NGHI LỄ VÀ KIÊNG KỴ TRONG SINH ĐẺ TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ ĐEN HUYỆN BÁT XÁT, TỈNH LÀO CAI

Theo kết quả Tổng điều tra dân số, nhà ở năm 2009, dân tộc Hà Nhì có khoảng 21.725 người. Địa bàn cư trú của họ là dọc biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, thuộc 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên. Căn cứ vào trang phục, phương ngữ, địa bàn cư trú, các nhà dân tộc học Việt Nam chia người Hà Nhì thành hai nhóm: Hà Nhì Đen và Hà Nhì Hoa (1). Cho đến nay, người Hà Nhì vẫn còn duy trì các sắc thái văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: ngôn ngữ, trang phục, nhà cửa, các nghi lễ trong chu kỳ đời người, gia đình và cộng đồng, trong đó có sinh đẻ. Các công trình nghiên cứu thời gian qua đã cho chúng ta những nhận biết chung nhất về người Hà Nhì và giới thiệu sơ lược một số nghi lễ truyền thống của tộc người này. Bài viết này tập trung đề cập đến các nghi lễ, kiêng kỵ trong sinh đẻ truyền thống của nhóm Hà Nhì Đen, trên cơ sở tư liệu tại xã Trịnh Tường và Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

1. Quan niệm về sinh đẻ và con cái

Sinh đẻ là một trong những thiên chức của người phụ nữ, là điều mỗi cặp vợ chồng đều mong muốn. Điều đó không chỉ thỏa mãn nhu cầu làm cha, làm mẹ, mà con cái chính là sợi dây gắn kết tình cảm của các cuộc hôn nhân. Với gia đình, việc sinh đẻ không những đánh dấu sự ra đời của một con người mà còn giúp tăng thêm sức mạnh, nguồn lực lao động trong tương lai, duy trì và phát triển giống nòi. Đứa con đầu lòng chào đời đánh dấu sự hình thành đầy đủ của một gia đình. Người Hà Nhì quan niệm rằng nhiều con thì nhiều phúc, nếu một cặp vợ chồng không có con thì bị cho là kiếp trước ăn ở không tốt nên kiếp này phải chịu sự trừng phạt của thần linh, tổ tiên. Vì vậy, nếu kết hôn một thời gian tương đối dài mà không có con, thì các cặp vợ chồng này thường sắm lễ đến xin phúc của mọi người trong thôn bản, làm lễ dựng cầu để thần linh, tổ tiên mang đứa trẻ về cho gia đình, hoặc xin nhận con nuôi. Đứa trẻ được nhận nuôi có thể là người Hà Nhì hoặc người dân tộc khác.

Người Hà Nhì có tập quán trọng nam khinh nữ nên thường sinh nở đến khi nào có được con trai mới thôi. Nếu vợ đẻ nhiều mà vẫn chỉ toàn con gái thì người chồng đó sẽ bỏ để lấy vợ khác, vì với người Hà Nhì, chỉ có con trai mới được tham gia và thực hành nghi lễ của gia đình, cộng đồng.

2. Những nghi lễ, kiêng kỵ trước và trong thời kỳ mang thai

Nghi lễ xin thụ thai

Người Hà Nhì thường tiến hành nghi lễ này cho những cặp vợ chồng kết hôn 2-3 năm mà vẫn chưa có con. Họ cho rằng, vợ chồng không có con là do thần linh trách phạt vì kiếp trước ăn ở không tốt. Vì vậy, vợ chồng phải làm lễ xin thần linh, xin phúc của mọi người thì mới mong có con.

