PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM

Du lịch bền vững được hiểu là hoạt động khai thác có quản lý các giá trị tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách; quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn, trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương. Xu thế phát triển du lịch bền vững không phải hiện tượng mang tính phong trào, nhất thời, mà là một đòi hỏi có tính khách quan, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội, quốc gia, cộng đồng.

 

Những giá trị di sản làng cổ ở Đường Lâm

 

Giá trị lịch sử

Vùng đất Đường Lâm là dấu tích minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển của một làng Việt cổ với các di tích như gò Mả Đống (dấu ấn của văn hóa Phùng Nguyên thuộc sơ kỳ thời đại đồng cách ngày nay khoảng 4.000 năm); di tích làng cổ Mông Phụ (dấu tích của văn hóa Sơn Vi thuộc hậu kỳ đá cũ). Bên cạnh đó, những thiết chế xã hội, tín ngưỡng và văn hóa còn tồn tại đã phản ánh khá đầy đủ lối sống, sinh hoạt và tổ chức xã hội của cộng đồng dân cư...

Đây là vùng đất sinh ra những người con ưu tú, anh hùng và danh nhân của dân tộc như Phùng Hưng, Ngô Quyền - anh hùng cứu nước; Thám hoa Giang Văn Minh - nhà ngoại giao tài ba, dũng lược; bà chúa Mía Nguyễn Thị Ngọc Liệu - người có công xây dựng và phát triển các làng cổ ở đây; Phan Kế Toại - quan khâm sai đại thần Bắc Kỳ; Kiều Oánh Mậu - người có công hiệu đính Truyện Kiều của Nguyễn Du... Có thể nói, Đường Lâm giống như một kho tư liệu lưu giữ những giá trị lịch sử đặc biệt quý hiếm của xứ Đoài nói chung và đất nước nói riêng, do vậy cần được bảo tồn.

Giá trị về cảnh quan sinh thái

Đường Lâm là địa danh có vị thế đắc địa theo thế tọa sơn vọng thủy, lưng tựa vào núi Tản, mặt hướng ra sông Hồng. Địa hình mang dáng dấp cảnh quan của vùng bán sơn địa với những đồi gò, rộc sâu, ruộng ven sông. Hiện nay, các địa danh Đường Lâm, Cam Lâm, Mông Phụ, Phụ Khang... còn như in dấu ấn của những đồi gò và cánh rừng xưa. Giá trị độc đáo của Đường Lâm còn là không gian cảnh quan đặc sắc riêng có với những đường làng, ngõ xóm nhỏ bé, tĩnh mịch khoác một màu loang lổ của đá ong trầm mặc.

 

Giá trị kiến trúc

Trải qua bao thăng trầm, Đường Lâm vẫn lưu giữ được hình ảnh của ngôi làng cổ Việt Nam với cây đa, giếng nước, ao sen, những ngõ xóm, mái ngói, tường đá ong và các công trình kiến trúc cổ xưa trong một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của một làng thuần nông, dấu ấn nền văn minh lúa nước.

Theo thống kê của viện Bảo tồn di tích, làng Đường Lâm hiện còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi (Mông Phụ khoảng 100, Cam Thịnh có 15, Đoài Giáp là 7, Cam Lâm 10, Đông Sàng 37 nhà). Trong đó nhà có niên đại trên 200 năm chiếm khoảng 5%, còn lại chủ yếu là trên dưới 100 năm, được xây dựng bằng các chất liệu vốn có sẵn ở địa phương như: tre, gỗ, đá ong, đất nung, đất nện...theo lối kiến trúc độc đáo. Có ngôi nhà 5 hàng, 4 hàng, 3 hàng chân cột, quá giang rốn cột với những vì kèo kẻ chuyền, chồng giường, cửa bức bàn bằng gỗ đặc...

Bên cạnh ngôi nhà, người dân nơi đây cũng rất coi trọng quy hoạch không gian chung. Trong quy hoạch không gian, người dân Đường Lâm rất chú trọng đến vị trí đình làng. Họ lấy đình là tâm điểm, từ đó quy hoạch theo lối lan tỏa ra các hướng, cũng như quy tụ được mọi con đường về đây. Đặc biệt, dù xuất phát ở điểm nào (đến hoặc đi) trên đường làng, không bao giờ quay lưng lại một cách trực diện với hướng chính của đình. Chính lối kiến trúc này đã góp phần gia tăng tính cố kết cộng đồng của người dân và tạo một không gian thoáng mát.

