XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở CÁC KHU ĐÔ THỊ MỚI HIỆN NAY

Trong khoảng 10 năm qua, các khu đô thị mới (KĐTM) mọc lên khắp nơi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và làm cho cảnh quan các vùng đô thị thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại. Nhưng đến nay, có quá ít các công trình nghiên cứu về KĐTM và quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở KĐTM cùng các vấn đề liên quan.

1. Khái niệm KĐTM

Trong quá trình giao lưu văn hóa Việt - Pháp, từ đầu TK XX, một số đô thị đã được hình thành trên đất nước ta, tiêu biểu nhất là Hà Nội và Sài Gòn. Những khu đô thị do người Pháp đầu tư xây dựng phần lớn có quy mô nhỏ, đường phố hẹp, biệt thự thấp và số lượng rất hạn chế chỉ đủ phục vụ cho cuộc sống và sinh hoạt của người Pháp cùng những tầng lớp trên của xã hội lúc đó. Những khu phố Pháp lọt thỏm trong một biển nông dân với những làng xã mang theo phong cách kiến trúc cổ truyền. Không gian văn hóa đô thị giai đoạn này tuy đã hình thành và có dấu ấn nhất định trong những đô thị ở nước ta vào thời điểm đó, nhưng nó không tác động sâu sắc, không ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan niệm thẩm mỹ và đời sống của nhân dân ta ở chốn thị thành, nó còn xa lạ và tỏ ra biệt lập với con người và văn hóa Việt Nam. Khu biệt thự Tây hoàn toàn đối lập với những dãy phố cổ trầm mặc, nhỏ bé, đầm ấm mang dáng vẻ phương Đông.

Sau năm 1954, ở Hà Nội xuất hiện một số khu chung cư, mà lúc đó gọi là các khu tập thể, như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên - Trung Tự, Cao - Xà - Lá (của nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá)... Đó là những khu nhà cao 4 đến 5 tầng do Liên Xô hoặc Trung Quốc giúp ta xây dựng làm khu nhà ở tập thể cho cán bộ, công nhân viên chức. Vào những năm 1960-1970, những khu nhà tập thể đó trở thành điểm nhấn cho kiến trúc Hà Nội và thu hút sự chú ý cũng như niềm khát khao của nhiều tầng lớp nhân dân vì sự mới mẻ hiện đại, cũng như tiện nghi thuận lợi của những khu nhà chung cư này. Trải qua 40 - 50 năm, đến nay những khu tập thể đó đã xuống cấp nặng nề, nhưng một thời nó đã là ước mơ của một thế hệ thời bao cấp.

Đến nay, trên địa bàn Hà Nội và các thành phố trên cả nước đã xuất hiện rất nhiều khu đô thị, mà người ta quen gọi là KĐTM, như Linh Đàm, Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Đình, Bắc, Nam Thăng Long, Mễ Trì, Văn Quán, Cầu Giẽ, Phú Mỹ Hưng... Vậy KĐTM là gì, gồm những đặc điểm nào, có gì giống và khác với các đô thị truyền thống?

Bằng cách tiếp cận đa chiều, cả văn hóa học và xã hội học chúng ta có thể hiểu KĐTM theo những nội dung chủ yếu sau đây. KĐTM là một quần thể kiến trúc hiện đại trên quy mô rộng lớn (hàng chục hoặc hàng trăm héc-ta), là nơi sinh sống, nơi làm việc và vui chơi giải trí của cư dân đô thị và cư dân ở các vùng lân cận. KĐTM bao gồm một hệ thống các tòa nhà cao tầng (từ 5,6 tầng đến 30, 40 tầng, hoặc cao hơn nữa) được thiết kế và xây dựng theo công nghệ và tiêu chuẩn hiện đại, cùng một hệ thống các kiến trúc công cộng hoàn chỉnh như: hệ thống giao thông công cộng, trường học, bệnh viện, nhà hát, rạp chiếu bóng, khu vui chơi giải trí, thư viện, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, ngân hàng, quảng trường, vườn hoa, bưu điện, trạm xăng, nhà để xe... ở đây, mỗi gia đình cư trú trong một căn hộ khép kín với các dịch vụ đồng bộ về điện, nước, gas, internet, thông tin, truyền thông, bảo vệ...

Trong KĐTM có sự đan xen của các hình thức sở hữu về bất động sản: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân... Điều hành mọi hoạt động ở khu đô thị mới là chính quyền sở tại thông qua vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân có cổ phần đầu tư ở đây.

