SUY NGHĨ VỀ LÀM PHIM LỊCH SỬ VIỆT NAM

Để chuẩn bị cho đại lễ 1000 năm Thăng Long, các nhà điện ảnh Việt Nam cũng góp sức bằng các tác phẩm của ngành mình. Đầu tiên phải kể tới cuộc thi kịch bản về đề tài lịch sử để chào mừng đại lễ. Cuộc thi có kết quả tốt với các tác phẩm của Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Mạnh Tuấn, Đinh Thiên Phúc, Nguyễn Xuân Khánh...

Việc có một bộ phim về đề tài lịch sử chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long ngỡ là đương nhiên bởi lẽ kịch bản có chất lượng nằm trong tay, đạo diễn giỏi của ta không thiếu, kinh phí nhà nước tài trợ hoàn toàn với số tiền không nhỏ, thời gian rộng rãi (kể từ 2004 tới 2010), dĩ nhiên bộ phim đó ra đời phải làm nức lòng mọi người dân…

Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống giữa kịch bản giải nhất với các kịch bản được giải còn lại, ban tuyển chọn đã chọn được kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn của Đinh Thiên Phúc để làm phim và giao cho Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện. Những cuộc hội thảo về đề tài phim lịch sử, về việc viết kịch bản phân cảnh cho phim để tìm ra đạo diễn thích hợp cũng đã được tổ chức... Các nhà sử học cũng vào cuộc, các nhà tiểu thuyết có ý kiến, các đạo diễn trình bày suy nghĩ của mình về đề tài lịch sử. Rồi các họa sĩ, quay phim, hóa trang, đạo cụ đi nước ngoài để nghiên cứu trường quay của họ...

Nhưng tất cả những việc đó chưa có đủ sức nặng để đẩy công việc về đích. Bộ phim phải ngừng lại, dù nó có quá nhiều yếu tố thuận lợi, bởi lẽ các ý kiến của những chuyên gia chưa đi đến thống nhất. Cuối cùng bộ phim nhựa duy nhất để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long phải gác lại, chỉ còn vài ba phim truyền hình được bấm máy với muôn vàn ý kiến trái chiều của cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc...

Việc làm phim lịch sử rồi sẽ đi đến đâu và giải quyết thế nào, khi mà lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta là mạch nguồn chất liệu và cảm hứng vô tận trong sáng tác phim lịch sử.

Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, đã có rất nhiều khảo cứu và những ý kiến khác nhau của các nhà khảo cổ học, sử học... nổi tiếng trên thế giới và trong nước.

Theo khảo cứu của nhà nghiên cứu xã hội Toan Ánh cùng nhiều nhà nghiên cứu khác, từ thời thượng cổ ở lưu vực sông Hồng đã có người cư ngụ, phía Bắc có nhóm dân tộc Bách Việt bị người Hán thôn tính chạy xuống phía Nam đã hòa hợp với người bản xứ ở lưu vực sông Hồng tạo nên dân tộc Việt Nam. Và bắt đầu một lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng đầy kiêu hãnh.

Tục truyền, các đời vua Hùng trị vì nước Văn Lang của người Việt được thành lập vào khoảng TK VII trước CN đóng đô tại Phong Châu (Phú Thọ). Đến TK III trước CN, Thục Phán ở phía Đông nước Văn Lang đã đánh bại vua Hùng lập nên nước Âu Lạc đóng đô tại Cổ Loa và xưng là An Dương Vương. Sau đó Triệu Đà thôn tính An Dương Vương. Từ đây lịch sử giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam bắt đầu. Các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần làm rạng danh đất Việt, đặc biệt là hai triều đại Lý, Trần với bao chiến công hiển hách xây dựng mở mang và giữ gìn đất nước... Rồi khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi và phong trào Tây Sơn đánh tan quân Thanh, rồi các cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và kết thúc là cuộc cách mạng tháng 8-1945 lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó là cuộc chiến chống xâm lược Mỹ toàn thắng, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời cho đến nay...

Lịch sử mấy nghìn năm giữ gìn mở mang bờ cõi và xây dựng đất nước thật là vĩ đại đáng tự hào. Thời nào cũng tràn ngập chiến công, tràn ngập truyền thuyết và hiện thực để mỗi người dân Việt nhìn vào đó mà tự hào và tin tưởng vào tương lai.

