TRI THỨC TRUYỀN THỐNG VỀ KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC CỦA NGƯỜI THÁI ĐEN

Bản Pọng, xã Hua La, nằm ở phía nam thị xã Sơn La, có vị trí địa lý khá thuận lợi. Nơi đây nằm trên một dải thung lũng hẹp dọc hai bờ của suối Nậm La, rất tiện lợi về nguồn nước cho sinh hoạt và canh tác nông nghiệp. Hoạt động kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, cây lúa giữ vai trò quan trọng. Đến nay, người dân nơi đây vẫn giữ được nếp sinh hoạt xưa, thể hiện qua tập quán cư trú ven sông suối, ở nhà sàn, mặc trang phục truyền thống. Đặc biệt, họ có tập quán sản xuất nông nghiệp với hệ thống tưới tiêu mương, phai khá hoàn chỉnh, thể hiện trình độ kỹ thuật độc đáo mà ngày nay vẫn còn phát huy tác dụng, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống người dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tự nhiên.

1. Nước trong đời sống của người Thái ở bản Pọng

Quan niệm về nước

Đối với người Thái, nước là yếu tố tối cần thiết, bởi họ là cư dân nông nghiệp làm ruộng nước. Người Thái đã thêu dệt nên nhiều truyền thuyết liên quan đến nước, cũng như những câu thành ngữ nhắc nhở về vai trò của nước trong đời sống cộng đồng. Đến nay, người dân nơi đây vẫn lưu truyền huyền thoại về con thuồng luồng. Đó là vị vua điều hòa sông nước cho nhà nông tưới tiêu, trồng trọt, là chúa của các loài cá, phù hộ cho thuyền bè xuôi ngược. Thuồng luồng là hiện thân của cái thiện vì có thể điều hòa sông nước mang lại mùa màng tươi tốt, cho nguồn cá dồi dào, nhưng cũng là hiện thân của cái ác vì gây ra mưa lũ tàn phá mương, phai, làm mùa màng thất bát... Từ đó, người Thái có các nghi lễ cúng vị vua này vào các dịp như lấy nước lên ruộng để bắt đầu cho một vụ cấy trồng hay khi mương, phai bị vỡ. Từ truyền thuyết trên, ta thấy nước không chỉ cần thiết, mang tính quyết định, mà đã trở thành yếu tố văn hóa tâm linh trong cộng đồng người Thái.

Nguồn lợi từ nước

Có nguồn nước tự nhiên dồi dào là một tiêu chuẩn quan trọng khi người Thái chọn nơi định cư. Các bản, mường gần sông, suối... là yếu tố đắc địa đối với sự cư trú của họ. Người Thái từ lâu đời đã biết khai thác nguồn lợi từ nước. Người Thái bản Pọng không dùng máng để đưa nước vào nhà dùng cho sinh hoạt như một số dân tộc khác. Người dân nơi đây xưa kia thường lấy nước trực tiếp từ suối bằng các ống tre, bương đưa về nhà dùng, riêng tắm giặt thì ở suối. Ngày nay, nguồn nước để sinh hoạt của người dân được lấy từ những cái giếng tự đào gần dòng suối. Tuy nhiên, các sinh hoạt như tắm giặt vẫn diễn ra trên suối như trước.

Trước đây, người Thái bản Pọng chỉ cấy lúa một vụ, kéo dài 6 tháng vì khi đó chưa có giống lúa ngắn ngày. Lúa được trồng trên những thửa ruộng bậc thang là chính, ngoài ra còn có lúa cạn trồng trên nương, phụ thuộc vào nước mưa. Để đảm bảo độ ẩm cho ruộng, vụ cấy trồng của người Thái được bắt đầu vào mùa mưa (tháng 5-6 âm lịch). Để đưa nước từ dòng suối lên trên những thửa ruộng bậc thang, người Thái tạo ra hệ thống mương, phai, lái, lín, cọn... Đây là hệ thống thủy luân tuần hoàn có tác dụng đảm bảo tưới tiêu, duy trì độ ẩm cho cây lúa từ khi trồng đến lúc thu hoạch.

