TƯ TƯỞNG TÔN GIÁO TRIỀU TIÊN THỜI VƯƠNG TRIỀU CHOSON

 

Tiếp giáp với Trung Quốc, một cái nôi văn minh cổ của nhân loại, nên từ rất sớm, Triều Tiên đã có sự tiếp xúc giao lưu với Trung Quốc và ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hóa này trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng - tôn giáo… Tuy nhiên, Triều Tiên đã tiếp nhận văn hóa Trung Quốc không thụ động. Người dân ở xứ sở kim chi đã lĩnh hội những nét văn hóa Hán phù hợp với đất nước mình, từ đó tạo nên một nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc.

1. Tư tưởng Nho giáo

Nho giáo ra đời từ TK VI trước CN ở Trung Quốc, và rất nhanh hệ tư tưởng này đã du nhập sang Triều Tiên ngay sau đó hai thế kỷ (TK IV trước CN). Từ khi vào Triều Tiên cho đến thời Koryo (Cao Ly), Nho giáo tồn tại và phát triển cùng Phật giáo một cách hòa bình. Nhưng trong suốt thời gian đó, Phật giáo chiếm địa vị quốc giáo ở Triều Tiên nên Nho giáo không có ảnh hưởng sâu sắc lắm trong đời sống xã hội. Tuy vậy, các nghiên cứu cũng cho biết: tư tưởng Nho giáo đã có ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã hội, đặc biệt trong hệ thống giáo dục và thi cử ở Triều Tiên thời kỳ này (1).

        Vào cuối thời Cao Ly, khi Phật giáo trở nên suy đồi, không còn được xã hội chấp nhận thì Nho giáo dần dần chiếm được địa vị trong xã hội. Nho giáo không mang nhiều tính tôn giáo mà là một hệ thống tư tưởng xã hội. Hệ tư tưởng do Khổng Tử sáng lập bao gồm hệ thống những quy tắc quy định chặt chẽ, ràng buộc trong các mối quan hệ xã hội theo tam cương, đòi hỏi con người phải có phẩm chất đạo đức, lòng tôn kính, sự trung thành và lễ phép theo ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín). Luân lý đạo đức này được chính trị hóa, theo mô hình trung - hiếu và trở thành phạm trù đạo đức, luân lý của xã hội. Theo thời gian, tư tưởng đó đi vào tiềm thức trong mỗi người dân, hình thành ý thức phục tùng giai cấp thống trị. Chính điều này đã giúp giai cấp thống trị ổn định được trật tự xã hội.

Thấy được vai trò của hệ tư tưởng đến từ Trung Quốc, thời Choson, Nho giáo được đề cao hơn lúc nào hết và nó được đưa lên thành hệ tư tưởng chính trên bán đảo Triều Tiên. Tư tưởng Nho giáo được coi là chuẩn mực của đạo đức và chính trị chính thống, đóng vai trò đắc lực trong việc thống trị xã hội. Mọi quan niệm, tín ngưỡng, tư tưởng và đời sống nhân dân đều bị chi phối bởi tư tưởng Nho giáo. Có thể thấy sự đề cao và coi trọng tư tưởng của Nho giáo ở câu nói của Sejong: “Trau dồi văn chương là con đường tu dưỡng tốt nhất cho mỗi con người. Con người có đạo đức là con người thấm nhuần đạo Nho, sống theo lễ giáo” (2). Theo Sejong, phẩm chất của một con người được đánh giá như thế nào tùy thuộc vào mức độ thấm nhuần tư tưởng Nho giáo của người đó ra sao. Tư tưởng Nho giáo chính là thước đo, là chuẩn mực đánh giá phẩm chất đạo đức của con người.

        Trên tinh thần đó, các vương triều thời Choson đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm khắc sâu tư tưởng Nho giáo trong nhân dân. Có thể thấy điều đó qua việc triều đình phong kiến đã khôi phục Viện danh nhân (Chipphyonjon) để dạy về tư tưởng Nho giáo. Viện danh nhân đã sáng tạo ra chữ Hangul, dễ đọc, dễ viết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc biên soạn hàng loạt sách mang tư tưởng Nho giáo để truyền bá cho người dân. Với những nỗ lực của vương triều Choson, tư tưởng Nho giáo ngày càng được mở rộng và ăn sâu vào tư tưởng, tín ngưỡng và đời sống của nhân dân Triều Tiên.