Chúng ta thử kể ra đây vài truyền thuyết và các sự kiện để từ đó hình dung ra những bộ phim hay. Truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thủy là truyền thuyết đậm chất lãng mạn và cũng mang nặng tính bi hùng. Truyền thuyết nói rõ về mối tình của Trọng Thủy và Mỵ Châu đẹp như bất cứ một tình yêu đôi lứa nào nhưng nó lại kết thúc bi thương, nhắc nhở cho hậu thế biết bao điều tùy từng góc nhìn của từng người và truyền thuyết đó chắc chắn là cơ sở cho một kịch bản phim hay. Rồi truyền thuyết Thánh Gióng, những câu chuyện về Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Thái tổ Lý Công Uẩn, Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, Trần Thủ Độ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, với những Dã Tượng, Yết Kiêu, Trần Bình Trọng, về những trận đánh ba lần phá quân Nguyên của các vua Trần, về những khúc bi tráng của Hồ Quý Ly. Riêng về Hồ Quý Ly chúng ta có thể khai thác nhiều về mọi khía cạnh của nhân vật lịch sử này. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh là một ví dụ. Tiếp đến là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, phong trào Tây Sơn với anh hùng áo vải Quang Trung...

Về đề tài lịch sử, chúng ta tạm chia làm 3 giai đoạn: lịch sử cổ đại, lịch sử trung đại và lịch sử cận đại. Lịch sử cận đại chúng ta tạm coi cái mốc là từ khi ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cho tới nay.

Về đề tài lịch sử cận đại, bên văn học và sân khấu đã đạt được những thành công đáng kể như các tác phẩm Lũy hoa của Nguyễn Huy Tưởng, Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc… các vở kịch Nổi gió của Đào Hồng Cẩm, Cách mạng của Nguyễn Khải, Bài ca giữ nước của Tào Mạt… và điện ảnh cũng rất thành công với đề tài này: Con chim vành khuyên, đạo diễn Nguyễn Văn Thông - Trần Vũ, Chung một dòng sông, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi - Phạm Kỳ Nam, Nổi gió đạo diễn Huy Thành, Chị Tư Hậu, đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Sao Tháng Tám đạo diễn Trần Đắc, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, đạo diễn Hải Ninh, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi...

Những thành công của điện ảnh cũng như của văn học và sân khấu về lịch sử cận đại có những nguyên nhân như sau:

Tất cả những sự kiện trong các tác phẩm đều nóng hổi. Mọi người đang sống đều cảm thấy hơi thở của nó cho nên họ dễ đồng cảm với nhân vật của tác phẩm. Và vì thế mọi người cũng dễ thăng hoa cùng các nhân vật. Nói tóm lại giữa nhân vật và người thưởng thức dễ dàng có quan hệ tốt đẹp để cộng hưởng tới mức tối đa.

Các yếu tố khách quan như ngôn ngữ, đạo cụ, phục trang cũng dễ dàng được mọi người chấp nhận vì thời gian trong tác phẩm rất gần với hiện tại, do đó các tư liệu này hầu như không có tranh luận, ngoại trừ những sự cẩu thả quá đáng trong dàn dựng.

Một kịch bản tốt, một đạo diễn tài là hai yếu tố tưởng như là nhỏ nhưng lại không nhỏ nếu là những bộ phim về đề tài lịch sử trung đại và cổ đại.

Những bộ phim về lịch sử trung đại và cổ đại rất thiếu vắng trong khi ở tiểu thuyết và sân khấu đã có như Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái, Nỏ thần của Lê Duy Hạnh, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, An Tư của Nguyễn Huy Tưởng…

Nói tóm lại toàn bộ lịch sử của đất nước, của dân tộc là mạch nguồn chất liệu và cảm hứng vô tận trong sáng tác phim lịch sử bao gồm cả các truyền thuyết, các câu chuyện thần thoại; các sách chính sử như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sỹ, Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Việt sử toàn thư của Phạm Văn Sơn...

Vậy tại sao các nhà làm phim lại ngần ngại làm phim lịch sử, tại sao những nhà điện ảnh Việt Nam hiện nay phải dừng lại bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long và tương lai phim lịch sử của Việt Nam sẽ ra sao?

Nói về phim lịch sử số lượng thường rất ít, phim truyện nhựa có Đêm hội Long Trì của Hải Ninh, phim truyền hình có Hoàng Lê nhất thống chí, Dưới cờ đại nghĩa của Tường Phương... Chúng ta không bàn tới những phim thuộc thời lịch sử cận đại với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã đạt nhiều thành công vang dội như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đạo diễn Hải Ninh, Con chim vành khuyên đạo diễn Nguyễn Văn Thông - Trần Vũ, Cánh đồng hoang đạo diễn Hồng Sến... với những lý do ở trên đã nêu.

