ĐẶC ĐIỂM MIỀN NÚI VỚI VẤN ĐỀ XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CƠ SỞ

Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới ở miền núi (miền núi các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên) gặp nhiều khó khăn. Một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới không phù hợp dẫn đến tình trạng không thực hiện được tiêu chí hoặc thực hiện được nhưng lại bỏ hoang các công trình văn hóa. Bài viết này tập trung phân tích đặc điểm miền núi ảnh hưởng đến vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Trong đó, chú trọng phân tích tính đặc thù của miền núi chi phối đến vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với việc xây dựng nông thôn mới.

1. Vấn đề xây dựng các thiết chế văn hóa ở xã và thôn bản, buôn làng

Ở nước ta, xã là cấp hành chính cơ sở. Do đó, khi triển khai xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của thập niên 80 TK XX, các nhà khoa học đều xác định xã là đơn vị cơ sở. Nhưng ở miền núi, đến thời vua Minh Mạng, nhiều tỉnh Tây Bắc mới thành lập đơn vị hành chính là cấp xã. Cho đến ngày nay, cấp xã cũng mới chỉ là cấp quản lý về mặt hành chính, còn cấp thôn vẫn đóng vai trò tương đối độc lập. Mặc dù cấp xã là một cấp ngân sách, là cấp chính quyền ở cơ sở nhưng về mặt văn hóa mỗi thôn bản, buôn làng ở miền núi đều tương đối độc lập. Suốt một thời gian dài, thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, ngành văn hóa thông tin các tỉnh vùng cao lại xác định cấp xã, cấp hành chính cơ sở là cấp văn hóa cơ sở. Ở miền núi và đặc biệt ở vùng cao, cấp xã đóng vai trò mờ nhạt trong hoạt động văn hóa. Xã ở vùng cao có địa bàn rộng, diện tích bằng cả một, hai huyện vùng đồng bằng. Mỗi xã có hàng chục thôn bản, buôn làng khác nhau, các thôn bản, buôn làng lại mang tính khép kín, độc lập không có sự cố kết với nhau về văn hóa. Vì vậy, nhà văn hóa xã xây dựng ở địa bàn một làng cụ thể sẽ đứng chơ vơ, không có dân đến hoạt động; hoặc chỉ đóng vai trò là nhà văn hóa của thôn sở tại - nơi có chính quyền xã đóng. Tính khép kín, cố kết cộng đồng theo đơn vị làng lớn nên người dân thôn bản, buôn làng, buôn này sẽ không sang thôn bên sinh hoạt văn hóa. Ngoài ra, khoảng cách giữa các thôn ở miền núi quá xa nên điều đó cũng khó thực hiện. Do đó, thiết chế nhà văn hóa xã khó phù hợp với vùng cao, chỉ nên xây dựng nhà văn hóa ở các xã trung tâm cụm dân cư, thị tứ hoặc gắn liền với các cơ sở kinh tế nông lâm trường.