Người Hà Nhì Đen ở Bát Xát có 2 cách để xin thụ thai. Cách thứ nhất là xin phúc của những người trong thôn bản. Vào tháng 2, người Hà Nhì tổ chức nghi lễ cúng rừng cấm gạ ma gio. Sang ngày thứ 2, các gia đình tập trung tại nhà ông thày cúng gạ ma guy để làm lễ rứ dù dù cầu xin thần linh cho các đôi vợ chồng trong thôn bản được hạnh phúc. Lễ này có rất nhiều trẻ con tham dự, chúng đến chào và được người lớn chia đồ ăn. Trong ngày này, gia đình nào chưa có con thì sắm một lễ nhỏ đến nhà ông thày cúng để xin lời chúc phúc từ mọi người. Khi đi, họ mang theo lễ gồm một đội xôi có trứng bên trong, một con gà luộc. Khi đến xin một chút thức ăn của những người có mặt tại buổi lễ đó, sau khi nhận được lời chúc phúc, hai vợ chồng mang chỗ thức ăn đó về nhà vào buồng riêng để ăn không được cho ai biết. Mỗi cặp vợ chồng hiếm muộn chỉ được phép đến lễ rứ dù dù xin con một lần duy nhất, tuy nhiên không phải ai đến xin cũng có thai như mong muốn.

Cách thứ hai là đi gặp thày để làm lễ dựng cầu. Theo quan niệm của người Hà Nhì, con cái là từ đường trên trời xuống trần gian, nếu gặp vực thẳm thì sẽ không qua được, do đó, muốn có con phải làm cầu để cho chúng đi xuống với mình. Lễ vật dựng cầu gồm có: một bát gạo, một quả trứng, một que hương, ít tiền âm phủ. Họ phải nhờ thày cúng biết lên đồng làm chủ lễ vì chỉ những người này mới có khả năng thần giao cách cảm với thần linh, như vậy nghi lễ mới linh nghiệm. Khi nhập đồng, thày sẽ hỏi thích con trai hay con gái. Sau khi trả lời, thày sẽ nói: “để thày bế về cho”. Bát gạo và quả trứng là để sử dụng cho chặng đường đưa bé đi từ trên trời xuống, tiền âm phủ để phân phát cho những người đứa trẻ bắt gặp trên đường, còn que hương như nguồn sáng để đứa bé đó biết hướng đi về với bố mẹ. Trường hợp cúng đã lâu mà vẫn chưa có con, họ sẽ cho rằng là do không có duyên với thày, và sẽ đi tìm thày khác làm lễ. Sau khi nhờ thày làm nghi lễ bắc cầu mà có con, bố mẹ sẽ chờ đứa trẻ được một tuổi rồi đưa con đến thăm và mang theo một đôi gà trống mái, một chai rượu để cảm ơn thày.

Người Hà Nhì chỉ nhận con nuôi trong trường hợp gia đình đã làm đủ mọi cách nhưng vẫn không có con, hoặc đã sinh nhiều lần nhưng không nuôi được. Đứa trẻ được nhận nuôi cũng đặt tên như một đứa trẻ mới sinh bình thường và yêu quý như con đẻ.

Những kiêng kỵ khi mang thai

Với người Hà Nhì Đen ở Bát Xát, phụ nữ khi mang thai thường kiêng kỵ nhiều thứ. Để tránh đẻ non, người ta không cho thai phụ uống bất cứ loại thuốc gì, kể cả thuốc dân gian. Thai phụ không được bước qua hố, rãnh vì dễ bị sảy thai. Khi mang thai không được trèo lên cây có quả, bởi vì cây có quả cũng như người đang mang bầu, nếu hồn vía mình mạnh hơn thì cây đó năm sau sẽ không ra quả nữa, ngược lại, nếu hồn vía mình yếu hơn thì sẽ bị đẻ non. Người có thai không được bước qua dây thừng trâu vì sợ chửa trâu và sau này khó đẻ. Về ăn uống, phụ nữ Hà Nhì khi mang thai vẫn được ăn gừng nhưng không được mang gừng bên mình vì sợ sau này con cái tay chân sẽ nhiều ngón như những nhánh gừng; không được bắt, đánh rắn vì sợ khi sinh ra con sẽ hay thè lưỡi giống rắn; không được bắt và ăn cua vì sau này sinh ra con cái sẽ hay bị chảy dãi ra hai bên mép như cua;… Đối với người chồng, khi vợ mang thai, để tránh khó đẻ không được có những hành động mang tính chèn ép hay đè nén như: chôn cột, làm cối giã gạo, khiêng quan tài trên vai,…