Chúng ta thử tìm những nguyên nhân đã làm cho những nhà làm phim Việt Nam ngại làm phim lịch sử, từ đó có phương hướng khắc phục để cho ra đời những bộ phim lịch sử hay, làm nức lòng mọi người.

Thứ nhất, những nhà làm phim lịch sử ít có khả năng sáng tạo những gì khác với lịch sử đã chép lại, nhất là đụng chạm đến những nhân vật đã quá rõ ràng đối với mỗi người Việt Nam như Trần Hưng Đạo, Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh... Đối với những nhân vật đã được lịch sử ghi lại, tốt hơn hết là ca ngợi đúng như sử sách không có gì sáng tạo, không thổi vào đó những gì của riêng biên kịch và đạo diễn. Nghệ thuật không có nét gì của riêng tác giả, tác phẩm ấy khó mà hay, khó lay động tâm hồn mọi người.

Thứ hai, khi làm phim lịch sử, các nhà làm phim Việt Nam thiếu thốn từ kinh phí đến tính chuyên nghiệp của các thành viên trong đoàn làm phim (đạo diễn, đạo cụ, phục trang, bối cảnh, trường quay...). Trong khi ở nước ngoài, làm phim thời nào các nhà thiết kế bối cảnh, thiết kế phục trang, đạo cụ có đầy đủ không những catalogue mà còn có cả những bộ quần áo phù hợp cho từng nhân vật, có những binh khí, chiến mã, quần áo đánh nhau cho võ tướng, các thành quách có sẵn hoặc được thiết kế đúng như thật để sau đó khai thác cho du lịch. Những thứ đó đã được ghi chép rõ ràng trong các sách từ điển chuyên ngành không cần bàn luận, có chăng trong các phim lịch sử mang tính thương mại, các nhà thiết kế có thể cách điệu, thêm bớt phục trang bối cảnh để phục vụ cho mục đích doanh thu như bộ phim Hoàng Kim Giác của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Caligula của đạo diễn Tinto Brass. Những yếu tố đó trong phim lịch sử càng quan trọng hơn bao giờ hết và đó cũng là vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ sau biết bao cuộc hội thảo, nhất là nước ta ngay cạnh Trung Quốc và bị quân phong kiến phương Bắc đô hộ 1000 năm. Tác động qua lại của hai nền văn hóa, văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa, là rất lớn, làm sao để đạo cụ phục trang, ngôn ngữ thời đó khác với của Trung Quốc là rất khó, và điều gì là chuẩn vẫn còn đang tranh luận.

Thứ ba, những người diễn viên đóng phim lịch sử chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa hiểu biết một cách tường tận lịch sử. Các thành phần khác của đoàn làm phim cũng tương tự, nhưng người diễn viên có biểu hiện rõ nhất vì họ phải xuất hiện trong khuôn hình: đi đứng, nói năng, vui buồn, nóng nảy, khoan thai... Họ chưa hiểu kỹ về lịch sử cũng chưa đóng nhiều phim nên các nhân vật họ tạo ra còn hời hợt, không đủ sức sống.

Thứ tư, mỗi người Việt Nam đều thuộc các bài lịch sử ngay từ bậc tiểu học qua các chuyện kể, bài văn tập đọc, các câu ca dao, câu chuyện cổ tích... rồi sau đó là các môn học lịch sử, văn học... Nói tóm lại, mỗi người Việt Nam đều thuộc lịch sử theo chương trình đã được học nhưng thường tưởng tượng ra mỗi nhân vật lịch sử theo cách riêng của mình. Sự tưởng tượng ấy rất đa dạng, tùy theo môi trường sống và nền tảng văn hóa họ có... Cho nên, nếu một bộ phim lịch sử làm ra không lôi kéo sự tưởng tượng của khán giả trùng hợp với sự tưởng tượng của đạo diễn thì đó là sự thất bại. Vấn đề có sự trùng hợp là rất khó đối với cách làm phim và tâm lý lảng tránh phim lịch sử của các nhà làm phim Việt Nam.

