Đặc điểm chính trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam hiện nay

LTS: Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói, ứng xử văn hóa và văn hóa ứng xử, với những chuẩn mực cũng như lệch chuẩn của nó, thực sự là những vấn đề phong phú, đa dạng và hết sức quan trọng đối với việc xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh.

Văn hóa ứng xử là sự thể hiện triết lý sống, các lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động… của một cá nhân, một cộng đồng người trong việc giao tiếp và giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, con người với xã hội từ vi mô đến vĩ mô, được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói trong giao tiếp xã hội.

Văn hóa ứng xử được nhìn nhận chủ yếu trên 3 phương diện: gia đình, nhà trường, xã hội; ở 3 cấp độ: ứng xử với bản thân, ứng xử với cộng đồng xã hội, ứng xử với cộng đồng tự nhiên.

Hiện nay trong gia đình, nhà trường và xã hội còn rất nhiều hành vi ứng xử kém văn hóa, thiếu văn minh như hiện tượng nói tục, chửi thề, vi phạm giao thông, ăn mặc thiếu nghiêm túc, sử dụng lời lẽ và hành vi khiếm nhã nơi công cộng…Những ứng xử này lệch chuẩn so với văn hóa ứng xử truyền thống trong gia đình (quan hệ hôn nhân vợ chồng, quan hệ cha mẹ - con cái, các mối quan hệ khác: ông bà - cháu, anh - em); trong nhà trường (các mối quan hệ thày với thày, thày với trò, trò với trò…); trong xã hội (quan hệ tự ứng xử cá nhân, quan hệ trong các nhóm xã hội: thanh niên, người cao tuổi, trí thức, nông dân…, quan hệ cá nhân-nhóm, nhóm -nhóm…), trong cộng đồng tự nhiên: ứng xử của con người với di tích, danh thắng, cảnh quan thiên nhiên, môi trường.

Nhằm tạo thêm một kênh quan trọng để tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng dư luận trong xây dựng văn hóa ứng xử, ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội, từ số 423, tháng 9 này, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật mở Chuyên mục Diễn đàn văn hóa ứng xử, bắt đầu từ bài viết khái quát về văn hóa ứng xử của người Việt Nam hiện nay của PGS. TS Bùi Hoài Sơn, hy vọng sẽ mở ra nhiều góc nhìn về ứng xử văn hóa, qua đó, kiến giải và góp phần hình thành giá trị, chuẩn mực văn hóa ứng xử ở Việt Nam.

 

Phản tỉnh về những thói hư, tật xấu không có nghĩa là chúng ta không có điểm tốt. Nhờ có những giá trị văn hóa trường tồn cùng năm tháng, đất nước chúng ta mới có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Tôi cũng đồng ý rằng, xã hội cơ bản được vận hành trên lòng tốt và sự hướng thiện. Xã hội có khả năng tự điều tiết để cho chính bản thân xã hội tốt đẹp dần lên theo thời gian. Tuy nhiên, phản tỉnh về những thói hư, tật xấu giúp chúng ta ý thức tốt hơn về những điểm chưa hoàn thiện của mình, từ đó có cách hoàn thiện tốt hơn bản thân. Người Nhật, người Trung Quốc đã có hẳn cả những cuốn sách viết về tật xấu để thức tỉnh dân tộc mình. Người Việt Nam cũng cần có ý thức như vậy!

Quan điểm của tôi là, khi chúng ta nghiên cứu lịch sử, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn hiện tại; khi chúng ta nghiên cứu bản chất, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn hiện tượng. Đối với lý giải về lối sống, văn hóa ứng xử của người Việt Nam hiện nay cũng tương tự như vậy.

