SỨC ÁM ẢNH CỦA HUYỀN THOẠI TRONG ĐỜI SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI

 

Trong những năm gần đây, suối cá thần đã trở thành địa chỉ du lịch yêu thích của nhiều người trên khắp mọi miền đất nước. Về với suối cá thần, du khách không chỉ đến với một vùng núi non thơ mộng, thiên nhiên kỳ vĩ mà còn như đi vào một thế giới huyền thoại, hư hư, thực thực; được chứng kiến tận mắt (thậm chí có thể sờ tận tay) đàn cá thần hiền lành, đông đúc, có con to đến hàng chục kg mà người dân ở đây gọi là bộ hạ của thần rắn… Nói chung, từ tên gọi đến các câu chuyện ly kỳ xoay quanh địa danh này đều nhuốm màu sắc huyền thoại. Đặc biệt, gần đây cũng xuất hiện những bài viết đăng trên một số trang mạng, càng làm cho một bộ phận không nhỏ người dân vốn bán tín bán nghi trở nên hiếu kỳ hơn bao giờ hết. Từ một trường hợp cụ thể, với góc nhìn văn hóa huyền thoại, chúng tôi tiếp cận, lý giải những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, niềm tin của một bộ phận nhân dân xoay quanh suối cá thần cũng như các hiện tượng liên quan đến thần rắn trong thời gian vừa qua.

1. Tên gọi suối cá thần và huyền thoại suối Ngọc

Tên gọi suối cá thần đã trở nên nổi tiếng đến mức không mấy người quan tâm đến tên thật của dòng suối này nữa. Thật ra tên của dòng suối này được đặt theo tên làng - làng Ngọc. Suối Ngọc thuộc làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa nằm trong một thung lũng bên bờ sông Mã, cách trung tâm huyện Cẩm Thủy khoảng 12 km về phía tây. Đây là ngôi làng có từ rất lâu trên vùng đất sinh sống của người Mường cổ (theo điều tra của chúng tôi, làng Ngọc hiện nay có khoảng 153 hộ, 630 khẩu, và trên 85 % dân số là người Mường). Ngôi làng nằm dưới chân dãy núi Trường Sinh (có độ cao cách mặt nước biển 400m). Trong lòng núi là một hệ thống hang động có nhiều nhũ đá với đủ mọi hình thù kỳ quái. Suối Ngọc chảy ra từ hang núi và là nguồn nước duy nhất cung cấp nước sinh hoạt ăn uống và tưới tiêu cho đồng ruộng của cả làng Lương Ngọc.