 

Giá trị văn hóa

Đường Lâm hiện còn lưu giữ được các chứng tích văn tự cổ ghi chép thần phả của làng, gia phả dòng họ, gia đình, bia ký, hoành phi câu đối, truyền thuyết, cổ tích, ca dao, những sinh hoạt tín ngưỡng như lễ hội đình, đền, chùa, hoạt động của mỗi dòng họ, phường hội, phe giáp, trò chơi dân: bắt vịt, đánh đu, hát nhà trò, rước đền, cờ người, chọi gà... đậm chất văn hóa đại diện cho làng quê vùng châu thổ Bắc Bộ.

Ngoài ra, Đường Lâm vẫn còn lưu giữ được nền văn hóa ẩm thực hết sức phong phú với gà Mía, chè tươi Cam Lâm, tương Mông Phụ, kẹo bột Đông Sàng và dưa gang Nam Nguyễn...

 

Thực trạng phát triển du lịch ở Đường Lâm

 

Thị trường khách

Từ khi được công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 2005, các làng cổ Đường Lâm đã trở thành điểm thu hút khách du lịch. Số liệu của Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (1) cho thấy mức tăng trưởng về khách trung bình đạt 49,6%/năm (khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 40% - 41% tổng số khách). Tính trung bình một ngày có khoảng 300 - 500 lượt khách ghé thăm làng cổ Đường Lâm. Ước tính 9 tháng đầu năm 2011, có khoảng 46.000 lượt khách. Trong cơ cấu khách quốc tế, đối tượng đến từ các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ (Pháp, Canada, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Luxambua...) chiếm 50% (Pháp là 40%, Nhật Bản 14,3%, Anh 12%, Mỹ 4,2%...). Khách nội địa đến với Đường Lâm chủ yếu là tham gia lễ hội, tham quan các di tích văn hóa lịch sử. Hầu hết du khách đến từ Hà Nội và các địa phương lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình...

 

Thu nhập du lịch

Nguồn thu chủ yếu từ hoạt động du lịch ở làng cổ Đường Lâm là số tiền từ bán vé tham quan thắng cảnh. Từ năm 2008, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm chính thức thu tiền vé tham quan với mức giá đồng hạng cho người lớn là 15.000 đồng, trẻ em 7.000 đồng. Thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm 2011 thu được 700 triệu đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2010.

Bên cạnh đó còn có nguồn thu từ hoạt động dịch vụ bổ sung như phục vụ ăn uống, hướng dẫn viên, bán các đặc sản làng quê... Những hoạt động này bước đầu có tác động tích cực đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Cơ sở vật chất kỹ thuật

Khách du lịch đến làng cổ Đường Lâm sẽ có nhiều sự lựa chọn, họ có thể nghỉ tại trung tâm thị xã Sơn Tây với 5 khách sạn 1 sao và trên 30 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú, hoặc nghỉ lại trong các ngôi nhà cổ. Theo số liệu của Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, thì số lượng nhà nghỉ ở đây gồm:

 

Địa điểm

 

Số lượng nhà

 

Số lượng nhà cổ

Mông Phụ

350

140

Cam Thịnh

182

17

Đông Sàng

425

26

Phụ Khang

340

13

Cam Lâm

122

11

Đoài Giáp

214

8

Hưng Thịnh

130

4

Hà Tân

67

Văn Miếu

108

Tổng số:

1934

213

 

Hiện nay, một số công ty du lịch đã khai thác giá trị của một số ngôi nhà cổ vào phục vụ nhu cầu của khách như nghỉ trưa, nghỉ lại qua đêm tại phòng phú nông và địa chủ. Đây là nhóm sản phẩm tạo một trải nghiệm thú vị về đời sống nông thôn thật gần gũi, nhưng không kém phần tiện nghi, được nhiều du khách lựa chọn.

