BIẾN ĐỔI CỦA LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG Ở ĐẮK NÔNG HIỆN NAY

         Ở Đắk Nông lễ hội là sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu và quy mô nhất của cư dân bản địa M’nông, Mạ, Ê đê trong đời sống bon làng. Đó là những hoạt động mang tính tổng hợp của tín ngưỡng tâm linh, sinh hoạt văn hóa, trao truyền kỹ năng sống, hoạt động vui chơi giải trí và xây dựng tinh thần cố kết cộng đồng. Những thành tố văn hóa trong lễ hội đã biểu hiện rõ sắc thái văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa cộng đồng làm nên sự khác biệt, khó trộn lẫn. Tuy nhiên trước sự thay đổi ngày càng mạnh mẽ của cuộc sống đương đại, đã tác động không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người M’nông, Mạ, Ê đê làm biến đổi ít nhiều đến hoạt động lễ hội. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội đang đặt ra những thử thách mới trong sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

        1. Lễ hội thể hiện sức sống và cố kết cộng đồng

       Lễ hội được tổ chức theo mùa, theo chu kỳ thời gian của sinh hoạt cộng đồng, nhất là sau khi mùa vụ đã thu hoạch xong. Lễ hội ở Tây Nguyên nói chung và cao nguyên M’nông nói riêng diễn ra vào mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Cư dân bản địa vẫn theo chu kỳ nương rẫy mà tính cho dễ nhớ. Mùa khô rất thuận lợi để tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, lương thực thì đầy đủ, công việc lại rảnh rỗi. Đây là dịp để cộng đồng xả hơi sau một vụ nương rẫy cực nhọc, lấy lại tinh thần và khí thế cho một vụ mùa tiếp theo.Trong điều kiện đó, lễ hội sẽ phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, khơi nguồn cho sức sáng tạo; các trò vui, giải trí mới phô diễn hết tinh thần, bản chất vốn có của nó.

      Một số lễ hội thường tổ chức là: mừng mùa, kết bon, rước kapan, bỏ mả, cầu an... Lễ hội không đơn giản là tập hợp các sinh hoạt cộng đồng mà thông qua hoạt động, các thành tố văn hóa sẽ thể hiện sức sống và khát vọng của cộng đồng. Lễ hội là dịp để các thế hệ trong cộng đồng, dòng họ, gia đình, cá nhân thực thi nghĩa vụ và ân hưởng quyền lợi qua các mối quan hệ tốt đẹp. Cùng với đó là việc giữ cho cộng đồng tồn tại và phát triển bền vững bằng sự tôn trọng và lối ứng xử văn hóa giữa con người với con người, con người với môi trường tự nhiên và con người với thần linh.

       Cố kết cộng đồng mang sức mạnh nội sinh, một chất kết dính bền vững, giữ cho họ tồn tại qua mối quan hệ ràng buộc cộng cư, cộng sinh, cộng cảm và cộng mệnh. Sự tồn tại và phát triển của mỗi cá thể có sự ảnh hưởng, tương tác đến cả cộng đồng. Trong quá trình sinh sống và lớn lên, mỗi người được trao truyền những kinh nghiệm sống, kỹ năng làm nương rẫy, săn bắt hái lượm và cách ứng xử trong cộng đồng. Mọi lối ứng xử tốt đẹp trong cộng đồng đều có sự đồng nhất, kết nối bền vững. Cộng đồng là nền tảng vững chắc để tồn tại và phát triển, giữ cho họ trường tồn trong môi trường khắc nghiệt của vùng rừng núi. Trong các lễ hội lớn của cư dân bản địa ở Đắk Nông thì kết bon mang một ý nghĩa lớn đó là thắt chặt tình đoàn kết anh em, để tương trợ lẫn nhau cùng phát triển và chống lại kẻ thù.

      Cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược do N’Trang Lơng lãnh đạo trên cao nguyên M’nông kéo dài suốt một phần tư thế kỷ (1912-1936) với những chiến công hiển hách nhờ sức mạnh cố kết cộng đồng các dân tộc anh em. Trên tinh thần của lễ hội kết bon, việc tập hợp nghĩa binh và liên kết các bon nhanh chóng được hưởng ứng và thống nhất, do đó trong trận đánh mở đầu tiêu diệt đồn Pu Sra có sự tham gia của gần 170 người với vài chục bon. Có trận đánh đã tập hợp đến 500 nghĩa quân của 50 bon, làng và hàng ngàn dân binh giúp sức. Một lực lượng đông đảo kết thành liên minh vững chắc, thể hiện được sức mạnh tập thể và tinh thần đoàn kết nhất trí của cộng đồng các dân tộc.