Ngoài tưới tiêu cho lúa, nước còn đảm bảo tưới ẩm cho các mảnh vườn trồng hoa màu của các hộ nông dân. Những năm gần đây, người Thái bản Pọng đã biết trồng cây cà phê, một loại cây trồng rất cần độ ẩm. Do khó khăn khi đưa nước từ suối lên đồi tưới nên vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa. Người dân ở đây trông chờ vào một hệ thống tưới tiêu được cơ giới hóa, nhưng để làm được việc này cần có một số vốn đầu tư lớn.

Người Thái có tập quán nuôi cá trên ruộng, ao. Vào khoảng tháng 4 - 5 âm lịch, họ đem cỏ khô hoặc rễ cây thả trên mặt sông suối để cá chép, cá diếc đẻ trứng sau đó đưa về nơi máng nước chảy, râm mát. Qua vài ngày, khi trứng phát triển thành phôi, họ đem thả vào ruộng để thu hoạch vụ cá. Tuy nhiên, ngày nay nguồn cá tự nhiên từ suối ngày càng khan hiếm, hơn nữa ruộng của người Thái giờ đây luân canh 2 vụ nên phải nuôi cá ao. Những ao này không chỉ để nuôi cá mà còn có tác dụng giữ nước, điều phối tưới tiêu cho ruộng vườn vào mùa khô. Hiện nay tại bản Pọng, diện tích ao nuôi cá ngày càng phát triển do người dân chủ động đào đất ven sườn đồi đắp thành ao.

Những năm 90 của TK XX, máy thủy điện nhỏ xuất hiện khá phổ biến ở các tỉnh miền núi, nơi có những dòng suối, thác nước rất phù hợp cho loại máy này hoạt động. Từ khi đó, người Thái bản Pọng cũng biết sử dụng loại máy phát điện để thay cho đèn dầu. Bên cạnh các phai, mương, người ta đã tạo ra các dòng chảy nhỏ có áp suất để chạy máy phát điện, tuy nguồn điện chỉ ở mức 120v, 40w nhưng hiệu quả sử dụng kinh tế gấp nhiều lần đèn dầu. Đến nay, người dân bản Pọng đã được sử dụng hệ thống điện lưới quốc gia nhưng chỉ có 6 tiếng vào buổi tối với giá 500đ/kw. Do vậy, hệ thống máy phát điện nhỏ đến nay vẫn được duy trì vì họ không phải trả tiền điện hàng tháng.

2. Kỹ thuật khai thác và sử dụng nguồn nước

Kỹ thuật truyền thống

Đối với người bản Pọng, nước được đặt vào hàng đầu trong việc làm ruộng, yếu tố nước đã trở thành tiêu chuẩn để phân loại ruộng. Xác định rõ tầm quan trọng của nước, người Thái đã tạo dựng được hệ thống dẫn nước hoàn chỉnh tưới tiêu cho ruộng. Hệ thống đó được thâu tóm qua thành ngữ mương, phai, lái, lín, là một chỉnh thể khép kín tương đối ổn định. Trong quá trình vận động, chỉ một mắt xích nào đó bị thay đổi đều sẽ dẫn đến hệ quả biến đổi chung của cả hệ thống. Nguồn gốc lộ thiên được chuyển tải qua dòng suối Nậm La bắt nguồn từ mường Chanh cách bản Pọng, Hua La 30km. Nơi đây xưa là những cánh rừng đầu nguồn nổi tiếng về gỗ quý và thú dữ.

 
 
 

Phai: là cách chặn đập ngăn nước, tạo độ chênh lệch của dòng chảy, có tác dụng đưa nước vào nương và từ mương chảy xuống các thửa ruộng bậc thang cao 5m so với mặt suối, thông qua hệ thống máng dẫn bằng tre, bương. Trên dòng suối Nậm La xưa kia, có 3 phai lớn đã đảm bảo tưới tiêu cho 70ha lúa nước. Phai là công trình thủy lợi mang tính cộng đồng, không chỉ là tài sản của một bản mà thường phục vụ tưới tiêu cho cả mường gồm nhiều bản. Nó trở thành tài sản của mường và do mường trực tiếp quản lý. Ngày nay, phai là công trình thủy lợi của một vùng gồm nhiều bản, do các hợp tác xã quản lý.