Liên quan đến tên gọi dòng suối này, có huyền thoại kể rằng: cách đây đã lâu lắm, có đôi vợ chồng làng Lương Ngọc tuổi đã cao nhưng vẫn chưa có con. Đôi vợ chồng có một thửa ruộng nằm cạnh bờ suối, hàng ngày ông bà ra suối khơi dòng nhưng ruộng vẫn không bao giờ đủ nước. Một hôm, trong lúc ông đắp bờ dẫn nước, bà mang rổ xuống suối mò cua bắt ốc, xúc được một quả trứng lạ. Sau mấy lần bỏ trứng ra, trứng vẫn vào rổ của bà. Bà bèn đưa trứng về nhà cho gà ấp. Sau một thời gian, vào một đêm hè, trời quang mây tạnh, đến nửa đêm bỗng giông tố nổi lên, hai ông bà ra kiểm tra ổ trứng gà đang ấp thì thấy ổ trứng đã nở ra 10 con gà và một chú rắn nhỏ, trên đầu cũng có mào đỏ như mào gà. Ông bèn bắt chú rắn nhỏ đem ra suối Ngọc thả xuống rồi trở về nhà. Lạ thay, rắn cứ theo ông về nhà. Sau nhiều lần như thế ông bà bèn để rắn lại nuôi, từ đó rắn có mào trở thành thành viên của đôi vợ chồng hiếm muộn. Chẳng bao lâu, chú rắn nhỏ đã trở thành một chàng rắn khổng lồ. Một hôm chàng rắn bỏ nhà đi mấy ngày không về, vợ chồng ông lão bổ đi tìm mà không thấy. Hôm ấy, trời bỗng dưng đổ mưa to gió lớn, nước dâng trắng đồng, gây ngập lụt khắp buôn làng. Hai vợ chồng nghe tiếng xung trận đánh nhau xen lẫn trong tiếng mưa gió gào thét. Ba ngày sau, trời quang mây tạnh, nước lũ cũng đã rút, vợ chồng ông lão ra suối Ngọc thì thấy chàng rắn đã chết, xác nổi lên dạt vào bờ. Đêm hôm đó, một vị thần linh hiện về báo mộng cho dân làng biết, chàng rắn chính là vị thần được thần linh phái xuống để bảo vệ dân làng. Những ngày qua, chàng rắn đã đi đánh nhau với thủy quái từ sông Mã vào (có người gọi đó là con thuồng luồng) trừ hại cho dân làng. Thương tiếc và nhớ ơn chàng rắn, làng Ngọc đã làm lễ chôn cất chàng ngay tại chỗ, dưới chân núi Trường Sinh và lập đền thờ, gọi là đình Ngọc. Từ đó về sau, suối Ngọc luôn trong mát và người dân không bao giờ thiếu nước ăn uống, tưới ruộng. Dân làng từ đó không đánh bắt cá ở suối Ngọc nữa vì cho rằng, đàn cá chính là những thủ hạ của chàng rắn, đã cùng chàng rắn chiến đấu chống lại thuồng luồng để bảo vệ dân làng (1). Cũng từ đó, hàng năm, làng Ngọc mở hội diễn ra trong 3 ngày: mùng 7, 8, 9 tháng giêng để nhớ ơn thần rắn đã cứu dân làng khỏi hiểm họa, ban phúc cho dân làng.

Qua nội dung truyện kể, có thể thấy, huyền thoại chàng rắn ban đầu là một thần thoại giải thích tự nhiên, về sau được truyền thuyết hóa. Câu chuyện chàng rắn đánh thủy quái cứu dân làng mang dáng dấp của vị anh hùng bộ tộc, xả thân vì cộng đồng.

Cũng như hình tượng rắn trong tín ngưỡng dân gian người Việt, khú là một thế lực biểu trưng cho ý niệm phía dưới nước trong thế giới tâm linh của người Mường. Vua khú cai quản thế giới sông ngòi và là vị thần quyền năng của thế giới nước. Theo Nguyễn Từ Chi, “nguyên hình rắn của Khú có một đặc điểm: bao giờ cũng có một mào đỏ trên đầu như mào gà sống” (2). Đã có những tương đồng và giao thoa nhất định trong tín ngưỡng thờ cúng thủy thần nói chung và thờ rắn nói riêng của người Việt và người Mường (3). Đó không chỉ là tên gọi hay các biến thể của danh xưng mà còn là bản chất của loại hình. Chúng tôi cho rằng, hình tượng thần rắn ở suối Ngọc vừa phản ánh tục thờ thủy thần (rắn) của người Mường đồng thời cho thấy những nét biến đổi của hình tượng này trong thể loại dân gian. Hình tượng rắn ban đầu vốn được đồng nhất với những hiện tượng thiên nhiên như lũ lụt hung dữ, gây hại đã được khoác thêm một lớp lịch sử để hóa thân của người anh hùng có công bảo vệ cộng đồng. Rõ ràng câu chuyện từ một huyền thoại giải thích nguồn gốc dòng suối, trải qua quá trình biến đổi trong nhận thức của nhân dân đã được lịch sử hóa để phù hợp với nội dung phản ánh mới. Môtip nhặt được trứng rắn mang về ấp, trứng nở ra rắn, rắn thành người báo ơn là một môtip khá phổ biến trong truyền thuyết (chúng tôi gọi đây là môtip rắn báo ân, bên cạnh đó còn có môtip rắn báo oán).

