Xu thế đổi mới phương pháp giảng dạy trong đào tạo sư phạm âm nhạc

Trong những năm qua, hệ thống giáo dục Việt Nam đang phát triển theo xu hướng thế giới là tiến tới giáo dục phổ cập đại học, mặt khác vẫn giữ nền tảng giáo dục tinh hoa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, giáo dục Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội cũng như yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc đào tạo con người có đức có tài vẫn đang là một thách thức lớn đối với nền giáo dục nước nhà. Do đó, việc tạo sự thay đổi toàn diện đối với ngành giáo dục đòi hỏi những nỗ lực đổi mới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy trong các ngành đào tạo nói chung và đào tạo giáo viên âm nhạc cho các trường phổ thông nói riêng.

     1. Một số hình thức tổ chức dạy học môn âm nhạc

     Việc đổi mới phương pháp dạy học, dù ở thời đại nào, ở đâu và nhằm mục đích gì, cũng đều phải giải quyết các khâu liên quan đến quy trình hoạt động dựa trên các vấn đề: dạy cái gì (mục đích, nội dung…), dạy ai (đối tượng học); vai trò của người dạy, dùng cái gì để dạy (tri thức, phương tiện)… Nếu giải quyết tốt tất cả những vấn đề trên cũng đồng nghĩa với việc đã đạt được mục đích dạy học hiệu quả.

    Bên cạnh việc trau dồi những kỹ năng về ngoại ngữ và vi tính, giảng viên còn cần chú trọng các phương pháp tổ chức và hoạt động trong quá trình dạy học, đặc biệt cần coi trọng nghiệp vụ sư phạm trong môi trường đào tạo nghệ thuật. Việc lựa chọn các hình thức và phương pháp trong quy trình hoạt động dạy học lệ thuộc rất nhiều vào các yếu tố: đặc thù môn học, điều kiện phương tiện, trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức của giảng viên để tạo nên sự thống nhất giữa vai trò chủ đạo của người dạy và vai trò tự giác, tích cực độc lập của người học.

    Bộ môn âm nhạc gồm các nội dung lý thuyếtthực hành, nhưng thực hành chiếm phần lớn thời lượng bộ môn. Các môn học lý thuyết nhằm cung cấp kiến thức cơ sở cho người học, có hiểu lý thuyết thì người học mới vận dụng được trong các bài thực hành một cách hiệu quả. Và bản thân môn lý thuyết âm nhạc cũng chứa những nội dung thực hành. Giảng viên trước tiên phải nghiên cứu nắm vững nội dung bài giảng, đặc biệt phải nghiên cứu những phần có thể đan xen thực hành để kiến tạo hoạt động dạy - học trên lớp một cách sinh động, giúp người học chủ động tiếp thu nội dung bài học trong một môi trường học tập thoải mái, thân thiện.

    Trong âm nhạc, các môn học được coi là lý thuyết dạy cho số đông như: lý thuyết âm nhạc cơ bản, lịch sử âm nhạc thế giới và Việt Nam, hòa âm…; các môn học thực hành dạy cho từng nhóm nhỏ như: nhạc cụ, thanh nhạc, phương pháp chỉ huy dàn dựng, hát tập thể, ký - xướng âm…

    Giờ lý thuyết - dạy cho số đông

    Giờ lên lớp lý thuyết có đặc điểm là cách thức tổ chức dạy học với số đông sinh viên, được sử dụng rộng rãi trong thực tiễn, trở thành một mắt xích quan trọng trong quá trình triển khai dạy học. Giờ lý thuyết là một hình thức triển khai dạy học trên lớp với mục tiêu truyền đạt khối lượng kiến thức lý thuyết để người học lĩnh hội được tính lôgic, hệ thống của vấn đề thông qua giảng giải, trình bày, phân tích chứng minh, biện luận… của giảng viên. Trong thực tế dạy học hiện nay, giờ lý thuyết thường bị lạm dụng quá nhiều do giảng viên thuyết giảng, diễn giải một chiều, gây mệt mỏi, chán nản cho người học. Tuy nhiên chức năng nhận thức định hướng tổ chức và phát triển của giờ lý thuyết là không thể phủ nhận bởi: cung cấp cho người học những vấn đề khái quát nhất mang tính hệ thống về nội dung môn học, các phương pháp nghiên cứu tiếp cận vấn đề; giúp người học có những định hướng và công cụ trong việc tự nghiên cứu giải quyết vấn đề; kích thích người học mở rộng và tìm kiếm, khai thác những vấn đề mới.

