NGHỆ THUẬT HÁT NHÀ TƠ Ở PHÚ ĐÌNH, ĐỊNH HÓA, THÁI NGUYÊN

 

1. Lịch sử nghệ thuật hát nhà tơ ở Thái Nguyên

 Hát nhà tơ là loại hình nghệ thuật có từ lâu đời xuất phát từ ca trù của người Việt. Vương triều nhà Mạc (1527 - 1592) sau khi bị quân đội nhà Lê - Trịnh đánh bại vào năm 1592 thì con cháu và tàn dư của nhà Mạc đã nổi dậy chiếm cứ các địa phương xưng vương, xưng bá chống phá họ Trịnh quyết liệt. Trên địa bàn Thái Nguyên khi đó có Uy vương Mạc Kính Dụng chiếm giữ Thái Nguyên, Trung Quốc công chiếm giữ huyện Phổ Yên, Khánh vương Mạc Kính Khoan chiếm giữ huyện Đại Từ, Yên Dũng vương chiếm giữ Võ Nhai... Trong các năm 1594, 1595 quân nhà Trịnh hai lần tiến đánh Thái Nguyên, Trung Quốc công của nhà Mạc thua trận đã chạy lên chiếm giữ châu Định Hóa đến năm 1598 mới bị tiêu diệt hoàn toàn.

Trong thời gian quan quân nhà Mạc chiếm giữ Định Hóa có mang theo gia thuộc và một số dòng họ từ miền xuôi lên sinh sống tại Phú Đình. Trong đó có dòng họ Nguyễn hiện nay cư trú chủ yếu tại xóm trung tâm của xã. Theo lời các nghệ nhân hát Nhà tơ, nhân dân địa phương Phú Đình trong thời gian này đã tiếp xúc với ca trù và rất yêu thích loại hình nghệ thuật này.

 Hát nhà tơ với tư cách là một loại hình nghệ thuật dân gian riêng của địa phương chỉ ra đời vào nửa cuối thế kỉ XIX nhờ công của tầng lớp trí thức và chức dịch trong làng xã. Tầng lớp chức dich làng xã thông hiểu tiếng Việt trong quá trình làm việc quan đã được tiếp cận nhiều với ca trù, từ chỗ yêu thích đưa đến mong muốn học hỏi và tham gia biểu diễn. Họ đã cùng với các trí thức Nho học địa phương và những người Việt từ miền xuôi di cư lên sinh sống trong các làng bản tham gia sáng tác các bài hát, học tập lối hát, hình thành một loại hình nghệ thuật dân gian riêng của xã Lục Rã, tổng Thanh Hồng xưa (xã Phú Đình, huyện Định Hóa nay). Đến cuối TK XIX, hát nhà Tơ được đưa vào diễn xướng trong lễ hội ở Phú Đình. Loại hình nghệ thuật này ra đời là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Tày.

2. Sơ lược về nghệ thuật hát nhà tơ:

Hát nhà tơ là một thể loại dân ca được phổ biến rộng rãi trong huyện thời điểm trước năm 1945, là một nội dung quan trọng trong các dịp lễ hội làng được tổ chức từ mùng 3 đến mùng 10 tháng giêng. Hàng năm, cứ khoảng mùng 3 tết, trai gái trong làng (khoảng từ 18 đến 22 tuổi), thường là những cô gái chưa chồng, có giọng hát hay, am hiểu về âm nhạc thì tham gia học hát. Họ chỉ tập trung biểu diễn trong những dịp nhất định như hội hè, đình đám vào đầu xuân.

Ngày xưa ở Phú Đình có một tổ chức giáo phường rất quy củ, chặt chẽ. Người đứng đầu gọi là ông trùm, đứng ra tổ chức học hát, thành lập đội hát nhà tơ của xã Phú Đình và liên hệ với các địa phương có tổ chức lễ hội trong huyện và một phần huyện Phú Lương tham gia biểu diễn. Trong các hội đình ở Phú Đình, hát nhà tơ thường được tổ chức hát chủ yếu ở đình Bắc Nẩu (còn gọi là đình trung tâm), Quan Lang, Bắc Hạ, Phúc Thiểm. Chỉ có đình Quan Tát là không có hát nhà tơ do ở xa và quy mô nhỏ bé. Đình Bắc Nẩu thu hút khách thập phương xem nhiều hơn cả.

