TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ VỚI ĐỜI SỐNG NÔNG THÔN VIỆT NAM

      LTS: Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản số 1586/BVHTTDL - DSVH yêu cầu lập hồ sơ khoa học 12 di sản phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Một trong số đó là nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. VHNT giới thiệu đến bạn đọc bài viết phân tích những ý nghĩa lớn của dòng tranh đặc sắc này đối với đời sống tinh thần của người nông dân Bắc Bộ. Sự mai một của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hôm nay là hệ quả của nhiều vấn đề xã hội, văn hóa, trong đó có thể nói, vấn đề căn bản là nhu cầu thưởng thức và giải trí nghệ thuật của người dân hôm nay đã khác xưa nhiều. Tuy nhiên, những ý nghĩa nhân bản của tranh thì chắc chắn vẫn còn nguyên vẹn và góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần của con người hôm nay nếu chúng ta biết chơi tranh đúng nghĩa như cha ông xưa. Tác giả bài viết là một người con của làng tranh này.

 

 

 

 

 

        Làng Đông Hồ được dân gian gọi tắt là làng Hồ, xưa có tên là làng Đông Mại (hay làng Mái) thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là làng nghề cổ truyền nổi tiếng ở đồng bằng Bắc Bộ, một trong những trung tâm sản xuất tranh dân gian lớn nhất của Việt Nam. Với tuổi đời gần 5 thế kỷ, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã để lại những dấu ấn đậm nét mang sắc thái riêng trong tâm hồn, tình cảm của người Việt Nam. Hiện nay, dòng tranh này tuy bị thu hẹp về thị trường tiêu thụ cũng như số lượng người sản xuất tranh, song nó vẫn là sản phẩm tinh thần độc đáo của văn hóa nghệ thuật Việt Nam, là bức tranh sinh động phản ánh đời sống nông thôn Việt Nam. Nó là cầu nối giữa truyền thống và hiện tại, là một mạch ngầm quan trọng trong dòng chảy của mỹ thuật Việt Nam.

1. Hình ảnh nông thôn Việt Nam trong tranh Đông Hồ

Tranh dân gian Đông Hồ là một loại hình nghệ thuật của nhân dân. Các nghệ nhân làm tranh là những người nông dân thực thụ, sống cuộc sống của người lao động. Các nghệ nhân không vẽ những gì xa lạ, họ chỉ vẽ những cái gì mà họ và cộng đồng xung quanh đều thấy, hay ít ra là đều nghĩ đến và thấu hiểu. Người mua tranh, thưởng thức tranh cũng là người lao động, trong đó hầu hết là nông dân. Tranh ra đời trong các căn nhà tranh, để rồi lại được trưng lên vách tường của những căn nhà tương tự, cũng tranh tre lụp xụp hay gỗ ngói nhưng sơ sài, nó ăn nhập với ngoại cảnh và đi thẳng vào lòng người. Có thể nói rằng, tranh dân gian Đông Hồ đã thu hút tình cảm của đông đảo nhân dân, chứng tỏ nó có một sức hấp dẫn mạnh mẽ không phải vì màu sắc tươi vui mà còn nhờ vào nội dung gần gũi với cuộc sống của người lao động. Nhiều bức tranh thể hiện thực tế cuộc sống hàng ngày của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội xưa một cách sinh động, sâu sắc.

Cảnh buôn bán họp chợ ở đồng quê xưa được thể hiện rõ nét trong bức Chợ quê. Bức tranh vẽ cảnh họp chợ đông đúc, nhộn nhịp, ồn ào. Dưới bóng cây đa cổ thụ râm mát, một dãy quán chợ đủ các ngành nghề: bán vịt, bán cá, rau quả, lò rèn, xung quanh là đủ các hạng người, các bà mẹ, các chị mặc yếm tơ hồng, áo dài tứ thân, đội nón quai thao tấp nập tới chợ mua bán, kẻ ăn xin ngồi kêu van, vái lạy, và chẳng thể thiếu những tay trộm cướp, cờ bạc,... Thật là một xã hội đương thời thu nhỏ. Bề mặt tranh không hề rộng lớn, tranh cũng chỉ toàn các mảng bẹt trên mặt phẳng không gian hai chiều nhưng cái tài của nghệ nhân là có thể dàn dựng được khung cảnh náo động của phiên chợ với nhiều chi tiết, nhiều trạng thái cảm xúc của nhân vật khiến cho không gian tranh như được mở rộng thêm chiều kích. Tranh Tăng gia sản xuất tuy vẽ nhiều cảnh đông người nhưng với sự quan sát thực tế của nghệ nhân, người và vật trong tranh được thể hiện rất sinh động. Mỗi người mỗi vẻ đã dựng lại những cảnh lao động rộn ràng trên đồng ruộng, cùng với không khí phấn khởi của ngày mùa. Đồng thời, qua đó cũng thấy được phẩm chất cao quý của người nông dân Việt Nam với đức tính lao động chăm chỉ, cần cù, dầm sương dãi nắng, vật lộn, đấu tranh với thiên nhiên để tạo ra hạt cơm vàng, cơm bạc. Sau những lúc lao động mệt nhọc, người nông dân ngồi nghỉ dưới gốc cây rậm rạp mát mẻ, hút điếu thuốc lào ngon, uống bát nước chè xanh thật thoải mái. Nói đến cảnh thanh bình của làng quê Việt Nam không cảnh nào bằng cảnh buổi chiều hè gió mát trên bãi cỏ rộng hay trên bờ đê cao, các trẻ mục đồng chăn trâu vui chơi đùa nghịch, vừa thả trâu ăn cỏ, vừa cưỡi mình trên trâu thổi sáo, thả diều. Tất cả đều từng được thể hiện trọn vẹn trong tranh dân gian Đông Hồ.

