Những tín hiệu lạc quan từ xuất bản phẩm điện tử

Ngày 22-3-2024 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Tham dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; cùng đại diện lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan chủ quản, nhà xuất bản và doanh nghiệp kinh doanh phát hành sách trên toàn quốc.

Toàn cảnh Hội nghị

Nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường xuất bản và phát hành sách

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, Bộ TTTT Nguyễn Nguyên đánh giá, hoạt động xuất bản phẩm điện tử trong năm 2023 có nhiều nổi bật, mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của ngành. Các nhà xuất bản đều nỗ lực, chủ động trong việc giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh và nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng. Chính vì vậy, năm 2023 đã có nhiều cuốn sách, thuộc nhiều thể loại khác nhau nhận được đánh giá cao của dư luận xã hội. Số lượng các đầu sách có lượng phát hành lớn tăng lên. Một số đầu sách thu hút được nhiều bạn đọc và cho đến nay đã được tái bản nhiều lần dưới dạng in truyền thống hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn.

Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh. Hiện, cả nước có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Tính đến hết ngày 31-12-2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 đầu sách (giảm 1,4%). Tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.105,35 tỷ đồng (tăng 4,98%). Trong đó, 6 nhà xuất bản có doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng; 1 nhà xuất bản có doanh thu từ 50-100 tỷ đồng; 18 nhà xuất bản có doanh thu từ 10 đến dưới 50 tỷ đồng; 27 nhà xuất bản có doanh thu từ 1 đến dưới 10 tỷ đồng; 6 nhà xuất bản có doanh thu dưới 1 tỷ đồng. Năm 2023, có 24/57 nhà xuất bản tham gia xuất bản và phát hành sách điện tử (tăng 26,3%), chiếm 42,1% tổng số nhà xuất bản, góp phần đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3% và vượt chỉ tiêu đề ra 12%.

Những kết quả được thể hiện qua sự phát triển số lượng các đơn vị phát hành xuất bản phẩm điện tử và doanh thu sách nói trong năm vừa qua. Cụ thể, tính đến hết năm 2023, đã có 21 đơn vị được cấp Giấy xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử. Bên cạnh đó, còn một số đơn vị phát hành đã đủ điều kiện và đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp Giấy xác nhận (dự kiến tăng lên 27-28 đơn vị năm 2024).

Doanh thu sách nói cũng có sự tăng trưởng cao. Theo số liệu báo cáo, trong thời gian năm 2022 và 2023, tổng số doanh thu từ sách nói đã đạt khoảng 116,1 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra. Với số lượng các đơn vị phát hành điện tử ngày càng nhiều và sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc, nên thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển, bước đầu bắt nhịp được sự phát triển của thị trường sách điện tử các nước trong khu vực và trên thế giới, cung cấp được nhiều xuất bản phẩm điện tử, đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn đọc.

Cùng với những thành tựu đạt được, ngành Xuất bản vẫn tồn tại một số hạn chế như sai sót, vi phạm về mặt chính trị, tư tưởng trong nội dung một số xuất bản phẩm còn chưa được khắc phục, dẫn đến việc cơ quan chức năng phải xử lý các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, những đầu sách có giá trị và sức lan tỏa chưa nhiều, đặc biệt là thể loại chính trị, khoa học công nghệ.

Về nguồn nhân lực, tình trạng thiếu hụt chức danh lãnh đạo tại một số nhà xuất bản đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và sự ổn định hoạt động chung của nhà xuất bản, đặc biệt là công tác quản lý nội dung xuất bản phẩm. Việc thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng, có kỹ năng về công nghệ thông tin còn chưa tốt; thiếu các vị trí công việc nắm bắt thị hiếu của bạn đọc, xây dựng thương hiệu, marketing, phát hành…

Vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản cũng đặt ra nhiều thách thức, như: việc đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các nhà xuất bản nhìn chung còn hạn chế. Dù đã có 4 nền tảng xuất bản điện tử dùng chung và đang triển khai nền tảng thứ 5, nhưng việc ứng dụng công nghệ tích hợp, đưa AI vào hỗ trợ quy trình xuất bản còn triển khai chậm, kết quả chưa rõ nét.