Như chúng ta đều biết, ý tưởng về sự hòa hợp với thiên nhiên trong giáo lý của các tôn giáo hay quan niệm của tín ngưỡng bản địa đã trang bị cho người Việt một nhận thức về tự nhiên, biết nắm lấy cái bản thể cốt lõi của thiên nhiên mà hành động cho phù hợp với cuộc sống mưu sinh của mình. Người Việt đã vận dụng những tri thức về tự nhiên đó để biết thích ứng với tự nhiên, chinh phục, cải tạo tự nhiên, biết khắc phục và kìm hãm thiên tai…

Song, chính bởi sự gắn bó, thân thiện, hòa mình vào với thiên nhiên, với trời đất đã dẫn đến việc hình thành lối sống lệ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào thiên nhiên, từ đó dễ sinh ra tính lười biếng trong lao động và giản lược hóa một cách thực dụng trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, thiếu ý thức trong việc vừa khai thác, vừa biết tái tạo nó.

Lối sống phụ thuộc vào tự nhiên, trong khi đó tự nhiên, thời tiết lại luôn thất thường, “đỏng đảnh”. Đối diện với sự biến thiên đó, đáng lý ra người Việt phải biết tìm cách làm chủ và tự do trước thiên nhiên, người Việt lại quá lệ thuộc vào “Trời”, nên trong quá trình sống hay lao động sản xuất, người Việt thường tin vào số phận, may rủi, trông chờ vào thiên nhiên, dẫn đến người Việt thường dễ chán nản, chùn bước khi gặp phải khó khăn.

Lối lao động, sản xuất chỉ biết dựa trên tri thức kinh nghiệm về thời tiết, về trông mong ở trời đất của người Việt truyền thống khiến cho người Việt Nam hiện nay thiếu ý thức nghiên cứu khoa học trong sản xuất.

Lối tư duy và lối sống tiểu nông đã hình thành lối làm ăn tùy tiện, manh mún, không biết lo xa, hạch toán, thiếu khả năng lao động liên kết, thiếu đầu óc tính toán trong kinh doanh, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiển cận, thực dụng, tính tổ chức kỷ luật kém, tính cục bộ, phường hội, địa phương chủ nghĩa…

Lối tư duy và lối sống tiểu nông cũng đã hình thành phương thức “ăn xổi, ở thì”, đề cao những lợi ích thiết thực ngay trước mắt, chứ ít chú tâm đến những lợi ích chiến lược, lâu dài hay phải làm những gì có tính bền lâu.

Cũng chính vì chịu ảnh hưởng bởi văn hóa với những chuẩn mực về sự tiết độ, dùi mài kinh sử để vượt qua các kì thi, đảm bảo cho mình một địa vị xã hội để hưởng một vinh hoa phú quý, nên người Việt học hành thường không đến nơi đến chốn. Ngày nay, vào các thư viện trong trường đại học, ta thấy lượng người đến đọc sách, học tập, nghiên cứu không nhỏ, nhưng theo các cuộc điền tra xã hội học, số người đến thư viện đọc sách, học tập, nghiên cứu vì say mê khoa học không nhiều mà họ đến đó đọc sách hay học tập để thi, để hoàn thành một chứng chỉ, hay làm xong một việc nhất định nào đó rồi bỏ đấy. Do đó, khi học tập, nghiên cứu, người Việt nặng nề với giáo điều, sao chép và thuộc lòng các lý thuyết có sẵn. Lối học tầm chương, trích cú đó đã trói buộc những sáng kiến của con người, kìm hãm lối tư duy phản biện, dẫn tới thiếu tự ti, không dám vượt bỏ quá khứ.

Bên cạnh đó, cách tư duy của người Việt còn có xu hướng duy tình, duy cảm nên người Việt thường dung hòa, xu thời, cam chịu, nhút nhát, rụt rè, tùy tiện, thiếu triệt để, ý thức pháp luật chưa cao. Đây cũng chính là nhược điểm đáng kể đối với việc xây dựng lối sống và tác phong công nghiệp gắn với tư duy duy lý trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế.

