VĂN HÓA VÀ LỐI SỐNG ĐÔ THỊ VÙNG BẮC BỘ

Bên cạnh trung tâm là Hà Nội - đô thị đặc biệt, vùng Bắc Bộ còn có những đô thị thuộc loại lớn của cả nước (đô thị loại 1) và một mật độ đậm đặc các đô thị loại 2, loại 3... Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đã làm thay đổi diện mạo của cả vùng, đặc biệt là ở các đô thị.

Xét từ một góc độ nhất định, quá trình CNH, HĐH cũng là quá trình đô thị hóa. Nhìn toàn cục, vùng Bắc Bộ chính là vùng đô thị hóa nhanh nhất của Việt Nam. Ngay cả những địa phương xưa kia nổi tiếng là chiêm khê mùa thối, với những cánh đồng trũng sâu ngập con sào, giờ cũng đã trở thành dĩ vãng. Thay vào đó là những thị tứ, thị trấn, những khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp, kết quả tất yếu của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.

Không khó để nhận ra những biến đổi tích cực về văn hóa và lối sống đô thị vùng Bắc Bộ trong quá trình CNH, HĐH. Không gian kiến trúc ở nhiều đô thị đã đẹp lên nhanh chóng với các công trình hiện đại giữa một cảnh quan môi trường nhân tạo có ý thức thẩm mỹ cao. Công viên và các điểm sinh hoạt văn hóa với đủ loại quy mô của cộng đồng đáp ứng nhu cầu văn hóa và nghỉ ngơi của người dân đã nhiều hơn, hiện đại hơn. Đô thị nào cũng được chỉnh trang và được quy hoạch, tạo ra các điểm nhấn ít nhiều gây được ấn tượng sâu sắc, có sức thu hút đông đảo công chúng. Những thiết chế văn hóa sau một thời gian lúng túng do chuyển đổi cơ chế, nay đã có bước phát triển đáng kể bởi được hiện đại hóa về cơ sở vật chất kỹ thuật, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đa dạng hóa phương thức hoạt động. Cùng với những siêu thị, một nét đặc trưng văn hóa thương mại, tượng đài hoành tráng được xây dựng, những biển quảng cáo tấm lớn ở ngoài trời, những pa nô, áp phích với vô vàn thông tin về kinh tế xã hội... làm cho môi trường văn hóa ở các đô thị có sự khu biệt rõ nét với môi trường văn hóa ở nông thôn.

Mức sống, chất lượng sống của người dân đô thị nhìn chung được nâng lên tương đối nhanh, theo đó lối sống của họ cũng biến đổi rất mạnh. Tính năng động cá nhân để thích ứng với hoàn cảnh, với cơ chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều dễ nhận thấy. Các đô thị trong vùng Bắc Bộ cũng là nơi tập trung các cơ sở giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, y tế, các khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp... hàng đầu của cả nước, thu hút số lượng đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, những người lao động có tay nghề cao. Đó là một ưu thế rất lớn của các đô thị trong vùng đối với việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho phục vụ CNH, HĐH đất nước. Ưu thế này cũng góp phần tạo ra phong cách lao động, học tập, sinh hoạt gắn với văn minh công nghiệp, trật tự kỷ cương, cách ăn mặc theo mốt... của không ít người, tạo nên những nét đẹp riêng trong lối sống đô thị.

Quá trình CNH, HĐH đã tạo nên rất nhiều biến đổi tích cực về văn hóa và lối sống đô thị, song cũng gây ra không ít những biến đổi tiêu cực. Bản chất của CNH, HĐH không có lỗi, không phải là thủ phạm trong việc gây ra những biến đổi tiêu cực về văn hóa và lối sống đô thị vùng Bắc Bộ nói riêng, cả nước nói chung. Vấn đề ở đây là người ta đã tổ chức thực hiện, đã tiến hành CNH, HĐH như thế nào, bước đi đã thích hợp chưa, có tuân thủ quy luật khách quan hay vẫn còn duy ý chí, có thực sự nhận thức được vị trí, vai trò, ý nghĩa của văn hóa và lối sống trong quá trình CNH, HĐH hay không? Đâu phải cứ sau một quyết định hành chính là đã có ngay một đô thị với đầy đủ các chức năng thường thấy của nó.

