PHẠM CÔNG THIỆN, NHÌN NGẮN HỒ SƠ VĂN XUÔI

 

Phạm Công Thiện (1941-2011), quê Mỹ Tho, xuất thân Cơ đốc giáo, cải đạo theo Phật giáo, pháp danh Thích Nguyên Tánh. Sau, rời cửa chùa, lập gia đình, trở thành một cư sĩ nổi tiếng. Phạm Công Thiện được biết đến với tư cách văn, thi sĩ, dịch giả, nhà nghiên cứu, biên khảo văn, triết, ngữ, sử… nổi tiếng (1), cùng vô số huyền thoại xoay quanh cuộc đời lang bạt, nổi loạn, ngông nghênh. Ở miền Nam trước đây, cũng như sau này, nhiều kẻ xưng tụng ông là thần đồng, thiên tài, nhưng cũng không ít người coi ông là điên rồ, ngông cuồng. Muốn hiểu sao thì hiểu. Viết sách từ khi mới hơn 10 tuổi, thông thạo hàng chục ngôn ngữ trên thế giới, huyền thoại Phạm Công Thiện là một hiện tượng kỳ dị của miền Nam Việt Nam. Khó có thể đưa ra một định danh về Phạm Công Thiện. Nên, chỉ cái tên của Phạm Công Thiện thôi, đã như là một điển phạm, gợi lên cái siêu tổng cộng xối trộn những đối cực (2).

Thế nên, thật khó có thể quyết chắc chắn một điều gì đấy về Phạm Công Thiện. Nhưng, nếu để nói một câu chắc nịch, mà không phải thẹn miệng, thì, Phạm Công Thiện là nhà văn có ảnh hưởng lớn vào bậc nhất đối với cả một thế hệ thanh niên trí thức miền Nam thời bấy giờ. Bởi, thế hệ thần tượng Phạm Công Thiện là lời quen người ta vẫn nói (3).

Lửa Phạm Công Thiện, không chỉ một mà nhiều: “chứa chấp sáu ngọn lửa điên”(4). Lửa Thiện, ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cháy bùng bùng cái nhiệt huyết và đam mê. Luôn luôn mê say, đẩy tình cảm đến tận cùng là bản chất Phạm Công Thiện. Yêu thì tưng bừng ngợi ca. Coi khinh thì sát phạt trong từng câu chữ. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, khen hay chê, thì bao giờ cũng vậy, văn Phạm Công Thiện đồng một chất thi tính. Thế nên, đúng như lời ông khi tìm kiếm ý thức mới trong văn nghệ và triết học: “Ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu làm sao thì hiểu”(5). Vậy, nên hiểu theo lối Nguyễn Hưng Quốc, ấy là cánh cửa tốt để mở vào văn giới của Phạm Công Thiện: nên chọn lối đọc ông như đọc thơ (6). Đọc Phạm Công Thiện, theo dõi tự sự kiểu Phạm Công Thiện, do đó, như chính ông nói về người đọc lý tưởng của ông: “Tôi chỉ thích người ta đọc những gì tôi viết bằng một tâm thức mơ mộng của thi sĩ đãng trí hơn là đọc để soi mói, vì hiếu kỳ, để so sánh phê phán, vì tự mãn phè phởn với vốn liếng học thức, để tranh luận hơn thua…”(7). Tư duy của Phạm Công Thiện, vì thế, trước nhất, căn nền phải là tư duy thi sĩ trước khi là tư duy biên khảo, dịch, tư tưởng và tư duy văn xuôi. Chính điều ấy khiến cho chúng ta cảm thấy các tác phẩm truyện ngắn, truyện dài của Phạm Công Thiện đều có tính chất như những bài thơ văn xuôi. Ngược lại, khi làm tư tưởng, luôn luôn Phạm Công Thiện biết ném ra, xen ghép thêm giữa những dòng suy tưởng triết lý Đông - Tây những câu, đoạn văn với hình ảnh liên tưởng lạ kỳ, khoáng đạt, say mê và thường là dữ dằn và trác táng, vì thế, mà hấp dẫn (8).

