NGÀY TẾT VÀ NHỮNG BIỂU TƯỢNG CÁT TƯỜNG

Mỗi độ xuân về, các vùng miền trên khắp nước ta lại tưng bừng trong các hoạt động chào đón mùa xuân và ngày tết cổ truyền của dân tộc. Quanh năm làm lụng vất vả, tết là dịp nghỉ ngơi nên mọi người đón tết rất nồng hậu, trang trọng. Ai nấy trang hoàng nhà cửa, nấu cỗ, bày tiệc và sửa soạn những món quà quý tặng nhau với những thông điệp ý nghĩa cầu mong sang năm mới sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp, vui tươi, an khang, thịnh vượng.

Với quan niệm tết đến, mọi thứ đều phải mới lạ, sáng sủa và niềm tin màu sắc rực rỡ, âm thanh chan hòa sẽ đem lại vượng khí, niềm vui, may mắn cho gia đình từ đầu tháng chạp, nhà nào cũng sửa sang nội thất, quét vôi, sơn tường, dán giấy màu hồng, vàng, đỏ trong phòng ngoài sân, chuồng trại... Người dân cũng dán ngoài cổng hình ảnh vũ đinh, huyền đàn hai vị hộ pháp cầm đao và kiếm; dán lên tường, chân bàn ghế, bát đĩa, nông cụ những mảnh bùa chú và treo bên cửa sổ, cửa ra vào những cái phong linh bát quái, chuông, khánh, ống sáo phát ra tiếng nhạc để trấn trạch, trừ tà, xua tan âm khí, thu hút hồng vận, điềm lành, cát tường đến với gia đình. Ngày 30 tết trên sân chùa và đình đều dựng những cây nêu bằng tre cao vút, trên ngọn treo những tấm áo cà sa, cờ ngũ sắc, khánh đất, xương rồng gai, lá dứa... dưới đất vẽ những vòng tròn vôi bột, tên nỏ chĩa về mọi hướng nhằm xua đuổi ma quỷ, tà khí tụ ám mấy ngày xuân.

Do nông nghiệp và cuộc sống chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên nên đầu năm mới dân gian luôn sắp đặt mọi thứ để cảm tạ trời đất, những sự vật hiện tượng cố hữu trường tồn, mong sao người an vật thịnh, mùa màng bội thu. Đầu tiên phải kể đến đất, biểu tượng của cát lợi, an cư, lạc nghiệp. Ở nhiều nơi người dân chủ yếu làm vườn và ruộng, phần lớn nhà cửa là mái gianh, mái ngói, vách đất, tường gạch, nền đất đá nện, vật dụng sinh hoạt bằng gốm sứ, đất nung, đất phơi nên trước tết nhiều nhà đã phải dọn dẹp phong quang vườn tược, đáp vá những chỗ vách rỗ, san thẳng mặt nền và lau rửa các đồ dùng từ đất đặt ở nơi trang trọng, kỳ vọng sang năm đất đai sẽ thêm màu mỡ, mảnh ruộng sinh nhiều lúa ngô khoai sắn, nhà cửa khang trang, vững chắc. Thứ hai là nước, biểu trưng cho sự sinh sôi, trôi chảy, trù mật. Cuối năm, ai nấy đều đổ nước đầy chum vại, bày hòn non bộ, treo tranh sơn thủy, cá tôm, sen súng..., mong muốn năm mới công việc, tình bạn, tình yêu sẽ vô cùng thuận lợi; tiền của, danh tiếng ùa vào nhà nhanh chóng, dồi dào như nước. Thứ ba là lửa, hiện sinh của nguồn ánh sáng, hơi ấm và cụ thể với đời sống dân dã là cái bếp cho cơm dẻo canh ngọt, không khí sum vầy. Ngày áp tết khi đàn ông dọn dẹp trang trí xong xuôi nhà cửa thì phụ nữ cũng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho bữa cỗ đón mừng giao thừa. Mọi người tin rằng vào xuân nếu thiếu bếp lửa căn nhà sẽ lạnh lẽo, túng bấn nên kể từ ngày 23 tháng chạp khi ông công ông táo về trời cho đến ba ngày mồng một, mồng hai và mồng ba tết tuyệt đối không tắt lửa. Đặc biệt đêm 30, khi đốt đèn, hương nến trên linh án nghinh tiếp đại vương hành khiển, vị quan nhà trời xuống cai quản nhân gian trong năm mới, người dân rất xem trọng việc giữ gìn ngọn lửa, nếu lửa đột nhiên cháy bùng vào thời điểm chuyển giao năm cũ năm mới thì xem đó là vận may, hồng phúc đã được đại vương chứng giám. Một yếu tố nữa không thể thiếu ở mỗi gia đình là màu xanh tươi, hương thơm, bầu không khí ngọt lành đem lại sự vui vẻ, trẻ trung, năng động. Đêm trừ tịch nam thanh nữ tú rủ nhau đi chơi, nhân đó hái lộc là những chồi lá non, hoa tươi mang về ngụ ý như thể mang khí xuân, sắc đẹp và bổng lộc trời cho về với gia đình. Những ngày lễ đầu năm, đi lễ chùa, đình, phủ người già cũng xin đốt một nắm hương khấn vái trước phật đài, thánh điện rồi mang về cắm trên ban thờ tổ tiên mong cho quanh năm có hương lành thanh khiết, phật trời độ trì.

