NGHI LỄ VÒNG ĐỜI CỦA NGƯỜI CƠ TU

Trưởng thành

Thời gian mang thai

Tập tục bảo vệ thai nhi, nuôi dạy con cái phản ánh truyền thống tốt đẹp của người Cơ tu. Họ quan niệm, khi phụ nữ mang thai, nếu muốn đứa con của mình khi sinh ra được khỏe mạnh, không bệnh tật, đau ốm, phải kiêng kỵ nhiều thứ. Trong khi mang thai, phụ nữ Cơ tu không được ăn một số con vật như: rắn, rùa, nhím, chuột, một số loại hoa quả như ớt, dứa, ổi, người chồng không được đi vào rừng cấm của làng (vì đây là nơi trú ngụ của các thần linh, nếu cố ý làm gì mất lòng thần linh sẽ bị các thần làm hại đứa trẻ). Việc kiêng cữ khi mang thai chủ yếu dựa trên cơ sở cảm tính, kinh nghiệm hơn là khoa học.

Lễ đặt tên con

Lễ đặt tên con là nghi lễ vòng đời đầu tiên của một người con vừa mới sinh ra. Người Cơ tu xem lễ đặt tên con như một thành tố văn hóa, tôn giáo đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc. Lễ đặt tên cho đứa trẻ được thực hiện khi đứa trẻ được sinh ra sau một tuần. Khi đặt tên con, người Cơ tu thường lấy họ cha, không đặt tên trùng với người già trong dòng họ hoặc những người đã chết. Theo họ, nếu làm vậy sẽ xúc phạm đối với tổ tiên, là nguyên nhân của những hồn ma về làm hại đứa trẻ.

Lễ vật trong lễ đặt tên con của người Cơ tu là gà, xôi. Nghi lễ được thực hiện với ý nghĩa thông báo với trời về sự có mặt của đứa trẻ, cầu mong trời phù hộ để đứa trẻ chóng lớn, khỏe mạnh, đồng thời tạ ơn trời đã cho đứa trẻ hình hài lành lặn. Khi làm lễ đặt tên, người Cơ tu làm một con gà, dùng máu chấm lên trán đứa trẻ với ý nghĩa chúc phúc, đánh dấu sự hiện hữu một thành viên mới của gia đình, cộng đồng, tạ ơn thần linh đã chấp nhận cho họ bổ sung vào cộng đồng một mầm sống. Trong lễ đặt tên con của người Cơ tu thường có sự góp mặt đông đủ của người thân trong gia đình, dòng họ.

Lễ trưởng thành

Trong văn hóa của người Cơ tu, lễ cưa răng, lễ căng tai được xem là phong tục rất riêng, độc đáo của tộc người này. Đây là nghi lễ quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của một cá nhân trong làng. Nếu ai chưa trải qua nghi thức này, dù lớn tuổi vẫn bị xem là người chưa trưởng thành.

Lễ cưa răng thường được người Cơ tu tiến hành vào lúc nông nhàn. Nghi lễ được tiến hành ở đầu nguồn con suối Ma Coong, nơi có thác Ke đổ xuống. Theo tập tục thì cưa răng phải cân đối giữa hàm trên, hàm dưới. Khi công việc cưa răng kết thúc, 3 người chủ trì dùng lá đót nhét đầy vào ống tre đựng máu, đặt lên một tảng đá gần đó, nếu ống tre bị ngã trong khi đặt thì người bị cưa răng sẽ gặp điều chẳng lành. Đó là sự báo hiệu của các thế lực hung ác đang đe dọa các đối tượng bị cưa răng. Do vậy, người này phải thực hiện việc cúng tế ngay sau đó.