Bởi thi tính là cái nền Phạm Công Thiện chọn để hiện hữu giữa cuộc đời và cho sự viết, nên, với ông, không chỉ cấu trúc câu văn, mà ngay cách đặt tên một tác phẩm văn xuôi bao giờ cũng phải có nhiều khoảng trống cho sự mơ tưởng của người đọc. Ví dụ: Bay đi những cơn mưa phùn, trong đó bay đi là cái đang trôi qua, bất định, những cơn mưa phùn là cái mịt mù, mong manh của cơn mưa nhỏ. Cộng góp cả mấy nét nghĩa lại, quy về một sự hiểu của tính mong manh, mịt mù như đúng tâm trạng con người thời tao loạn. Hoặc, tên một truyện dài Mặt trời không bao giờ có thực, trong đó mặt trời cái trường tồn, bất biến lại bị đính chặt với cụm phụ tố không bao giờ có thực, nhằm tạo ra một phản đề, một phủ định về cái vĩnh cửu, được coi như chân lý là mặt trời. Mọi chân lý, do đấy, bị phá vỡ. Đời từ đây đồng nghĩa với mong manh. Và sau này, ông có tập văn xuôi sáng tác bên hải ngoại Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, trong đó đi cho hết gợi đến nỗ lực tận mút, một đêm hoang vu trên mặt đất là cái số ít (một) nhưng lại gợi nên sự đau thương số nhiều của cái dàn trải rộng lớn (hoang vu), của cái tăm tối (đêm), trong chính cuộc đời trần thế này (trên mặt đất). Phân tích khái lược ngay chính tên các tập truyện của Phạm Công Thiện, đủ cho thấy ngay một mẫu khá chung về những hình ảnh luôn không cố định, mà bất định, mong manh, đa nghĩa kiểu hình ảnh thơ, rất phổ dụng trong văn giới của ông, cái sẽ góp vào khiến tác phẩm văn xuôi của ông hiện lên với sự quyến rũ của thi tính. Đồng thời, mã ý nghĩa đầu tiên được trình ra ngay ở tên các tập truyện của Phạm Công Thiện, kinh nghiệm đầu tiên ấy là sự phi lý, đắng cay, cô đơn, hoang vu của đời sống lưu đầy. Những hình ảnh mỏng manh, bất định, là thơ đấy, nhưng là đời đấy. Một đời sống trong đau thương chiến tranh, bất định, mất phương hướng của tuổi trẻ ở miền Nam. Văn Phạm Công Thiện đưa đến kinh nghiệm cuộc gặp gỡ đầu tiên với bạn đọc vừa lãng đãng thơ mộng, vừa khổ đau tăm tối.

Tính thơ trong văn Phạm Công Thiện lại tiếp tục được triển nở thêm bởi chính những sự liên tưởng luôn rất tự do. Cấu trúc truyện của ông không đặt ở sự kiện mà đặt ở những liên tưởng luôn rất phóng khoáng, bất ngờ của suy tưởng với những dằn vặt của một nội tâm uyên bác, phức tạp và đầy mâu thuẫn. Hình ảnh này réo gọi hình ảnh kia. Suy tư, cật vấn này lùa về suy tư, cật vấn khác. Văn xuôi Phạm Công Thiện luôn bất ngờ rẽ ngoặt cảm xúc, nhưng không rời rạc mà được nối kết với nhau trong cốt truyện nội tâm tinh tế, bởi những chi tiết rất mỏng mảnh nhưng luôn cần thiết để tạo thành, kết lại một chỉnh thể. Vì là tư duy thơ, lấy hiện hữu thơ làm bản mệnh, nên văn Phạm Công Thiện, vì thế, chú trọng vào ngôn từ. Cho nên, tận cùng tập truyện dài Mặt trời không bao giờ có thực, ông chốt hạ một câu: “Con người là kẻ nô lệ của ngôn ngữ”. Quan điểm của ông, chính là quan điểm của Heidegger về ngôn ngữ. Đồng thời, cũng là của những suy tư về tánh không luận Phật giáo khi tiến hành phê phán để tàn phá tính hữu hạn của ngôn ngữ. Hiểu sự nguy hiểm của ngôn ngữ với sự cùm nhốt, hay khai phóng tự do tính của con người, văn Phạm Công Thiện cứ sau một chính đề thường kèm luôn một phản đề. Đó là lối ông giúp người đọc nhảy vượt qua hố thẳm ngôn ngữ, phản tỉnh với kinh nghiệm thông tục của ngôn ngữ, đã thành nếp hằn, khiến con người dễ vấp ngã vào các tình huống, cảm giác ngôn ngữ thông thường. Người đọc Phạm Công Thiện nhiều lúc tưởng ông nói lung tung, bất nhất, nhưng thực ra, đấy là cách ông xô đẩy người đọc vào tình thế buộc phải phản tỉnh với kinh nghiệm ngôn ngữ. Hoài nghi ngôn ngữ, đó đạo đức học của sự đọc. Phản tỉnh kinh nghiệm với ngôn ngữ, do đó, phải được hiểu như bản mệnh của sự đọc. Ở chỗ này, Phạm Công Thiện là một nhà văn rất hiện đại khi lấy chính ngôn ngữ làm đối tượng để triển khai câu chuyện. Nói như Đỗ Lai Thúy, đó là mẫu nhà văn hiện đại bởi anh ta không viết về sự phiêu lưuphiêu lưu về sự viết.