Bên cạnh nhu cầu nghỉ ngơi, du khách còn được thưởng thức các món ăn truyền thống mang đặc trưng văn hóa vùng. Nếu năm 2000, trong làng chỉ có duy nhất gia đình anh Hà Nguyên Huyến ở xóm Sui tổ chức đón tiếp và phục vụ ăn uống, đến nay đã có hơn 10 hộ tham gia kinh doanh dịch vụ (chủ yếu là các hộ ở Mông Phụ và Đông Sàng). Tháng 4-2011, Công ty cổ phần du lịch làng cổ Đường Lâm do 2 hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thu và ông Nguyễn Văn Vững (thôn Mông Phụ) chính thức đi vào hoạt động dưới sự hỗ trợ của Ban quản lý di tích và Hiệp hội lữ hành Việt Nam. Điều này đánh dấu sự chuyên môn hóa trong hoạt động kinh doanh du lịch của người dân, cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ tới khách.

Từ đầu năm 2011, một số hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức và đưa vào phục vụ khách du lịch: tham quan làng cổ bằng xe đạp, trải nghiệm đời sống của nông dân như trồng rau, dạy nấu các món ăn Việt, thi tát nước bằng gàu sòng, thổi cơm, cấy lúa...

Bảo tàng gia đình đang là mô hình độc đáo và trở thành sản phẩm du lịch bổ sung quan trọng trong chương trình tham quan làng cổ Đường Lâm. Gia đình bà Hà Thị Điền được lựa chọn là nơi trưng bày các trang phục truyền thống như yếm, áo cánh, khăn dải yếm, ruột tượng... Đồ lưu niệm, các món quà, đặc sản quê... được bán tại những sạp hàng trong chợ Mía và các quán nước nhỏ ven đường.

Nguồn nhân lực du lịch

Đến nay, hoạt động du lịch tại các làng cổ ở Đường Lâm chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong làng có duy nhất 1 đơn vị kinh doanh là Công ty cổ phần du lịch làng cổ Đường Lâm, với khoảng 10 lao động trực tiếp được tuyển chọn và đào tạo ngắn hạn. Số lượng trong độ tuổi lao động của làng khoảng hơn 3.000 người, có thể trở thành lực lượng bổ sung, tuy nhiên đội ngũ tham gia vào hoạt động du lịch còn hạn chế. Hiện không có hướng dẫn viên du lịch nào được cấp thẻ, trình độ ngoại ngữ của thuyết minh viên chưa được chú trọng nên khả năng giao tiếp còn nhiều hạn chế.

Sau thành công của hội thảo năm 2008, thì Ban quản lý làng cổ Đường Lâm đã chọn tháng 8 hàng năm để tổ chức ngày hội phát triển du lịch và tiến hành các cuộc hội thảo với những nội dung tăng dần về mức độ chuyên nghiệp, đi sâu vào từng kỹ năng phục vụ cụ thể: năm 2008, hướng dẫn, hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất và kỹ năng phục vụ tổ chức đón tiếp du khách; năm 2009, hướng dẫn nấu các món ăn truyền thống, ưu tiên các món chay; năm 2010, tư vấn và hướng dẫn trang trí nội thất ngôi nhà, bài trí phòng ăn; năm 2011, người dân Đường Lâm được đào tạo và hướng dẫn kỹ năng về phục vụ loại hình du lịch home stay và trải nghiệm nông thôn... Các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng này thu hút đông đảo người dân tham gia tích cực và hào hứng. Đây được coi là một hướng đi đúng đắn, cho thấy sự nhận thức về vai trò của nhân lực trong kinh doanh du lịch được ngày càng được nâng cao.

Công tác quản lý, khai thác và bảo tồn di sản

Việc nghiên cứu và xác định các tiêu chí của quá trình phát triển bền vững là rất quan trọng, dựa vào kết quả đó, các nhà quản lý có thể xây dựng được những chính sách và giải pháp phù hợp để điều chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch. Bảng đánh giá tổng hợp các chỉ tiêu trên quan điểm phát triển bền vững ở làng cổ Đường Lâm từ năm 2005-2010 (2) cho thấy hiện nay, công tác quản lý di sản ở làng cổ Đường Lâm còn nhiều bất cập, sự chồng chéo và không thống nhất là nguyên nhân cơ bản khiến việc sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả. Việc khai thác các tài nguyên chưa tạo được mối quan hệ nhịp nhàng và đồng bộ giữa đầu tư của nhà nước và những nguồn vốn xã hội hóa. Việc phân cấp quản lý giữa khai thác với công tác bảo tồn và quản lý hành chính chưa thống nhất, phạm vi trách nhiệm chưa rõ ràng đã gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh du lịch. Các cấp quản lý ở địa phương chưa có đủ thẩm quyền để xây dựng môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch, cũng như thu hút các nhà đầu tư đến với Đường Lâm. Quan trọng hơn là chưa có một bản quy hoạch cụ thể việc phát triển du lịch lồng ghép chặt chẽ giữa bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản với việc đảm bảo cuộc sống cho người dân nơi đây. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề đó, người dân mới tự giác, tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch.