Khi mang thai, cả hai vợ chồng không được vào nhà có người mới sinh. Trường hợp người mới sinh là anh em họ hàng thân thích buộc phải đến thì phải đợi đến khi đứa trẻ được 12 ngày mới vào thăm. Nếu trong dòng họ có người chết, phụ nữ mang thai có thể sang viếng nhưng không được đưa, người chồng không được khiêng quan tài vì đứa trẻ sau này sẽ không gặp được nhiều may mắn.

Những hành động kiêng kỵ của thai phụ và người thân trong gia đình, nhất là người chồng, không liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến bệnh tật hay sức khỏe của bà mẹ và đứa trẻ sau này, mà thực chất là bắt chước một cách tự nhiên vì lo sợ đứa trẻ trong bụng mẹ sẽ bị tác động bởi những hành động hiện tại của mình.

Người Hà Nhì Đen có cách để nhận biết đứa trẻ trong bụng mẹ là con trai hay con gái như: nếu đứa trẻ đạp nhiều bên trái là con trai, đạp nhiều bên phải là con gái; nhìn vào gương mặt của đứa trẻ vừa sinh ra để nhận biết đứa em kế tiếp sẽ là trai hay gái, nếu trên ở sống mũi có vệt màu xanh thì đứa trẻ kế tiếp là con trai còn không có vệt màu xanh thì đứa tiếp sau sẽ là gái.

3. Nghi lễ và kiêng kỵ khi sinh đẻ

Phụ nữ Hà Nhì đẻ đứng hoặc đẻ ngồi ngay trong buồng ngủ của hai vợ chồng, phía trên có buộc dây để vịn lấy sức rặn đẻ. Người Hà Nhì không có bà đỡ riêng, mà sản phụ được những người có tuổi nhiều kinh nghiệm giúp đỡ đẻ, có thể là chị gái, chị dâu, mẹ đẻ hoặc mẹ chồng, gọi chung là bà đỡ - à nhi chỉ ty mù. Khi người vợ bắt đầu trở dạ, người chồng thường phải tránh mặt, đi ra ngoài hoặc sang nhà khác, vì sợ ở nhà những người đỡ đẻ sẽ ngại không dám nói những kinh nghiệm sinh nở với người vợ một cách thoải mái. Gia đình chuẩn bị những vật dụng cần thiết như: một chút thức ăn, chậu, khăn,… Khi trở dạ, thai phụ sẽ bám vào sợi dây và thực hiện thiên chức của mình. Trường hợp người vợ trở dạ ngay trên nương hoặc những nơi không có ai thì người chồng sẽ là bà đỡ tại chỗ và cắt rốn cho đứa trẻ bằng que vầu, sau đó đưa về nhà.

 Trường hợp chửa hoang bị phạt rất nặng, lễ vật phạt vạ là lợn tạ, gà nhiều, lợn lắm, vì người Hà Nhì coi đó là việc bẩn thỉu, xấu xa có thể gây hại cho dân bản. Đến ngày sinh, không được đẻ trong thôn bản mà phải đẻ ngoài rừng, hoặc những nơi không thuộc đất của thôn bản. Đứa trẻ sinh ra, sau này lớn lên sẽ không được tham gia các sinh hoạt thờ cúng chung của cộng đồng.