_______________

1. Phạm Công Thiện trước tác nhiều. Về nghiên cứu, nổi tiếng với: Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965), Im lặng hố thẳm (1967), Hố thẳm của tư tưởng (1967)… Về dịch thuật có: Krishnamurti, Tự do đầu tiên và cuối cùng (1968), Martin Heidegger, Về thể tính của chân lý (1968),... Về văn có: Mặt trời không bao giờ có thực (1967), Bay đi những cơn mưa phùn (1970)… Riêng về thơ, trước 1975, Phạm Công Thiện có duy nhất một tập: Ngày sanh của rắn (1967). Sau 1975, Phạm Công Thiện sống, viết, xuất bản nhiều tác phẩm với nhiều chủ đề. Ông qua đời ở hải ngoại, về vô cùng trong nghi lễ Mật tông.

2. Điều này có thể thấy rõ trong nhiều bài viết về Phạm Công Thiện hoặc trong chính các tác phẩm của ông.

3, 7. Chính thế mà, tạp chí Văn đã phải tiến hành một bài phỏng vấn đối với Phạm Công Thiện, nhằm làm sáng tỏ thêm về một tác giả nổi tiếng khó hiểu, phức tạp, là hiện tượng văn nghệ nổi bật, một thần tượng văn nghệ của đương thời. Đấy là nguồn tư liệu đáng chú ý khi tìm hiểu Phạm Công Thiện; xem: Nói chuyện với tác giả Hố thẳm tư tưởng, Bùi Vị Xuyên thực hiện, Văn, số tháng 9-1969.

4. Phạm Công Thiện, Ngày sanh của rắn, Nxb An Tiêm, Sài Gòn, 1966.

5. Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học - Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt, Nxb An Tiêm, Sài Gòn, 1970.

6. Nguyễn Hưng Quốc đã có những nhận xét tinh tế về văn Phạm Công Thiện: “Phạm Công Thiện là một trong vài tác giả cũ trước 1975 thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại. Và vẫn thấy thích. Có điều hiếm khi nào tôi đọc lại trọn vẹn một tác phẩm nào đó từ đầu đến cuối. Thường, tôi chỉ đọc lóc cóc từng đoạn. Như đọc thơ. Mỗi lần cầm sách ông lên, cứ mở đại một trang nào đó, đọc; xong, gấp sách lại mà không cần làm dấu. Lần sau, lại mở sách một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, không chọn lọc. Tôi để ý: hình như, trong văn xuôi, ngoài Võ Phiến, chỉ với Phạm Công Thiện, tôi mới đọc như thế. Điều đó chứng tỏ cách đọc ấy không đến từ thói quen đọc sách của tôi mà chủ yếu đến từ phong cách viết văn của ông”.

8. Lối hành văn kiểu Phạm Công Thiện, chính là lối hình tượng hóa tư tưởng đã trở nên mẫu mực nơi Nam Hoa Kinh của Đông phương và Zarathustra đã nói như thế của Tây phương.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 346, tháng 4-2013

Tác giả : Nguyễn Thị Bình - Nguyễn Mạnh Tiến

;