Gươl là nơi mà các thanh niên sau khi cưa răng được đưa về ở khoảng 3 đêm, được người thân chăm sóc. Hơn nữa, để chứng tỏ sự trưởng thành thì người thanh niên phải ra suối bắt một con cá có tên là ha liêng bằng tay. Cũng trong thời gian sau cưa răng, họ không được tắm rửa, lúc ăn phải dùng tay bốc, kiêng kỵ những thức ăn như: gạo nếp, thịt trâu, thịt bò…

Ngoài lễ cưa răng, sự trưởng thành của một thành viên trong vêêl còn được đánh dấu bằng lễ căng tai. Đây là nghi lễ rất phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên ở mỗi tộc người, phong tục này lại mang ý nghĩa khác nhau. Lễ căng tai được thực hiện cho cả nam, nữ. Đây là hình thức thẩm mỹ, làm duyên, làm đẹp cho cơ thể trong độ tuổi trưởng thành. Nghi lễ này còn thể hiện sự giàu có của một số cá nhân, gia đình, dòng tộc. Các đồ vật thường dùng xâu vào tai là hạt cây tà vạt, tà dil. Thông thường sau những nghi thức này, người Cơ tu làm lễ ăn mừng với quy mô nhỏ mang tính chất gia đình là chủ yếu.

 Với người Cơ tu, đây là những nghi lễ có ý nghĩa xã hội, tôn giáo, thẩm mỹ… Sau lễ này, cá nhân đó mới chính thức được cộng đồng công nhận là thành viên của vêêl, với quyền lợi được xác lập các mối quan hệ kinh tế, hôn nhân, đồng thời có nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm đối với làng mà họ đang sinh sống.

Nghi lễ cưới xin

Việc dựng vợ, gả chồng cho con cái được xem là cột mốc hệ trọng đánh dấu sự trưởng thành của đôi thanh niên nam nữ, khẳng định xã hội đã thừa nhận tình yêu của họ, đi đến cuộc sống hôn nhân một cách chính thức trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè thân hữu.

Đối với người Cơ tu, các nghi lễ, nghi thức trong hôn nhân chứa đựng nhiều quan niệm, phong tục, tập quán, thể hiện sự tinh tế, độc đáo suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm của dân tộc ít người này.

Lễ ăn hỏi

Sau khi được người làm mối của hai bên gặp gỡ, bàn bạc, hai bên gia đình sẽ tiến hành lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi là nghi lễ mở đầu cho một giai đoạn quan hệ mới của đôi trai gái cũng như giữa hai gia đình, dòng họ, đánh dấu sự gặp gỡ chính thức của hai bên. Nếu nhà gái nhận lễ vật tức là đồng ý. Về mặt phong tục hay luật tục, đôi trai gái được thừa nhận là vợ chồng nhưng vẫn chưa được phép quan hệ chăn gối với nhau.

Trong trường hợp hôn nhân con cô con cậu thì gia đình nhà trai phải làm một lễ cho nhà gái gọi là píc plô với ý nghĩa nhà trai đã đưa hết phần của mà gia đình mình hứa trong cuộc hôn nhân trước, dân làng mở hội liên hoan, tổ chức ăn uống linh đình, làm kiệu rước người bố vợ. Hôn nhân con cô con cậu, nếu đứng về phía đàn ông mà nói, thì đó là việc kết hôn với con gái của bác trai bên ngoại hoặc cậu, cũng có thể là con gái của bác gái bên nội hoặc cô. Sự tồn tại của hôn nhân con cô, con cậu đòi hỏi những đứa con trai của anh, em trai từ thế hệ này sang thế hệ khác phải cưới các con gái của chị, em gái làm vợ, còn những người con gái của anh, em trai từ thế hệ trước qua thế hệ sau phải lấy con trai của chị, em gái làm chồng. Kiểu kết hôn này phù hợp với tổ chức lưỡng hợp 2 thị tộc.

Lễ cưới

Sau lễ ăn hỏi một thời gian, lễ cưới được tiến hành, khi đã được các taha, đhờ nưng tôn kính ấn định. Theo những gì đã hứa hẹn lần trước, nhà trai phải chuẩn bị một số thực phẩm để mang đến nhà gái rồi ở lại. Thông thường nhà trai ở lại nhà gái 2 đêm. Điều quan trọng là của cải nhà trai mang tới phải là những con vật 4 chân (trâu, lợn, dê,…), vì theo quan niệm của người Cơ tu, đó là những con vật đàn ông đảm nhiệm, đi săn bắn hoặc lấy từ vùng khác về.

