Đặc sắc Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối

Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối mừng Xuân Giáp Thìn 2024 do UBND xã Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội) tổ chức đã chính thức được khai hội vào sáng ngày 23-2 (tức 14 tháng Giêng Âm lịch). Hoạt động Lễ hội nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể Chèo tàu; đồng thời thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của nhân dân địa phương.

Theo truyền thống, phần lễ gồm các nghi thức: Lễ rước, dâng hương, tế lễ. Phần hội gồm có màn bắn pháo hoa, trống hội, chương trình nghệ thuật chào mừng và các hoạt động: hát, trống hội, múa rồng, lân, các trò chơi dân gian.

Đặc sắc nhất trong lễ hội là màn hát Chèo tàu với các làn điệu đối đáp giữa hai tàu – là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu 13 người gồm bà chúa tàu, 2 cái tàu và 10 con tàu. Khi biểu diễn, bà chúa tàu đánh thanh la, 2 tàu cái lĩnh xướng và các con tàu hát họa theo. Phía sau là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu.

Đoàn rước lễ từ các thôn đến nơi khai hội

Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ.

Điều đặc biệt là, tất cả bài hát của nghệ thuật Chèo tàu cho đến nay vẫn được người dân Tân Hội giữ gìn nguyên vẹn lời ca cổ. Dù đã trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử nhưng lời ca, điệu hát vẫn giữ được vị thế của mình, vẫn làm say đắm lòng người.

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Đỗ Văn Mười - Chủ tịch UBND xã Tân Hội cho biết, lịch sử tôn vinh của quê hương Tổng Gối xưa nay là xã Tân Hội – huyện Đan Phượng vẫn còn in đậm trong cuốn Ngọc phả, ca ngợi ân đức lớn lao của ngài Văn Dĩ Thành. Sinh thời cụ là người “anh hùng cái thế - thông minh đĩnh đạc – văn võ toàn tài”.

Năm 1407, nhà Hồ bị nhà Minh đánh bại, đất nước bị xâm chiếm, không chịu làm nô lệ cho phong kiến phương Bắc, Văn Dĩ Thành đã cùng với ông Lê Ngộ, ngày đêm luyện tập, chiêu mộ nghĩa quân. Với tài cao, uy đức của Ngài, chỉ sau một thời gian ngắn tiếng tăm của Ngài đã nổi tiếng khắp vùng, nghĩa quân các nơi như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình đã kéo về rất đông tại gò Đông Đãn (tức xứ Đồng Dinh). Dưới sự chỉ huy “thông minh chính trực – thao tài võ lược”, chính vì vậy Ngài Văn Dĩ Thành đã được nghĩa quân suy tôn là: Đại Nguyên Soái Hoắc Y Nhất Bộ...

 

Thuyền rồng đặc trưng của Chèo tàu Tổng Gối

Trải qua hơn 600 năm, hằng năm cứ vào ngày Rằm tháng Giêng, nhân dân Tổng Gối lại tưng bừng tổ chức tế lễ để thể hiện lòng tôn kính Đức thánh và những năm phong đăng hòa cốc sẽ tổ chức lễ hội Chèo tàu để ca ngợi công cao – nghiệp cả của Ngài “vằng vặc sáng soi như vầng Nhật Nguyệt và muôn đời sử sách còn ghi, truyền tụng võ công hiển hách của Ngài “Thiên sử hùng ca – Chói lòa bất diệt”.

Tổng Gối gồm bốn làng: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) từ lâu đã nổi tiếng với lễ hội hát Chèo tàu độc đáo.

Theo tích xưa kể lại, tướng Văn Dĩ Thành là một người con thuộc dòng dõi quan lại triều Trần, sinh ra ở vùng tổng Gối xưa. Là một người học rộng tài cao, thông thạo kinh sử, ông đã có công chiêu mộ binh lính, huấn luyện quân nhân chống lại giặc Minh. Ông nổi tiếng với 6 lời thề ước và chỉ huy đội đánh đâu thắng đấy. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, quân giặc đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Sau khi ông hy sinh trên đất tổng Gối, để ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành, người dân Tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo Chèo tàu. Vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm, người dân ở Tổng Gối lại tổ chức lễ hội truyền thống hát Chèo tàu.

Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm 2024 diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 23 đến 24-2 (tức từ ngày 14 đến 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Khu di tích lịch sử Lăng Văn Sơn và Miếu Voi Phục (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng).

THÁI AN - Ảnh: TRUNG KIÊN

;