Cách tân nghệ thuật tự sự trong văn xuôi dân tộc miền núi phía Bắc thời kỳ hiện đại

Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, văn xuôi các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam đã có những bước tiến lớn về mọi mặt: sự gia tăng nhanh chóng về số lượng tác giả, tác phẩm; chủ đề, đề tài được mở rộng phong phú hơn; chất lượng nghệ thuật được nâng cao và tiến gần hơn với nghệ thuật của văn xuôi hiện đại cả nước. Đặc biệt, nghệ thuật tự sự của văn xuôi thời kỳ hiện đại còn được ghi dấu ở những cách tân mới mẻ trong hình thức biểu đạt mà vẫn giữ nguyên được hồn cốt dân tộc đậm đà, không thể trộn lẫn với bất kỳ nền văn học nào khác.

     Bước sang vùng văn học hiện đại, cùng với sự chuyển đổi về hệ hình tư duy nghệ thuật của nền văn học Việt Nam hiện đại, từ mô hình văn học sử thi sang mô hình văn học phi sử thi, văn xuôi dân tộc thiểu số đã có những đổi mới đáng trân trọng, với sự xuất hiện của nhiều tác phẩm mang dấu hiệu mới trong cách nhìn và tư duy nghệ thuật. Đặc biệt, tiểu thuyết đã có bước chuyển biến mạnh mẽ chưa từng thấy. Từ giọng kể đơn thanh đối với nhân vật, văn xuôi dần dần đã tiếp cận được nghệ thuật của tiểu thuyết hiện đại. Tính cách nhân vật không còn mờ nhạt, đơn điệu mà một mặt nào đó tác giả đã biết “trao tiếng nói cho nhân vật” để nhân vật tự bộc lộ tính cách, số phận của mình. Nhiều khi tác giả đối thoại cùng nhân vật một cách sinh động. Kết cấu tác phẩm đan xen nhiều tuyến, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều số phận, đạt đến hiệu quả cao hơn trong việc phản ánh cuộc sống, nhận thức hiện thực. Nhiều tác phẩm đã kết hợp bút pháp tự sự theo lối truyền thống ảnh hưởng từ dân gian với bút pháp hiện đại tạo nên sự đa dạng, nhiều vẻ làm nên những mảng màu mạnh bạo trong bức tranh văn xuôi dân tộc thiểu số thời kỳ mới. Cao Duy Sơn được coi là cây bút tiếp cận rõ nét nhất phương pháp sáng tác hiện đại trong các tiểu thuyết. Từ Người lang thang đến Đàn trời, với bút pháp vừa hiện thực vừa lãng mạn, tác giả đã phân tích, mổ xẻ những diễn biến tâm lý phức tạp của các nhân vật cũng như những mâu thuẫn, xung đột gay gắt đang diễn ra trong cuộc sống. Cách xây dựng nhân vật của tác giả được chiếu rọi từ những góc độ khác nhau, làm cho tính cách nhân vật trở nên đa dạng, sắc nét. Đây cũng là thành công trong cách viết của tác giả tạo nên sự vượt trội mà những tác phẩm văn xuôi viết về dân tộc và miền núi trước đây chưa có được. Trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên không có sự phân định rõ hai tuyến nhân vật thiện, ác như Vi Hồng. Không gian, thời gian được xây dựng xen nhau trong các tác phẩm (Mùa hoa Hải Đường, Trăng yêu, Gió hoang, Bến đời…), với những nhân vật phản diện xuất hiện chỉ nhằm làm rõ hơn những con người tốt, những nhân vật tích cực. Tiểu thuyết Phượng hoàng núi vừa mang âm vang sử thi khi tái hiện cuộc đấu tranh gian khổ chống ngoại xâm của nhân dân các dân tộc trên phạm vi cả nước, nhưng vẫn ngồn ngộn bản sắc của quê hương miền núi. Từ một sự kiện lịch sử có thật, nhà văn đã khéo léo đan cài nhiều dòng hồi tưởng, hồi ức của các nhân vật để qua đó, thể hiện phẩm chất của con người vùng cao: dũng cảm, mưu trí, yêu nước. Tác phẩm của Hà Trung Nghĩa lại đi vào khía cạnh của hiện thực đương đại theo hướng khai thác đời tư nhân vật, trong đó Lửa trong rừng sa mu phản ánh khá cụ thể đời sống nội tâm của một bộ phận trí thức và người lao động trên mảnh đất vùng cao, với những trăn trở, suy tư, day dứt, sám hối và khát vọng, ước mơ. Hoàng Hữu Sang với tiểu thuyết Cửa rừng (2000) lại tái hiện cuộc sống vất vả, khó khăn của biết bao người dân trên các vùng đảo hồ Thác Bà, trong đó nổi bật là tâm trạng buồn - vui, có cả thất bại và thành công, cả sự cô đơn và hồ hởi… của những người làm công tác văn nghệ tuyên truyền. Vương Trung cũng là một cây bút sáng tác đa dạng ở nhiều thể loại như thơ, truyện thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết… nhưng sáng tác dài hơi nhất của ông là tác phẩm Đất bản quê cha (2007). Với tiểu thuyết này, ông đã hoàn thành việc trải nghiệm những hiểu biết về văn hóa xã hội Thái xưa kia lẫn hiện tại. Cốt truyện xoay quanh số phận hai nhân vật chính Pâng - Sượi, khởi nguồn từ “yêu nhau mà không lấy được nhau” thường thấy trong các truyền thuyết, truyện thơ cổ dân tộc Thái. Nhà văn cũng đi sâu vào khám phá đời sống xã hội của người Thái với những mối quan hệ phức tạp cùng những phong tục tập quán lưu dấu từ ngàn đời. Trong đó, nhân vật Pâng Pun là một đại diện tiêu biểu cho kiểu con người mới thoát thai từ sử thi, mang đầy đủ nét đẹp văn hóa của một người anh hùng - dũng sĩ.