Phụ nữ Hà Nhì ít gặp trường hợp khó sinh vì khi có thai họ vẫn phải làm mọi việc trong gia đình, vận động nhiều nên sinh nở khá dễ dàng. Nếu gặp trường hợp khó sinh thì người Hà Nhì sẽ làm nhiều cách để chữa. Họ thường lấy một ống tre đựng đầy nước rồi đập cho nước bắn tung tóe ra ngoài; lấy dây đay đun lấy nước cho sản phụ uống; trong nhà có bao nhiêu cửa tủ, cửa hòm thì bà đỡ sẽ cho mở hết ra; cạo móng chân, móng tay của những người lớn tuổi trong gia đình pha với nước cho sản phụ uống; người mẹ ngồi hướng về phía bàn thờ vái lạy thần linh, tổ tiên xin cho dễ đẻ. Ngoài ra, còn có cách khác là lấy một loại lá thuốc của người Hà Nhì đun lên cho sản phụ uống. Mỗi khi làm như vậy, gia đình không phải dâng lễ vật gì mà chỉ thầm khấn thần linh, tổ tiên, xin tha thứ cho sản phụ những điều sai sót, cầu xin hạ sinh em bé an toàn. Ngoài những hình thức ma thuật bắt chước như trên, người Hà Nhì còn dùng phương pháp sa man như bói tìm nguyên nhân vì sao lại khó đẻ để cúng dâng lễ vật cho thần linh. Với mỗi hình thức thì gia đình đều có một đoạn cúng đơn giản là xin thần linh, xin bà mụ cho đứa trẻ sinh ra được mạnh khỏe, lành lặn.

4. Nghi lễ và kiêng kỵ sau khi sinh

Sau khi sinh, người Hà Nhì Đen ở Bát Xát có tục làm dấu trước nhà để báo cho mọi người biết trong nhà có tin mừng, đó cũng là dấu hiệu không cho người lạ vào nhà trong vòng 12 ngày. Nếu là bé trai, gia đình sẽ để cây cọc có treo cái nón hoặc cành mâm xôi bên trái cửa ra vào, nếu sinh con gái thì treo bên phải. Trong thời gian kiêng kỵ, đứa bé chưa được đặt tên chính thức, ai đó vô tình vào nhà sản phụ thì gia đình sẽ qua nhà người khách đó xin một ít muối, một ít cơm và một qua trứng về cho sản phụ ăn. Nếu người khách đó ở xa thì cho em bé một ít tiền để gia đình tự mua về làm lễ.

Nhau thai được mọi người xem như một phần của cơ thể đứa trẻ, có liên quan đến sức khỏe của bé, nên được chôn rất cẩn thận ở chân cột cạnh bếp lò phía sau bức tường thứ hai. Nhau thai được cho vào một ống tre chôn ở hố sâu 20-50cm, phía dưới có rải một lớp tro bếp. Sau này khi rốn đứa bé rụng cũng được đem chôn vào hố này. Hàng ngày, gia đình đều dội nước sôi vào hố đó để nhau thai không bị thối và diệt kiến, mối cho đến khi nhau thai tiêu hết thì thôi. Xung quanh hố được cắm những nan tre đều khít, với mong muốn sau này đứa trẻ sẽ có hàm răng đẹp và đều như thế.

Trẻ em Hà Nhì sau khi sinh phải ở trong nhà 12 ngày, không đi ra ngoài, và gia đình cũng làm dấu không cho người lạ vào nhà. Sau 12 ngày, người mẹ sẽ làm lễ cho con ra ngoài trời. Sau khi cúng tổ tiên, người mẹ sẽ làm những hành động tượng trưng thể hiện sự phân công lao động theo giới tính. Nếu là con trai thì cầm dao đi phát nương, nếu là con gái thì địu con đi lấy củi quanh bản.

Sản phụ sau khi sinh sẽ được ăn một quả trứng gà, sau đó mới ăn những thứ khác. Trong thời gian ở cữ, để đảm bảo đủ sữa cho con bú và bảo vệ sức khỏe, sản phụ thường phải kiêng kỵ nhiều thứ. Theo kinh nghiệm dân gian của người Hà Nhì, để không ảnh hưởng tới việc ra sữa cho con, người mẹ phải kiêng ăn: thịt nai đực, thịt lợn nái già, thịt gà bị cáo tha, thịt lợn hay thịt bò bị hổ vồ,… Thức ăn cho sản phụ chủ yếu là luộc vì cho rằng những món thịt nướng hay xào có mỡ làm cho người mẹ ít sữa. Người mẹ cũng không được ăn các loại cá bống, cá hoa, cá có vây… các loại rau đắng, rau cải, nấm… mà chỉ được ăn cơm nếp, thịt gà, bí đỏ, các loại đỗ, gừng, thảo quả,…