Nói đến hệ thống khai thác sử dụng nguồn nước của người Thái không thể không đề cập đến kỹ thuật dựng phai. Các phai của người Thái bản Pọng từ những năm 1960 trở về trước vẫn được làm bằng gỗ, tre, nứa và đất. Việc chọn vị trí đặt phai rất quan trọng, vì vậy, thường được giao cho những người già, có kinh nghiệm. Suối Nậm La có độ dốc lớn, do vậy dòng chảy mạnh dễ gây xói mòn, vì thế người Thái thường chọn nơi đặt phai hai đầu phải có tảng đá lớn hoặc gốc cây to để phần nào chống lại điều đó. Thời gian thích hợp nhất để làm phai theo kinh nghiệm của người dân bản địa là vào mùa khô (tháng 12, tháng giêng âm lịch), bởi đây là thời kỳ cạn kiệt của sông suối. Đắp phai, khai mương, làm cọn nước vào mùa này vừa dễ làm lại đỡ tốn công sức.

Để dựng một phai ngăn suối việc đầu tiên là phải chuẩn bị tre, gỗ... Phần đáy phai phải là một thân cây lớn, có chiều dài bằng chiều rộng của dòng suối nơi chọn dựng. Cây gỗ này được đặt chìm một nửa thân xuống nền đất của đáy suối để khó xê dịch khỏi vị trí. “Có lẽ với tác dụng quan trọng của cây gỗ này cho nên người Thái mới gọi là mẹ nằm cát (me non xái). Cái tên đó nói lên ý nghĩa nền tảng của cây gỗ lớn này”(1). Trong thực tế, có nhiều vị trí đặt phai do lòng suối quá rộng nên người ta phải dùng 2 thân cây gỗ nối lại. Người ta phải đan những sọt tre hình trụ, sau đó bỏ đầy đá vào trong rồi chèn vào điểm nối của thân cây gỗ để làm điểm tựa cho nó khỏi xê dịch. Sau khi đã cố định được thân cây gỗ chính, người ta lần lượt xếp gỗ và ken gỗ thành từng lớp ngang dọc giống như rẻ quạt. Sau khi dựng bộ khung của phai, người ta dùng tre, nứa đan thành phên để chặn ở mặt phai, dùng đất, đá đắp, chèn kín ngăn dòng chảy để mực nước dâng cao ngang mặt phai, tràn vào mương. Mặt cắt dọc của phai có hình tam giác vuông. Cạnh huyền của tam giác này thuận theo dòng chảy cả suối vì chịu tác động của dòng chảy, tạo thành lực nén theo phương thẳng đứng, làm tăng thêm sức bền chặt của phai. Khi chưa có vật liệu kiên cố như xi măng và thép, việc dùng gỗ làm phai của người Thái là một sáng tạo độc đáo. Gỗ và tre khi được ngâm chìm trong nước lại càng dẻo dai, chính yếu tố này đã phần nào kéo dài tuổi thọ của phai.

Mương: được bắt nguồn từ phai để dẫn nước vào ruộng. Hiện nay ở bản Pọng có đường mương dẫn nước từ phai Hốc ven theo sườn đồi bên trên các thửa ruộng bậc thang. Con mương này chạy dài 5km, dẫn nước tưới cho bản Pọng và xã Chiềng Cơi. Người ta đã khéo léo đưa dòng nước vượt qua các chướng ngại vật bằng các kỹ thuật rất thô sơ. Ví dụ, để đưa dòng chảy vượt qua khe, người ta cắm hai hàng cọc tre cách nhau từ 50 - 100cm rồi ghép các thân cây tre thành hình hộp, sau đó lót kín bằng các phên nứa để nước có thể chảy qua. Tuy nhiên, lượng nước thất thoát cũng không phải là ít. Đến nay, hệ thống mương này đã một phần được bê tông hóa.

