BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC VÙNG TÂY BẮC

Văn hóa không chỉ là đặc trưng của dân tộc mà còn là mục tiêu và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế cũng nảy sinh những tác động mang tính khách quan đến việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Bài viết đề cập đến một số đặc điểm văn hóa, những ảnh hưởng của quá trình phát triển kinh tế đến văn hóa các dân tộc vùng Việt Bắc, từ đó nêu lên phương hướng và giải pháp liên quan đến vấn đề này…

Mối quan hệ giữa yếu tố tự nhiên với đặc điểm riêng của vùng văn hóa Việt Bắc

Việt Bắc là khu vực bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Tuy nhiên, vùng văn hóa Việt Bắc sẽ rộng hơn địa bàn này bởi nó bao gồm cả một phần đồi núi phía bắc của các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Quảng Ninh. Đây là vùng trung du với rừng núi trùng điệp, có các hệ thống sông chính là sông Thao, sông Lô, sông Cầu, sông Thương, Lục Nam và sông Kỳ Cùng. Điều kiện địa lý, tự nhiên của vùng văn hóa Việt Bắc khá phức tạp với nhiều loại hình như vùng đá vôi, vùng núi đất cao, vùng đồi núi thấp xen kẽ các thung lũng rộng, có địa hình thấp ven những dãy đồi cao… Bên cạnh đó, vùng văn hóa Việt Bắc còn được xem là cửa ngõ cho quá trình giao lưu văn hóa giữa các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang của Việt Nam với tỉnh Quảng Tây và một phần tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Chính những yếu tố về địa lý, tự nhiên của vùng Việt Bắc đã tạo nên một dáng vẻ riêng trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Do sự đa dạng, phức tạp của địa hình nên sự phát triển kinh tế ở khu vực này chủ yếu theo hình thức tự cung, tự cấp, việc di chuyển giữa các khu vực trong vùng gặp khó khăn… là điều kiện sản sinh ra những nét riêng của tri thức bản địa, đức tính tự lập, đùm bọc để cùng tồn tại trong các cộng đồng nhỏ.

Nếu trong từng cộng đồng nhỏ có sự cố kết, thì trên diện rộng, mỗi dân tộc ở vùng văn hóa Việt Bắc lại chịu sự tác động nhất định của quá trình tiếp biến văn hóa. Văn hóa của 3 tỉnh thuộc vùng Việt Bắc có đường biên với Trung Quốc bị ảnh hưởng trong quá trình tiếp biến văn hóa giữa cuộc di cư của nhóm Nùng thuộc nam Choang ở Quảng Tây và một số địa phương thuộc Vân Nam, cũng như sự giao lưu, hội nhập văn hóa sâu rộng của người Kinh và một số dân tộc khác trong vùng. Đặc điểm này cho thấy vùng Việt Bắc như một trung tâm dung nạp, điều chỉnh các dòng văn hóa du nhập ở khu vực miền núi và trung du phía Bắc.

Ảnh hưởng của quá trình phát triển kinh tế đối với văn hóa trong khu vực

Việt Bắc là vùng liên kết, giao thương quan trọng giữa khu vực biên giới phía bắc với cả nước trong phát triển kinh tế thông qua các cửa khẩu và những tuyến đường giao thông quan trọng. Ở những địa bàn sâu trong khu vực vùng núi đá vôi, vùng núi đất cao, người dân bảo tồn khá tốt những lề lối, phong tục, tập quán, còn những nơi giao thông thuận lợi, vùng kinh tế phát triển quá trình tiếp biến và biến đổi văn hóa trở nên rõ ràng. Sự phát triển kinh tế đem lại những đổi thay về cơ sở hạ tầng như điện sinh hoạt, sản xuất, đường giao thông, trường học các cấp, trạm xá, bệnh viện… đồng thời cũng làm thay đổi nhanh chóng quá trình nhận thức của người dân. Ví như, trước đây, người Tày có thói quen mời thày then về cúng chữa bệnh, hay người Sán Chay có nhiều kiêng kỵ khi mang thai như tục đẻ ngồi ở trong buồng ngủ, ngồi trên ghế thấp,… đến nay việc chữa trị bệnh tật, sinh nở được thực hiện tại trạm y tế với sự giúp đỡ của các y, bác sĩ được đào tạo bài bản; độ tuổi lập gia đình trước đây ở vùng Việt Bắc trung bình khoảng 15 - 16 (cá biệt có những trường hợp 12 - 14 tuổi), hiện nay đã nâng lên và đa số người dân đều chấp hành theo đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân gia đình...