Đời sống lao động của người nông dân tuy vất vả khổ cực nhưng họ không hề thiếu những phút giây sống lạc quan yêu đời. Tranh Hứng dừa là một ví dụ. Bức tranh toát lên vẻ tinh nghịch, vui vẻ yêu đời của người nông dân.Việc hái dừa trong tranh được xem như một trò giải trí lý thú, động tác nâng váy hứng dừa của nhân vật nữ ngầm chứa tiếng cười ý vị của các nghệ nhân dân gian về cuộc sống này cũng như về mối quan hệ tình cảm gái trai trong nhân gian. Hẳn là bức tranh còn nói lên điều rằng lao động chẳng những mang lại ấm lo, mà chính lao động còn tạo cho con người một cuộc sống vui tươi, hạnh phúc.

2. Tranh Đông Hồ phản ánh khát vọng sống yên bình của người nông dân

Tranh dân gian Đông Hồ còn nói lên khát vọng chính đáng của nhân dân mong muốn xã hội yên vui, thanh bình, thịnh trị và cuộc đời thoát khỏi phận nghèo đói, cùng cực do sự áp bức bóc lột của chế độ phong kiến. Những ước mơ khát vọng về cuộc sống phồn vinh, sung mãn, sự giàu có và con đàn cháu đống được biểu hiện qua nhiều hình ảnh, từ chú lợn to béo đến đàn gà, đàn lợn đông đúc đầy sân.

Điều đặc biệt nổi bật ở tranh dân gian Đông Hồ là hình ảnh các em bé được thể hiện rất nhiều. Ở đây, ta thấy có sự liên quan giữa việc tranh Đông Hồ thường là vật trang trí chính trong ngày tết của người nông dân với câu chúc tụng phổ biến trong dịp này của họ là chúc nhau năm mới đông con, nhiều cháu, hạnh phúc đủ đầy. Mặc dù cuộc sống chật vật, sự đông con nhiều cháu vẫn là điều mong mỏi thiết tha của người lao động. Những cay cực do giai cấp thống trị, do chiến tranh, bệnh tật, thiên tai gây ra khiến cuộc sống của người nông dân Việt xưa trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn tưởng như không vượt nổi trong việc nuôi con, nhưng trong cuộc vật lộn để giành cái sống, nỗi lo âu và nguyện vọng được thấy con cái hạnh phúc thật không bao giờ nguôi. Chính các em bé trong tranh Đông Hồ là hình tượng hóa một cuộc sống phồn thịnh và vui tươi. Em bé nào cũng bụ bẫm đáng yêu vô cùng và luôn đi kèm những hình ảnh tượng trưng có ý nghĩa tốt đẹp và lời chúc mừng như: em bé ôm con vịt trong lòng với chữ phú quý, em bé ôm con cóc và chữ nhân nghĩa,... Người nông dân xưa tin rằng con người được sinh ra bởi sự hấp thu tinh linh của trời đất nên phải đẹp đẽ không chỉ về hình thức bề ngoài mà còn cả về tính khí. Người con trai phải sống đầy đủ 5 đức tính: văn - vũ - dũng - nhân - tín, còn con gái thì phải hiền hậu, phong lưu, có khả năng sinh con đẻ cái đầy đàn.

Tranh dân gian Đông Hồ còn góp phần giải thích những quan niệm đơn sơ nhưng rất phổ biến thời ấy trong việc xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Đã bao thế hệ nối tiếp nhau, người ta vẫn nghĩ rằng có một “ông Tơ” và một “bà Nguyệt” với sợi tơ hồng định sẵn nhân duyên cho từng cặp. Hai tờ tranh này luôn được treo cạnh nhau, hai vị thần se duyên trai gái mỗi người cầm một đầu dây và ở giữa họ có hai trái đào tượng trưng cho sự trường thọ.

Tranh dân gian Đông Hồ còn biểu hiện rõ bản tính đôn hậu, lạc quan của người nông dân. Mặc dù sống trong xã hội thực dân phong kiến, đời sống tuy nghèo khổ thiếu thốn, lao động cực nhọc nhưng họ vẫn luôn tràn đầy sự yêu đời, hào hứng lao động và vui vẻ hưởng thụ cuộc đời, có đâu vui đấy. Những hình ảnh thực tế đầy sức sống, với nét vẽ hồn nhiên giản dị, màu sắc tươi sáng rực rỡ đã đem đến cho người xem cảm giác thích thú, lạc quan. Trong tranh, mọi sự phẫn nộ hay nỗi đắng cay của nông dân đã được chuyển hóa thành những tiếng cười hài hước, châm biếm.

