Triển lãm "Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô - 70 năm xây dựng và phát triển"

Ngày 4-10, tại Bảo tàng Hà Nội, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã tổ chức triển lãm “Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển”.

Triển lãm là một trong những hoạt động trọng tâm của thành phố Hà Nội trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhằm giới thiệu những thành tựu quan trọng của Thủ đô Hà Nội qua 70 năm chiến đấu, lao động, sản xuất và phát triển, các dấu ấn đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố qua từng giai đoạn lịch sử. Qua đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Thủ đô với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế. Đồng thời, thể hiện quyết tâm phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Không gian trưng bày triển lãm

Với hơn 500 hình ảnh, 500 hiện vật, 30 mô hình sinh động, triển lãm tái hiện chặng đường lịch sử vẻ vang, cùng nhiều thành tựu trong lao động, chiến đấu của Thủ đô. Từ những ngày tháng khó khăn, gian khổ trong kháng chiến, Hà Nội đã trở thành một thành phố văn minh hiện đại, mang tầm vóc khu vực và quốc tế.

Thông qua việc sử dụng pano, bản vẽ, tài liệu, phim, hình ảnh, hiện vật, mô hình kết hợp trình chiếu 3D mapping, ứng dụng công nghệ số, AI, triển lãm đưa khách tham quan theo dòng lịch sử trở về các giai đoạn phát triển của Hà Nội với 5 không gian trưng bày tương ứng với 5 phần:

Phần 1: Hà Nội trước năm 1954 - Truyền thống ngàn năm: Tái hiện lịch sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội từ thời kỳ Thăng Long đến mốc son lịch sử chói lọi - Giải phóng Thủ đô, mở ra thời kỳ phát triển mới của Hà Nội.

Phần 2: Hà Nội trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) - Hà Nội vang mãi bản hùng ca: Tái hiện lại những thành tựu trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; đồng thời là hậu phương lớn nhất, quan trọng nhất chi viện cho chiến trường miền Nam; nơi trực tiếp lập nên nhiều kỳ tích anh hùng của công cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Phần 3: Hà Nội cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới (1975 - 2008) - Trên đường đổi mới và phát triển: Tái hiện lại những thành tựu thời kỳ khôi phục, tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội sau Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; thời kỳ quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Phần 4: Thủ đô Hà Nội từ năm 2008 đến nay - Mở rộng và phát triển: Tái hiện các thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính với diện mạo, tầm vóc mới, diện tích Hà Nội sau mở rộng là 3.359,84 km2, gấp 3,6 lần diện tích cũ, trở thành 1 trong 17 Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Phần 5: Định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại": Thể hiện định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô trong tương lai với 5 không gian phát triển; 5 hành lang và vành đai kinh tế; 5 trục động lực; 5 vùng kinh tế - xã hội; 5 vùng đô thị...

Triển lãm "Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô - 70 năm xây dựng và phát triển" diễn ra đến hết ngày 13-10 tại Bảo tàng Hà Nội.

AN NGỌC- Ảnh: NGUYỄN TRUNG

 

;