Ngoài ra, sự phát triển của phương thức sản xuất mới cũng đem lại những đổi thay không nhỏ đối với lao động, sinh hoạt của người dân như thói quen dệt thổ cẩm, đan lát, nhuộm vải của đồng bào dần thay thế bằng quần áo tân thời được bán sẵn ở các phiên chợ; trang phục truyền thống chỉ sử dụng vào những dịp lễ hội, sự kiện lớn; để thuận tiện trong giao tiếp, tiếng dân tộc cũng dần được Việt hóa; những tiết mục dân ca, dân vũ không còn được người dân sử dụng hàng ngày mà chủ yếu thực hiện trong các ngày lễ lớn của cộng đồng… Những điều này cho thấy các giá trị văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ của đồng bào dân tộc vùng Việt Bắc dần mai một, biến mất khỏi đời sống văn hóa hàng ngày và có nguy cơ người dân không biết thực hành nghi lễ, biểu diễn một số loại hình nghệ thuật truyền thống.

Phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào vùng văn hóa Việt Bắc

Trong diễn trình lịch sử văn hóa của vùng Việt Bắc đã trải qua nhiều biến động, từ việc người Nùng ở Trung Quốc có cuộc di cư lớn cho đến nhà Mạc kéo về Cao Bằng lập nghiệp vào cuối TK XVI, đầu TK XVII đã tạo nên những biến chuyển lớn về văn hóa, tạo nên sự pha trộn giữa văn hóa Hán với người Nùng và văn hóa Việt với người Tày. Sau này, Việt Bắc với những lợi thế về tự nhiên được Đảng và chính phủ lựa chọnm thủ đô kháng chiến cũng tạo nên những bước chuyển không nhỏ trong nhận thức về đời sống văn hóa của người dân ở đây. Văn hóa cách mạng được thấm nhuần và chuyển hóa thành những hành động cụ thể của người dân, giúp Việt Bắc trở thành chiến khu vững chắc, góp phần không nhỏ trong thắng lợi vẻ vang của dân tộc trước thực dân Pháp.

Từ sớm, Đảng và Nhà nước đã coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, trên tinh thần tôn trọng những nét riêng mang bản sắc góp phần tạo nên sự ổn định về mặt chính trị, xã hội, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế phù hợp với phương hướng trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào vùng Việt Bắc, cơ quan quản lý văn hóa cũng như người dân cần xem xét, thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Coi trọng công tác sưu tầm, khai thác, bảo tồn các di sản văn hóa. Để thực hiện giải pháp này cần có nguồn kinh phí nhất định từ ngân sách, hoặc nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nằm ở trung tâm thành phố Thái Nguyên, sẽ là đầu mối trong việc sưu tầm, thẩm định, trùng tu, phục dựng những giá trị văn hóa có nguy cơ mai một. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đứng ra tổ chức điều tra, phát hiện nghệ nhân của các loại hình văn hóa nghệ thuật trong từng địa bàn, có chính sách ưu đãi và khuyến khích họ truyền dạy lại cho lớp trẻ. Việc giáo dục, động viên thế hệ trẻ về ý thức bảo tồn các di sản văn hóa của tộc người chính là dòng chảy liên tục giữa quá khứ và hiện tại, mà không tạo nên sự đứt gãy trong văn hóa.

Nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian của đồng bào vùng Việt Bắc. Công việc này có thể thực hiện bằng nhiều hình thức như mở câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, đưa những loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống vào trường học để mở rộng và giúp thế hệ trẻ hiểu biết đúng về những giá trị dân tộc. Việc đưa vào nhà trường cũng cần tiến hành theo nhiều cách thức khác nhau tạo nên sự đa dạng, phong phú như mời các chuyên gia, nghệ nhân đến nói chuyện, truyền dạy cho học sinh những kỹ năng cơ bản trong việc thực hành văn hóa truyền thống. Ngoài ra, mở các lớp sinh hoạt định kỳ như em yêu dân ca, em yêu dân vũ, em yêu dân nhạc, hay các cuộc vận động, thi tìm hiểu về di sản văn hóa của mỗi dân tộc trên địa bàn Việt Bắc.

Phát huy nét đẹp của các lễ hội, bảo tồn và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa cần có kế hoạch bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thông qua những lễ hội truyền thống tiêu biểu được tổ chức hàng năm. Việc tổ chức lễ hội cần đảm bảo sự hài hòa giữa sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng. Nhà nước không can thiệp vào các nghi lễ diễn ra, nhưng hỗ trợ công tác tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa nghệ thuật, thể thao để đáp ứng được nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Đồng thời, thông qua việc tổ chức lễ hội cũng góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về giá trị mà cha ông đã gìn giữ, bảo tồn.

Quan tâm đến việc xây dựng, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa truyền thống. Bên cạnh việc đưa vào sử dụng các thiết chế văn hóa như Trung tâm văn hóa thể thao, nhà văn hóa, bảo tàng, nhà hát, thư viện, thì những cơ sở tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn như đình, đền, chùa, miếu… cần được quan tâm, đầu tư trùng tu, tôn tạo. Các cơ quan quản lý văn hóa thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý văn hóa cho đội ngũ hoạt động thường xuyên tại đây. Đội ngũ này có trách nhiệm thường xuyên giáo dục người dân đến tham gia hoạt động tại cơ sở lòng yêu nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật... Điều này, là cần thiết bởi tại vùng miền núi phía bắc nói chung và vùng Việt Bắc nói riêng thường xuất hiện những tổ chức chống phá, lợi dụng sự tự do tín ngưỡng, đa dạng văn hóa để gây chia rẽ, tạo mâu thuẫn nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc.

Nâng cao chất lượng văn hóa, văn nghệ tiêu biểu của đồng bào dân tộc Việt Bắc. Người dân ở vùng Việt Bắc chính là lực lượng chính trong những hoạt động văn hóa văn nghệ trên địa bàn, cả ở vai trò biểu diễn và thưởng thức. Do đó, để chất lượng các hoạt động, tiết mục văn hóa văn nghệ tiêu biểu của đồng bào ngày càng được nâng cao, Nhà nước cần có hỗ trợ về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất để mỗi đơn vị hành chính cấp xã thành lập được một đội văn nghệ, trình diễn các tiết mục truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Việc đầu tư cần đồng bộ từ trang phục, đạo cụ đến hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực hành điêu luyện. Những mô hình này cần nhân rộng đến từng thôn, bản, tạo nên sức sống bền chặt trong cộng đồng, thu hút thế hệ trẻ quan tâm đến loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của mỗi dân tộc. Điều này có giá trị quan trọng để nâng cao hiểu biết đúng đắn về giá trị văn hóa truyền thống, qua đó mỗi thành viên trong cộng đồng mới có được thế ứng xử phù hợp, đúng mức với truyền thống văn hóa của dân tộc.

Như vậy, trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Việt Bắc bên cạnh những thuận lợi cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Để giải quyết được những vấn đề này cần một tầm nhìn chiến lược, lâu dài trên nhiều phương diện với mục tiêu hướng đến là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đối với cơ quan quản lý văn hóa cũng như người dân trên địa bàn Việt Bắc cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình. Về phía Nhà nước cần chú ý đến chính sách đầu tư đặc biệt cho văn hóa đồng bào dân tộc, tạo tiền đề cho việc phát huy bản sắc văn hóa, tránh nguy cơ mai một, mất gốc. Mặt khác, người dân cần tự giác nâng cao ý thức về giá trị văn hóa của cộng đồng bằng cách đưa những giá trị này vào trong cuộc sống hàng ngày với các cách thức khác nhau, làm cho văn hóa thực sự là dòng chảy bất tận, được sinh ra từ cuộc sống và giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : VŨ THỊ VÂN

;