Chính tư duy thiên về kinh nghiệm (trăm hay không bằng tay quen) đã tạo nên lối sống cho người Việt nặng về gia trưởng, lão quyền (người cao tuổi được coi là người có kinh nghiệm sống hơn cả) nên trọng trưởng, khinh ấu. Với cách nghĩ và cách làm theo kinh nghiệm thì hoạt động của con người thường hướng về quá khứ, bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới, thường tìm cách phủ nhận năng lực của người đi sau (mặc dù trong thâm tâm biết rằng họ hơn mình).

Và cũng do ảnh hưởng của văn minh coi trọng tinh thần, khinh chê vật chất (vì nó là tầm thường, hạ đẳng) nên người Việt cũng hình thành thói hư danh, ảo tưởng, sĩ diện. Người Việt Nam thường giấu đi cái nghèo, cái khổ (đói cho sạch, rách cho thơm), không mấy người Việt thú thật được nỗi cực nhọc, vất vả đã từng phải chịu đựng, từ đó dẫn đến thói kiêu căng.

Truyền thống trọng danh là một đặc trưng của người Việt, trọng danh là một đức tính tốt, ảnh hưởng từ Nho giáo, Đạo giáo. Cho đến nay, truyền thống trọng danh vẫn tồn tại. Trọng danh dẫn đến đức hiếu học. Một cuộc điều tra về đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam (1996) cho thấy: Khoảng 60% công nhân Việt Nam mong muốn con cái mình trở thành trí thức, chỉ có số ít mong muốn con cái nối tiếp nghề nghiệp của mình, tức trở thành công nhân.

Song, đi liền với tính trọng danh là thói háo danh, mua danh: được thể hiện rõ qua nạn bằng giả, bằng thật học giả trong xã hội hiện nay. Những hiện tượng loạn danh hiệu như chúng ta thấy vừa qua, một mặt cho chúng ta thấy nhu cầu của xã hội trong việc tìm kiếm danh hiệu, một mặt cũng là chỉ báo mang tính hiện tượng cho thói háo danh này.

Ý thức cộng đồng, tính gắn kết, cố kết cộng đồng là một trong những đặc điểm truyền thống nổi bật của người Việt Nam. Nhưng mặt trái của tính cộng đồng lại dẫn tới tính cục bộ, kéo bè, kéo cánh. Đây cũng là một trong những hạn chế khiến người Việt khó hòa nhập được với nền kinh tế toàn cầu với một bộ óc cục bộ, vì lợi ích cá nhân, đơn vị, địa phương; lúc nào cũng tìm ra đặc thù để bao biện cho sự hội nhập với những tiêu chuẩn chung.

Tình trạng níu kéo nhau, không muốn cho người khác hơn mình (khôn độc không bằng ngốc đàn), thói quen ghen ghét, đố kỵ khi thấy người khác hơn mình khiến cho người Việt không bao giờ tạo ra được một sự hiệp thông thống nhất, dẫn đến việc một người thì làm tốt, ba người thì làm tồi, bảy người thì làm hỏng.

Chúng ta phải nhìn lại mình, nhất là trong điều kiện hiện nay, nhận thức lại chính mình là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp đổi mới, nhận thức những hạn chế của mình để tìm cách khắc phục, vượt qua, phá bỏ những rào cản, những trở lực, những sức ỳ khá nặng nề cho bước đi lên của đất nước.