2. Sức ám ảnh hay một kiểu tái tạo huyền thoại

Nếu huyền thoại kể trên là cách giải thích sự tồn tại của dòng suối và là cơ sở để hình thành lễ hội làng Ngọc ngày nay so với những truyền thuyết và lễ hội dân gian nói chung thì không có gì đặc biệt. Điều đáng nói ở đây là sự hấp dẫn của khu du lịch suối cá thần hôm nay lại chính là tiếng vọng và những ám ảnh từ huyền thoại suối Ngọc. Nói đúng hơn, những mảnh vỡ của huyền thoại đó, cùng với niềm tin và sự thiêng hóa đối với chàng rắn đã làm nên những câu chuyện nửa hư nửa thực, đi đúng vào tầm đón đợi và mong ước của những người hành hương về với suối Ngọc, tạo nên những câu chuyện hết sức kỳ thú.

Cá thần với những đặc tính lạ

Đoạn suối Ngọc ở khu du lịch suối cá thần chỉ dài khoảng gần 100m (tính từ hang núi, nơi du khách có thể đặt chân đến được), chỗ sâu nhất trong thời điểm mức nước bình thường cũng chỉ khoảng 1m. Tuy vậy mật độ cá ở đây rất dày đặc, có nhiều con khá lớn. Một điều thú vị khác là con lớn không ăn con bé, mật độ cá dày đặc nhưng nước không tanh, dân làng vẫn sinh hoạt với nguồn nước này một cách bình thường. Trong những lần lũ lụt, nước suối tràn về cùng nước sông Mã dâng cao tạo thành một biển nước mênh mông nhưng đàn cá không theo dòng nước ra sông mà ở lại suối. Một chuyện gần đây nhất cũng khiến người dân giải thích bằng tâm linh, đó là vào dịp tháng 4 năm 2009 (4), sau lần làm vệ sinh suối định kỳ, cá đi vào trong hang hết. Nhiều ngày sau cá vẫn không ra khiến cho dân làng xôn xao bàn tán, các cụ cao tuổi và Ban quản lý khu du lịch không khỏi lo lắng. Nhiều người cho rằng, việc làm vệ sinh làm thần rắn không hài lòng nên cá không ra nữa, phải cúng tế xin thần mới được. Không còn cách nào khác và cũng để đáp ứng nguyện vọng của dân làng, các cụ cao tuổi đã làm một lễ cúng và xin thần rắn. Quả nhiên hôm sau cá ra lại bình thường.

Giải thích thêm về nguyên nhân làng Ngọc không ăn cá ở suối, bác Nhung, 64 tuổi, một người Mường bán hàng ở khu du lịch cho biết thêm: ngoài việc dân làng biết ơn đàn cá vì truyền thuyết cho rằng cá là bộ hạ của chàng rắn đã chiến đấu chống thuồng luồng bảo vệ dân làng thì người dân còn rất tin nếu ai ăn cá thì bản thân người đó và cả gia đình họ đều gặp phải tai họa, rủi ro. Bác Nhung khẳng định: trong quá khứ, có những người vì không tin nên đã bắt cá ăn, kết quả là gia đình đã gặp tai họa. Mỗi năm, làng Ngọc chỉ được bắt cá một lần, và cũng chỉ bắt duy nhất một con để cúng thần rắn trong dịp lễ hội. Công việc bắt cá phải được cúng bái, xin phép thần rắn trước đó một ngày. Ngoài ra, nếu thấy có cá chết, người dân liền đem chôn, thậm chí đánh dấu mộ của cá…

