lạnh đã lan tỏa khắp người. Vào những ngày nắng nóng thiêu đốt khắp mảnh đất xứ Nghệ, chỉ cần đến với Cành Xộc là có cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên mây trời. Một thi sĩ khuyết danh khi đến thăm Cành Xộc đã cảm khái trước vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên mà thốt lên:

“Em đến bên anh buổi chiều tà

Cành Xộc nên thơ lạc vào tim”

Nguyên văn tiếng Thái:

“Noọng ma ha ài hầu ngên đét

Cành Xộc on khon hầu cuông chơ”.

Bên cạnh địa thế thì yếu tố con người cũng tạo nên bản sắc riêng của vùng lõi ở Vườn quốc gia Pù Mát. Văn hóa của người Thái nơi đây vẫn giữ được nét hoang sơ, đậm đà rất khó pha lẫn: những ngôi nhà sàn san sát được kết cấu theo hình bàn cờ, hình xương cá rất quy củ. Đường làng ngõ xóm được bố trí gọn gàng, có lối đi, ngã tư đường kết cấu vừa đẹp và hoài hòa. Trong đó, bản Đình được công nhận là làng văn hóa đầu tiên ở huyện Con Cuông. Đình theo tiếng Thái bắt nguồn từ “đi”, tức là đẹp và rộng rãi. Bản Đình có nghĩa là làng bản đẹp, bản gốc được đặt ở trung tâm trong các địa vực cư trú đầu tiên của người Thái ở mảnh đất này. Do đó, các bản ở trung tâm có người Thái sinh sống thường đặt tên là đình, xiêng hay chiêng; chiêng hay xiêng cũng có nghĩa đẹp, địa thế rộng rãi, bản trung tâm.

Trong đời sống, sinh hoạt nghi lễ, tín ngưỡng vẫn được đồng bào bảo lưu tương đối nguyên vẹn. Các gia đình cùng một bản có mối quan hệ thân thiết và khăng khít về tình cảm cũng như phả hệ. Đối với các mối quan hệ tộc họ thì họ bên ngoại, tức họ hàng anh em của người vợ, người mẹ, ông cậu trong gia đình rất được coi trọng. Trong gia đình, người vợ, người mẹ giữ vai trò ngang bằng với người chồng điều hành những công việc như ma chay, cưới xin. Con cái thường đối đãi rất hiếu thuận với ông bà, bố mẹ, anh em. Đây là lợi thế để địa phương định hướng phát triển du lịch về nguồn, du lịch văn khám phá, trải nghiệm. Ngoài ra, văn hóa ẩm thực nơi đây rất phong phú đa dạng; để lại dư vị lôi cuốn, điểm nhấn cho mỗi điểm du lịch trong con mắt công chúng. Cuối cùng là tour du lịch khá phá các làng nghề như: dệt thổ cẩm, đan lát, bốc thuốc nam. Tại ba bản nằm ở vùng lõi có thể khai thác các lợi của từng bản: bản Đốc có thể phát triển chuyên sâu nghề đan lát, ẩm thực dân giã từ thiên nhiên; bản Chai phát triển hợp tác xã nghề bốc thuốc nam, thăm khám, chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian; bản Đình thì dệt thổ cẩm, trải nghiệm các văn hóa, tín ngưỡng dân gian. Có thể nói, những con người thân thiện, nụ cười đôn hậu và cực kỳ hiếu khách là tài sản văn hóa vô giá để đưa vào khai thác du lịch.

Nghi lễ phai canh hạnh (cúng ma tổ nghề) của người Thái ở xã Chi Khê. Ảnh: Lương Văn Thiết
 

Còn nhớ, trong bài hát Phố huyện Con Cuông của nhạc sĩ Trần Vương có lời ca rằng:

“Ai lên phố huyện Con Cuông

Dừng chân lại ngắm nước non hữu tình

Mà nghe câu hát tâm tình

Xem bông hoa nở đón bình minh lên…

Lên đây thì ở lại đây, cho dù bén rễ xanh cũng đừng về

Ở lại đây với núi rừng Con Cuông

Ở lại với người mình yêu thương”.

Câu hát như mời gọi, như lời tâm tình, lôi kéo công chúng, du khách thập phương đến với non nước Con Cuông. Và vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát là những dấu ấn rất khó phai mờ với du khách đã từng có dịp đến với mảnh đất, con người nơi đây.

Tác giả: L.Văn Thiết - L.Khua Xa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021

 

;