      Lễ hội giữ vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, là sự tái hiện các hoạt động sáng tạo, nơi trình diễn, giới thiệu nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, là môi trường học hỏi đa diện về kỹ năng, nghệ thuật và cách ứng xử, tôn trọng lẫn nhau, trân trọng cuộc sống và biết ơn tổ tiên, ông bà.

        2. Cộng đồng là chủ thể của lễ hội

        Nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng

      Lễ hội là của cộng đồng, do cộng đồng sáng tạo và thể hiện không ngừng qua nhiều thế hệ. Nhu cầu sáng tạo trở thành yếu tố then chốt trong việc làm thăng hoa các hoạt động lễ hội và tạo dựng các giá trị văn hóa. Cộng đồng sáng tạo trên cơ sở phong tục, tập quán, nhu cầu hưởng thụ và làm phong phú thêm cho đời sống. Để hình thành nên một lễ hội, cộng đồng đã phải lao động, tìm kiếm, chọn lọc và tái hiện trong một thời gian dài. Sự thể hiện, trải nghiệm đi từ đơn giản đến phức hợp của các nghi lễ, cách thức đến kết nối các hoạt động văn hóa, tâm linh và vui chơi giải trí. Đối với cư dân bản địa, việc nhìn nhận về quan niệm sống của mỗi dân tộc, mỗi vùng, mỗi nhóm cư dân đều có những lối ứng xử riêng. Đôi lúc, kinh tế bon làng còn nghèo, đời sống cộng đồng còn khó khăn nhưng nghi lễ, lễ vật, nghi thức thực hiện có phần phức tạp hơn, quy mô lễ hội cũng có phần trội hơn.

       Cộng đồng xây dựng và tổ chức lễ hội theo cách suy nghĩ, cách làm của họ được trao truyền qua nhiều thế hệ. Họ biết đâu là cái cần thiết, cái phải làm và thực hiện một cách nghiêm túc. Họ tính toán rất kỹ cho thời điểm diễn ra lễ hội và quy mô của nó, như bao nhiêu ngày, ăn mấy trâu, các nghi lễ cần có, số lượng khách mời và các hoạt động kèm theo sao cho hợp lý, đảm bảo nghiêm túc và vui vẻ. Họ biết, qua lễ hội cộng đồng sẽ nhận được ân hưởng của tổ tiên, ông bà, tích lũy thêm những kiến thức từ thực tế, nghi lễ ăn trâu, trang trí cây nêu, kỹ năng trình tấu cồng chiêng, dân ca dân vũ, kinh nghiệm sản xuất, giáo dục con cái và đặc biệt là tình đoàn kết, giữ cho sức mạnh cộng đồng thêm bền vững. Cộng đồng là người sáng tạo ra lễ hội thì họ là người quyết định tổ chức và sinh hoạt lễ hội, quyết định sự tồn tại và phát triển của lễ hội.

      Sự hỗ trợ của nhà nước và xã hội cho cộng đồng tổ chức lễ hội

      Đắk Nông là địa bàn cư trú lâu đời của người M’nông, Mạ, Ê đê, họ có đời sống văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, đặc biệt là lễ hội. Hoạt động văn hóa truyền thống bản địa phai nhạt dần, các lễ hội cũng thưa thớt không còn quy mô và đầy đủ như trước, các dàn cồng chiêng quý hiếm đã mất dần. Phần lớn các thành tố văn hóa của lễ hội, bài bản, nghi thức, phương cách trình diễn đã bị lãng quên trên chính mảnh đất sản sinh ra nó. Nguyên nhân sâu xa của những biến động trên là hệ quả của việc giao lưu và ảnh hưởng văn hóa quá nhanh chóng và đột ngột từ nhiều nguồn khác nhau. Các dân tộc bản địa chưa có đủ thời gian để chọn lọc nên dễ bị choáng ngợp. Do đó, không tránh khỏi sự áp đảo, lấn át văn hóa truyền thống, trong đó một bộ phận cộng đồng quay lưng lại, thậm chí chối bỏ văn hóa truyền thống của họ.