     Bên cạnh những thành tựu nổi bật của tiểu thuyết, truyện ngắn cũng có những cách tân quan trọng về nghệ thuật. Với Giải A cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2004 cho tác phẩm Gốc gội xù xì, Hà Thị Cẩm Anh là một cây bút nữ văn xuôi dân tộc thiểu số có lối kể chuyện chân thật, mộc mạc, giản dị, dễ hiểu nhưng giàu biểu tượng, sâu sắc và hấp dẫn. Tác phẩm đã phân tích, lý giải diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật một cách phù hợp. Nhân vật tôi đã không ít lần tự hỏi: tại sao mình lại được sinh ra trên cõi đời đầy oan nghiệt này, tại sao mình lại phải mang hình hài của một kẻ dị nhân? Để rồi sau những đau đớn, dằn vặt, thậm chí tự oán trách số phận, nhân vật tôi lại tìm đến cây sồi già để tìm nơi trú ngụ cho tâm hồn vốn đã đọng đầy nước mắt. Có thể thấy đây là một trong những truyện ngắn hay, có ngôn ngữ, chi tiết, kết cấu, cốt truyện chặt chẽ, kết hợp với khả năng khám phá và miêu tả đời sống một cách chân thực, rõ nét. Truyện ngắn Núi đợi của Bùi Thị Như Lan được sáng tác theo môtip quen thuộc của văn học Việt Nam viết về đề tài chiến tranh và hiện thực đau thương hậu chiến. Hai loại cảm hứng được nhà văn “tận dụng” triệt để trong xây dựng nhân vật là cảm hứng sử thi và đời thường, gắn với một loạt những cách tân mới mẻ ở hình thức biểu đạt. Đó là ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu so sánh theo tư duy trực cảm của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Cốt truyện diễn tiến theo thời gian và tâm trạng nhân vật nhưng không hề dàn trải mà vẫn cô đọng, đóng đinh vào những khoảng lặng cần thiết. Tâm hồn, tính cách người miền núi được khắc họa ở vẻ trầm lặng, ít nói, chôn thật sâu những tình cảm mãnh liệt, đẹp đẽ, cách thể hiện nội tâm và tính cách của họ được thông qua hành động chứ không phải lời nói. Trong truyện Lời sli vắt ngang núi, nhà văn hóa thân vào nhân vật để diễn tả tâm trạng đau đớn tột cùng của “tôi” trong đêm tân hôn, khi người chồng phát hiện ra mình đã cưới nhầm người. Để rồi từ sau đêm định mệnh ấy, cuộc đời của “tôi” rơi vào vòng xoáy của nỗi đau khổ triền miên: không con cái và mặc cảm tội lỗi bủa vây. Qua một số truyện ngắn khác như Bồng bềnh sương núi, Mùa hoa gắm, nhà văn lại phát hiện ra đời sống nội tâm phong phú nhưng cũng đầy phức tạp của con người miền núi, từ đó xoáy sâu vào khai thác những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật. Truyện ngắn Hoa bay cuối trời của Cao Duy Sơn là một minh chứng tiêu