Trong khi đó, thôn bản, buôn làng vùng cao tuy không phải là một cấp hành chính nhưng lại đóng vai trò quan trọng cả về kinh tế, xã hội, văn hóa. Cần xác định rõ thôn bản, buôn làng là đơn vị cơ sở của văn hóa. Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở vùng cao chính là xây dựng các thôn bản, buôn làng văn hóa. Thôn bản, buôn làng là đơn vị cộng đồng, cố kết được các hoạt động văn hóa chung. Thôn bản, buôn làng cũng là cấp gần dân nhất. Mọi chủ trương chính sách của hệ thống Đảng và chính quyền có đến được với người dân hay không đều thông qua cấp thôn bản, buôn làng. Mặt khác, hiện nay các thôn bản, buôn làng miền núi không có một công trình công cộng để hội họp, hoạt động chung của cộng đồng. Nhu cầu về thông tin, khai trí, giáo dục, sáng tạo, tiêu dùng văn hóa, giải trí... của người dân khó được đáp ứng nếu không có nhà văn hóa cộng đồng. Điều này phản ánh thực trạng bùng nổ việc xây dựng thiết chế văn hóa thôn bản, buôn làng trong thời gian qua ở vùng cao. Hầu hết các nhà văn hóa thôn bản, buôn làng ở các tỉnh Tây Bắc đều được sử dụng. Khảo sát ở xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu là một xã vùng cao xây dựng được 7 nhà văn hóa thôn bản, buôn làng. Trong tháng 5-2016, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy nhà văn hóa hoạt động nhiều nhất là 8 lần/tháng (nhà văn hóa thôn Thà Giàng Chải). Còn các nhà văn hóa ở các thôn khác đều hoạt động từ 3-5 lần/tháng (chủ yếu là hội họp, mở các lớp tập huấn, điểm tuyên truyền của các đoàn thể, các dự án, biểu diễn văn nghệ của thiếu nhi...). Khảo sát buôn Alê A, phường Ea Tam, Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc, từ năm 2002 buôn xây dựng nhà văn hóa mô phỏng kiến trúc nhà sàn dài của người Ê đê. Nhà văn hóa buôn trở thành nơi hội họp của thôn và các đoàn thể, nơi tập văn nghệ của đoàn thanh niên và hội phụ nữ. Một số thôn như Ea Bông và Ako Dhông thì nhà văn hóa thôn còn tập chiêng và tổ chức các bữa ăn cộng cảm (1). Khác với nhà văn hóa thôn, các nhà văn hóa xã hoạt động không hiệu quả. Xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu xây dựng nhà văn hóa xã chủ yếu dùng cho hoạt động của cán bộ xã. Nhà văn hóa xã trở thành nhà thi đấu cầu lông của công chức, viên chức. Người dân ở các thôn khác chưa bao giờ tham gia các hoạt động ở đây. Đến năm 2015, tỉnh Lào Cai đã xây dựng được 68 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn và 1.332 nhà văn hóa thôn bản, buôn làng, tổ dân phố. Các nhà văn hóa ở các địa bàn thuộc trung tâm cụm như xã Bảo Nhai huyện Bắc Hà, nhà văn hóa xã Quang Kim huyện Bát Xát, nhà văn hóa xã Văn Sơn huyện Văn Bàn... hoạt động tốt. Trước hết, ở các khu vực trung tâm cụm này đã hình thành thị tứ, là trung tâm giao thông của cả một vùng có hệ thống trường học phổ thông, có bộ phận cư dân phi nông nghiệp (làm dịch vụ hoặc công nhân các doanh nghiệp sản xuất). Ở đây, các trạm internet, bưu điện văn hóa xã cũng có điều kiện hoạt động, thu hút được người dân tham gia. Còn hầu hết các xã ở miền núi, nhà văn hóa xây xong không hoạt động. Hàng năm, chỉ có vài buổi đội thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động hoặc đoàn nghệ thuật tổ chức hoạt động, người dân mới đến nhà văn hóa.

Như vậy, nhà văn hóa xã ở miền núi hoạt động không hiệu quả nên trong chương trình nông thôn mới chỉ lựa chọn một số xã để xây dựng nhà văn hóa xã. Đó là các xã mang tính chất trung tâm cụm, địa bàn xã là địa bàn thị tứ có cư dân phi nông nghiệp phát triển. Còn hầu hết các xã nông nghiệp không nên xây dựng nhà văn hóa xã.

Mỗi thôn miền núi hiện nay đứng trước khó khăn lớn là thiếu diện tích mặt bằng để xây dựng nhà văn hóa thôn bản, buôn làng. Địa hình miền núi có độ dốc cao, độ chia cắt lớn. Các ngôi nhà của người Hmông, Dao, Xa Phó, Khơ mú... đều là những ngôi nhà chạy dài theo sườn núi. Chiều rộng của ngôi nhà thu hẹp, chiều ngang được mở rộng. Vì vậy, một bản ở vùng cao khó tìm ra diện tích mặt bằng khoảng hàng trăm mét vuông để xây dựng nhà văn hóa. Càng khó khăn hơn ở vùng cao khó có thể xây dựng khuôn viên có vài trăm mét vuông để xây dựng sân bãi vui chơi. Do đó, trong khu vực miền núi cũng cần chú ý đến các xã vùng cao có địa hình phức tạp, có độ dốc lớn xây dựng tiêu chí nhà văn hóa khác với các xã miền núi khác.