     Mặt khác những đổi thay của cuộc sống trong phát triển kinh tế xã hội cùng với những tác động tiêu cực của Tin lành Đêga và các thế lực thù địch chống phá trên mặt trận văn hóa đã làm mai một và mất dần văn hóa truyền thống. Văn hóa truyền thống, trong đó có lễ hội đã biến đổi và có chiều hướng xa dần cộng đồng. Trong bối cảnh đó, ngành VHTTDL tỉnh đã triển khai các đề án và chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hóa truyền thống. Qua đó, đã tổ chức, phục dựng trên 40 nghi lễ và lễ hội, trong đó có các lễ hội tiêu biểu của dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê: mừng mùa tại bon Jun Yuh, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil; kết nghĩa tại bon N’ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long; mừng lúa mới tại bon Yôk Ling, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô; Tăm Plang Prang bon tại bon Jarah, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô; RNglắp bon tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa; Tách Năng Yô tại xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long; Cúng thần rừng tại bon Pinao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp; Tăm Jun tại bon Phi Mur, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long; cầu mùa tại xã Đắk Drô, xã Nâm Nung huyện Krông Nô; rước ghế K’pan tại bon Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut.

       3. Sự biến đổi của lễ hội trong đời sống hiện nay

       Những biến đổi trong lễ hội

     Trong hoạt động lễ hội, tính thiêng được đặc biệt coi trọng và đó là ước muốn, niềm tin và khát vọng của cộng đồng gửi gắm qua từng nghi lễ, nghi thức. Với quan niệm về thế giới đa thần, các dân tộc bản địa luôn hướng về thế giới thiêng để họ sống và tôn thờ với mong muốn được khỏe mạnh và bình an. Từ ước muốn và niềm tin của mỗi cá thể, gia đình đến cộng đồng đều mang trong đó sự thành tâm, ngưỡng vọng nhận sự che chở, giúp đỡ và cả sự trừng phạt khi họ vi phạm. Do đó tính thiêng được bao trùm lên toàn bộ sinh hoạt lễ hội, từ không gian đến các nghi thức tế lễ, sự kiêng cữ đều được giám sát, thực hiện nghiêm ngặt.

    Không gian lễ hội là không gian thiêng để hành lễ, thực hiện các nghi thức quan trọng, nó được cộng đồng định vị trong bon làng qua nhiều mùa lễ hội và cả trong tâm thức cộng đồng. Không gian xa xưa được thiêng hóa bằng không khí trang nghiêm, thành kính, bằng ngọn lửa thiêng và tiếng vọng trầm hùng của nhạc lễ, nơi hàng cây pơlang được vun trồng qua mỗi mùa lễ hội. Ngày nay, lễ hội thường diễn ra trước sân nhà văn hóa cộng đồng để thuận lợi cho việc tổ chức, tập trung người dân.

     Ăn trâu là tập tục có từ lâu đời của các dân tộc bản địa, đặc biệt là trong các nghi lễ lớn và lễ hội. Tùy thuộc vào khả năng kinh tế của từng gia đình mà tổ chức ăn trâu hay không trong các lễ trọng, nhưng trong lễ hội, sinh hoạt lớn của cộng đồng đều tổ chức ăn trâu. Đâm trâu là một nghi thức trong nghi lễ hiến sinh của tục ăn trâu, đã trở thành mối giao kết tâm linh giữa con người với các thần, là niềm tin và định ước để giữ cho cộng đồng tồn tại và phát triển Có ý kiến cho rằng đâm trâu trong lễ hội là việc làm dã man với con vật hiền lành gắn bó với con người, nên chọn các con vật khác thay thế với cách thức tế lễ văn minh hơn, dễ chấp nhận hơn. Vậy nên, trong lễ hội cầu mùa bon Jiang Trum, xã Nâm Nung huyện Krông Nô, cộng đồng đã thay thế con trâu bằng con bò. Việc thay thế sẽ ảnh hưởng đến các nghi thức truyền thống, nhưng do không đủ kinh phí mua trâu nên cộng đồng vẫn chấp nhận. Lễ hội cũng được diễn ra đông vui nhưng giảm đi tính thiêng, cái hồn cốt ngàn đời của người dân bản địa.