Dưới thời Choson, do tư tưởng Nho giáo là chủ đạo, nên ảnh hưởng của nó đến các mặt của đời sống mang tính sâu rộng hơn cả. Vì vậy mà Yu Tong Shik nhận xét: Nhân tố tôn giáo ảnh hưởng đến sự hình thành tư tưởng truyền thống Triều Tiên đã diễn ra không có tôn giáo nào mạnh hơn đạo Shaman và Nho giáo(3).

       Sang TK XVII - XVIII, cùng với sự xâm nhập của thực dân phương Tây vào Triều Tiên, hệ tư tưởng Nho giáo cũng có sự biến đổi. Về vấn đề này, học giả Lê Quang Thiêm đã có nhận xét: “Khổng giáo trong thời Choson hậu kỳ đa dạng hóa trong nhiều hướng và phải đối diện với những thách thức mới từ thế giới bên ngoài”(4). Để đứng vững được, Nho giáo thời kỳ này đã dần biến đổi cho phù hợp với xã hội, nó đi sâu vào nghiên cứu chi tiết ứng xử mà cụ thể là cách ứng xử trong gia đình. So với trước kia, thời gian này Nho giáo có tính cởi mở hơn về các quy tắc, luật lệ, lễ nghi và quan niệm xã hội.

Đến khoảng TK XIX, trong hoàn cảnh lịch sử kinh tế - xã hội có biến đổi, Nho giáo đã có những biểu hiện hạn chế nhất định. Lúc này các nước phương Tây đã xâm nhập và du nhập nền kinh tế hàng hóa vào Triều Tiên thì các luật lệ, nguyên tắc của Nho giáo trở nên cứng nhắc, giáo điều và lỗi thời. Có nhiều quan lại bảo thủ với hệ tư tưởng Nho giáo mà không chịu biến đổi nó cho phù hợp với xã hội, đã không chịu canh tân đất nước. Vì vậy, nền kinh tế xã hội cuối thời Choson lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Địa vị của Nho giáo cũng vì thế cũng dần suy giảm. Đến năm 1910, vương triều Choson sụp đổ thì hệ tư tưởng Nho giáo không còn giữ được địa vị chính thống trong xã hội Triều Tiên như trước nữa.

Trong xã hội hiện đại, tư tưởng Nho giáo vẫn còn ảnh hưởng khá sâu sắc trong đời sống của người dân trên bán đảo Triều Tiên. Điều đó được thể hiện qua cách thức đối nhân xử thế, quan niệm về công danh sự nghiệp, sự tôn trọng kính cẩn trong lời ăn tiếng nói, sự tôn trọng người khác cũng như sự tôn trọng bản thân mỗi người (5).

2. Tư tưởng Phật giáo

Đạo Phật xuất phát từ Ấn Độ, do Sitđacta Gôtama sáng lập từ TK VI trước CN. Phật giáo nguyên thủy không hoàn toàn là một tôn giáo mà là một thứ triết học huyền bí về sự cứu vớt con người qua việc từ bỏ những mong muốn trần tục giải thoát con người lên cõi niết bàn (6). Đạo Phật là một tôn giáo không có thần thánh, chỉ bao gồm tập hợp các tiền đề về việc làm thế nào để tránh được những nỗi đau trên trần thế. Tuy vậy, trong quá trình du nhập vào nước khác, nó xuất hiện một số khái niệm phức tạp: tín ngưỡng, tư tưởng, thần thánh, địa ngục, các vị cứu tinh…