Nhạc cụ: Trong lối hát nhà tơ có ba loại nhạc cụ cơ bản, tuy ít nhưng đầy đủ, không thiếu, không thừa. Mỗi loại nhạc cụ có nhiệm vụ riêng, một cây đàn đáy đứng địa vị làm khuôn cho giọng hát, một đôi phách là hồn, là xương sống của giọng hát, và nột trống đứng nhận trách nhiệm phân chia dứt từng đoạn từng câu cho một bản nhạc.

Diễn xướng: Thành phần diễn xướng hát nhà tơ gồm có ba người chính. Một người gọi là cô đào (cô đầu) hát theo lối nói và gõ vào phách lấy nhịp; một người nhạc công (nam giới) gọi là kép đệm đàn đáy cho người hát; một người chơi trống hoặc đánh trống chầu gọi là quan viên. Thứ tự các bài hát được quy định cụ thể trong một buổi biểu diễn, gồm hát giáo đầu (những bài hát mở đầu) - hát cầu phúc, chúc tụng - hát ca ngợi - hát những bài mang yếu tố lịch sử.

3. Nội dung của lời hát nhà tơ

Sau khi tiến hành xong nghi lễ cúng thần, lời giáo đầu của cô đào nương được vang lên như một lời chào trong không khí tưng bừng của lễ hội:

Trước thì mừng vua sau lại mừng làng

Mừng cho các ông quan viên đức chúa

Xã người có đức thịnh tử tôn đai

Con gái như hoa trăm đường khéo léo

Cũng như cây liễu lá tốt tươi cành

Cô đào mời anh hôm nay khai hội…

Chào nhau một tiếng tiếng để muôn đời

Hết tuyết mưa rơi, tháng năm lại nở

Xã người có đức thịnh tử tôn đai... (1).

Hát cầu phúc, chúc tụng thần thánh, vua chúa, dân bản là một nội dung rất quan trọng trong hát nhà tơ. Nội dung các bài hát đều ca ngợi không khí thanh bình, thịnh trị và có nhiều lời tốt đẹp chúc tụng nhân dân sống yên vui hạnh phúc. Như những lời chúc phúc, cầu may mắn bình an cho cả một năm:

Chạ người đây có lòng cầu phúc

Cầu phúc lại cầu tiền tài

Đáo xứ ngự tiện

Sinh con giai xuất cử nhập kinh

Sinh con gái cung thi hoàng hậu

Đất này đã nổi quan yên, chúa nấu

Người ta khen trứng thật con rồng

Trứng rồng lại nở ra rồng

Trứng thông lại nở ra cây thông rùm ròa (2).

Hát ca ngợi gồm những bài hát ca ngợi vua chúa, quan lại, các danh nhân trong sử sách, thày cô, cha mẹ:

So tài tình ai bằng ông đốc bộ

Nhẩm Bắc Ninh có thấy anh tài

Vua sai sang dẹp giặc tỉnh Đoài

Còn thong thả ra tay quán võ

Ở ra đều vẫn dụ ban ra cho khắp hết gần xa... (3)

Hay cuộc sống thái bình, thịnh trị:

Nhớ ngày nọ ra chơi kẻ chợ

Thấy các ông ngồi bàn việc làm chay

Đức vua về sấm động mưa ngay

Mưa trận này mưa tiền mưa bạc

Mưa trận nọ phong đãng hỏa cốc

Gạo ba đồng một đấu đủ no

Cày với cuốc cho ra ngao du (4).