      Ghế k’pan là vật dụng thiêng, thể hiện sự giàu có của gia đình trong cộng đồng Ê đê, là một sự ước định của thần linh đối với gia chủ, xem như một đặc ân của cuộc sống thông qua thế giới tâm linh. Ghế được gia chủ đón nhận như một thành viên trong gia đình và cộng đồng coi nó như một phần của cuộc sống trong sinh hoạt văn hóa đem đến sự an vui, thịnh vượng và may mắn. Việc làm ghế thực hiện theo một trình tự nghiêm ngặt với nhiều nghi lễ quan trọng. Gia chủ là người đề xướng, đầu tư chi phí để làm và sở hữu nhưng cộng đồng thực hiện, góp phần quyết định sự ra đời, tồn tại và sử dụng được định đoạt bằng các giá trị văn hóa và tâm linh.

      Trong lễ hội rước k’pan người Ê đê ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, vì không tìm được cây rừng như sao, dầu mít đúng yêu cầu để làm ghế theo truyền thống, nên họ lấy ghế cũ của gia đình ở trong buôn để làm lễ rước. Sau khi mượn được ghế cũ, cộng đồng trong buôn đẽo gọt, bào lại cho mới rồi tổ chức các nghi lễ để rước. Lễ rước hiện nay từ nhà văn hóa cộng đồng cũ ra nhà văn hóa cộng đồng mới, chỉ cách nhau 500m và thiếu các hình thức văn nghệ dân gian kèm theo như múa khiêng, múa điệu chim krứt và cả nhạc chiêng, trống.

      Nhìn chung nội dung chương trình, nghi lễ, nghi thức trong các lễ hội được giảm lược, không còn đầy đủ như xưa. Việc trang trí cây nêu một số chi tiết, màu sắc cũng không phục dựng đầy đủ. Một số nghệ nhân và già làng cũng thừa nhận có cái nhớ, có việc quên, bây giờ đơn giản hơn ngày trước. Thày cúng là người phải thực hiện các nghi lễ, lễ thức quan trọng nhưng cũng không chịu mặc đầy đủ y phục truyền thống, không đóng khố, thậm chí còn mang cả dép trong các sinh hoạt lễ hội quan trọng. Thời gian tổ chức lễ hội cũng dần dàn trải trong năm theo điều kiện tổ chức. Người dự hội thì đông, nhưng tham gia các hoạt động lễ hội rất hạn chế, do vậy lễ hội ít sôi động và kém vui.

       Nhìn nhận về sự biến đổi trong lễ hội ngày nay

      Môi trường sống của người M’nông, Mạ, Ê đê là rừng, văn hóa rừng và văn hóa nương rẫy. Ngày nay, môi trường sống bị tàn phá nghiêm trọng, rừng không còn là nơi che chở, cung cấp nguyên vật liệu, lương thực thực phẩm, nơi đặt niềm tin mãnh liệt của tín ngưỡng đa thần nữa. Các buôn làng ngày càng sống xa rừng, và nguồn gỗ quý để làm ghế k’pan khó tìm thấy, nếu có cũng khá xa, ít nhất trên mười cây số. Do đó việc đốn hạ, đẽo, gọt đến tổ chức lễ đón rước về buôn bằng khiêng bộ thì không thể thực hiện được, nếu rước bằng ôtô thì mất đi ý nghĩa. Hơn nữa xin đến hạ cây gỗ quý trong rừng dưới sự quản lý của nhà nước cũng qua nhiều thủ tục, rất nhiêu khê. Cộng đồng muốn tổ chức lễ hội làm ghế k’pan sẽ gặp nhiều khó khăn, họ không có lựa chọn nào khác cho một lễ hội hoành tráng và ý nghĩa của quá khứ bằng cách phục dựng và mượn ghế cũ để làm lễ hội rước k’pan.