2. Vấn đề tổ chức các hoạt động văn hóa

Ở vùng cao, nhu cầu văn hóa của người dân có đặc điểm riêng. Tuy đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhưng nền kinh tế ở vùng cao vẫn là kinh tế thuần nông, sản xuất trên nương rẫy là chủ yếu. Do đó thời gian rỗi cấp ngày rất ít. Khảo sát thời gian của người Hmông ở tỉnh Lào Cai năm 2003, thì thời gian rỗi của người Hmông tại huyện Bắc Hà là 1 giờ 30 phút, còn thời gian rỗi của của người Hmông tại Bát Xát là 1 giờ 10 phút (2). Như vậy, thời gian rỗi cấp ngày ở khu vực nông thôn quá ít, nhưng thời gian rỗi theo mùa vụ (vào thời điểm nông nhàn) lại tương đối nhiều. Mỗi năm sau khi gặt hái xong (25-10 âm lịch) đến rằm tháng Giêng, gần 3 tháng là thời điểm nông nhàn. Do đó, các loại hình hoạt động văn hóa như chơi thể thao, xem phim, biểu diễn và xem văn nghệ... nhằm đáp ứng nhu cầu thời gian rỗi cấp ngày ít thu hút được đồng bào các dân tộc tham gia. Vì vậy, nếu không đổi mới nội dung hoạt động của các nhà văn hóa xã, thôn bản, buôn làng, các phòng đọc sách, điểm bưu điện văn hóa xã thì các thiết chế văn hóa này khó phát huy được hiệu quả. Thậm chí các hoạt động văn hóa nhân dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm tổ chức dài ngày (ví dụ các hội diễn, hội thi thể thao...), vào thời điểm làm mùa, sẽ không thu hút được đông đảo người dân tham gia. Trong khi đó vào thời điểm nông nhàn, người dân có nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng cao như lễ hội, hội thi... nếu các thiết chế văn hóa có nhiều hình thức hoạt động tốt trong thời điểm này sẽ đáp ứng được nhu cầu giải trí và sáng tạo của người dân. Vì vậy, hoạt động các thiết chế văn hóa ở nông thôn miền núi cần dựa vào đặc điểm mùa vụ của xã hội nông nghiệp.

3. Đổi mới cơ chế vận hành xây dựng thôn bản văn hóa

Bộ máy tổ chức và cơ chế vận hành của thôn bản, buôn làng miền núi (từ Tây Bắc vào Tây Nguyên) truyền thống bao gồm 3 thành tố tổ chức:

Trưởng thôn, là người điều hành công việc chung của thôn bản, buôn làng, giải quyết những việc nội bộ trong thôn bản, buôn làng và thay mặt thôn bản, buôn làng giải quyết với các thôn bản, buôn làng khác. Nhưng trước khi giải quyết những việc lớn, xây dựng các hương ước, tổ chức hội nghị hàng năm của đại diện các gia đình thôn bản, buôn làng thì trưởng thôn đều xin ý kiến của hội đồng già làng, những người có uy tín.

Hội đồng già làng, là những người cao niên trong thôn bản, buôn làng. Đồng thời, họ là những người có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, có kinh nghiệm sản xuất, có kinh nghiệm trong đối nhân xử thế, quan hệ với các thôn bản, buôn làng láng giềng, với chính quyền. Vì vậy, hội đồng già làng trước kia thường có nhiệm vụ đề ra các nhiệm vụ và biện pháp tổ chức thực hiện cho trưởng thôn cùng dân bản thực hiện.