Lái: nước từ mương đến được những thửa ruộng riêng lẻ bằng hệ thống các phai phụ, người Thái gọi là lái. Lái còn có tác dụng ngăn nước ở các khúc mương bị vỡ để tiếp tục nâng dòng nước lên cao cho chảy vào ruộng hoặc dẫn nước mương vượt qua các chướng ngại vật như tảng đá, gốc cây...

Cọn: trong thực tế, có những thửa ruộng bậc thang chênh lệch độ cao so với dòng nước tới 3- 4m, nếu chỉ dùng phai chặn dòng dâng nước vào mương tự chảy thì không thể thực hiện được. Vì thế, để khắc phục điều này, người Thái đã sáng tạo ra những chiếc guồng nước gọi là cọn. Hiện nay, ở bản Pọng vẫn còn tồn tại 2 cọn nước. Một chiếc cọn có thể cung cấp nước tưới cho từ 0,5- 1ha ruộng. Thường thì một chiếc cọn như vậy do vài hộ có các thửa ruộng liền bờ chung nhau.

Cọn được làm bằng tre, gỗ, hình bánh xe, đường kính tối đa có thể tới 6 - 7m. Thực chất đây là một loại guồng nước lợi dụng lòng chảy xiết của suối nhờ vào phai. Lực tác động của dòng chảy xiết làm bánh xe quay, vì trên vòng tròn của bánh xe có đặt các tấm tre làm thành cánh quạt cản nước. Bên mỗi cánh quạt trên thân bánh xe người ta gắn các ống nứa. Khi bánh xe quay vòng, các ống nứa sẽ múc nước và đưa lên cao đưa vào ruộng. Ngày nay, các loại cọn được thay thế bằng hệ thống thủy lợi bê tông kiên cố.

Lín (máng): được làm bằng tre, nứa hoặc bương, bổ làm đôi hoặc để cả ống tùy theo vị trí sử dụng. Các ống máng ngắn gọi là to hay láy chỉ có tác dụng đưa nước vào các thửa ruộng gần mương, đưa nước từ ruộng trên xuống ruộng dưới hoặc thoát nước tháo khô cho ruộng khi cần thiết. Các ống máng này thường có nắp đậy để điều tiết mức nước trong ruộng, điều phối đồng đều nước ở ruộng trên và ruộng dưới.

Ao trữ nước: ngoài hệ thống mương, phai, người Thái bản Pọng còn tạo ra một mạng lưới các ao hồ vừa có tác dụng trữ nước cho mùa khô vừa đề nuôi cá cải thiện bữa ăn. Các loại ao này thường được đào ven dòng chảy của mương phía trên ruộng bậc thang. Nước từ mương đổ vào ao và cũng có thể từ ao vào ruộng khi cần thiết. Các ao này có thể là một gia đình sở hữu hoặc nhiều hộ chung nhau, tùy theo quy mô của ao. Ao nuôi cá ngày nay tuy có cho năng suất cao nhờ vào kỹ thuật và giống mới, song yếu tố quyết định là nguồn nước vẫn phải phụ thuộc vào tự nhiên, cho nên về mùa khô hầu hết các ao không còn nước. Người dân ý thức được điều đó, song lực bất tòng tâm nên đành trông đợi vào trời.

Hệ thống tưới tiêu mương, phai, lái, lín ở bản Pọng hiện nay tuy có thay đổi, song về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng truyền thống.