      Hình ảnh một không gian u tịch, thâm nghiêm của núi rừng với cây nêu rực rỡ trắng muốt giữa màu xanh đại ngàn, trống, tù và rúc lên vồn vã báo hiệu mùa lễ hội. Không gian đích thực của lễ hội nó chất chứa trong đó sự lắng đọng của không gian sinh tồn và hư ảo, thời gian nối dài giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, của niềm tin, sự thành kính của thế giới thiêng. Không gian ở đó có sự tiếp nối sinh tồn mà cộng đồng trải qua, các nghi thức tế lễ, ăn trâu còn để lại dấu vết trên cây pơlang trồng trong mỗi lễ hội, còn phảng phất đâu đó trong tâm trí của cộng đồng. Đống lửa đốt lên với dàn cồng chiêng vang dội. Lửa rừng, lửa của lễ hội, cộng đồng mới thực sự được trở về với quá khứ, với tổ tiên để được đồng hành, đồng diễn và nhận sự chở che. Trong không khí linh thiêng đó, lời khấn thần càng thêm linh nghiệm, càng thiêng liêng với thế giới các thần để cộng đồng bày tỏ những ước nguyện và gửi gắm tương lai.

     Nghi thức ăn trâu, nằm trong một chuỗi nghi thức có tính bắt buộc để giết một con vật mà cộng đồng đã lựa chọn. Trước khi thực hiện nghĩa vụ cao cả, làm tròn bổn phận với cộng đồng, con trâu luôn nhận ở cộng đồng những đặc ân, được nuôi giữ chăm sóc đặc biệt, được xướng tên, khóc tiễn một cách thành kính. Cộng đồng lựa chọn một con vật hiến tế phù hợp, sáng tạo cách hành lễ bằng tất cả sự trân trọng và thành kính với nghi thức hiến sinh mang nặng tính nhân văn.

      Xã hội văn minh và hiện đại luôn có cái nhìn khắt khe, thiếu sự sẻ chia và đồng cảm với một tập tục có từ lâu đời của người bản địa. Mỗi sự vật và hiện tượng tồn tại đều có lý do riêng, tuy nhiên một hiện tượng văn hóa đã trở thành tập tục, đã được chắt lọc, bồi đắp và giữ gìn để nó song hành cùng đời sống là cả quá trình công phu xây dựng. Trong một thế giới đa diện và muôn mặt của cuộc sống có những mặt hiển hiện nổi bật dễ nhìn thấy ở thế giới vật chất, nhưng có mặt phải cảm nhận bằng tâm thức, bằng tình cảm thì mới hiểu hết ý nghĩa cuộc sống. Ăn trâu là hành động thực của cuộc sống được đồng nhất với thế giới thiêng để làm nên giá trị cuộc sống, giá trị văn hóa. Cần đứng về phía cộng đồng, sống với cộng đồng và sinh hoạt như một cư dân bản địa thì sẽ đồng cảm và nhận ở họ sự sẻ chia đặc biệt và trân trọng.

     Lễ hội gắn chặt với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tách rời không gian sinh hoạt cộng đồng sẽ bị lạc điệu. Việc trình diễn các hoạt động văn hóa dân gian, dân ca dân vũ, cồng chiêng sẽ được tổ chức tại các lễ hội, các làng bon, đó là môi trường sinh ra, nuôi dưỡng và thăng hoa. Cần phải trả lễ hội về với môi trường diễn xướng của chính nó. Các đề án, chương trình chỉ tập trung hỗ trợ tài chính và giao lại cho cộng đồng quyết định tổ chức hoạt động lễ hội, quyết định các hình thức hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tế của cộng đồng. Không nên gò ép hay sân khấu hóa không gian sinh hoạt mà đưa về làng, bon đúng vị trí vốn có của nó.

      Hiện nay xã hội phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đã tác động đến đời sống văn hóa của cộng đồng, đặc biệt là lễ hội. Sự biến đổi trong đời sống xã hội, trong các hoạt động lễ hội là một tất yếu khách quan. Tuy nhiên, sự biến đổi mang tính tích cực, phù hợp với điều kiện phát triển xã hội được cộng đồng chấp nhận, ngược lại sẽ làm biến dạng và thui chột sức sáng tạo của cộng đồng, khó giữ được những giá trị văn hóa và hồn cốt của lễ hội. Văn hóa lễ hội là văn hóa dân gian được cộng đồng sáng tạo, nuôi dưỡng và giữ gìn. Họ vừa là chủ thể sáng tạo vừa là khách thể thưởng thức. Không ai có thể thay thế họ bằng chính lòng tự tôn, sự say mê và quý trọng những giá trị mà họ tạo dựng. Họ mãi mãi là người trao truyền và thúc đẩy sự thăng hoa trong cộng đồng và chứng minh quyền tự quyết sự tồn vong của loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo này.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012

Tác giả : Nghiêm Sơn

;