Với người Cơ tu, trong hôn nhân thường quy định bởi một số luật tục như: sau lễ hiến tế, nhà trai phải tặng nhà gái vũ khí đã giết con vật đó (mác, lao, dao), những vật dụng đựng máu của nó. Khi nhà gái tới, nhà trai phải đặt một chậu đựng nước ở cửa ra vào để cho nhà gái rửa tay, chân. Khi ra về, nhà gái lấy luôn cái chậu đựng nước đó. Nhà trai không được mang rượu đến nhà gái, trong lúc ăn nhà trai không được đụng tới các loài vật mà nhà mình mang tới. Sau khi thực hiện đủ các quy định, cũng là lúc trên phương diện xã hội, đôi nam nữ này được gọi là vợ chồng, người con gái có thể về nhà trai, nếu khác làng thì sau một thời gian, mẹ cô gái sẽ dắt cô con gái tới nhà trai. Điều đặc biệt là trước khi trở thành vợ chồng, người Cơ tu thường làm một lễ nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, đó là lễ pa zum (có thể hiểu là lễ ăn chung, làm chung, ngủ chung). Kể từ khi lễ pa zum diễn ra sau 6 ngày, người con gái về nhà mẹ đẻ mang theo một cái rựa hoặc rìu để thực hiện nghi thức zibu.

Trước kia, người Cơ tu thường quy định, khi đôi vợ chồng trẻ lấy nhau được 1 - 2 năm còn phải thực hiện một số nghi lễ để cảm tạ bà con dân làng, người thân. Lễ tắp blo, prơ pơ lăng được xem là lễ quan trọng thể hiện sự tri ân của đôi nam nữ, gia đình đối với bà con dân làng, thông thường lễ này diễn ra từ 5 - 6 ngày (hiện nay chỉ diễn ra trong 2 ngày). Lễ tắp blo có sự tham gia đầy đủ của người thân trong gia đình cùng vêêl. Đầu tiên là lễ cúng sống, nghi lễ được thực hiện cùng với tiếng trống, chiêng, những lễ vật được bày trên bàn thờ gồm: gạo, rượu, gà…để rước các thần linh tổ tiên về tham dự. Cùng với lễ cúng sốnglễ cúng chín. Khi thịt lợn, gà được luộc chín bày lên 2 mâm (mâm nhà gái gồm có xôi, gà, rượu; mâm nhà trai gồm thịt, gan, lòng lợn, cơm) cùng với tiếng chiêng, trống lại rộn lên mời gọi các thần về dự. Trong trường hợp con trai của cô lấy con gái của cậu thì sau lễ tắp blo, nhà trai phải làm lễ trơ ping cơ lưng, lễ trên đường. Đây là lễ tạ ơn những người đã mách nước cho cô gái đó cho gia đình mình, lễ vật thường là một con lợn nhỏ. Ngoài ra, sau khi cưới, người Cơ tu còn tổ chức cảm ơn người mai mối cho đôi nam nữ nên vợ, thành chồng, trả ơn bố mẹ vợ, để đáp lại nghi lễ này, bên nhà vợ cũng tổ chức lễ gùi rượu với các lễ vật như gà, cá, xôi, rượu để đãi nhà trai. Nghi lễ cuối cùng của người con rể sau hôn nhân lễ hết sữa. Sau những nghi lễ này, đôi nam nữ mới thấy an tâm, thoải mái vì đã thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với hai bên gia đình.

Nghi lễ tang ma

Quan niệm về cái chết

Việc tiễn đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng là giai đoạn cuối cùng của vòng đời người. Họ quan niệm, sống sao chết vậy, chết không có nghĩa là hết, mà sống ở thế giới khác. Điều này được phản ánh trong các nghi thức tang ma, những quy định cấm kỵ, sự phân biệt đối với cái chết bình thường, cái chết không bình thường.

Trong đời sống của người Cơ tu, sự sống, cái chết luôn tồn tại song song với nhau. Với họ, linh hồn luôn luôn gắn bó với nhau giữa cõi sống, cõi chết.

Họ thường phân chia cái chết thành 2 loại: chết xấu, chết bình thường.

Đối với cái chết xấu

Nếu trong làng có người chết xấu, những điều điêng sẽ được áp dụng đối với thành viên trong, ngoài làng. Khi đó tất cả các hướng đi vào làng đều được cắm các cây chơ rông với dấu hiệu là cấm người lạ vào làng.