3. Tranh dân gian Đông Hồ- vũ khí đấu tranh của nhân dân Việt Nam

Nhân chi sơ tính bản thiện và một lần nữa, bản chất lương thiện của người nông dân Việt được bộc lộ mạnh mẽ qua những bức tranh dân gian. Dưới hình thức trào phúng, châm biếm đả kích, các nghệ nhân dân gian không chỉ cất lên tiếng nói chống lại những thói hư tật xấu của một bộ phận người mà còn với nhiều hủ tục được dung dưỡng bởi bọn quan lại phong kiến và thực dân sau này. Nội dung các bức tranh được thể hiện một cách tế nhị, sâu cay, chứa đựng đa tầng ý nghĩa.

Trong xã hội cũ, chế độ đa thê được bảo vệ với một triết lý ích kỷ, bất công: “Trai năm thê bảy thiếp; gái chính chuyên chỉ biết một chồng”. Chính cái lệ bất công này đã dày vò và làm đau khổ biết bao phụ nữ, làm cho nhiều gia đình vì cảnh vợ nọ con kia sinh ra lục đục tan nát cửa nhà. Tranh Đánh ghen đã miêu tả rất sinh động mà không kém phần hài hước cảnh một bà vợ mặc váy đụp, yếm đào đang giơ cao cái kéo, một người đàn ông vừa giơ một tay ra có ý can ngăn vừa tranh thủ một tay sờ soạng nhân tình để ngực trần (ra ý ăn vận lẳng lơ), còn cô nhân tình cũng không vừa, tay nâng mái tóc lên như thách thức bà cả. Ý vị không kém là câu thơ Nôm đi kèm trên tranh: “Thôi thôi nuốt giận làm lành, chi điều sinh sự, nhục mình, nhục ta”... Cũng chính trong xã hội đó, tệ nạn tham ô ngày càng hoành hành công khai, đục khoét, bóc lột nhân dân. Đời sống nhân dân vốn cực khổ, quanh năm lao động đầu tắt mặt tối lo miếng ăn chưa đủ lại còn phải lai lưng chịu cảnh thằng còng làm cho thằng ngay ăn. Đấu tranh với thực trạng đó, nhân dân ta đã mượn hình ảnh Đám cưới chuột mà muốn xuôi chèo mát mái thì phải hối lộ cách một cách tử tế, trịnh trọng cho ông mèo béo. Bức tranh có một đường ngăn cách bề ngang, chia tranh làm hai phần. Phần trên là cảnh một đoàn chú chuột có kèn trống dềnh dang, con dẫn đầu cầm theo một chú cá to đang dâng lên một ông mèo béo phía trước. Phần dưới là cảnh đám cưới chuột cũng linh đình không kém, có ngựa, có võng lọng rước dâu. Tính độc đáo của tranh là lên án nạn tham ô ăn đút lót của bọn thống trị nhưng đi kèm với đó là tiếng cười hóm hỉnh mà sâu cay của nhân dân lao động. Bức tranh được xem là chưa nguôi tính thời sự trong cuộc sống hôm nay bởi tiếng nói chống tham nhũng một cách sâu sắc của nó.

         Thực tế xã hội Việt Nam xưa với con người, cảnh vật thiên nhiên quen thuộc của đồng quê Việt Nam như khóm trúc, cây tre, cây đa, quán chợ, cảnh lao động và vui chơi lành mạnh, những phong tục tập quán cổ truyền,... tất cả đều được các nghệ nhân Đông Hồ thể hiện trên tranh một cách hồn nhiên, chất phác, giản dị phù hợp với tâm hồn, tình cảm, thị hiếu của người dân. Nói đến giá trị nội dung của tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam, trong bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: Bên cạnh văn hóa chính thống của các thời đại, có cả một nền văn hóa nhân dân còn lưu lại trong phương ngôn ngạn ngữ, ca dao, truyện cổ tích, tranh gà lợn... Văn hóa này tả sự phấn đấu của những người sản xuất, làm thợ, làm ruộng, lòng mong mỏi hay chí phản kháng của nhân dân chế giễu hủ tục hay khuyên răn điều thiện. Đó là một kho tàng rất quý, các nhà văn hóa, sử học và khảo cổ học nước ta còn phải dày công tìm hiểu mới hiểu biết được...”. Thực vậy, chỉ là một bức tranh dân gian nhỏ bé nhưng nó có thể chứa đựng trong đó câu chuyện dài về một thời kỳ lịch sử dân tộc, về những tâm tư tình cảm và những trắc ẩn của lòng người. Bản chất hướng thiện của con người thì có lẽ đời nào, thời nào cũng tương đồng với nhau. Vì vậy, dù thế sự có xoay vần đến mấy, người viết bài vẫn tin rằng tranh dân gian Đồng Hồ, nơi chứa đựng đầy đặn bản chất hướng thiện của người nông dân Việt, sẽ luôn sống.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 338, tháng 8-2012

Tác giả : Vũ Thành Trung

;