Thứ năm, sự đánh giá về một bộ phim lịch sử của người xem, của báo chí, của các nhà phê bình thường không rõ ràng, phần lớn chỉ căn cứ vào sự thích thú đơn thuần chứ chưa đứng cùng một mặt bằng với các nhà làm phim để đưa ra những lời khen chê. Ví dụ, như bộ phim Hoàng Kim Giáp hay Anh hùng, Thập diện mai phục thì báo chí và một số nhà phê bình phản đối, họ cho rằng các mỹ nữ đời Đường không mặc áo hở ngực như vậy, các nhân vật lịch sử trong các phim đánh nhau bằng các thế võ không có thực, màu sắc trong các cảnh phim không đúng với thực tế... Nhưng thực ra đạo diễn Trương Nghệ Mưu không hề có ý làm một bộ phim có tính giáo khoa về lịch sử mà ông làm một bộ phim có tính thương mại, lịch sử chỉ là cái cớ. Vì thế người làm phim và ý kiến người xem phim đã không đứng cùng một mặt bằng để bàn luận. Ở Việt Nam cũng có tình trạng tương tự.

Đứng trước thực tế đó Việt Nam phải làm gì để có những bộ phim lịch sử hay?

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một kho báu vô tận để các nhà điện ảnh dựa vào đó cho ra đời những bộ phim hay. Với một chiều dài lịch sử như vậy cộng với bao truyền thuyết, thần thoại, cổ tích và các sự kiện có thật trong lịch sử đã được các bộ sử ghi lại, đáng ra chúng ta phải có những bộ phim lịch sử tầm cỡ từ lâu như truyền thuyết Thánh Gióng, Mỵ Châu Trọng Thủy, Lê Lợi và thần Kim Quy, các chúa Nguyễn... Động vào bất cứ thời kỳ nào cũng thấy hào kiệt, như Nguyễn Trãi đã nói. Một bộ phim lịch sử hay sẽ làm cho mỗi người dân nước Việt tự hào và vững tin ở tương lai.

Nhiều ý kiến cho rằng làm phim lịch sử ở nước ta rất khó vì đội ngũ của chúng ta chưa chuyên nghiệp, các bộ phận thì chắp vá. Những yếu tố quan trọng trong bộ phim lịch sử như đạo cụ, phục trang, thiết kế chưa đủ tư liệu cơ sở để các nghệ sĩ sáng tạo: quần áo của các nhân vật của từng thời kỳ, từng giai cấp chưa được các nhà chuyên môn thống nhất và khẳng định nên bất cứ bộ phim nào ra đời cũng có ý kiến về phục trang.

Như vậy để thấy rằng, có cả một kho tàng lịch sử phong phú để từ đó cho ra đời những kịch bản hay, có đạo diễn giỏi, có kinh phí đủ để làm một bộ phim lịch sử nhưng chưa đủ để cho ra đời một bộ phim hay. Vậy vấn đề nằm ở đâu, bản chất vấn đề là gì?

Theo chúng tôi, phim lịch sử nên chia ra làm ba loại.

Loại phim lịch sử có tính chính luận, giáo khoa. Loại phim này buộc phải theo sát các sự kiện lịch sử đã được các bộ chính sử ghi chép, nhất là các sự kiện lớn, những trận đánh oai hùng làm rạng danh dân tộc. Những thêm bớt, nếu có, chỉ là chút ít, nó không ảnh hưởng gì tới tính cách chung của nhân vật, tới tính chính xác của các sự kiện. Ví dụ không thể tùy tiện cho vua Quang Trung hành quân thần tốc ra Thăng Long đánh tan hàng vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu vào mùa hè được vì chính xác sử sách ghi những ngày đêm trước tết âm lịch Kỷ Dậu 1789. Làm phim loại này khó vì tác giả phải chịu nhiều áp lực: áp lực từ sử sách, áp lực từ các nhà chuyên môn, đặc biệt là các nhà sử học, áp lực từ khán giả xem phim mà khán giả cũng lại thuộc nhiều tầng lớp, có những sở thích khác nhau. Chính vì thế, người làm phim, kể cả các hãng phim cũng ngại, nếu không muốn nói là họ lảng tránh.