Có một thực tế là việc khai thác nguồn tài nguyên này đang bộc lộ nhiều bất cập, việc quản lý khách còn lỏng lẻo, bên cạnh đó là tình trạng xuống cấp của các ngôi nhà cổ. Trong cơn lốc đô thị hóa và nhu cầu dân sinh, phát triển dịch vụ ở đây đang thực sự đối mặt với nhiều vấn đề bất cập ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di tích. Trong chiến lược phát triển của thị xã Sơn Tây xác định, lấy du lịch là ngành kinh tế chủ đạo cho chuyển đổi cơ cấu, nguồn thu chính cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhưng đến nay làm sao để người dân thực sự hưởng lợi từ di sản vẫn khiến các nhà quản lý đau đầu. Bên cạnh đó do tính chủ quan, thiếu chuyên nghiệp trong việc gìn giữ, bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa, nên hầu hết các tiềm năng du lịch tại Đường Lâm chưa được khai thác một cách triệt để và có hiệu quả.

Để làng cổ Đường Lâm được bảo tồn như một thực thể sống động với các giá trị kiến trúc, mỹ thuật, phong tục, cần tạo điều kiện giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, bằng cách xây dựng nhiều chương trình và những sản phẩm du lịch mang tính bền vững từ cộng đồng để người dân được hưởng lợi xứng đáng.

_______________

1. Tăng trưởng số lượng khách tham quan làng cổ Đường Lâm

 

 

Loại khách

 

2005

 

2006

 

2007

 

2008

 

2009

 

2010

 

9T/2011

 

Tổng số

4.000

5.600

12.000

13.900

20.000

30.000

46.000

 

Quốc tế

700

1.000

4.800

5.838

8.720

12.900

20.240

 

Nội địa

3.300

4.600

7.200

8.062

11.280

17.100

25.760

 

2. Bảng đánh giá tổng hợp các chỉ tiêu phát triển bền vững ở làng cổ Đường Lâm

Các tiêu chí cơ bản

 

Mức độ

 

Đánh giá

 

Các tiêu chí bền vững về kinh tế

 

 

- Số lượng khách quốc tế

Tăng 70,9%/năm

Bền vững

- Số lượng khách nội địa

Tăng 43,1%/năm

Bền vững

- Tổng thu nhập du lịch (bán vé tham quan)

Tăng 16,7%/năm

Bền vững

- Số lượng cơ sở dịch vụ du lịch

Tăng 58,6%/năm

Bền vững

- Số lượng lao động du lịch

Còn ít, chưa huy động được lao động dôi dư trong khu vực tham gia du lịch

Không bền vững

 

Các tiêu chí bền vững về TNMT

 

 

- Tỷ lệ các điểm du lịch chủ yếu được đầu tư tôn tạo và bảo tồn

Đã đầu tư tôn tạo được >50%

Bền vững

- Tỷ lệ các khu, điểm du lịch chủ yếu được đầu tư quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị

Số điểm được QH chiếm <>

Không bền vững

- Áp lực lên môi trường ở các khu, điểm du lịch chính

Lượng khách tập trung đông, lượng xả thải tăng lên, áp lực về nguồn cung cấp nước sạch...

Không bền vững

- Cường độ hoạt động tại các điểm du lịch chính

Cường độ cao vào mùa chính

Không bền vững

 

Các tiêu chí bền vững về VH-XH

 

 

 

 

- Tác động tiêu cực đến xã hội từ du lịch

Giá cả tăng, bản sắc VH mai một, trò cờ bạc ăn tiền đã xuất hiện trong các dịp lễ hội ở làng...

Không bền vững

- Mức độ hài lòng và hợp tác của cộng đồng đối với các hoạt động du lịch ở một số điểm chính

Chỉ 20% hài lòng và sẵn sàng hợp tác

Không bền vững

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 329, tháng 11-2011

Tác giả : Đào Duy Tuấn

;