Có thể thấy không gian văn hóa đô thị đang bị xáo trộn, bị xô đẩy xộc xệch, có nơi đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà quản lý. Tình trạng phố không ra phố, làng không ra làng chỉ là một trong khá nhiều biểu hiện của thứ văn minh nửa vời, đầy mâu thuẫn và nghịch lý đang lan tràn ở các đô thị. Chúng ta đã bỏ ra không ít công sức và tiền bạc để bảo tồn và phát huy nét đẹp rất độc đáo của các phố nghề, phố cổ, các công trình kiến trúc cổ kính, đặc sắc và trong một chừng mực nào đó ít nhiều đã có kết quả. Song đặt trong một tổng thể (như Hà Nội chẳng hạn), thì lại thấy khá nhiều bất cập, đôi khi khiên cưỡng. Sự tương phản của các công trình to bé, cao thấp, nhô ra thụt vào, mô phỏng kiến trúc Âu - Á tùy tiện làm cho không gian văn hóa của nhiều đô thị vốn đã xộc xệch, nay còn cọc cạch, lộn xộn và ngột ngạt hơn. Đô thị nào cũng thấy có những địa bàn mang danh phường hàng chục năm nay, mà vẫn còn đấy cảnh từng đàn trâu bò thản nhiên tràn ra dọc phố một cách vô tư như trên đường làng.

Việc đô thị hóa diễn ra ồ ạt theo kiểu phong trào, đô thị hóa thiên về hình thức bên ngoài, không theo quy hoạch thống nhất, đồng bộ giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, nhất là ở các vùng ven đô, ven các đường quốc lộ ít nhiều xé toang không gian văn hóa làng, để lại rất nhiều hệ lụy không lường hết được, dẫn đến ô nhiễm môi trường sinh thái, rạn nứt các mối quan hệ giữa người với người ngay trên một địa bàn sinh sống, xung đột lợi ích có lúc gay gắt hơn.

CNH, HĐH là con đường và bước đi tất yếu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là con đường vốn không bằng phẳng hay thẳng tắp bao giờ. Những khúc quanh co, những chỗ gồ ghề của nó biểu hiện ở khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng ra, ở mức chênh lệch trong hưởng thụ văn hóa ngày càng lớn giữa các tầng lớp dân cư, giữa các địa bàn nội thành, nội thị, nội thành và ngoại thành, nội thị và ngoại thị. Trong khi đó, mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển văn hóa, xã hội, song không ít chính sách đã lạc hậu, bất cập, không phù hợp với đô thị nên chưa đóng được vai trò điều tiết, đòn bẩy thúc đẩy văn hóa, xã hội phát triển.

Song có lẽ bức xúc nhất vẫn là vấn đề biến đổi tiêu cực về lối sống ở đô thị hiện nay. Có cảm giác như ở làng quê, con người với con người vẫn gắn bó với nhau bởi tình người sâu nặng hơn ở các đô thị. Tính nhân văn trong lối sống của người nông dân ở làng quê vẫn còn trong trẻo, hồn nhiên lắm, rất đáng để cư dân đô thị soi vào. Có sống ở các đô thị vào những ngày tết Nguyên đán người ta mới cảm nhận rõ sự hẫng hụt trong lối sống của một bộ phận cư dân đô thị. Tính nhân văn chưa cao khiến cho quan hệ thân tộc, quan hệ cộng đồng ở các đô thị có nguy cơ lỏng lẻo dần.

Sự nhập nhằng, pha tạp, phức tạp trong lối sống, nhất là về triết lý sống đặc trưng của đô thị cũng là điều dễ nhận thấy. Dĩ nhiên, văn hóa có quy luật giao lưu, tiếp biến, nhưng sự pha tạp trong lối sống ở đây lại dẫn tới nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, làm xói mòn nền tảng tinh thần xã hội. Cái ác, tội phạm và tệ nạn xã hội tràn lan đã làm cho môi trường văn hóa bị ô nhiễm nặng. Nói một cách không quá đáng rằng môi trường ở nhiều đô thị hiện nay vô tình lại trở thành miếng đất màu mỡ cho tội phạm và tệ nạn xã hội dụng võ. Nguyên nhân cơ bản xin đừng đổ lỗi trước hết cho tình trạng nhập cư ồ ạt của dân tứ chiếng (cả chính thức và không chính thức), mà trước hết là do các cơ quan chức năng quản lý xã hội kém, nội lực của các đô thị chưa đủ mạnh để tạo ra sức đề kháng chống lại tội phạm và tệ nạn xã hội. Đáng lo hơn là người phạm tội và mắc tệ nạn xã hội ngày càng trẻ, học vấn không phải là thấp. Những tụ điểm lẽ ra phải là một phần đặc trưng của văn minh đô thị như vũ trường, quán nét, nhà hàng karaoke, công viên... thì lại đang là những điểm nóng nhức nhối về tội phạm và tệ nạn xã hội, không ít thanh thiếu nhi bỏ nhà, bỏ trường đi bụi, đi hoang, sống ngoài pháp luật lấy các tụ điểm trên để tá túc, kiếm ăn, gây án. Chưa bao giờ tình trạng thanh niên, học sinh, sinh viên ở các đô thị sống thử nhiều như hiện nay và hậu quả là 25% người đi nạo, phá thai chính là loại người này.