    Như vậy, những yêu cầu cơ bản đối với một giảng viên khi lên lớp giờ lý thuyết là phải đảm bảo tính chính xác khoa học, tính lôgic hệ thống của nội dung kiến thức, mối liên hệ giữa môn học với các môn liên quan và thực tế cuộc sống, các vấn đề chính và hướng phát triển của môn học, định hướng cho người học về cách học, cách nghiên cứu các vấn đề của môn học.

    Trên thực tế, bộ môn âm nhạc không có môn học mang tính lý thuyết đơn thuần mà là một phức hợp đan xen khó tách bạch, tuy mức độ đậm nhạt khác nhau tùy từng môn học cụ thể. Để triển khai giờ lý thuyết âm nhạc cần kết hợp nhiều phương pháp dạy học khác nhau. Tùy thuộc vào môn học, giảng viên tận dụng tối đa, khai thác triệt để những nội dung thực hành để sinh viên làm việc ngay trên lớp, qua đó củng cố lý thuyết theo nguyên tắc: lý thuyết đan xen thực hành, thực hành củng cố lý thuyết.

    Giờ thực hành - dạy cho nhóm nhỏ

   Thực hành được hiểu là hình thức luyện tập gắn liền với từng nội dung, từng chuyên đề, xuyên suốt trong quá trình dạy - học. Thông qua thực hành, có thể củng cố lý thuyết, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo cho sinh viên. Do vậy, thực hành là công việc thường xuyên của bất kỳ giảng viên âm nhạc nào. Thực hành luyện tập thường được thực hiện hiện với 3 mức độ: luyện tập tái hiện nhằm củng cố những tri thức đã học; luyện tập vận dụng nhằm tập di chuyển những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo từ tình huống quen thuộc sang tình huống mới; luyện tập sáng tạo nhằm vận dụng toàn diện những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo đã có vào các tình huống khác nhau, gắn với nghề dạy học tương lai của sinh viên.

    Dạy thực hành âm nhạc, khác với các bộ môn khác, công việc của người giảng viên diễn ra theo trình tự: thị phạm - hướng dẫn cho từng sinh viên - sửa sai (kết hợp diễn giảng)...

    Chúng ta đều biết, nghệ thuật âm nhạc là trừu tượng, năng khiếu, khả năng âm nhạc của sinh viên trong lớp là không đồng đều nên việc dạy học không hề đơn giản. Vậy giải pháp là gì? Đó là: chia nhóm càng nhỏ càng tốt. Đã từ rất lâu, ở các trường dạy nhạc chuyên nghiệp, người ta đã chia nhóm rất nhỏ, thậm chí ở môn thanh nhạc và nhạc cụ, mỗi thày dạy một trò. Ở các trường có đào tạo sinh viên sư phạm âm nhạc hiện nay, người ta chia nhóm thực hành khoảng 4 sinh viên và coi một tiết thực hành tương đương một tiết lý thuyết.

    Trong mỗi nhóm thực hành nên chú trọng một số vấn đề sau:

    Về trình độ: có đủ trình độ từ trung bình đến khá, giỏi (việc chia nhóm thực hành như trên sẽ giúp sinh viên có điều kiện tiếp xúc, học hỏi lẫn nhau; những sinh viên yếu sẽ biết họ cần phải làm gì để vươn lên).

     Về dạy học: sinh viên không nhất thiết phải thực hành các nội dung bài học giống nhau mà cần có sự phân hóa dần về sau (những sinh viên có năng khiếu, tiếp thu nhanh thì phải được học những nội dung cao hơn và ngược lại); khi chọn tác phẩm phải phù hợp với mỗi sinh viên vì đặc điểm tâm lý, cảm xúc của mỗi người là không đồng nhất nhằm giúp họ phát huy sở trường, hạn chế sở đoản, có nghĩa rằng, giảng viên âm nhạc cần quan tâm sâu sắc trong việc cá thể hóa trong dạy các môn thực hành âm nhạc.

     2. Vài suy nghĩ về việc sử dụng thiết bị dạy học trong giảng dạy âm nhạc

     Đầu TK XXI, thuật ngữ công nghệ giáo dục được đặc biệt nhấn mạnh, nó là sự kết hợp giữa các quá trình và công cụ nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục và đặt trọng tâm vào việc ứng dụng các công cụ hiện đại nhất. Với khái niệm này, máy tính, với tiềm năng vô hạn, luôn là đối tượng đầu tiên được xem xét không những là một bộ phận trong sự kết hợp các tài nguyên, công nghệ, bao gồm phương tiện truyền thông, hệ thống giảng dạy mà còn như một công cụ tích cực nhất trong các thiết bị dạy học.