Đình rắn và những điều kiêng kỵ

Trong chuyến đi điền dã, chúng tôi đã chứng kiến và được nghe kể khá nhiều chi tiết liên quan đến thần rắn. Trước hết là về ngôi đình và những chuyện xung quanh việc xây đình. Ngôi đình rắn nằm sát bờ suối, chỗ con suối đổ ra một khoảng rộng, cổng đình đề Tam Phủ Long Vương. Anh Lê Xuân Sơn, chuyên viên Ban Tuyên giáo huyện Cẩm Thủy cho biết: thoạt kỳ thủy, đền được dựng bằng gỗ, trải qua thời gian bị hư hỏng nặng. Từ sau năm 1958, đền đã 3 lần được trùng tu, nhưng cả 3 lần đền xây xong lại bị sập. Giải thích điều này, nhân dân cho rằng, sở dĩ đền sập là do xây bằng vôi, thần rắn vốn không thích vôi nên cứ mỗi lần xây xong lại sập. Lần xây dựng lại gần đây nhất là vào năm 2007, đền được xây bằng đá và không có vôi nên mới không bị sập. Sau nữa là những câu chuyện mà dân làng Ngọc vẫn rất tin và truyền tụng đến bây giờ. Cụ Thắng (thủ từ đình Rắn) kể: Vào một năm nọ, bọn trẻ con trong làng chơi và đánh chết một con rắn. Bỗng dưng không biết từ đâu rắn ra nhiều vô kể, dân làng rất hoang mang. Có một cụ cao tuổi khấn vái hồi lâu, rắn lại tự dưng bò vào núi biến mất. Từ đó dân làng không ai dám đánh và ăn thịt rắn.

Liên quan đến thần rắn, ở Cẩm Thủy còn lưu truyền một câu chuyện được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Rắn trả ơn người hay Bí ẩn về đôi giếng thần (5)Câu chuyện này có hai chi tiết khiến chúng tôi chú ý. Nếu như môtip nhặt được trứng rắn ® rắn làm con nuôi của người, vốn phổ biến trong các truyền thuyết về rắn thì chi tiết khi rắn đã quá lớn, người ta đổ vôi xuống sông làm chết rắn rất nhiều khả năng có liên quan đến việc xây đình rắn bằng vôi bị đổ như đã nói ở trên. Và đương nhiên, một mối liên hệ có tính loại hình khác là hình tượng rắn ở đây liên quan đến nước, nguồn nước.

Điều đáng nói ở đây là kiểu tái tạo huyền thoại như trên không chỉ xảy ra ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa mà còn diễn ra ở nhiều nơi, với những biến thái khác nhau. Có thể kể ra một số trường hợp như: ở làng Tân Sơn, Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang có một sự việc là hàng ngàn người đã tụ tập vái lạy một con rắn nước với niềm tin là rắn thần (6). Một trường hợp khác khiến nhân dân và dư luận xôn xao gần đây là hiện tượng thần rắn nhập hồn ở làng Vạn Phúc, Hà Đông (7). Hay chuyện rắn nhập hồn ở giếng đình Phượng Vũ (Phú Xuyên, Hà Nội) cũng khiến dân chúng xôn xao bán tín bán nghi. Tương tự như vậy là chuyện đôi rắn thường xuất hiện trên ngọn cây đa trong ngôi miếu thờ Khổng Tử, phía sau nhà ông Châm ở xóm Phố, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định đã khiến cho cả nghìn người hiếu kỳ… Theo báo An ninh Thủ đô, “chỉ tính từ năm 2012 đến nay đã có tới trên 40 vụ được cho là rắn thần xuất hiện” (8). Và đi kèm theo các hiện tượng kể trên là các hoạt động mê tín nhuốm màu tâm linh với đủ các loại hình dịch vụ như cúng bái, hiến sinh, đòi hỏi xây dựng những công trình thờ tự mới,… gây ra mất trật tự an toàn xã hội và hoang mang cho một bộ phận dân chúng. Trước tình hình nêu trên, các nhà chuyên môn cũng đã vào cuộc (giải thích “hội chứng lên đồng”, hội chứng này đã được tổ chức Y tế thế giới nghiên cứu và có mã số: F44.3 trong bảng phân loại các loại bệnh rối loạn tâm thần) (9); các nhà quản lý địa phương và lực lượng chức năng cũng đã lên tiếng và có những hành động cụ thể, song vẫn không ngăn cản được hàng ngàn người hiếu kỳ kéo về cúng bái rắn thần, và hội chứng này đang có những biển hiện lây lan, chưa dừng lại.