Loại phim lịch sử có tính thương mại. Loại này nhiều nước hay làm. Nếu maketing giỏi, chi phí đầu tư nhiều và đạo diễn, diễn viên ăn khách chắc sẽ thu lợi. Như bộ phim Cléopâtre của Mỹ đạo diễn Joseph Leo Mankiewicz thực hiện năm 1963 với số tiền đầu tư khổng lồ 307 triệu đô, với các đạo cụ, phục trang vô cùng tốn kém, nhưng đích của các nhà làm phim là lợi nhuận thu về. Diễn viên chính trong bộ phim này là Elizabeth Taylor và Richar Burton, cặp diễn viên ăn ý nhất của Mỹ vào thời kỳ đó. Ngoài ra còn rất nhiều bộ phim khác được làm ra với mục đích thương mại của điện ảnh Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga... Với loại phim này các yếu tố chính xác của lịch sử từ cốt truyện tới trang phục, đạo cụ, bối cảnh chỉ là thứ yếu. Các đạo diễn dàn dựng dựa trên những đổi mới phù hợp với số đông người xem: lạ về trang phục, lạ về các cảnh quay hoành tráng đông người, vũ khí gươm đao đa dạng, lạ về các màn võ thuật không bao giờ có trong thực tế. Lịch sử chỉ là cái cớ để các nhà làm phim thi thố tài năng nhằm kéo khán giả đến rạp.

Loại phim lịch sử hoàn toàn nghệ thuật. Loại này chú trọng tới chất lượng nghệ thuật để những khán giả khó tính nhất cũng phải chấp nhận. Dĩ nhiên để làm phim này, các nhà làm phim thường dựa trên các tác phẩm văn học nổi tiếng được thử thách qua thời gian như phim Chiến tranh và hòa bình của đạo diễn Sergei Bondarchuk, điện ảnh Liên Xô làm năm 1968 dài 484 phút dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga Leb Tolstoy; phim Benhur đạo diễn William Wyler dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ Lewis Wallacel... Những bộ phim làm theo thể loại này đều được giải thưởng lớn tại các liên hoan phim uy tín. Dĩ nhiên các nhà làm phim cũng cân nhắc tới yếu tố lôi kéo người xem tới rạp và yếu tố chất lượng văn học của tác phẩm. Vì vậy 2 yếu tố thương mại và nghệ thuật không thể rạch ròi hoàn toàn.

Thực tế đã chứng tỏ các nhà làm phim rất ngần ngại đụng chạm vào những mảng đề tài này bởi lẽ sự thành công rất khó, sự thất bại cũng không phải không hiện hữu, nếu không muốn nói khả năng đó là rất lớn, bởi những nhà làm phim luôn bị nhiều áp lực và sự đòi hỏi quá cao của người xem đủ mọi thành phần.

Để thoát khỏi tình trạng trên, điều quan trọng nhất để người xem, người bỏ tiền đầu tư có thể chấp nhận được, bất kể bộ phim hay đến cỡ nào đó là: toàn bộ số tiền đầu tư phải được dành hết cho phim, không có xà xẻo, cấu véo. Có như vậy, từ đó ta mới rút kinh nghiệm dần, mới chuyên nghiệp dần. Mọi người thoải mái góp những ý kiến trước khi quay và sau khi xong phim được trình chiếu cho khán giả và các nhà học thuật xem. Có bộ phận ghi chép tổng kết được in thành sách để lưu giữ, từ đó rút kinh nghiệm cho những bộ phim sau.

Sau khi bộ phim hoàn thành, mọi sự trao đổi phải sao cho những người làm phim thấy hào hứng để rút ra những kinh nghiệm làm những phim sau, đừng để họ sau khi nghe những ý kiến đóng góp đó lại nản chí.

Nếu không có kinh phí của nhà nước trong những bước khởi động về phim lịch sử, chúng ta không thể nhanh chóng cho ra đời những bộ phim hay, xứng đáng với lịch sử của dân tộc và đất nước. Hơn bao giờ hết, Hội điện ảnh nên tổ chức những đợt xem các bộ phim về đề tài lịch sử của các nước có nền điện ảnh tiên tiến như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ý, Pháp, Hàn Quốc, Anh... Qua những bộ phim ấy, chúng ta có những cuộc hội thảo có ghi chép lưu giữ làm tư liệu chuyên sâu về tất cả các lĩnh vực; phục trang, đạo cụ, thiết kế bối cảnh, kịch bản gốc, kịch bản chuyển thể, đạo diễn, âm thanh, kinh phí đầu tư, doanh thu và các giải thưởng, ý kiến của các chuyên gia trên thế giới về bộ phim đó và ý kiến của khán giả bình thường.

         Nói tóm lại, lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta là mạch nguồn chất liệu và cảm hứng vô tận trong sáng tác phim truyện lịch sử.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 316, tháng 10-2010

Tác giả : Lưu Nghiệp Quỳnh

;