Hội nghị dân bản, buôn làng, hàng năm, các thôn bản, buôn làng miền núi đều có hội nghị thường kỳ họp vào dịp đầu năm. Hội nghị dân bản, buôn làng thực chất là hội nghị của các chủ hộ trong thôn bản, buôn làng chủ yếu đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm của thôn bản, buôn làng trong một năm, bàn bạc xây dựng các hương ước của thôn bản, buôn làng và chế tài xử phạt. Ngoài ra, có thể tổ chức các hội nghị bất thường khi có yêu cầu của trưởng thôn bản, buôn làng hoặc hội đồng già làng. Nhà dân tộc học Từ Chi đã xây dựng sơ đồ 3 vòng tròn đồng tâm của mô hình này (3).

Đây là mô hình về tổ chức thôn bản, buôn làng miền núi cổ truyền. Các tổ chức này đều có nhiệm vụ vận hành xây dựng và quản lý thôn bản, buôn làng. Hiện nay, mô hình này đã có sự biến đổi. Hội đồng già làng không còn tồn tại, thay vào đó là vai trò của người có uy tín (mỗi thôn có 1 người được hưởng chế độ). Đồng thời, mỗi thôn có chi bộ Đảng (hoặc tổ Đảng), hệ thống tổ chức các đoàn thể chính trị như Hội nông dân, Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên... Trong đó, Bí thư chi bộ thường kiêm trưởng đại diện Mặt trận thôn bản, buôn làng. Khi tổ chức các hoạt động xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa... trưởng thôn đều xin ý kiến của chi bộ Đảng và các đoàn thể. Chỉ đến khi có sự đồng thuận, trưởng thôn mới tổ chức dân làng thực hiện. Mặt khác, hội nghị đại diện các chủ hộ gia đình cũng tổ chức sinh hoạt thường xuyên. Mỗi khi thôn bản, buôn làng triển khai các nhiệm vụ, trưởng thôn đều xin ý kiến của người có uy tín và triệu tập cuộc họp bàn bạc thống nhất trong cộng đồng. Nội dung xây dựng thôn bản, buôn làng văn hóa còn được thể hiện ở hương ước, quy ước. Các hương ước này đóng vai trò như một cương lĩnh tinh thần của cả thôn bản, buôn làng. Đây cũng là văn bản thể hiện chuẩn mực, chế tài thực hiện mà cộng đồng thôn bản, buôn làng phải tuân theo. Các hương ước này đã định hướng những nội dung cần phải thực hiện của thôn bản, buôn làng. Hiện nay, vấn đề xây dựng hương ước theo tiêu chuẩn danh hiệu làng văn hóa có biến đổi và nảy sinh nhiều điều bất cập. Trước hết, bản hương ước đều do cán bộ tư pháp xã soạn thảo theo các nội dung chung chung, vận dụng vào thôn bản, buôn làng nào cũng được. Khảo sát ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu và huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, các bản hương ước có từ 28 - 35 điều khác nhau. Người soạn hương ước chọn lựa những yêu cầu của chính quyền đối với người dân để đưa vào hương ước (từ việc thực hiện chính sách, đóng nộp lệ phí đến việc phổ cập giáo dục tiểu học...). Hầu hết các bản hương ước đều nhắc lại các văn bản luật một cách không cần thiết. Bản hương ước thông qua hội nghị dân thôn bản, buôn làng một cách hình thức. Sau khi dân thôn bản, buôn làng đồng ý cho đúng thủ tục, bản hương ước được Ban Tư pháp xã trình lên UBND huyện có quyết định phê chuẩn. Bản hương ước của thôn Giàng Lân, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có nhiều điều mang thuật ngữ “phát triển bền vững”, “bình đẳng giới” mà chúng tôi phỏng vấn trưởng thôn cũng không hiểu. Hương ước trở thành hình thức, na ná giống nhau, không đề cập những vấn đề cơ bản của thôn bản, buôn làng dẫn đến tình trạng cộng đồng coi thường hương ước. Thậm chí, khảo sát ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; xã Tả Ngảo và xã Tả Phìn của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, hầu hết các gia đình không nhớ hương ước đề cập đến vấn đề gì. Các tiêu chí xây dựng danh hiệu làng văn hóa được vận dụng vào nội dung hương ước cũng bị xem nhẹ. Như vậy, chuẩn mực nếp sống văn hóa của thôn bản, buôn làng không được cộng đồng thực hiện nghiêm túc mà chủ yếu là thực hiện lấy lệ.