Khoảng TK IV trước CN, đạo Phật được truyền bá từ Trung Quốc sang Triều Tiên. Từ đó cho đến hết thời Cao Ly, đạo Phật luôn giữ vị trí quốc giáo. Tư tưởng của Phật giáo bao trùm lên toàn bộ đời sống chính trị - xã hội và văn hóa Triều Tiên đương thời. Đến cuối thời Cao Ly, tôn giáo này trở nên suy đồi. Các nhà sư thoái hóa đạo đức, ăn hối lộ, sống xa hoa như quý tộc, vì vậy nó không còn được nhân dân ủng hộ. Đặc biệt sau cuộc xâm lăng của Mông Cổ TK XIII, Cao Ly bị thất bại, do triều đình không chuẩn bị lực lượng đánh giặc mà chỉ trông chờ vào sự cứu vớt của thần thánh. Điều đó làm giảm uy tín của đạo Phật trong đời sống xã hội và trong quần chúng nhân dân. Cũng từ đây, Phật giáo mất vị thế là quốc giáo, thậm chí bị lên án kịch liệt. Trong luận văn của mình, nhà Khổng học Chong To Jon gọi là “chống đạo Phật” đã viết: “Tín ngưỡng của Ấn Độ là một thứ phá hoại đạo đức và làm hại cho quốc gia”.

Ngay sau khi lên ngôi, Lý Thành Quế thực hiện chính sách đàn áp đạo Phật, thiết lập một hệ thống đăng ký chùa chiền sư sãi, nhằm quản lý và ngăn chặn số lượng sư sãi tăng lên và cấm thành lập các chùa chiền mới (7). Đến thời Tacjong, ông càng đàn áp đạo Phật mạnh mẽ hơn, tịch thu, sung công ruộng đất nhà chùa, chỉ để lại 242 chùa trong cả nước, những chùa còn lại rỡ bỏ hết.

Tuy nhiên, trong thời vương triều Choson cai trị Triều Tiên, Phật giáo cũng được khôi phục lại một đôi lần, khoảng nửa cuối TK XV - đầu TK XVI. Đó là thời quốc vương Sejo trị vì (1455 - 1468). Mặc dù triều đình phản đối, Sejo vẫn cho xây dựng một phòng lớn thờ Phật trong cung điện và cho xuất bản nhiều sách viết về Phật giáo. Song tất cả những nỗ lực khôi phục lại Phật giáo của nhà vua đều không mang lại kết quả gì cho đạo Phật vì nó gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ của các học giả và quan chức theo đạo Nho (8). Càng về cuối vương triều Choson, đạo Phật càng bị đàn áp công khai, trắng trợn. Các nhà sư bị xếp xuống hạng người thấp nhất trong xã hội, không được phép đi vào thủ đô, các nhà chùa phải dần chuyển đến những vùng núi non để lẩn trốn, tránh đi sự đàn áp gắt gao của triều đình Choson. Đạo Phật bị biến thành một tín ngưỡng ẩn dật, hướng vào bản thân nó và xa dời dân chúng xung quanh.

Tóm lại, thời kỳ Choson, Phật giáo bị đàn áp nghiêm trọng, địa vị suy giảm. Tuy vậy, ảnh hưởng của tôn giáo đến từ Ấn Độ tới tư tưởng, tín ngưỡng của nhân dân Triều Tiên còn rất sâu sắc. Bên cạnh Nho giáo được nhà nước lấy làm ý thức hệ, thì đạo Phật được giữ lại như là tín ngưỡng tôn giáo trong nhân dân. Ngày nay, Phật giáo là tôn giáo lớn nhất Triều Tiên, có khoảng 12 - 15 triệu tín đồ. Tư tưởng của nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân.

3. Đạo giáo

Đạo giáo do Lão Tử người Trung Quốc sáng lập và được truyền bá vào Triều Tiên khoảng TK VII trước CN. Từ khi du nhập vào Triều Tiên, qua thời Tam quốc, Tân La, Cao Ly, Đạo giáo đều được tiếp nhận và phát triển như một tôn giáo chính thức. Dưới triều Choson, tuy nhà nước đề cao Nho giáo, nhưng Đạo giáo vẫn được quan tâm.

Ngay sau khi ổn định đất nước và thành lập triều đại Choson vào cuối TK XIV, Lý Thành Quế đã chấp nhận sự tồn tại của Đạo giáo. Ông cho phép chùa Sogyokchoon tồn tại cùng hoạt động của 50 nhà tu. Các nghiên cứu cho biết, trong chùa này, các thượng đế được thờ ở bệ cao, Lão Tử được thờ ở bệ trung và Yama (chúa tể của quỷ dữ) thờ ở bệ thấp (9). Sogyokchoon được dùng để làm nơi cầu mưa, cầu mùa, xua đuổi bệnh tật. Ngoài ra, đền Samsongsa được vua Sejong xây dựng để thờ 3 vị hoàng đế sáng lập ra nước Triều Tiên. Đồng thời, chùa này còn là nơi nhân dân thường đến cầu nguyện được trường thọ, sức khỏe. Chùa Samsongsa bị thiêu hủy trong cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật Bản sau này và sau đó không được khôi phục nữa.