biểu cho những cách tân độc đáo ở phương diện nghệ thuật tự sự. Với cốt truyện đơn giản, dung dị, được triển khai theo thời gian tuyến tính, phẩm chất nhân vật định sẵn và bất biến, ngôn ngữ giàu chất thơ mà trong đó vẻ đẹp trữ tình của dân ca Tày đã được sàng lọc bằng văn hóa Việt ở tầm cao, nên mang một vẻ đẹp riêng, vừa lạ vừa quen, vừa truyền thống vừa hiện đại. Điều hấp dẫn nữa là ngôn ngữ đối thoại của nhân vật vừa ngắn gọn, bộc trực, vừa hồn nhiên, giản dị đúng với cốt cách người miền núi. Hoàng Hữu Sang với hai tập truyện Người đánh gấu trên núi mâyChuyện lạ ở bản Coóc (đều đạt giải Nhì văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 1997, 1999) mang đến cho người đọc những ấn tượng day dứt về thân phận con người trong quá trình tự vật lộn với hạn chế của chính mình nhằm vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng tương lai ở vùng đất mới. Qua những dằn vặt, đấu tranh giữa tình yêu bản năng và khát vọng hạnh phúc của nhân vật Ún Khưm (Tình mường Wang), Bùi Minh Chức đã khai thác thành công một phương thức nghệ thuật tưởng chừng như xưa cũ, lỗi thời là lối kể - tả trong xây dựng chân dung và khắc họa tâm trạng nhân vật. Thủ pháp này cũng được nhà văn vận dụng để miêu tả tâm hồn nhạy cảm của nhân vật Thin trong Ảo ảnh sông Bôi. Dù đang sống trong viên mãn, tròn đầy nhưng cô vẫn luôn có cảm giác thiếu thốn và trống vắng. Ẩn dưới vẻ ngoài hoàn hảo kia là trạng thái chông chênh, bất ổn khó diễn tả của lòng người. Qua những dự cảm âu lo về cuộc sống, về sự mong manh của tình yêu và hạnh phúc, các nhà văn đã phần nào hé lộ cho chúng ta thấy sự khó đoán của lòng người trước những bể dâu của số phận và trong những biến thiên của đời sống xã hội.

      Với sự góp mặt của các phong cách văn xuôi từ nhiều dân tộc, đến giai đoạn hiện nay, văn xuôi miền núi phía Bắc đã trở thành một khu vực văn học phát triển mạnh mẽ, được ghi dấu bằng những thành tựu đặc sắc. Đặc biệt, với những cách tân mới mẻ, độc đáo mà vẫn giữ được hồn cốt truyền thống trong nghệ thuật tự sự, văn xuôi miền núi thời kỳ hiện đại đã tự tạo ra cho mình một bệ đỡ vững chắc trên con đường phát triển. Tự khẳng định trong xu thế hòa nhập vào dòng chảy chung của văn học cả nước, đồng thời vẫn giữ được bản sắc riêng - đó chính là đặc điểm mang tính quy luật và tính định hướng của văn xuôi các dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam.

Tác giả: Cao Thị Thu Hoài

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

;