Đối với những cái chết xấu, dân làng thường phải rời nhà, bỏ rẫy, bỏ làng, trốn khỏi nơi xảy ra cái chết. Xác chết phải chôn thật sâu vào các góc tối của rừng, đất phải thật nặng để nước xấu ở đó không thoát ra ngoài được. Tượng phải đặt ở trước cửa nhà mới, trên những con đường mòn quen thuộc để làm cho chúng sợ, đẩy chúng tận vào sào huyệt. Những cái chết như: đuối nước, thai ngén, tai nạn, thắt cổ tự tử… được xem là cái chết xấu. Trước kia, gia đình có người chết xấu phải tổ chức cúng bái để đuổi tà ma, trong thời gian 6 ngày đêm, gia đình đó không được đi ra khỏi nhà. Ngày nay đã rút ngắn còn 3 ngày đêm.

Khi gia đình nào có người chết xấu thường không ăn, không ngủ, khóa kín cửa vì sợ ma. Không chỉ vậy, họ còn lấy cây xương rồng giăng xung quanh nhà. Người Cơ tu quan niệm, xương rồng là loại cây có thể ngăn được con ma xấu vào nhà làm hại người trong gia đình. Trước khi đi chôn những người chết xấu, người ta thường cắt đầu con cá lóc, lấy máu bôi lên những người tham gia. Họ quan niệm, cá lóc là loài khỏe mạnh, có mùi rất tanh có thể trừ được các tà ma. Trong lễ cúng rừng của người Cơ tu, loài cá này cũng là lễ vật quan trọng được sử dụng.

 Lễ cúng ma xấu được tổ chức tại 2 địa điểm (nơi họ đập phá nhà cửa chuyển đi, nơi họ vừa chuyển tới). Lễ vật cúng tế là con heo hoặc con chó, cúng làm 4 lần (2 lần đầu, họ cúng khoanh vùng khu đất vừa chuyển đến; các lần còn lại, họ cúng nếu ai vào khu vực này sẽ chịu hậu quả).

Đối với cái chết bình thường

Những cái chết mà người Cơ tu cho là bình thường như: chết vì tuổi già, ốm đau, bệnh tật… hay nói cách khác, đó là những cái chết không đau đớn, không có máu, chết trong sự chứng kiến của dân làng. Đối với người chết thường, quan tài không được lấp, trên nắp để những thức ăn, đồ dùng mà người đã khuất thích khi còn sống. Quan tài nằm lộ ra ngoài không khí để cho linh hồn thoát ra, trở về với gia đình.

Đối với một cái chết bình thường, các nghi lễ thường kéo dài nhiều ngày, tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình. Cái chết của người thân được gia chủ báo hiệu bằng việc đánh một hồi chiêng, trống. Họ thường giết một con gà để lấy máu, báo cho các thế lực thần linh về sự ra đi của nó. Takoh vêêl là người chủ trì mọi công việc mai táng. Những ngày đầu là nghi thức đánh trống nuôi hồn người chết, trong mâm thức ăn chủ yếu là gan, lòng, trứng, cơm…, thường không luộc chín để phân biệt với thức ăn của người sống. Thi thể người chết được vệ sinh cẩn thận, người Cơ tu lấy cây đót/lách quét qua quét lại trong lòng quan tài, với ngụ ý xua đuổi rơ vai ca moách ra ngoài. Quan tài của người chết thường làm bằng gỗ kiền - một loại gỗ tốt, quý hiếm.

Trong đám tang, người Cơ tu khóc thương người chết bằng nhiều hình thức. Điệu ca lâu thì dành cho phụ nữ, điệu ca lênh thì dành cho đàn ông. Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, người chết được đưa ra nghĩa địa. Quan tài được chôn rất cạn, theo quy tắc đầu quay về phía tây, với ngụ ý sau khi làm mở cửa mả, rơ vai ca moách lại trở về nhà. Quanh ngôi mộ, họ trồng một số cây lương thực (lúa, ngô, sắn…) với ngụ ý làm nguồn lương thực cho người chết. Đối với người chết là phụ nữ, một số đồ dùng trong sinh hoạt (gùi, cuốc…), đối với người chết là đàn ông, một số đồ như rìu, rựa, mũi lao... được đặt lên mộ. Hơn thế nữa, trong đám tang người Cơ tu không thể thiếu ché. Vật dụng này được chôn theo người chết theo tục chia cho người chết. Khi đó ché phải bị đục thủng ở đáy, gọi là giết cái ché để chôn quanh nhà mồ.