        Tuy có một quá trình phát triển lâu dài trong xã hội Triều Tiên thời Choson, nhưng trên thực tế Đạo giáo chưa bao giờ trở thành một tôn giáo có tổ chức mạnh mẽ. Mọi hoạt động của Đạo giáo đều phải mượn hệ thống thống tổ chức, đền đài, nghi lễ của đạo Nho và đạo Phật. Hiện nay, Lão giáo vẫn còn dấu ấn trong tư tưởng người dân Triều Tiên. Sự mưu cầu hạnh phúc (pok) hay tuổi thọ (su) thể hiện qua sự trang bị vật dụng, tình yêu thiên nhiên, sự hài hòa và tính giản dị của người dân bán đảo Triều Tiên chính là biểu hiện còn lại của tư tưởng Đạo giáo trong đời sống xã hội.

Cả ba tôn giáo vào Triều Tiên thời cổ - trung đại (Đạo Phật, Nho giáo, Đạo giáo) đã đều kết hợp với tín ngưỡng Shaman giáo truyền thống của Triều Tiên và tồn tại bên nhau một cách hòa bình. Dưới vương triều Choson, Nho giáo được chọn làm quốc giáo.

4. Thiên Chúa giáo

Từ nửa đầu TK XVI, cùng với sự xâm nhập của tư bản phương Tây và Nhật Bản vào Triều Tiên, ở bán đảo Đông Bắc Á đã xuất hiện thêm một tôn giáo mới là Thiên chúa giáo.

Đạo Thiên chúa vào bán đảo Triều Tiên khi mà tư tưởng của Tam giáo và tín ngưỡng Shaman đã ăn sâu, bám rễ trong xã hội Choson. Nhưng thật lạ, Thiên chúa giáo đã nhanh chóng được xã hội Choson chấp nhận. Nghiên cứu của các tác giả Hàn quốc lịch sử và văn hóa đã cho biết: Thiên chúa giáo là một thứ tôn giáo xa lạ đã không giành được sự chấp nhận rộng rãi ở Trung Quốc hay Nhật Bản nhưng lại cắm rễ ở Triều Tiên (10).

       Vào khoảng TK XVII - nửa đầu TK XVIII, Thiên chúa giáo chưa phổ biến ở bán đảo Triều Tiên. Sự truyền bá Thiên chúa giáo của các nhà truyền đạo chưa mang lại kết quả gì, nó chỉ mang tính chất thăm dò ban đầu, tạo tiền đề cho quá trình truyền đạo Thiên chúa ở giai đoạn sau (11).

Sự nỗ lực gây dựng ảnh hưởng của Thiên chúa giáo ở xứ sở Kim chi này gắn liền với tên tuổi của các nhà truyền giáo như: Matteoricci, Petter Grammont, Chumunmo. Và tới cuối TK XVIII, tôn giáo đến từ phương Tây được truyền bá mạnh mẽ vào Triều Tiên. Tính đến năm 1863, có khoảng 23.000 tín đồ và 12 giáo sĩ là người bản xứ. Tuy nhiên đây cũng là thời gian mà đạo Thiên chúa bắt đầu bị đàn áp, đặc biệt với tư tưởng bài ngoại của nhà nhiếp chính Đại Viên Quân. Nhưng các nước phương Tây đã dùng vũ lực buộc Triều Tiên phải ký kết hiệp ước bảo đảm an toàn cho các đoàn truyền giáo. Sau những diễn biến này, đạo của Chúa Jêsu lại có cơ hội du nhập mạnh mẽ hơn trong dân chúng và gạt dần những ảnh hưởng của tam giáo ra khỏi xã hội Triều Tiên. Ngày nay ở bán đảo Triều Tiên, đạo Thiên chúa vẫn tồn tại và phát triển.

