Văn hóa đối ngoại Việt Nam, một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Được xác định là “một bộ phận quan trọng đặc biệt của nền văn hóa quốc gia”(1), văn hóa đối ngoại đang ngày càng thể hiện vai trò tích cực trong việc nâng cao vị thế của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước đứng trước nhiều vấn đề mới với những cơ hội và thách thức mới, văn hóa đối ngoại càng phải phát huy mạnh mẽ vai trò nền tảng tinh thần trong đối ngoại, thể hiện sức mạnh nội sinh của dân tộc. Việc xây dựng, phát triển văn hóa đối ngoại vì vậy luôn cần sự đổi mới, sáng tạo không ngừng trong nhận thức, tư duy lý luận và thực tiễn.

1. Khái niệm văn hóa đối ngoại

Trong lịch sử đối ngoại Việt Nam, xét từ nhiều góc độ, nhân tố văn hóa luôn được coi trọng. Tuy vậy, thuật ngữ văn hóa đối ngoại lại là một khái niệm mới, được quan tâm nghiên cứu một cách công phu, bài bản trong những năm gần đây. Hiện có hai xu hướng tiếp cận chính về văn hóa đối ngoại. Xu hướng thứ nhất coi “văn hóa đối ngoại là toàn bộ những giá trị mà con người tạo ra được biểu hiện và thẩm thấu trong hoạt động đối ngoại. Nó biểu hiện ở nội dung của chính sách đối ngoại cũng như nhận thức, hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động đối ngoại và kết quả mà họ tạo ra trong hoạt động đó”(2). Quan điểm này xem văn hóa đối ngoại là một loại hình văn hóa tức là tiếp cận khía cạnh văn hóa của đối ngoại, nghệ thuật đối ngoại. Xu hướng thứ hai quan niệm văn hóa đối ngoại là thuật ngữ chỉ hoạt động thực tiễn, bao trùm mọi hình thức, quy trình, cách thức, công cụ, hành động… liên quan đến văn hóa nhằm phục vụ mục tiêu đối ngoại của quốc gia. Đây là quan điểm tiếp cận của nhiều công trình nghiên cứu và trong các chính sách văn hóa đối ngoại của Việt Nam hiện nay. Các tác giả Giáo trình quan hệ công chúng chính phủ trong văn hóa đối ngoại (2011) và công trình nghiên cứu Văn hóa đối ngoại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (2015) đều thống nhất cho rằng: “Văn hóa đối ngoại được hiểu là bao gồm sự giao lưu, trao đổi quốc tế của tất cả các lĩnh vực hoạt động văn hóa từ văn học, nghệ thuật đến ngôn ngữ, phong tục tập quán… kể cả hoạt động kinh doanh, buôn bán, lưu thông, phân phối các sản phẩm văn hóa” (3).

Trong các văn kiện của Đảng không nêu khái niệm, nội hàm của văn hóa đối ngoại nhưng các chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến văn hóa đối ngoại đã thể hiện cách tiếp cận phù hợp với xu hướng của khu vực và thế giới, với điều kiện thực tiễn của đất nước. Đến nay, một trong những định nghĩa đầy đủ, cụ thể nhất về văn hóa đối ngoại đã được nêu rõ: Văn hóa đối ngoại là tổng thể các hoạt động ứng xử, giao lưu, hợp tác về văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác, khu vực cộng đồng này với khu vực cộng đồng khác nhằm giới thiệu những tinh hoa và giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú và lan tỏa giá trị văn hóa quốc gia trong cộng đồng quốc tế, hỗ trợ tích cực cho các loại hình đối ngoại khác (chính trị, kinh tế...) để quốc gia tăng cường hợp tác, phát triển” (4).

Có thể thấy, nội hàm khái niệm văn hóa đối ngoại được thống nhất ở mấy nội dung sau: Văn hóa đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của quốc gia; là hoạt động văn hóa mang tính chọn lọc nhằm quảng bá cái độc đáo, hấp dẫn của văn hóa dân tộc với quốc tế, vừa mang đặc tính của lĩnh vực đối ngoại; là việc thực hiện chính sách đối ngoại bằng công cụ văn hóa, biện pháp văn hóa, trong đó, các giá trị văn hóa sẽ là chỗ dựa tinh thần bền vững cho hoạt động đối ngoại, là “sức mạnh mềm” trước các đối tác để thực hiện có hiệu quả các chính sách chính trị, kinh tế và văn hóa quốc gia.

Cũng cần phân biệt văn hóa đối ngoại với ngoại giao văn hóa. Có thể hiểu ngoại giao văn hóa là một hình thức của ngoại giao, “là việc sử dụng các giá trị văn hóa, hình thức văn hóa, lợi thế văn hóa để thúc đẩy quan hệ với các quốc gia khác, đồng thời sử dụng nội dung ngoại giao, quan hệ ngoại giao để tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc; giao lưu, trao đổi để các quốc gia, các dân tộc ngày càng hiểu biết và tôn trọng các giá trị văn hóa và bản sắc của nhau” (5). Theo nghĩa tiếng Việt, thuật ngữ ngoại giao “là sự giao thiệp với nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của quốc gia mình và để góp phần giải quyết những vấn đề quốc tế chung” (6). Trong khi đối ngoại được hiểu là “đối với nước ngoài, về đường lối, chính sách, sự giao thiệp của nhà nước” (7). Theo đó, phạm trù văn hóa đối ngoại có nội hàm rộng hơn ngoại giao văn hóa.

2. Vai trò của văn hóa đối ngoại

Từ nội hàm khái niệm đã phân tích ở trên có thể thấy văn hóa đối ngoại giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại quốc gia.