Rõ ràng, chính sách mở cửa của Đảng đang tạo ra không ít thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhưng cũng làm biến đổi các nhóm xã hội nghề nghiệp, và khiến mức độ phân hóa giàu nghèo gia tăng với khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn. Chẳng hạn, ở đô thị, một bộ phận trong khu vực quốc doanh đã và đang tiếp tục chuyển sang khu vực ngoài quốc doanh, nhiều công nhân bị mất việc, xí nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể, tinh giản biên chế. Quá trình tư nhân hóa một bộ phận của kinh tế dẫn đến quá trình “thị dân hóa” một bộ phận quan trọng dân cư đô thị và đương nhiên, không tránh khỏi quá trình “thị dân hóa” lối sống đô thị. Và như vậy, mỗi nhóm mức sống sẽ hình thành nên những nét riêng trong lối sống của họ với các bảng giá trị mới, chi phối, chỉ đạo các khuôn mẫu hành vi ứng xử của các cá nhân và các nhóm bên cạnh. Những lối sống đang được du nhập vào Việt Nam xa lạ với những định hướng giá trị chuẩn mực mà người Việt Nam đã định hình qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tạo ra sự phức tạp nhiều vẻ của một lối sống trong giai đoạn quá độ như hiện nay. Quá trình cá nhân hóa khiến con người đề cao giá trị cá nhân, lợi ích cá nhân, cùng với sự nhấn mạnh về những lợi ích vật chất, thói hư danh, đã lấn át các giá trị văn hóa tinh thần đích thực. Lối sống tiêu dùng, tâm lý tiêu dùng cũng là sản phẩm của các quan hệ thị trường mới, các định hướng giá trị nghề nghiệp xã hội trong các nhóm xã hội cũng đang phải trải qua nhiều biến đổi tương tự… Đây là những nhân tố cực kì quan trọng quy định hiện trạng lối sống, cách ứng xử Việt Nam hiện nay và nó còn là yếu tố (giá trị văn hóa) được Max Weber (nhà xã hội học Đức) đề cao như là một nhân tố quyết định sự phát triển xã hội. Vấn đề đặt ra cấp bách là: chúng ta cần giữ vững giá trị chuẩn mực gì? tiếp thu những giá trị gì và loại bỏ những gì có hại cho việc xây dựng lối sống mới ở Việt Nam?... để xây dựng được lối sống mới của con người Việt Nam - một lối sống được hình thành, phát triển vừa biểu hiện được bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp biến những đặc điểm văn hóa hiện đại, khoa học trên nguyên tắc công bằng, dân chủ, văn minh. Muốn vậy có lẽ cần phải:

Phát triển kinh tế, phát huy nội lực và mở rộng giao lưu, hợp tác với nước ngoài, tạo ra và từng bước nâng cao những điều kiện sống cần thiết cho nhân dân lao động. Giải quyết việc làm, đẩy lùi nạn thất nghiệp, thực hiện phân phối theo lao động… Tất cả là những tiền đề kinh tế, xã hội quan trọng nhất cho việc xây dựng lối sống mới Việt Nam, bởi vị thế kinh tế, xã hội quy định lối sống cụ thể của cá nhân, nhóm xã hội.

Nâng cao dân trí, xã hội hóa giáo dục nhằm giúp mọi người trong xã hội hiểu được giá trị truyền thống: những gì là tinh hoa cần được giữ gìn và những gì là hủ tục cần được xóa bỏ.

Cần hoàn thiện hệ thống luật, nâng cao ý thức chấp hành luật pháp trong toàn dân. Xử phạt nghiêm những người vi phạm luật.

Xây dựng lối sống mới đoàn kết, thân ái và đầy tính nhân văn thông qua việc giải quyết hài hòa các lợi ích, khuyến khích nhu cầu chính đáng của các cá nhân, nhóm xã hội và loại bỏ những nhu cầu bất hợp lý, nhu cầu giả, nhằm tạo ra cho xã hội một sự thống nhất cao về ý chí và hành động.

Hình thành và thực hiện tốt các bộ quy tắc ứng xử trong từng ngành nghề, lĩnh vực, coi đây là cơ sở để hình thành các ứng xử văn minh trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện tốt chức năng điều tiết sự phát triển xã hội của văn hóa.

Hình thành những tấm gương người tốt, việc tốt để định hướng sự phát triển nhân cách con người; đồng thời lên án những việc làm xấu để giáo dục con người, từ đó hình thành nên một môi trường nhân văn cổ vũ cái tốt, loại trừ cái xấu.

 

Tác giả: Bùi Hoài Sơn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

;