Hoặc công mang nặng đẻ đau của người mẹ, công dưỡng dục như trời biển của người cha, công dạy dỗ học hành của người thày:

Con trai chạ đây cắp sách tay áo đi học nhà thày

Học hành lắm đi thi thì đỗ      

Rước vinh quy bái tổ về đây

Trước vọng cha vọng mẹ sau mới đến vọng thày

Vun cành vun cội xum xuê

Cành bông tốt lộc, cành hoa nở đài

Cây xanh lá nó cũng xanh

Cha mẹ hiền lành để đức cho con... (5)

Hát nhà tơ có khi sử dụng những hình ảnh và lối nói rất mộc mạc để ca ngợi tình nghĩa vợ chồng son sắt thủy chung:

Ông lăng Nhận ngồi tu trên núi

Thấy đôi chim chích vợ chồng

Mừng con rày con đã đủ lông

Chồng thì giữ vợ đi kiếm chác

Lạ phương thổ mồi thì chả được

Thấy hoa sen có nhện giăng tơ

Ngồi lăm le bắt nhện nào ngờ

Khi hôm tối hoa sen cụp lại

Chồng thì mong con thì nhịn đói

Dỗ hết mồi chồng đứng chồng trông... (6)

Thông qua những lời hát ca ngợi, ông cha ta muốn gửi gắm lời dạy về đạo lý làm người:

Quan bên đây nằm võng nghe sách

Dặn vợ con ăn ở hiền hòa

Kẻ gian tham bạc ác lánh cho xa

Tìm thấy kẻ thảo ngay làm bạn

Đường còn rộng thênh thênh thang thang

Chẳng gì hơn chữ đức, chữ nhân

Nói khen ai thời nẩy mực cầm cân (7).

Bên cạnh đó, còn có một lối ngâm những đoạn truyện thơ, có đàn đáy đệm theo, thường được hát trong đêm khuya, trước khi bãi hẳn cuộc hát. Đây là những bài hát về những câu chuyện lịch sử, những nhân vật đã được dân gian hóa:

Khách xưa nay khen ông Lã Vọng

Trốn Thạch Bàn khen ông tuổi tác đương ngồi

Chẳng tưởng cần tướng võng giăng soi

Cá vì thủy bóng giăng dồn mới cá

Trông trộm biết kiên lòng kiên cố

Ranh giá chàng bia đạc đi đầu

Tay cầm một cán cần câu (8).

Hát nhà tơ hấp dẫn người nghe ở những câu chuyện giản dị, dễ đi vào lòng người:

Nhớ ngày nọ ra chơi kẻ chợ

Thấy bốn ông ngồi tóc bạc răng vàng

Ngồi hê ha cầm chén quỳnh tương

Nơi vào chữ tàng kinh Phú Thọ

Trường sinh bất tử

Một ông ước cửa nhà giàu có

Hai ông ước chức trọng quyền sang

Ba ông ước lên chiếm bảng vàng

Bốn ông ước bốn điều đủ cả

Chẳng ông nào chịu kém ông nào... (9)

Như vậy, một cuộc hát diễn ra theo tuần tự các bài hát. Người sau lại tiếp tục hát các bài hát theo thứ tự. Cô đào thay phiên nhau hát cho đến khi trời mờ sáng thì tan cuộc.

4. Kết luận:

Hát nhà tơ là một di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc, một loại hình văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát triển. Những nét đặc sắc của hát nhà tơ thể hiện ở sự phong phú về làn điệu, thể hiện ở không gian, thời gian biểu diễn và phương thức thưởng thức. Sự đặc sắc còn vì từ cội nguồn gắn bó mật thiết với lễ nghi, phong tục, với sinh hoạt cộng đồng.

Hát nhà tơ đã trải qua một thời gian dài tồn tại và phát triển, được biểu diễn trong không gian văn hóa đặc trưng của người Tày và gắn liền với một giai đoạn lịch sử, thể hiện một ý thức về bản sắc và sự sáng tạo trong nghệ thuật biểu diễn được chuyển giao từ thế hệ này đến thế hệ khác. Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, xã hội nhưng hát nhà tơ vẫn có một sức sống riêng trong nền văn hóa dân tộc.

Hát nhà tơ mang lại giá trị lịch sử to lớn, thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Tày, thể hiện trên tất cả các mặt kinh tế xã hội, văn hóa tư tưởng.

 Một trong những biểu hiện của sự giao lưu văn hóa là sự xuất hiện của đình chùa. Trước khi người Việt di cư lên Phú Đình thì ở đây chưa có đình chùa. Đến TK XIX thì đình chùa mới xuất hiện và cũng từ thời gian này hát nhà tơ cũng được đưa vào diễn xướng ở cửa đình. Từ loại hình nghệ thuật hát ca trù, hát ả đào của người Việt, người Tày đã biến đổi cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, đời sống tinh thần của dân tộc mình, tạo nên một loại hình nghệ thuật dân gian không lẫn với bất cứ địa phương nào.