Trong trường hợp sinh đôi cùng con trai hoặc cùng con gái thì gia đình sẽ nuôi bình thường, nhưng nếu sinh đôi một trai, một gái thì người ta coi đó là không may mắn cho cả thôn, phải cho họ hàng nuôi một đứa. Hiện tượng này xuất phát từ quan niệm cho rằng do hai đứa trẻ này sinh cùng một bào thai nên sau này dễ nảy sinh tình cảm với nhau, phải tách ra không thể ở cùng nhà.

Nghi lễ đặt tên (gu hè đu)

Người Hà Nhì Đen ở Bát Xát làm lễ ăn mừng và đặt tên cho trẻ ngay khi vừa sinh xong, chỉ có phụ nữ mới được tham gia. Do quan niệm con người sinh ra một ngày không thể không có tên nên ngay sau khi đứa bé chào đời, gia đình sẽ mổ gà trống, mời người già ăn cơm và đặt tên luôn trong mâm cơm. Nhưng đây chưa phải là tên chính của đứa trẻ nên lúc này cái tên có thể chính là ngày sinh, nơi sinh hay giới tính của trẻ. Tên của đứa bé không được trùng với tên của những đứa trẻ đã chết trong gia đình.

Sau 12 ngày, lễ đặt tên chính thức cho em bé được thực hiện. Trong nghi lễ này, gia đình sẽ chuẩn bị lễ vật gồm: một con gà trống, cơm, xôi, quả trứng gà. Trước tiên, gia đình sẽ dâng con gà trống để cúng tổ tiên, trình báo với tổ tiên là có thêm một thành viên mới, nay xin được làm lễ, xin đặt tên chính thức cho con và cầu mong tổ tiên che chở, bảo vệ cho đứa trẻ này. Sau đó, người mẹ địu con đi cùng một đứa trẻ mang theo lễ vật là hai nắm cơm nếp và một quả trứng ra cúng ở nguồn nước chung của thôn bản, cúng xong để lại một ít lễ vật ở nguồn nước, số còn lại đem chia cho trẻ con. Sản phụ mang một xô nước từ nguồn nước chung này về nhà đun nấu cho cả nhà dùng. Đây là việc làm đầu tiên của sản phụ sau khi sinh. Người Hà Nhì đặt tên con theo nguyên tắc phụ tử liên danh, nghĩa là tên đầy đủ của đứa bé sẽ là: họ+tên bố+tên riêng của con. Đây là đặc điểm rất riêng của nhóm Hà Nhì Đen.

Lễ cúng gọi hồn (xu la khu)

Người Hà Nhì quan niệm, hồn của trẻ còn rất yếu, ham chơi nên rất dễ bị đi lạc, không biết đường về nhà, trẻ con thì hay nghịch ngợm nên dễ bị mắc lỗi với thần linh, đôi khi bị quở phạt, nên rất hay bị ốm đau hoặc khóc quấy.

Khi đứa trẻ bị ốm đau, gia đình mời thày cúng về để cúng những người đã khuất trong gia đình và xem bói để tìm nguyên nhân. Lễ vật cúng là một con gà trống, một bát nước gừng. Sau đó họ vái lạy tổ tiên, nếu là người trong gia đình đã khuất thì xin ông bà cứ trở về nhà của ông bà, gia đình chúng con sẽ lo cho con cháu ở trần gian.

Khi đứa trẻ được bế ra ngoài chơi về nhà quấy khóc họ cho là bị ma đói nhập vào, phải làm lễ cúng cho ma đói ăn, gọi là khô lề de ha. Lễ cúng có một ít cơm, một sợi chỉ đỏ (để ma đói sẽ tự may quần áo cho mình), một ít mỡ và muối. Tất cả đồ ăn được cho vào một cái gáo, xoay trên đầu đứa trẻ mấy vòng, vừa cúng vừa nói: “đói thì đã có đồ ăn rồi, ma về ma ăn xong thì đi đừng quấy đứa trẻ nữa”.