     Đối với bộ môn âm nhạc, việc sử dụng máy chiếu kết hợp với máy tính cá nhân nối mạng và một hệ thống âm thanh chuẩn cho một lớp học có thể được xem là những thiết bị dạy học lý tưởng nhất ở Việt Nam. Hệ thống này thể hiện được sự ưu việt qua tính đa năng, linh hoạt và khả năng liên kết thông tin rộng lớn, có thể đáp ứng được hầu như tất cả các nhu cầu về nội dung thông tin thông qua hình thức nghe - nhìn. Mô hình trên đây có thể được xem là một lớp học đạt chuẩn về mặt trang thiết bị mà mỗi trường đại học, cao đẳng nên cần đầu tư cho tất cả các lớp học của mình.

      Chuyên ngành âm nhạc cần đầu tư thêm một đàn piano điện hoặc organ để thuận lợi cho việc giao kết với các phần mềm trên máy tính. Đàn và máy tính sẽ được nối kết với nhau thông qua một dây MIDI; tất cả các phần mềm âm nhạc đều tương thích với nhạc cụ thông qua kênh MIDI này. Hiện nay có rất nhiều phần mềm có thể dùng tốt cho việc giảng dạy, chẳng hạn: Encore, Final, Sibelius, Cakewalk Sonar, Sony Soundforge, Intervideo WinDVD Creator…Với việc kết hợp và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, giảng viên có thể sử dụng nhiều phần mềm khác nhau tùy theo mục đích và các yêu cầu của môn học.

       Vấn đề đặt ra là: khi trang thiết bị dạy học đã được đầu tư đầy đủ và hiện đại thì người giảng viên sẽ phải ứng dụng nó, thiết kế, tổ chức giờ học như thế nào để đạt được mức độ hiệu quả cao nhất trong mục đích dạy học. Rõ ràng và hiển nhiên là với phương tiện và công nghệ mới, chúng ta không thể chỉ sử dụng các phương pháp cũ trong quá trình dạy và tổ chức lớp học. Ở góc độ này, vai trò của người dạy và phương tiện máy tính đều là một phần của hệ thống đáp ứng nhu cầu dạy học. Và với phương pháp dạy học truyền thống: giảng viên độc thoại, chủ động truyền đạt kỹ năng, còn người học tiếp thu một cách thụ động đã không còn đáp ứng được nhu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay (cũng cần lưu ý không phải tất cả các phương pháp dạy học truyền thống đều bị xem là không còn phù hợp, vấn đề là vận dụng như thế nào cho có hiệu quả tốt nhất).

      Với phương pháp giáo dục hiện đại, giảng viên là người thiết kế, tổ chức, còn bản thân học viên là người tự tìm kiếm tri thức, tự hoạt động theo cách riêng độc lập và sáng tạo. Giảng viên là người đối thoại, hợp tác, trao đổi và giúp đỡ học viên, khẳng định những kiến thức mà người học tìm được qua quá trình học.

     3. Kết luận

     Để đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo có hiệu quả, cần phải có những kế hoạch thực hiện đồng bộ với những bước đi thận trọng và thích hợp. Phương pháp giáo dục hiệu quả là tránh hô hào theo kiểu hình thức, cũng không nôn nóng và tuyệt đối hóa vào một phương pháp vạn năng nào đó để có thể tạo ra một kết quả mong muốn trong một sớm một chiều. Bởi “quá trình dạy học luôn bao gồm nhiều thành tố cấu trúc tồn tại trong một mối quan hệ biện chứng với nhau, bản thân của mỗi thành tố cấu trúc cũng luôn ở trạng thái vận động và phát triển…”.

     Để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học bộ môn âm nhạc, theo chúng tôi, cần chú trọng đến đối tượng đào tạo, phương tiện đào tạo và phương pháp đào tạo… Vì vậy, rất cần thiết nâng cao chất lượng tuyển sinh năng khiếu đầu vào, trang bị trang thiết bị đầy đủ và đồng bộ (máy chiếu, âm thanh, máy vi tính…), tính toán lại việc chia nhóm phù hợp với đặc thù môn học.

______________

1. Huỳnh Đình Chiến, Công nghệ giáo dục, Trung tâm học liệu Đại học Huế, 2010.

2. Tôn Thất Việt Hùng, Vai trò của người giảng viên âm nhạc, Học viện Âm nhạc Huế, 2008.

3. Lê Nguyên Long, Thử đi tìm những phương pháp dạy học hiệu quả, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.

Tác giả: Trần Kim Trọng Nghĩa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

;