 

Để phát huy những biến đổi tích cực, hạn chế những biến đổi tiêu cực trong văn hóa và lối sống đô thị vùng Bắc Bộ trong quá trình CNH, HĐH, theo chúng tôi, cần làm tốt hơn một số công việc cụ thể.

Một là, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở đô thị là tương đối nhanh, nhưng chưa đồng bộ với phát triển văn hóa, xã hội. Đằng sau những khu công nghiệp bề thế kia còn rất nhiều vấn đề xã hội, văn hóa chưa giải quyết được một cách thấu đáo. Thêm nhiều khu đô thị mới mọc lên, nhưng không khu đô thị nào hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, hay đầy đủ các thiết chế văn hóa cần thiết... Do vậy, sự gắn kết đồng bộ giữa kinh tế và văn hóa phải bắt đầu từ quy hoạch với tầm nhìn xa và tính khả thi cao, vừa bảo tồn và phát huy được giá trị của đô thị cổ, vừa phát triển hài hòa đô thị mới, hạn chế sự manh mún, chắp vá và chủ yếu mới hướng tới mục tiêu, lợi ích kinh tế như cách làm của nhiều chủ đầu tư hiện nay. Để thực hiện sự gắn kết đồng bộ này, một mặt cần tiếp tục coi khâu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực là khâu đột phá, mặt khác xóa nhanh sự chênh lệch và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân, nhất là với người lao động tại các doanh nghiệp. Nhà nước cần có những chính sách an dân ở nông thôn để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng di dân tự do vào các đô thị.

Hai là, xây dựng môi trường văn hóa đô thị có tính nhân văn cao, làm tiền đề để xây dựng lối sống mới mang đặc trưng của con người đô thị. Sự nhếch nhác, ô nhiễm của môi trường sinh thái ở các đô thị dễ nhận diện và có thể khắc phục nhanh chóng, nhưng sự ô nhiễm môi trường văn hóa sẽ để lại hậu quả lâu dài và không thể khắc phục trong một sớm một chiều. Vì vậy, cần quyết liệt trong phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, lập lại trật tự, kỷ cương, phép nước, lấy luật pháp làm tối thượng trong việc xây dựng và quản lý môi trường văn hóa đô thị, khắc phục triệt để tình trạng nửa vời, đánh trống bỏ dùi như hiện nay. Cần phải tập trung xây dựng tác phong công nghiệp, tính năng động, sáng tạo, tự chủ, nhân văn cao, xem đó là hạt nhân, là triết lý trong lối sống của con người đô thị thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

           Ba là, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong việc xây dựng, phát triển văn hóa và lối sống đô thị. Công tác lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của nhà nước cần phải tính đến yếu tố đặc thù của đô thị trong quá trình CNH, HĐH, nghĩa là trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý cần phải cao hơn toàn diện hơn. Cho nên trong việc xây dựng, chỉnh đốn đảng, cần coi trọng xây dựng văn hóa đảng, nhất là đối với cán bộ, công chức. Đối với sự quản lý nhà nước, cần quyết liệt cải cách và hiện đại hóa các thủ tục hành chính, phát huy triệt để vai trò của công nghệ thông tin. Công tác lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước cần hướng đến mục tiêu là làm cho người dân thật sự trở thành chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Điều này đúng về lý luận và càng đúng hơn trong thực tiễn phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010

Tác giả : Nguyễn Văn Thắng

;