THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ CƠ SỞ Ở THÁI BÌNH

Cơ sở xã, phường, thị trấn là nơi trực tiếp thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện toàn diện, sâu sắc, cụ thể mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; là mảnh đất hiện thực kiểm nghiệm và phát huy dân chủ - một giá trị văn hóa của tổ chức Đảng trong điều kiện mới.

1. Xuất phát từ thực tiễn

Tổ chức đảng ở xã, phường, thị trấn là hạt nhân chính trị, lãnh đạo chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, lãnh đạo mọi hoạt động, nhiệm vụ ở xã và các khu dân cư. Văn hóa của tổ chức cơ sở đảng xã phường, thị trấn là văn hóa của một tổ chức lãnh đạo, thể hiện ở sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, trí tuệ của đảng bộ, chi bộ; ở đạo đức, phong cách, lối sống của cán bộ, đảng viên; ở sự gắn bó mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân... Với vai trò là một tổ chức lãnh đạo, việc mở rộng, phát huy dân chủ vừa là trách nhiệm chính trị, vừa là chuẩn mực giá trị văn hóa cơ bản của tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn.

Cuối năm 1997 đầu 1998, toàn tỉnh Thái Bình tập trung mọi nỗ lực để giải quyết tình trạng mất ổn định xảy ra trên diện rộng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh (xuất hiện đầu tiên ở huyện Quỳnh Phụ từ tháng 5 - 1997). Nguyên nhân mất ổn định là do sự yếu kém của các tổ chức đảng, biểu hiện trực tiếp là ở tình trạng mất dân chủ của không ít cấp ủy, chính quyền cơ sở, căn bệnh quan liêu, xa dân, tham nhũng, làm giàu bất chính của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Điều đó đã làm cho quần chúng nhân dân trong tỉnh bất bình, phẫn nộ, tập trung đi khiếu kiện ở các cấp, gây xáo trộn về an ninh chính trị, giảm sút nghiêm trọng năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tình trạng này ở một số cơ sở thuộc các tỉnh, thành khác như Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng... cũng bắt đầu xuất hiện. Thời gian này, tình trạng mất dân chủ được ví như vết nứt trong quan hệ giữa tổ chức đảng, chính quyền cơ sở với nhân dân; dấu hiệu xuống cấp về văn hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ở cơ sở.

Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, ngày 18 - 2 - 1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 30 - CT/TW về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị khẳng định: “Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở…, nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp, rộng rãi nhất” (1). Quan điểm chỉ đạo là: việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân đặt trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Sự ra đời của Chỉ thị 30 là kết quả tất yếu của quá trình nhận thức, chỉ đạo thực tiễn xây dựng, củng cố quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong điều kiện nước ta chỉ có một Đảng duy nhất cầm quyền. Chỉ thị 30 có ý nghĩa lịch sử, là bước đột phá quyết định phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhanh chóng được thực tiễn cuộc sống ở khắp các địa phương đón nhận, rõ nét nhất là các cơ sở thuộc tỉnh Thái Bình.

2. Hiệu quả và vấn đề đặt ra

Trong năm 1998, nếu như các địa phương khác mới chỉ thí điểm thực hiện quy chế dân chủ ở một số cơ sở (mỗi huyện chọn 1 - 2 xã, thị trấn), thì tỉnh Thái Bình lại triển khai điểm ở huyện Hưng Hà, thị xã Thái Bình và 17 đơn vị ở các huyện khác. Đặc điểm riêng của Thái Bình là việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được gắn liền với Nghị quyết 06 - NQ/TU (tháng 1 - 1998) của Đảng bộ tỉnh về những chủ trương, giải pháp ổn định tình hình trong tỉnh. Vì vậy, sau một thời gian ngắn, “tỉnh Thái Bình đã triển khai quy chế ra diện rộng (285/285 xã, phường, thị trấn)” (2).

Để chỉ đạo thống nhất, tháng 4 - 1999, tỉnh ủy Thái Bình đã lập Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gồm 21 thành viên, do Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban (các tỉnh, thành khác có 13 - 20 thành viên). Tỉnh đã huy động trên 500 cán bộ thành lập 54 tổ công tác giúp các xã, phường, thị trấn giải quyết ổn định tình hình gắn với thực hiện quy chế dân chủ. Đối với cấp xã, Ban chỉ đạo do Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban. Tất cả các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, bổ sung, xây dựng mới các quy chế, quy định như: quy chế làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; quy chế quản lý, sử dụng đất đai, thu chi ngân sách, tài chính, xây dựng cơ bản; quy chế giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng hương ước, quy ước, làng văn hóa, quy định về việc cưới, việc tang… Đảng viên và gia đình đảng viên phải tiên phong gương mẫu trong thực hiện những quy chế, quy định này. Đến tháng 6 - 1999, gần 100% số thôn, xóm, tổ dân phố với 90% số hộ trong toàn tỉnh đã được nghe phổ biển về quy chế. UBND tỉnh đã chỉ đạo phát hành trên 10 vạn cuốn tài liệu về quy chế dân chủ ở cơ sở đến 100% cấp cơ sở trong tỉnh.