Kỹ thuật hiện đại

Phai ngày nay được làm bằng thép và xi măng, còn mương bằng bê tông. Từ năm 1964 trở về trước, thủy lợi Sơn La phổ biến vẫn là hệ thống phai gỗ và cọn nước của người Thái. Sang năm 1964 có xuất hiện phai rọ thép kết hợp với gỗ, phên tre, đến năm 1984 không còn các phai lớn bằng gỗ mà thay vào đó là bằng bê tông. Tuy nhiên, những phai nhỏ bằng gỗ thì đến nay vẫn còn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện và thay thế phai gỗ bằng bê tông. Đó là sự xuất hiện phổ biến của vật liệu xi măng, thép, sắt tại Sơn La và ưu thế bền chắc của nó cùng với kỹ thuật làm thủy lợi hiện đại trong thời kỳ hợp tác hóa công nghiệp. Dân số tăng nhanh, sản xuất phát triển từ cấy 1 vụ sang 2 vụ, nhu cầu về nước đòi hỏi cao hơn cũng khiến hệ thống mương, phai thủ công không đáp ứng đủ nhu cầu về nước tưới cho cây trồng. Mức độ giảm đi của rừng đầu nguồn và độ che phủ tự nhiên, dẫn đến sự điều tiết nước ở rễ cây kém làm cho độ thấm nhanh. Từ đó, lượng nước ngầm thay đổi, dẫn đến lưu lượng dòng chảy ở suối Nậm La cũng thay đổi, thường xuất hiện lũ lớn vào mùa mưa, các phai bằng gỗ không chịu được sức công phá của dòng nước lũ. Việc đốn gỗ để làm phai cũng không dễ dàng như xưa do rừng không còn gỗ. Ưu thế của phai bê tông là đảm bảo độ bền, sức chịu lũ cao, có thể nâng cao được lưu lượng nước, tạo độ chênh lệch dòng chảy lớn hơn, phục vụ được diện tích canh tác rộng hơn phai gỗ.

Tại địa phận xã Hua La có phai Hốc, một phai lớn phục vụ tưới tiêu cho 60ha ruộng, kèm theo là một tuyến mương dài 6km. Xưa kia phai Hốc được làm bằng tre gỗ, đến năm 1974 được thay thế bằng bê tông. Phai bị phá hủy sau trận lũ ngày 27-7-1991, và đến năm 1996 được xây dựng lại kiên cố hơn, cách vị trí cũ 500m về phía hạ lưu. Theo đó, hệ thống mương đất xưa kia cũng đã được bê tông hóa một phần, tuy nhiên, các yếu tố kỹ thuật truyền thống về khai thác và sử dụng nguồn nước vẫn giữ vai trò nền tảng cho phát triển hệ thống thủy lợi hiện đại nơi đây. Ở bản Pọng ngày nay tuy có áp dụng các kỹ thuật mới để khai thác sử dụng nguồn nước nhưng cũng chủ yếu là cải tạo, nâng cấp từ hệ thống cũ.

Tài nguyên nước giữ vị trí quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi đất nước, dân tộc, cộng đồng. Trong xã hội của người Thái nói riêng, các dân tộc có truyền thống nông nghiệp nói chung, những tri thức địa phương về khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước vô cùng phong phú, được lưu truyền qua các thế hệ và đến nay vẫn phát huy giá trị.

Nguồn tài nguyên rừng hiện nay ngày càng suy giảm, dẫn đến tình trạng khô hạn và sa mạc hóa ở một số địa phương miền núi, trong đó có Sơn La. Trong bối cảnh đó, những kinh nghiệm bảo vệ, khai thác rừng gắn với giữ nguồn nước tự nhiên của người Thái ở bản Pọng là rất quý báu. Vì vậy, Nhà nước, giới khoa học cần có những nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn phát triển bền vững miền núi và vùng dân tộc thiểu số hiện nay.

Các địa phương hiện nay đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, trong đó có vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc xây dựng, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cần nghiên cứu, đánh giá và vận dụng cho phù hợp với tập quán của mỗi dân tộc, địa phương. Trong đó, cần đề cao những kinh nghiệm truyền thống gắn liền với tập quán cư trú để đồng bào phát huy thế mạnh tri thức của dân tộc mình, kết hợp với kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên. Có như vậy, người dân mới thực sự làm chủ tài nguyên thiên nhiên và khoa học kỹ thuật để phát triển bền vững.

_______________

 1. Cầm Trọng, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016

Tác giả : PHẠM VĂN DƯƠNG

;