Như vậy, KĐTM được nhấn mạnh ở quy mô rộng lớn, quy hoạch hiện đại, dịch vụ đồng bộ, khép kín, quản lý điều hành khoa học, đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết của nhân dân.

2. Thực trạng đời sống văn hóa ở các KĐTM hiện nay

Hiệu quả to lớn của các KĐTM là điều chúng ta không cần phải bàn cãi vì hàng chục KĐTM được xây dựng với hàng trăm, hàng ngàn tòa nhà cao tầng mọc lên đã giải quyết khó khăn về quỹ đất xây nhà ở cho hàng vạn gia đình cán bộ, nhân dân ở các tỉnh khác đến cư trú hoặc các gia đình tách hộ, các khu phố giãn dân, giải tỏa, đền bù ở các dự án mở rộng, chỉnh trang giao thông đô thị...

Nhưng đằng sau những khu đô thị mới hoành tráng kia, bên trong các căn hộ hiện đại và hào nhoáng kia còn tồn đọng và nảy sinh rất nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội mà chúng ta cần tiếp tục quan tâm giải quyết để cuộc sống của người dân ở các KĐTM thực sự hạnh phúc, thanh bình, để đời sống văn hóa ở đây được xác lập.

Nỗi khổ của cư dân trong khu đô thị hiện đại là các công trình xây dựng và quy hoạch thiếu khoa học, không đồng bộ. Nhiều khu dân cư trong khu đô thị mới phàn nàn và cảm thấy bức xúc khi đã dọn đến ở trong chung cư mới vài năm mà vẫn không thấy có bệnh viện, nhà trẻ, trường học. Họ vẫn phải về bệnh viện trung tâm thành phố cách xa hàng chục kilômet để khám chữa bệnh. Điều đáng buồn và dễ dàng nhận thấy ở hầu khắp các KĐTM là thiếu hẳn các công trình kiến trúc phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và thưởng thức nghệ thuật của người dân như: không có thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim, không có quảng trường, vườn hoa, công viên... Còn hệ thống siêu thị, ngân hàng, bưu điện, trạm xăng hãn hữu mới xuất hiện ở một vài KĐTM. Chỉ có khu nhà ở không thôi, thiếu hẳn các công trình mang tính xã hội thì đời sống văn hóa của cư dân ở những KĐTM này rất khó thành hiện thực.

Tình trạng các doanh nghiệp chỉ đầu tư san lấp mặt bằng, tập trung xây nhà chung cư cao tầng để bán kiếm lời, không quan tâm đến đầu tư xây dựng hệ thống đường xá, cống ngầm, cáp ngầm làm cho việc đi lại ở các KĐTM thực sự khó khăn vì bụi mù trời trong những ngày nắng và ngập lụt trong những ngày mưa, dù chỉ là một trận mưa ở mức trung bình. Theo tính toán của ngành xây dựng thì các khu đô thị mới phải xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng ngầm tương thích để bảo vệ an toàn cho cuộc sống của người dân và bảo đảm mỹ quan đô thị, nhưng tiếc rằng những quy định đó không được thực hiện một cách nghiêm chỉnh.

Các tòa nhà chung cư cao tầng chưa bảo đảm chất lượng, chưa bảo đảm hệ số an toàn và tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo nguyên tắc của ngành xây dựng, nếu hai chung cư cao tầng xây cạnh nhau thì khoảng cách giữa hai tòa nhà đó phải bằng hai lần chiều cao của tòa nhà. Nhưng thực tế nhiều chung cư được xây dựng gần nhau đến mức từ nhà này có thể nhìn sang nhà kia và thấy mọi hoạt động của chủ nhân các căn hộ ở khu nhà bên cạnh. Điều đó vừa làm cho sinh hoạt của người dân không được tự do mà còn che khuất, ngăn cản ánh sáng và không khí làm cho sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng không tốt. Tình trạng chập điện, cháy nổ xảy ra thường xuyên gây hậu quả nghiêm trọng vì thiết kế không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống phòng cháy chữa cháy không tốt. Mặt khác, hệ thống thang thoát hiểm phía ngoài tòa nhà không được triển khai nên mỗi khi có cháy nổ là người dân không có đường thoát ra an toàn. Vật liệu xây dựng không được kiểm tra sâu sát, nhiều tòa nhà xây dựng bằng vật liệu kém chất lượng nên hiện tượng lún, nứt, sụt trần nhà xảy ra thường xuyên. Hệ thống cấp nước, khí đốt (gas) cho một số chung cư không bảo đảm, gây ra nhiều khó khăn cho chủ các căn hộ.