Đi đầu trong thực hiện quy chế theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là Đảng bộ xã An Đồng (huyện Quỳnh Phụ). Nơi đây đã thực hiện trước một bước (tức là trước khi có Chỉ thị 30). Điều này lý giải tại sao trong bão táp mất ổn định ở Thái Bình những năm cuối của TK XX, trong khi ở nhiều nơi có khiếu kiện gay gắt thì An Đồng chẳng những đứng vững được mà còn phát triển thành điểm sáng văn hóa cơ sở, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở ở những huyện, thị trong tỉnh về học tập, nhân rộng mô hình thực hiện quy chế dân chủ tại xã An Đồng.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy, chính quyền và tác phong của cán bộ cơ sở theo hướng khoa học, năng động, gần dân, sát dân, có trách nhiệm với dân; khắc phục được một bước căn bản hiện tượng mất dân chủ, tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà đối với nhân dân. Vai trò của nhân dân trong giám sát, đánh giá, sàng lọc, lựa chọn cán bộ, đảng viên được phát huy. Niềm tin của nhân dân trong tỉnh đối với Đảng, chính quyền, công cuộc đổi mới được củng cố. Trước năm 1998, do mất dân chủ nghiêm trọng, Thái Bình có tới 242 cơ sở có khiếu kiện đông người. Qua sơ kết 3 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (1998 - 2001), tỉnh có 58% số cơ sở xếp loại khá, 31% trung bình, 11% yếu. Đến năm 2003, có 35,5% số cơ sở xếp loại tốt, 42,7% khá, 16,8% trung bình, chỉ còn 5% là yếu kém. Đến năm 2005, có 66% số cơ sở xếp loại tốt, 27% khá, 5% trung bình và 2% yếu. Nếu năm 1998 có trên 50% đảng bộ cấp xã yếu kém, thì tới đầu năm 2001 con số này chỉ còn là 29 (dưới 2%). Năm 2004 chỉ còn duy nhất 1 cơ sở yếu kém, và đến nay thì không còn. Hiện nay, trên 60% số xã, phường, thị trấn có 11 - 15 bản quy chế, quy định, gần 40% có trên 15 văn bản, có nơi còn xây dựng trên 20 quy chế, quy định. Khi dân chủ được phát huy thì ở Thái Bình không còn tình trạng khiếu kiện đông người như trước. Thành công đó góp phần xây dựng văn hóa trong Đảng bộ cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng mất ổn định, đưa Thái Bình vững bước đi lên trong điều kiện mới. Tuy nhiên, hiện nay ở một số cơ sở việc thực hiện quy chế dân chủ vẫn còn những hạn chế. Việc đấu tranh tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh, một số nơi, năng lực lãnh đạo của cấp ủy chưa theo kịp tình hình. Một bộ phận cán bộ, công chức cơ sở, đảng viên chưa làm tốt việc nêu gương về đạo đức lối sống trong cộng đồng dân cư làng xã.

3. Một vài kiến nghị    

Để khắc phục hạn chế, phát huy tốt tác dụng của quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới, góp phần xây dựng văn hóa tổ chức đảng ở cấp xã, thời gian tới các cấp ủy đảng cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Coi đây là cẩm nang để xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, là chìa khóa để mở rộng quyền làm chủ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, là chất keo gắn kết đảng và nhân dân.

Việc xây dựng văn hóa tổ chức đảng phải bắt đầu từ việc nêu gương của chính bản thân các tổ chức đảng. Phải thực sự coi dân chủ trong Đảng là hạt nhân để mở rộng dân chủ trong hệ thống chính trị và xã hội. Vì thế, trên cơ sở quán triệt sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ, các tổ chức đảng cần đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các loại quy chế, quy định; tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu quả “việc chất vấn của cấp ủy viên tại các kỳ họp của ban chấp hành đảng bộ” (3).

Cần thông qua các tổ chức đại diện của nhân dân để tranh thủ sớm nhất, nhiều nhất, tốt nhất ý kiến của nhân dân với sự lãnh đạo của tổ chức Đảng (bao gồm cả việc hoạch định chủ trương và tổ chức thực hiện) đối với các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cần có sự khảo cứu, rút kinh nghiệm, nhân rộng việc thực hiện “giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” (4) ở xã, phường, thị trấn đối với chủ trương, quy chế, quy định của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 57, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.39.

2. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Báo cáo sau một năm triển khai Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, số 228 - BC/BTCCBCP, 13 - 9 - 1999, tr.2.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Quy chế chất vấn trong Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.18.

4. Ban chấp hành Trung ương, Quyết định về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, số 217 - QĐ/TW, 12 - 12 - 2013, tr.1.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : TRẦN VĂN RẠNG

;