Một là, xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Với một nền văn hóa truyền thống lâu đời, giàu bản sắc và giá trị nhân văn, Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển và hội nhập. Văn hóa đối ngoại, với tổng thể các hoạt động ứng xử, giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa là một kênh thực sự hiệu quả để giới thiệu những tinh hoa và giá trị văn hóa dân tộc đến thế giới. Từ đó làm cho bạn bè thế giới hiểu biết hơn về đất nước con người Việt Nam, từng bước tạo dựng lòng tin, tình cảm yêu mến đối với Việt Nam, đưa quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Hai là, nâng cao hiệu quả đối ngoại về kinh tế, chính trị, quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước. Ngày nay sức hấp dẫn của văn hóa được cho là “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia, do đó văn hóa đối ngoại có thể “mở đường”, góp phần khai thông hoặc tạo bước đột phá trong quan hệ giữa các nước, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ chính trị, kinh tế và các mối quan hệ khác phát triển. Trong lịch sử Việt Nam, văn hóa đối ngoại đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc (8). Trong bối cảnh hiện nay văn hóa đối ngoại vẫn là một thứ vũ khí mềm dẻo, linh hoạt góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ và sự thành công trong thương thuyết, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

3. Xây dựng, phát triển văn hóa đối ngoại trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là một mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Hai thành tố cấu thành nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một chỉnh thể thống nhất, có quan hệ tương tác với nhau, phản ảnh tính phổ biến, tính đặc thù và đòi hỏi phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phổ biến và đặc thù trong quá trình phát triển và quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nghĩa là, nền kinh tế của chúng ta không khác biệt mà mang đầy đủ các đặc trưng phổ biến của kinh tế thị trường, là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (9). Đây là thuộc tính nhân văn của nền kinh tế, đặc trưng riêng có của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam.

Xây dựng, phát triển văn hóa đối ngoại phải gắn với đặc trưng, phải phù hợp với nền kinh tế mà chúng ta đang xây dựng, đó là “nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế” (10). Các hoạt động văn hóa đối ngoại phải góp phần khẳng định giá trị, ý nghĩa của mô hình kinh tế trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Mặt khác, trên cơ sở các giá trị văn hóa đối ngoại truyền thống, tiếp thu, chọn lọc những giá trị văn hóa mới trong quá trình giao lưu, hợp tác quốc tế, văn hóa đối ngoại phải góp phần điều chỉnh, hạn chế mặt trái, khuyết tật của kinh tế thị trường, hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế thị trường thế giới.

Ngược lại, cũng cần phải tận dụng những thành tựu, ưu điểm, lợi thế của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để xây dựng, phát triển văn hóa đối ngoại phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên con đường hội nhập quốc tế. Về bản chất, có thể coi “hội nhập quốc tế chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế” (11). Do đó, không thể có một quốc gia phát triển mà không hội nhập - không hợp tác quốc tế. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới” (12).

Trên tinh thần chủ động và tích cực, xây dựng và phát triển văn hóa đối ngoại phải nắm bắt những cơ hội, nhận diện những xung đột, mâu thuẫn và những cản trở trên con đường hội nhập để phát triển. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực trong bối cảnh toàn cầu hóa mở ra khả năng cho nước ta, tham gia nhanh và hiệu quả vào các sân chơi quốc tế, tận dụng mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển. Văn hóa đối ngoại cũng có cơ hội để cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế cả nội dung lẫn hình thức, có nhiều cơ hội tiếp thu, chắt góp những tinh hoa, giá trị mới của văn hóa thời đại và thế giới. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế là “quá trình chủ động chấp nhận, áp dụng và tham gia xây dựng các luật lệ và chuẩn mực quốc tế nhằm phục vụ tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc” (13) nên cũng có quá nhiều ràng buộc và áp lực cạnh tranh gay gắt. Thực tế hiện nay là “so với yêu cầu của công cuộc hội nhập và sự nghiệp phát triển đất nước, các hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới” (14). Chúng ta cần/có thể giới thiệu những gì về Việt Nam cho thế giới? Văn hóa Việt Nam có đủ tầm vóc, bản lĩnh, tự tin để tham gia định hình những giá trị chung trong văn hóa hội nhập của nhân loại? Nếu chúng ta xây dựng được một nền văn hóa có đủ tầm vóc, thì chúng ta phải đối ngoại như thế nào để có quyền lực mềm trong hệ thống quyền lực toàn cầu?

Văn hóa đối ngoại trong hội nhập quốc tế là phải khẳng định được giá trị bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc, phải tiếp thu được những giá trị văn hóa tiến bộ của thời đại, phải xây dựng được những tiêu chuẩn mang tính nhân loại, nhưng yêu cầu lớn hơn nữa là phải đóng góp được gì cho văn hóa nhân loại. Đó là những vấn đề đặt ra trong xây dựng và phát triển văn hóa đối ngoại của Việt Nam hiện nay.

_______________

1, 4, 14. Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thuvienphapluat.vn.

2. Trần Kim Cúc, Trịnh Thúy Hương, Văn hóa đối ngoại theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 10-2011.

3. Vũ Trọng Lâm, Lê Thanh Bình, Văn hóa đối ngoại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.27.

5. Lê Thanh Bình, Giáo trình quan hệ công chúng chính phủ trong văn hóa đối ngoại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.28.

6, 7. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1988, tr.710, 360.

8. Hồ Sĩ Vịnh, Minh triết văn hóa ngoại giao Việt Nam, bài học lịch sử, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 365, tháng 11- 2014.

9, 10, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.102, 79.

11, 13. Đặng Đình Quý, Bàn thêm về khái niệm “hội nhập quốc tế” của Việt Nam trong giai đoạn mới, tapchicongsan.org.vn, 4-12-2012.

 

Tác giả: Lương Huyền Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018

 

;