Có thể thấy, trong mấy thế kỷ tồn tại của vương triều Choson, tình hình tôn giáo hết sức đa dạng và phức tạp. Yếu tố tôn giáo bản địa Shaman tồn tại cùng các tôn giáo ngoại nhập: Đạo giáo, đạo Nho, đạo Phật, Thiên chúa giáo. Tư tưởng tôn giáo phương Đông phát triển bên cạnh tư tưởng tôn giáo phương Tây. Các tôn giáo này dù được nhà nước Choson quan tâm hay không, nhưng tư tưởng của nó ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến quan niệm sống, tín ngưỡng, đạo đức của người Triều Tiên. Ảnh hưởng này để lại dấu ấn rõ nét nhất trên các lĩnh vực triết học, văn học, nghệ thuật, hội họa…

5. Tư tưởng triết học

Thời Trung đại, triết học Triều Tiên là sự phản ảnh rõ nét nhất toàn bộ tư tưởng của người dân nơi đây về thế giới và con người. Trong thời cổ đại, tư tưởng triết học của Triều Tiên đã xuất hiện nhưng chưa trở thành học thuyết. Đến thời vương triều Choson cai trị, ở Triều Tiên đã xuất hiện học thuyết của một số triết gia nổi tiếng, như: Yi, Pou, Ch’ol Hal wol, Yi Ik chae, Kwon kun, Yi Hwang…

       Qua học thuyết triết học, các nhà tư tưởng Triều Tiên đã nêu lên quan điểm của mình về con người và thế giới. Tìm hiểu về vấn đề này, các học giả cho biết, tư tưởng các nhà triết học đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi cách hiểu Nho giáo. Người Triều Tiên tin tưởng vào cái tốt bẩm sinh của con người (mà Nho giáo có nhận định “nhân chi sơ, tính bản thiện”). Họ cho rằng trời là cái gì đó tốt nhất trong vũ trụ, và nhận định cái gì sống trong tự nhiên của tồn tại nhân sinh kết gắn mật thiết về sau có sự truyền kiếp, có hậu. Theo đó, vũ trụ là một người láng giềng gần gũi của con người (12). Xuất phát từ tư tưởng Nho giáo, các triết gia thời Choson rất chú trọng đến vai trò của con người trong xã hội và đề cao phẩm chất đạo đức, tính trung thực của họ.

Triết gia nổi tiếng nhất thời Choson là nhà tư tưởng Yi (sống ở TK XVI). Tư tưởng của ông xoay quanh vấn đề quần chúng nhân dân và vai trò của họ trong xã hội. Theo Yi, một xã hội muốn tồn tại vững mạnh thì giai cấp thống trị phải biết dựa vào dân. Từ đó, ông phân biệt rõ ràng giữa mị dânđược lòng dân. Yi cho rằng, bất cứ ai, dù có địa vị cao đến đâu cũng không thể sống sót một khi người dân biết mình bị lừa. Sự phẫn nộ của dân có thể lật đổ ngai vàng. Từ đó, triết gia này đã khuyên giai cấp thống trị phải biết cân nhắc suy nghĩ kỹ càng trước khi lừa bịp dân. Có thể thấy rằng, từ thực tế xã hội, Yi đã nhận thức một cách đúng đắn vai trò của nhân dân. Họ chính là gốc rễ của mọi sự phát triển xã hội.

Tác giả Văn hóa văn minh và yếu tố văn hóa truyền thống Hàn (13) cho biết: ở Triều Tiên đương thời có nhiều triết gia có những tư tưởng mới lạ và tiến bộ khi nhìn nhận về con người. Cũng nhìn nhận đánh giá về con người, triết gia Pou lại chủ trương thuyết hợp nhất, theo đó, con người với trời đất được đồng nhất và hai thực thể đó được coi là một. Đây là một tư tưởng hoàn toàn mới lạ ở phương Đông thời trung đại - nơi luôn cho rằng: thượng đế là đấng thiêng liêng sinh ra con người. Cũng tư tưởng này, triết gia Ch’oe Ha wol lại đưa ra thuyết bình đẳng giữa con người và thượng đế. Ông nhìn nhận con người là thượng đế và không có sự phân biệt gì ở đây cả. Vì vậy, thượng đế và con người bình đẳng. Có thể thấy, cả Pou và Choe Hal wol đã nhìn nhận đúng con người không phải do thượng đế hay trời sinh ra. Điểm tiến bộ của thuyết này là chủ trương không có sự phân biệt giai cấp trong xã hội. Tuy nhiên, các triết gia này vẫn không vượt ra khỏi hạn chế của thời đại khi cho rằng trên cuộc đời này vẫn có thượng đế.