Hoạt động liên kết xuất bản bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hiện tượng bỏ lọt nội dung không chính xác, không phù hợp. Sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo nhà xuất bản, quy trình biên tập đã dẫn đến sai phạm của một số đầu sách liên kết. Đây là vấn đề cần được cơ quan chủ quản, lãnh đạo nhà xuất bản nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và nghiêm khắc hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành; cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa quy trình biên tập và đọc duyệt.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trao cờ thi đua cho các đơn vị xuất sắc, dẫn đầu trong phong trào thi đua lĩnh vực xuất bản và phát hành năm 2023

Các bản tham luận và các ý kiến trình bày tại Hội nghị từ các nhà quản lý, các chuyên gia và đại diện các nhà xuất bản đã chỉ ra những khó khăn, phân tích các nguyên nhân, hạn chế của ngành Xuất bản trong năm 2023, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 2024, trong đó nhấn mạnh các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực xuất bản, phát hành.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở TTTT TP.HCM trình bày tham luận về mục tiêu đầu tư, hỗ trợ phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố những năm qua và nêu một số giải pháp và đề xuất. Đại diện Sở TTTT Hà Nội lại nêu những thuận lợi, khó khăn trong việc ủy quyền/phân cấp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xuất bản tại địa bàn Hà Nội và nêu một số đề xuất. Bà Phạm Thị Thu Hà – Giám đốc Nxb Trẻ nêu những sáng kiến xây dựng một hệ sinh thái xuất bản tích hợp giữa truyền thống và công nghệ số. Ông Vũ Trọng Lâm – Giám đốc, Tổng Biên tập Nxb Chính trị quốc gia Sự thật trình bày kế hoạch triển khai đề tài chuẩn bị công tác thông tin tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ông cho rằng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, cần xác định những quan điểm, định hướng trong công tác xây dựng đề tài sách, gắn kết giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Khánh Dương – Giám đốc Công ty cổ phần Comicola chia sẻ kinh nghiệm gây quỹ cộng đồng trên không gian mạng, nhằm hỗ trợ cho các tác giả đưa tác phẩm của mình thành những hình thức phái sinh khác và mong muốn nhận được sự ủng hộ về mặt chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

“Phải thay đổi để thích nghi!”

Tổng giám đốc Công ty CP sách Thái Hà Nguyễn Mạnh Hùng với tham luận “Việt Nam cần có tập đoàn xuất bản tầm cỡ khu vực và thế giới” đã đưa ra nhận định về những chuyển biến chính của xuất bản nước ta trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Qua đó, ông cũng chỉ ra những hạn chế của ngành Xuất bản, từ đó đề ra một số kiến nghị. Ông cũng đề xuất “Phải có các tập đoàn xuất bản tầm cỡ” và nêu một số giải pháp mà Thái Hà Book đang thực hiện.

Ông Lâm Thanh – đại diện Tiktok Việt Nam cho biết, kể từ tháng 11-2022 khi lần đầu tiên Tiktok đưa sách vào danh mục các ngành hàng trên nền tảng này đến nay, đã có nhiều đối tác có tên tuổi tham gia. Năm 2023, doanh thu của ngành hàng sách vượt mốc 500 tỷ đồng, tăng trưởng hàng quý ổn định ở mức 15%, hiện đã có 48 nhà xuất bản tham gia vào nền tảng này.

Các đơn vị, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua lĩnh vực xuất bản, phát hành năm 2023 nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ TTTT

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, toàn ngành Xuất bản đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, tiếp tục phát huy truyền thống, có những bước phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, duy trì ổn định hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với xuất bản phẩm; công tác chỉ đạo, quản lý xuất bản đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được là chủ yếu, công tác xuất bản vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Báo cáo, tham luận của các đại biểu đã nêu rất rõ, đã chỉ ra những nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục. Đó là tình trạng yếu kém ở một số nhà xuất bản dẫn đến vẫn còn những xuất bản phẩm có chất lượng thấp, có những nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức cơ quan chỉ đạo, quản lý phải ban hành văn bản nhắc nhở, xử lý; vấn đề bất cập trong mô hình hoạt động của đơn vị xuất bản; tình trạng buông lỏng quy trình xuất bản sách liên kết; nguy cơ tụt hậu về công nghệ ở một số nhà xuất bản... Những hạn chế, thách thức đều đã được nhận diện, phản ánh nhiều lần, chỉ ra từ lâu, nhưng việc giải quyết, khắc phục vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định những năm gần đây ngành Xuất bản đang gặp nhiều khó khăn, bởi vậy cần đổi mới tư duy sáng tạo, tái sinh để có hình hài mới, để làm sách tốt hơn. Đây là giai đoạn ngành Xuất bản cần thích nghi với môi trường. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra chuyển đổi số, tạo ra không gian mới cho ngành Xuất bản, xuất hiện hàng loạt các doanh nghiệp số chủ yếu trên không gian mạng, vậy chúng ta sẽ làm thế nào? Phải giành lại bằng công nghệ! Dùng công nghệ mới để làm tốt hơn! Muốn làm được, cần có sự hợp tác giữa đơn vị xuất bản với các đối tác tài chính, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở nhiều sản phẩm xuất bản số. Về phía cơ quan chức năng sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện thể chế, hoàn thành vai trò "nhạc trưởng" để đưa ngành Xuất bản phát triển bền vững”.

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;