3. Giải mã huyền thoại

Như chúng ta đã biết, huyền thoại là hiện tượng sáng tạo quan trọng trong lịch sử văn hóa nhân loại. Huyền thoại phát sinh trong thời kỳ hoang dã, là công cụ, phương thức cơ bản nhận thức và hiểu biết thế giới của người cổ xưa. Huyền thoại chàng rắn ở làng Ngọc chính là sự phản ánh những nhận thức sơ khai của người Mường về nguồn nước. Đình rắn ở làng Lương Ngọc thực chất là một đình thờ rắn - thủy thần trấn giữ nguồn nước mà cụ thể ở đây là suối Ngọc. Tính chất và vai trò của con suối đối với đời sống dân làng là cơ sở của tục thờ rắn - thần nước này. Huyền thoại chàng rắn ra đời là cách giải thích cho tín ngưỡng nói trên của nhân dân làng Ngọc về tục thờ của mình. Cùng với lễ hội làng Ngọc như chúng tôi đã nói ở trên thì huyền thoại chàng rắn có vai trò làm điểm tựa cho niềm tin của tín ngưỡng. Đúng như Nguyễn Bích Hà nhận định: “Mối quan hệ đó giữa tín ngưỡng và truyện kể song song tồn tại, xoắn bện chặt chẽ, thẩm thấu qua nhau trong sinh hoạt cộng đồng người Việt Nam như một chỉnh thể không thể tách rời” (10).

Việc cá lớn không ăn cá bé, mật độ cá nhiều nhưng nước suối không tanh có thể hoàn toàn mang tính khoa học (do đặc điểm sinh học của loài cá chẳng hạn), cũng như việc làm vệ sinh dòng suối khiến cá chui vào hang, hay cá không đi ra sông khi có lũ, theo chúng tôi là hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Có thể loài cá này thích sống ở môi trường nước sạch, có nhiệt độ phù hợp với đặc điểm sinh học của chúng (nước suối thường sạch, rất mát về mùa hè và ấm về mùa đông, nó khác nước sông và các ao hồ tự nhiên). Khi làm vệ sinh, người dân làm nguồn nước đục khiến cá vào hang, sau một thời gian nguồn nước trở lại ổn định, cá lại ra lại bình thường. Việc cúng xong và cá ra ngay có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, song người dân lại muốn hiểu và giải thích bằng niềm tin tâm linh của họ. Những câu chuyện mang tính tâm linh như vừa nêu, tạo nên một bầu không khí linh thiêng cho ngôi đình rắn nói riêng và cả khu du lịch suối cá thần nói chung. Điều này vừa có sức hấp dẫn đối với du khách tham quan suối cá đồng thời qua đó có thể thấy được niềm tin về một tín ngưỡng trong tâm thức người dân bản địa.