Trường hợp xác định hồn trẻ con đã bị lạc đâu đó không thể tự về nhà thì gia đình sẽ làm lễ gọi hồn về - xu la khu phụ. Thày cúng cầm một vật thường dùng như: mũ, áo, khăn đội đầu, vòng tay,… của đứa bé gọi hồn về nhập vào. Lễ vật dâng cho hồn là một gáo nước, một bát cơm xôi, một quả trứng, một bát nước, một nén hương. Thày cúng bắt đầu gọi hồn từ máng nước đầu thôn hoặc ngay ngoài sân. Thày gọi tên đứa trẻ liên tục 3 lần và nói: “về đi, về cho uống nước, cho ăn cơm xôi, ăn cơm với trứng, tất cả đã bầy mâm sẵn ở nhà rồi, về đi”. Khi đó, hồn đang bị lạc hay đang chơi lang thang ở đâu đó xung quanh sẽ quay trở về nhập vào trong các vật dụng thày đang cầm trên tay. Thày cúng đưa hồn về sân, qua cửa vào nhà và hỏi thật lớn: má gu la? (đã về chưa), mọi người ngồi trong nhà cùng trả lời: gụ la nơ mừ thế pô gụ lá! (về trước rồi), có nghĩa là hồn đã về ăn, nhận đủ lễ vật, giờ trở lại với thân thể của mình rồi. Sau đó gia đình cho đứa trẻ ăn một ít đồ lễ nói trên.

Nghiên cứu thực tế cho thấy các nghi lễ và kiêng kỵ trong sinh đẻ của người Hà Nhì Đen đã thay đổi. Trước kia, ở miền núi nói chung và ở vùng người Hà Nhì nói riêng, không có bệnh viện, trạm xá, nhà hộ sinh, nên việc sinh đẻ đều do các gia đình tự lo liệu. Trải qua nhiều thế hệ, những kinh nghiệm dân gian trong bảo vệ và chăm sóc trẻ sơ sinh cũng như sản phụ cứ thế truyền lại rồi đúc rút thành kinh nghiệm mới vào vốn kiến thức y học dân gian. Khi người phụ nữ Hà Nhì mang thai, vấn đề chủ yếu là kiêng khem để giải quyết những mối lo lắng thường gặp như: đẻ non, khó đẻ đối với sản phụ và bệnh tật, dị dạng đối với con cái. Theo quan niệm dân gian, những hành động của đôi vợ chồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái sau này.

Ngày nay, hệ thống y tế cơ sở có đến tận thôn bản, hoạt động tuyên truyền về an toàn vệ sinh y tế, sinh đẻ được quan tâm đúng mức, chăm sóc thai nhi và trẻ nhỏ không hoàn toàn dựa vào những kinh nghiệm dân gian. Đồng thời, việc tuyên truyền về sức khỏe sinh sản đã làm thay đổi nhận thức của người dân về việc sử dụng dịch vụ y tế, đến khám bệnh, sinh đẻ tại các cơ sở y tế. Những nghi lễ và kiêng kỵ trong sinh đẻ đã ít nhiều thay đổi, thai phụ đã đến các trạm y tế thăm khám, kiểm tra thai kỳ và sinh đẻ. Những kiêng kỵ không có cơ sở, không phù hợp dần dần bị loại bỏ, thai phụ không phải kiêng ăn nhiều thứ như trước kia mà được ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, những nghi lễ liên quan đến người mẹ và đứa trẻ trong suốt quá trình thụ thai tới chăm sóc và bảo vệ trẻ nhỏ vẫn được người Hà Nhì duy trì.

_______________

1. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 kết quả toàn bộ, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2010. 

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015

Tác giả : TRỊNH THỊ LAN

;