Quá trình thực hiện dự án thiếu nghiêm túc, xây dựng lộn xộn, quy hoạch què quặt, chủ quan, huy động vốn tùy tiện, chênh lệch cung cầu, thị trường thiếu minh bạch. Tình trạng lũng đoạn, đầu cơ giá để trục lợi cá nhân phổ biến. Người dân lao động với đồng lương ít ỏi, qua hàng chục năm tích lũy muốn mua một căn hộ chung cư để ở thì hầu như không bao giờ được mua với giá gốc mà phải qua “cò” nhà đất đẩy giá lên cao 30 - 50%. Nhiều người còn bị chủ đầu tư lừa gạt, bán nhà trên giấy, đến hạn nhận nhà thì chẳng thấy chủ đầu tư đâu. Tình trạng đó làm cho thị trường nhà đất lâm vào khủng hoảng triền miên và lòng dân khi đến ở chung cư cũng không bình an.

Công tác quản lý ở các tòa nhà chung cư hết sức lỏng lẻo, còn nhiều kẽ hở để kẻ gian lợi dụng vào ăn trộm tài sản hoặc cướp của giết người mà không ai hay biết. Nhiều tòa nhà chung cư không có bảo vệ trực 24/24 giờ, để mọi người đi lại, lên xuống tự do nên không quản lý được tài sản, không giữ được an ninh an toàn trong tòa nhà. Có nhiều nhân viên bảo vệ chỉ tập trung vào trông xe máy, xe ô tô để kiếm tiền mà không chú ý đến tuần tra, kiểm soát, giữ vững trật tự trị an trong các chung cư.

Cộng đồng dân cư ở các khu đô thị mới thiếu quan hệ thường xuyên, không có tổ chức chặt chẽ, sống biệt lập theo xu hướng khép kín, tình nghĩa láng giềng ít được quan tâm.

Vì những nguyên nhân nêu trên mà đời sống văn hóa ở một số KĐTM yếu kém, khó xây dựng và nếu có cũng chỉ mang tính hình thức. Nhiều người khi nghĩ đến ở KĐTM không khỏi lo ngại vì những lý do mất an ninh, an toàn về người và tài sản, vì lý do bất tiện trong sinh hoạt và họ sợ nhất là mất đi những quan hệ xóm giềng đã xây dựng nhiều năm ở nơi cư trú cũ mà điều đó là ảo tưởng khi phải đến sống ở những chung cư cao tầng trong khu đô thị mới. Nhu cầu giao tiếp, nhu cầu tình cảm, nhu cầu chia sẻ giúp đỡ nhau là những nhu cầu chính đáng, đẹp đẽ, nhân văn của người Việt trước kia thì hiện nay dường như đã bị phai mờ trước nhịp sống và ánh đèn sáng chói ở chốn thị thành.

3. Làm gì để xây dựng đời sống văn hóa ở các KĐTM hiện nay?

Nhiều người cho rằng chỉ cần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ở các KĐTM là có thể tập hợp, động viên được họ tham gia xây dựng thành công đời sống văn hóa ở các khu đô thị. Tôi cho rằng đó là cách nhìn nhận phiến diện, hình thức và làm như vậy không thể đi đến một kết quả ổn định, lâu dài, hợp với nguyện vọng của người dân. Muốn xây dựng thành công đời sống văn hóa ở KĐTM cần phải có cách nhìn toàn diện và cần được tiến hành từ nhiều phía. Có thể nêu lên một số việc làm cụ thể sau đây.

Hệ thống pháp luật về xây dựng và mua bán khu chung cư phải chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời. Cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước phải công khai, rõ ràng, minh bạch để mọi công dân đều biết và thực hiện. Hiện nay, nhà nước ta rất tích cực bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp, nhưng do khó khăn về tài chính, về nhân lực mà hệ thống luật pháp luôn luôn lạc hậu, chạy theo thị trường, chính vì thế mà nhiều doanh nghiệp đã cố tình lách luật để trốn tránh nghĩa vụ xã hội, nhằm kiếm lợi nhuận tối đa, gây nên những bất cập, lộn xộn, tổn thất cho người dân trong quá trình mua nhà chung cư và đến định cư ở chung cư.