Hát nhà tơ là một nghệ thuật gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương âm nhạc, triết lý sống của người Tày ở Phú Đình. Do vậy, tìm hiểu nghệ thuật hát nhà tơ cũng góp phần vào việc tìm hiểu các giá trị truyền thống văn hóa của người dân ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa.

Hát nhà tơ là những tác phẩm thơ ca có giá trị, lời lẽ, ca từ giàu chất thơ, mang cảm xúc trầm ngâm, sâu lắng, uyên bác. Qua các giai điệu, lời ca, tiếng hát của hát nhà tơ, chúng ta có góc nhìn toàn diện về bức tranh xã hội, văn hóa của người Tày ở Phú Đình trước năm 1945, với không gian lễ hội văn hóa đình chùa xưa. Ngoài việc phản ánh các cung bậc, sắc thái tình cảm của con người, nội dung của các bài hát nhà tơ còn đề cập tới nhiều khía cạnh của cuộc sống: cảnh thanh bình của các làng bản, cảnh lao động sản xuất, những câu chuyện lịch sử. Hát nhà tơ còn góp phần làm giàu thêm cho ngôn ngữ dân tộc, thể thơ tự do, tự sự với câu chữ, lời ca trau chuốt, đẹp đẽ, hình ảnh gợi cảm.

Hát nhà tơ xuất hiện đã tạo điều kiện giao lưu văn hóa giữa người Việt và đồng bào các dân tộc thiểu số. Thông qua những lần biểu diễn ở các lễ hội, tình cảm giữa người với người, thôn bản này với thôn bản kia được gắn bó mật thiết. Đây còn là dịp để mọi người trao gửi tâm tình, nam thanh nữ tú hẹn hò, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm giàu vốn dân ca, bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương mình.

Về giá trị tư tưởng, mặc dù là một hình thức sinh hoạt văn hóa tôn giáo, diễn ra nơi cửa đình, nhưng yếu tố tôn giáo trong hát nhà tơ không được thể hiện rõ nét. Nội dung của các bài chủ yếu là những bài mang giá trị tư tưởng, tình cảm, triết lý sống của người dân, góp phần xây dựng đời sống tinh thần ở làng bản thêm phong phú, có sức cảm hóa tâm hồn con người.

Về giá trị nghệ thuật, nội dung hát nhà tơ là những lớp diễn xướng thần thoại, truyền thống đạo lý hay những lời chúc tụng, những chuyện kể về phong tục tập quán, cuộc sống của người dân Tày. Hát nhà tơ hấp dẫn người nghe bởi giọng hát khi trầm khi bổng, tiếng nhạc, điệu múa trang phục truyền thống phong phú và hấp dẫn, và nghệ thuật trình diễn tổng hợp giữa tính thiêng liêng của nghi lễ hội hè với giọng hát và âm nhạc. Chính sự huyền bí của nghi lễ, sự bay bổng của điệu hát, sự náo nhiệt của âm nhạc, sự giao hòa giữa người biểu diễn và người xem tạo nên một sức cuốn hút kỳ lạ, làm cho tâm hồn con người thêm vui vẻ và phấn khởi.

Với bề dày của lịch sử, chiều sâu của nghệ thuật và mang bản sắc dân tộc rõ rệt, hát nhà tơ đã khẳng định được giá trị của nó trong nền văn hóa phi vật thể ở nước ta.

_______________

1. Ma Đình Thu, nhà văn, 68 tuổi, xã Thanh Định cung cấp.

2, 3, 4, 9. Hoàng Luận, nhà văn, 67 tuổi, xã Định Biên cung cấp.

5. Ma Thị Đề, làm ruộng, 78 tuổi, xóm Đồng Trùng cung cấp.

6, 7, 8. Nguyễn Đình Phát, cán bộ về hưu, 87 tuổi, xóm Đồng Trùng cung cấp.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014

Tác giả : Nguyễn Đức Thắng

;