Vấn đề thực hiện tiêu chí làng văn hóa trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở miền núi do cách làm thiếu khoa học nên trở thành hình thức. Trong xã hội cổ truyền, dư luận thôn bản, buôn làng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nếp sống của thôn bản, buôn làng. Sức mạnh của hương ước muốn cố kết mạnh mẽ các thành viên, chỉ đạo kiểm soát được mọi thành viên phải thông qua dư luận thôn bản, buôn làng. Dư luận thôn bản, buôn làng là tiếng nói chính thức của cộng đồng nhằm bảo vệ tập quán và hương ước. Nhất là các thôn bản, buôn làng miền núi có trình độ dân trí thấp, môi trường giao tiếp bị khuôn chặt trong các mối quan hệ giữa người thôn bản, buôn làng với nhau thì dư luận của thôn bản, buôn làng càng đóng vai trò quan trọng. Dư luận thôn bản, buôn làng trở thành lực lượng hướng dẫn và cưỡng chế các thành viên ứng xử theo đúng chuẩn mực của hương ước và tập quán pháp. Dư luận thôn bản, buôn làng còn góp phần cổ vũ, khích lệ các thành viên chấp hành các hương ước, đồng thời có tác dụng răn đe, ngăn ngừa những người có hành động vi phạm hương ước. Nó là sợi dây vô hình “trói chặt” mọi thành viên vào cơ chế vận hành của thôn bản, buôn làng. Sức mạnh của dư luận thôn bản, buôn làng càng trở nên mạnh mẽ khi hương ước trở thành mệnh lệnh thiêng, khi người tạo nguồn dư luận lại là những người có uy tín trong thôn bản, buôn làng. Nhưng rất tiếc trong những năm gần đây, do bệnh hình thức, cách làm thiếu khoa học của ngành tư pháp cũng như sự coi nhẹ của chính quyền cơ sở nên hương ước chưa trở thành một cương lĩnh chung, chưa tạo thành một tuyên ngôn của thôn bản, buôn làng để tạo cơ sở xây dựng dư luận thôn bản, buôn làng. Vì vậy, muốn xây dựng nông thôn mới, đặc biệt việc xây dựng các tiêu chí về văn hóa gắn với việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở miền núi cần chú trọng: nghiên cứu tính đặc thù của miền núi nhằm đổi mới việc đề xuất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm miền núi, vùng cao; trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về văn hóa cần nghiên cứu, thận trọng lựa chọn việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Nhà văn hóa xã chỉ nên xây dựng ở các xã là thị tứ, trung tâm của khu vực, cụm kinh tế - xã hội trong vùng, không nhất thiết xây dựng tràn lan như hiện nay, vừa không hiệu quả vừa tốn tiền của, công sức của người dân và ngân sách nhà nước. Nguồn ngân sách đó nên đầu tư hỗ trợ xây dựng các nhà văn hóa thôn bản, buôn làng; xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng danh hiệu các làng văn hóa ở nông thôn miền núi là vấn đề quan trọng, quyết định đến sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhưng muốn xây dựng nếp sống văn hóa, danh hiệu làng văn hóa đòi hỏi phải thay đổi cách xây dựng hương ước và cách vận động người dân thực hiện hương ước. Cần nghiên cứu bộ máy vận hành của cơ chế thôn bản, buôn làng miền núi để xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

______________

1. Đặng Hoài Giang, Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 2016, tr.90.

2. Trần Hữu Sơn, Xây dựng đời sống văn hóa ở vùng cao, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2004, tr.3.

3. Nguyễn Từ Chi, Văn hóa tộc người Việt Nam, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2013, tr.339.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 - 2017

Tác giả : TRẦN HỮU SƠN

;