Phải nâng cao trình độ tổ chức, quản lý, kiểm tra, giám sát của cán bộ các cấp trong ngành xây dựng, tài chính ngân hàng và quản lý xã hội để nguồn vốn đầu tư của nhân dân được sử dụng một cách có hiệu quả nhất, phục vụ cho đời sống nhân dân. Tiền vốn ngân sách và vốn huy động từ các quỹ tín dụng ngân hàng, trái phiếu chính phủ… phải được kiểm tra, sử dụng đúng mục đích, buộc các doanh nghiệp phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của nhân dân để họ phải đầu tư xây dựng các công trình mang tính xã hội đảm bảo phục vụ tốt nhất đời sống nhân dân. Tránh hiện tượng đầu tư lệch lạc, quy hoạch méo mó chỉ thiên về lợi nhuận thuần túy của doanh nghiệp.

Khi xây dựng tòa nhà phải đặc biệt chú ý đến chất lượng công trình, đến thiết bị toàn bộ và thiết bị an toàn chống cháy nổ, chống sụt lún, chống úng lụt, hoàn thiện hạ tầng khu chung cư, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân. Hiện tượng cấp giấy phép kinh doanh xây dựng dễ dãi, cả nể, không kiểm tra quy hoạch cẩn thận, không giám sát xây dựng chặt chẽ dẫn đến tình trạng xây dựng ẩu, chất lượng kém, hoặc xây dựng không đúng với bản vẽ thiết kế dẫn đến tình trạng nhà bị hỏng, các trang bị như thang máy, thiết bị báo cháy, chống cháy không hoạt động, không có cầu thang thoát hiểm làm nhân dân lo lắng và bị thiệt hại khi có sự cố xảy ra. Điều đó đã phá vỡ nền tảng quan trọng của công cuộc xây dựng đời sống văn hóa ở các chung cư. Vì khi có sự cố sẽ dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, mất đoàn kết nội bộ, đời sống bất an.

Phải thường xuyên bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành ở các khu đô thị mới, xây dựng cách làm việc khoa học, có trách nhiệm cao, thực hiện lao động có hiệu quả, có năng suất và chất lượng. Các khu chung cư cần phải có hệ thống bảo vệ bên ngoài, bảo vệ bên trong tòa nhà. Duy trì chế độ trực ở các khu chung cư 24/24 giờ, kiểm soát tất cả khách đến làm việc, thăm viếng người thân bằng cách kiểm tra giấy tờ tùy thân chặt chẽ. Những khu vực sở hữu công cộng hoặc sở hữu của chủ đầu tư cần được phân biệt với phần sở hữu riêng của chủ căn hộ và ghi rõ trong hợp đồng khi mua bán để tránh những tranh chấp, kiện tụng về sau.

Phải thành lập các tổ dân phố, các cụm dân cư trong những tòa nhà chung cư ở KĐTM và đưa các tổ chức đó vào hoạt động thường xuyên, có nề nếp để tạo ra một không khí sinh hoạt cộng đồng cụ thể, thiết thực giúp đỡ nhau trong mọi mặt đời sống. Đành rằng, nếp sống đô thị là hướng tới những sinh hoạt cá nhân, tính cá nhân, dân chủ, nhân quyền được đề cao, nhưng đã là thành viên của một cộng đồng xã hội thì phải sinh hoạt trong một tổ chức nhất định. Bởi vì chỉ có sinh hoạt trong một tổ chức và tuân theo những quy định của tổ chức đó thì cuộc sống của mỗi cá nhân mới có ý nghĩa và mọi quyền lợi, nghĩa vụ của mình mới được đảm bảo. Nếu cứ sinh hoạt theo kiểu rời rạc, không gắn kết, không có trách nhiệm với nhau như ở một số KĐTM hiện nay thì nhiều điều bất trắc vẫn ẩn hiện và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của mỗi cá nhân trong khu chung cư và KĐTM để họ nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của khu dân cư đề ra, gương mẫu thực hiện các quy định, quy chế của khu dân cư và sẵn sàng đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, thiếu ý thức đấu tranh xây dựng. Mỗi thành viên của khu chung cư là người chủ của chung cư đó và cũng là hạt nhân để xây dựng đời sống văn hóa ở khu chung cư. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, chức vụ, tôn giáo… nếu mỗi thành viên đều cố gắng và có trách nhiệm xã hội cao thì chúng ta mới tạo ra được một không gian văn hóa ở KĐTM.

           Văn hóa mang tính xã hội và là những sáng tạo đặc trưng của xã hội loài người, nên văn hóa KĐTM chỉ được xây dựng khi tất cả những ai có liên quan đến KĐTM đó, dù ở cấp thấp hay cấp cao, dù ở gần hay ở xa, dù trực tiếp hay gián tiếp… có suy nghĩ đến đời sống văn hóa ở đó và quyết tâm chung tay xây dựng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 327, tháng 9-2011

Tác giả : Phạm Ngọc Trung

;