Trong văn hóa của người Việt cổ, tín ngưỡng phổ biến phản ánh quan niệm, ứng xử với nước là tục thờ thủy thần. Nước không chỉ là nguồn nước uống cho con người và vạn vật mà nước còn gây ra những tai họa khủng khiếp. Nước có thể hủy diệt mọi thứ nhưng đồng thời đánh thức sự hồi sinh. Một trong những nỗi kinh hoàng nhất đến từ thiên nhiên đối với con người chính là lũ lụt. Sự tàn phá kinh khủng của hiểm họa thiên nhiên này làm cho con người vừa muốn chế ngự vừa muốn sùng bái. Tục thờ rắn ra đời trên cơ sở tâm lý ấy. Trong huyền thoại của người Việt, hình tượng rắn là vật tổ, gắn với vị thần tự nhiên, thần nước. Trong truyền thuyết dân gian, hình tượng rắn lại hóa thân thành vị anh hùng hộ quốc, an dân. Trong khi đó ở thể loại cổ tích, hình tượng rắn lại gắn chủ yếu với hình ảnh của loài yêu tinh, yêu quái (11). Nói chung, rắn là loài vật đã đi vào thế giới tâm linh của con người nói chung và tín ngưỡng dân gian người Việt nói riêng một cách rất bí ẩn, khó nắm bắt và không thuần nhất về biểu trưng ý nghĩa. Với tính chất như vậy, cộng thêm năm nay (2013) là năm Tỵ nên những tâm thức liên quan đến hình tượng rắn khi được tái tạo bằng sự khủng khoảng niềm tin và tính hiếu kỳ thiếu hiểu biết của một bộ phận dân chúng, sẽ dẫn đến những trường hợp lạm dụng văn hóa tâm linh như chúng tôi vừa kể trên. Trở lại câu chuyện của làng Ngọc và huyền thoại chàng rắn, sự tái tạo kể trên về mặt nào đó đã củng cố cho niềm tin về một tín ngưỡng và có giá trị hấp dẫn du khách đến với suối cá thần cũng như có tác dụng bảo vệ đàn cá, bảo vệ môi trường (nguồn nước) trước những tác động và xâm hại của con người trong đời sống đương đại, thì những biến thái của các kiểu tái tạo như ở Nam Định, Hà Nội, Bắc Giang… như đã nói thực sự đáng báo động về nhận thức văn hóa tâm linh của một bộ phận dân chúng.

Rõ ràng, huyền thoại không mất đi, những tri thức và giá trị văn hóa, biểu tượng của huyền thoại vẫn trôi trên dòng sông của nhân loại. Nó có thể dạt, vầy, hay biến đổi ở một khía cạnh nào đó để rồi khi có những không gian và thời gian phù hợp, huyền thoại lại trở về như một ký ức của nhân loại về đời sống văn hóa của chính con người. Đúng như Éditions du Seuil đã từng nói: “Đời sống hàng ngày của chúng ta mang đầy những huyền thoại: đấu vật, thoát y vũ, xe hơi, quảng cáo, du lịch… chúng nhanh chóng tràn ngập chúng ta. Tách khỏi hoàn cảnh thời sự khiến chúng ra đời, bỗng nhiên chúng xuất hiện với thực chất của chúng. Đó là ý thức hệ của văn hóa quần chúng hiện đại” (12).

________________________

1. Truyện kể về chàng rắn lưu truyền ở Cẩm Thủy còn có một bản kể nữa do Lê Xuân Sơn sưu tầm, biên soạn, in trong Suối Ngọc - cá thần, tài liệu Đồng hành cùng du khách, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2009. Bản này có một số chi tiết khác với bản do các cụ cao tuổi kể lại mà chúng tôi vừa nêu.

2. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2003, tr.23.

3. Trần Minh Hường, Hình tượng rắn qua tục thờ và huyền thoại, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 311, 312, tháng 5, 6-2010.

4. Tư liệu do chúng tôi điền dã.

5. Diệp Anh, Duy Tuyên, Bí ẩn về giếng thần nam - nữ của người Mường, dantri.com.vn

6. vtc.vn

7. hcm.eva.vn

8, 9. Trần Việt, Lương Nga, Rắn thần nhập xác hàng loạt, báo động tình trạng lạm dụng văn hóa tâm linh, anninhthudo.vn

10. Nguyễn Bích Hà, Tín ngưỡng và mã tín ngưỡng trong văn học dân gian người Việt, vns.hnue.edu.vn

11. Xem Trần Minh Hường, Hà Thanh Nga, Hình tượng rắn - nhân vật yêu quái trong truyện cổ tích Việt Nam, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 6-2011.

12. Roland Barthes, Những huyền thoại, Nxb Tri thức, bìa 4.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013

Tác giả : Trịnh Viết Toàn - Trần Minh Hường

;