Lễ mở cửa mả

Sau lễ đaaang đác, rơ vai ca moách trở về nhà sống cùng những người thân, chờ ngày làm lễ mở cửa mả. Trong chu kỳ đời người, lễ mở cửa mả là nghi lễ không thể thiếu, đây chính là mắt xích kết nối, quan hệ giữa người sống, người chết. Đây cũng xem là lễ tiễn đưa cuối cùng dành cho người chết. Lễ bỏ mả thường diễn ra sau thời gian khoảng 1 - 2 năm. Khi đó người thân, bạn bè đọc những kinh cầu nguyện, cùng với tiếng cồng, chiêng để nâng quan tài ra khỏi hố, sau đó đặt sâu trong các quan tài của tổ tiên hoặc ngang mặt đất. Khi quan tài đã đặt xong, người ta tưới rượu để linh hồn người chết vui chơi cùng tổ tiên, từ nay linh hồn người chết sẽ sống cùng gia đình.

Người Cơ tu quan niệm, lễ mở cửa mả không chỉ là nghi lễ dành cho người chết, mà còn mang ý nghĩa cầu mùa cho cả bản làng, gia đình. Mặt khác, nghi lễ cũng là tâm niệm của người Cơ tu cầu mong làm giảm cơn tức giận của thần linh, giải tỏa tâm lý sợ hãi, nặng nề trước nỗi ám ảnh của cái chết, đồng thời mang lại sự bình yên cho cuộc sống.

Lễ mở cửa mả được tiến hành từ 5 - 6 ngày liên tục, lễ vật thường là trâu. Nghi lễ đâm trâu trong lễ mở cửa mả của người Cơ tu phải tuân thủ nguyên tắc trước khi giết trâu, họ thường khóc trâu, thường là con rể sẽ có động tác đâm giả vờ qua lưng trâu. Nghi thức này xuất phát từ quan niệm, nếu cùng dòng họ đâm trâu sẽ có nguy cơ làm hại người thân. Khi trâu chết họ bỏ xôi, rượu, những tấm khố, váy áo đẹp nhất lên mình trâu để xin thần linh ban cho cuộc sống yên bình, mùa màng tươi tốt, an ủi, chia phần của cải cho trâu khi về thế giới bên kia.

Trong lễ mở cửa mả không thể thiếu nghệ thuật tạo hình. Nó được thể hiện rõ nét trên quan tài nhỏ, trên nóc, bốn góc xung quanh, các cột. Ở đó sẽ xuất hiện tượng người phụ nữ đang múa, người đàn ông thổi kèn, đánh trống... Ngoài ra, còn có hoa văn như mặt trời, mặt trăng, các hoa atút, cá, gà, chim… Tất cả đều thể hiện một tư duy lưỡng hợp mang tính hài hòa. Những điệu hát ca lênh, vũ điệu padil yơ yã cũng không thể thiếu trong lễ têng ping. Khi kết thúc mọi việc, người Cơ tu thường đặt quan tài theo hướng nam - bắc, hướng mà họ cho rằng linh hồn con người được siêu thoát, được tự do, sống cùng với tổ tiên.

Có thể nói, lễ têng ping là nghi lễ quan trọng trong các nghi lễ chu kỳ vòng đời người. Nó thể hiện rõ nét nhân sinh quan, thế giới quan của người Cơ tu. Giai đoạn chuyển tiếp này, vừa để cuộc chia ly được kéo dài cho vơi bớt niềm thương nhớ, cũng như người sống sẽ được hồn thiêng che chở trước khi đoạn tuyệt mọi mối quan hệ. Có thể xem đây là một quy luật, là đạo lý của người sống, là niềm an tâm của người sống nghĩ về người đã khuất.

               

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : NGUYỄN VĂN DŨNG

;