Theo sau thuyết bình đẳng với thượng đế là một loạt học thuyết đề cập đến tính trung thực của con người. Triết gia Kwon Kun (1352 - 1409) bàn nhiều đến trung thực trong tác phẩm Lý luận thực tiễn và đầu óc thực tiễn. Còn triết gia Yi Hwang (1501 – 1570) đã thể hiện quan điểm của mình trong tác phẩm Môn học có ý nghĩa thực tiễn. Yi I, khi nói về trung thực, lại cho rằng “người chân chính là người biết mọi sự trên đời”, trí tuệ là tinh hoa của con người cho nên tâm hồn không thể xấu xa. Cái xấu, cái ác chỉ là lớp vải bọc của tâm hồn. Việc giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của con người chính là để tiêu diệt cái ác. Triết gia Pou trong thuyết bản nguyên cho rằng: Con người sinh ra tâm hồn vốn trong sáng. Có nghĩa là các ông đã khẳng định bản chất của con người vốn là tốt đẹp và con người cần giữ gìn nó.          

      Các nghiên cứu (14) cho biết: Về vấn đề trung thực, quan điểm của các triết gia Triều Tiên trùng với tư tưởng của các triết gia phương Tây cùng thời như: Kierkegaard nói, con người chỉ trở thành hoàn thiện hoàn mỹ một khi anh ta biết cải biến mình để trở về sự trung thực vốn có của mình. Theo Heidegger, con người chỉ trở nên trung thực khi anh ta chiến thắng bản thân mình. Nhà tư tưởng Jaspero lại cho rằng: chỉ có con người mới dám đương đầu với hiện thực nghiệt ngã. Triết gia Sartre nói, chỉ có người trung thực mới là người tự do. Một triết gia khác là Chong yag yong (1762 - 1836) cũng chú ý đến lòng trung thực, theo ông sống hay chết đều do trời quyết định nhưng lòng trung thực là bất tử, bất khả diệt.

        Có thể thấy trong thời Choson, tính trung thực là cốt lõi của thuyết hiện sinh, mà thuyết hiện sinh lại là mục đích theo đuổi của các nhà triết học Triều Tiên. Triết học ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng của Nho giáo. Thời kỳ tồn tại của vương triều Choson (1392 - 1910), xã hội Triều Tiên có nhiều biến động: chính trị rối loạn, sự xâm nhiễu của các nước phương Tây và Nhật Bản đã ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh đất nước. Trong bối cảnh đó, các học giả (15) cho rằng, tư tưởng của các triết gia trên đã có ý nghĩa nhất định trong sự kêu gọi giai cấp thống trị ổn định xã hội, mở đường cho kinh tế phát triển.

Dưới vương triều Choson, Triều Tiên bước vào giai đoạn hưng thịnh nhất trong thời kỳ lịch sử Trung đại. Nhận xét về điều này, các học giả cho rằng: Đây là thời gian mà nền văn hóa Triều Tiên phát triển rực rỡ và toàn diện nhất trên các mặt: tôn giáo, triết học, chữ viết, văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật… (16). Những yếu tố văn hóa truyền thống được kết hợp nhuần nhuyễn với những yếu tố văn hóa ngoại nhập đã tạo nên đặc tính riêng của nền văn hóa trên bán đảo Triều Tiên dưới thời kỳ trị vì của vương triều Choson.

_______________

1, 2, 7. Nguyễn Bá Thành, Tương đồng văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996, tr.99.

5, 9, 12, 13. Lê Quang Thiêm, Văn hóa văn minh và yếu tố văn hóa truyền thống Hàn, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998, tr.292, 331, 293.

6. Vũ Dương Ninh, Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.92.

8, 10, 11, 15. Hàn quốc lịch sử và văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.22.

16. Nguyễn Bá Thành, Hàn Quốc lịch sử - văn hóa từ thời khởi thủy đến năm 1945, Nxb Văn hóa, 1996, tr.173.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 354, tháng 12-2013

Tác giả : Bùi Thị Ánh Vân

;