Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về văn hóa

     

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Nguyễn Thanh Cường

 

     Tại Hà Nội, vừa qua, Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, BCH T.Ư Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

     Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành T.Ư; các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở DL các địa phương.

     Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ đã tiến hành sơ kết ở các lĩnh vực chuyên ngành để xây dựng báo cáo tổng kết chung của toàn ngành, đánh giá khá toàn diện các mục tiêu, 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp mà Nghị quyết 33-NQ/TW đề cập.

     Báo cáo của Bộ VHTTDL tại hội nghị đã khẳng định trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã thực hiện 6 nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

     Theo đó, tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được mở rộng và đi vào chiều sâu với những tiêu chí cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực, qua các giai đoạn sơ, tổng kết phong trào đã có trên 1.200.000 gương người tốt, việc tốt; 20.060.544/23.085.070 gia đình được công nhận Gia đình văn hóa; 75.720/106.355 được công nhận làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa; 64.968/91.232 cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đề cao giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, làng buôn, khu phố văn hóa, loại bỏ dần những tập tục lỗi thời, lạc hậu.

     Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển rộng rãi, góp phần phòng ngừa bệnh tật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng lối sống lành mạnh, hình thành và bồi dưỡng phẩm chất nhân cách con người.

     Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình gắn với chủ đề “xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình”.

     Hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện và phát huy giá trị. Đến nay, Việt Nam có 27 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh; gần 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; 3.486 di tích quốc gia; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 164 bảo vật quốc gia; 288 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Từ năm 2016 - 2018, đã hỗ trợ cho các tỉnh, thành tu bổ chống xuống cấp 238 di tích với tổng kinh phí 127,4 tỷ đồng.

     Văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc. Giai đoạn 2014 - 2018, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo tổ chức 20 liên hoan, cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và 8 liên hoan, cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế, trao 649 Huy chương vàng, 935 Huy chương bạc, 1.612 Huy chương đồng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xét tặng 18 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 95 Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình về văn học nghệ thuật…

     Hệ thống thiết chế văn hóa, hoạt động văn nghệ quần chúng được nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Toàn quốc hiện có 40 tỉnh, thành đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao như: An Giang, Bắc Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng… Từ năm 2014 đến nay có 3 Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh là Bạc Liêu, Bến Tre, Quảng Bình với cơ sở vật chất hiện đại được đưa vào sử dụng; phấn đấu đến năm 2020, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được phát triển đồng bộ ở các vùng, miền, khu vực trong cả nước.

     Hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức sôi nổi, góp phần quan trọng trong công tác đối ngoại của Nhà nước. Các hoạt động văn hóa đối ngoại nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa nghệ thuật các dân tộc Việt Nam ra thế giới, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới thông qua các hoạt động: các tuần/ ngày văn hóa; các đại hội thể thao khu vực và quốc tế; các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cũng như các hoạt động giao lưu khác nhân những ngày lễ lớn và trong các hoạt động đối ngoại quan trọng.

     Báo cáo cũng đưa ra các nội dung về thực hiện 4 giải pháp nêu trong Nghị quyết, gồm: đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa; tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.

     Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn:

     Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, do đó không phân định cụ thể trách nhiệm rõ ràng dẫn đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao không cao; thủ tục hành chính còn rườm rà, năng lực, phẩm chất, ý thức, kỷ cương, kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém; còn có nhiều vụ việc làm thất thoát, lãng phí tài sản lớn của Nhà nước làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân.

     Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn chưa được coi trọng, có hiện tượng tận thu trong khai thác giá trị di tích. Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn thấp, nhất là trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

     Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được quan tâm quy hoạch; có địa phương còn dùng quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao vào mục đích khác.

     Kinh phí đầu tư cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn hạn hẹp khiến các đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn trong hoạt động, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống rất khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận.

     Nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn hạn chế. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra khá phức tạp và nghiêm trọng ở một số nơi…

     Tại hội nghị, Bộ VHTTDL đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

     Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

     Hai là, hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của các hệ thống thiết chế văn hóa.

     Ba là, phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước.

     Bốn là, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế.

     Năm là, tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người, ưu tiên nguồn lực cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách xã hội, đối tượng chịu thiệt thòi, cho một số loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại cần bảo tồn và phát triển.

     Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định những nội dung, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 33-NQ/TW vẫn còn rất thời sự và thiết thực. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục thực hiện các nội dung, yêu cầu của Nghị quyết 33-NQ/TW cũng như Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW. Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị định, thông tư; thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về các lĩnh vực: đạo đức xã hội; di sản văn hóa; xây dựng con người, môi trường văn hóa; thiết chế văn hóa, nghệ thuật biểu diễn; điện ảnh, bản quyền tác giả; chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; hợp tác quốc tế về văn hóa. Căn cứ vào các nhiệm vụ đó, toàn ngành phải tập trung thực hiện tốt trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Sau hội nghị, Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL sẽ nghe lại các đề xuất, hoàn thiện báo cáo gửi Ban Bí thư T.Ư Đảng, Ban Tuyên giáo T.Ư và Chính phủ.

 

Tác giả: Phạm Tuấn Minh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

 

;