Để gia đình hạnh phúc, người dân luôn treo dán những chữ phúc trong nhà, ngoài dán xuôi, còn dán ngược gọi là phúc đáo môn tiền (phúc lại đến trước cửa) có ý mời gọi hạnh phúc tới một lần nữa. Cũng có người mong ước nhiều hơn dán thêm 5 chữ: phú (giàu có), quý (sang trọng), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe) và ninh (bình an) hay phúc, lộc (thuận công danh), thọ, hỷ (vui vẻ), tài (lắm tiền của), chỉ ngũ phúc lâm môn - 5 điều tốt đẹp đến nhà, các chữ: nhân (bác ái), nghĩa (công bằng), lễ (hòa nhã), trí (thông minh), tín (trung thành) (xin cho người nam giới), công (đảm đang), dung (xinh đẹp, hiền dịu), ngôn (ăn nói nhẹ nhàng), hạnh (chung thủy, nết na) cho nữ, tâm (tốt bụng), đức (làm nhiều điều phúc), nhẫn (giỏi chịu đựng), kiên (cương trực), dũng (quả cảm) cho người học đạo..., Cũng có cá nhân hoặc gia đình xin riêng cho mình trong năm mới những điều mong ước sẽ thành hiện thực như quý tử (sinh con ngoan, học giỏi), thêm đinh (thêm con trai), nghinh phúc (gặp may), thuận khoa (thi cử dễ dàng), đăng khoa (thi đỗ làm quan), hoạch tài (tiền của bất ngờ), bảo kho (tiền của dự trữ), tiến bảo (của quý), hưng vượng (làm ăn phát đạt)... Mỗi chữ được viết bằng mực đen hoặc nhũ vàng trên nền giấy điệp đỏ theo lối chân, thảo, triện, lệ, vuông, tròn, phiến diện... cũng như được khắc lên rường cột, dựng thành cấu hình vòm cửa, đính hay thêu, vẽ trên đèn, rèm, vỏ gối...

Ngoài đại tự, các chữ lớn, người dân còn treo những câu đối dọc hai bên ban thờ gia tộc, cột nhà, cửa cổng như: Công đức tổ tôn nghìn năm thịnh/ Hiếu hiền con cháu vạn đời nay; Dâng cánh đào xuân khói nhang quện sắc hoa, ơn tiên tổ thấm nhuần hậu thế/ Viết câu đối tết đỉnh trầm hòa ý tứ, tình cháu con thơm ngát tiền nhân; Khuyến học khuyến tài đắp cao nền tổ nghiệp/ Nhân văn, nhân đức, lưu đức ấm thiên xuân... Sở dĩ như vậy nhằm cầu mong điềm lành, ca ngợi những thành quả của cha ông và cảm nhận như có hơi thở anh linh, sự nâng đỡ bảo vệ của họ tộc.

Không chỉ chữ, nhiều nơi cũng treo tranh, tượng có ý nghĩa tương tự như tam đa (ba ông phúc, lộc, thọ đem tới hạnh phúc, sự đông con nhiều cháu, danh tiếng, quan tước, sống lâu và trí tuệ), thần tài (vị thần ban phát của cải, tiền bạc), thiềm thừ (con cóc vàng ba chân ngậm giữ tiền), kim ngư (cá chép ăn trăng hóa rồng), hươu (biết thay da đổi thịt tỏa hương thơm và ăn chồi non), rùa (sống được cả 100 năm trên cạn dưới nước), hạc (bay nhảy viễn du khắp sơn cùng thủy tận)...

Do mỗi năm đứng tên một con giáp, người dân luôn trưng bày hình ảnh con giáp của năm, xem đặc điểm hay tính cách của nó sẽ là tác nhân chính đến cuộc sống gia đình. Chuột - sự khôn ngoan, tài đảm (đặc biệt là về ngoại giao), tính chăm chỉ và tiết kiệm, kiến thức nghệ thuật sâu rộng và nguồn của cải tàng trữ dồi dào. Trâu - an lành, no ấm, phát triển. Hổ - sức mạnh, quyền uy, danh tiếng. Mèo - mềm dẻo, sáng tạo, nhiệt tình. Rồng - vị thế đế vương, phú quý, kỳ công. Rắn - mưu trí, đổi mới, thịnh vượng. Ngựa - thần tốc, khiếu hài, lãnh đạo. Dê - nhẫn nại, phú quý, lễ nghĩa. Khỉ - lanh lợi, học giỏi, thành đạt. Gà - dũng cảm, nhân văn, tín nghĩa. Chó - trung thành, thông minh, quả cảm. Lợn - vui vẻ, an nhàn, sang trọng.

Mọi người cũng thường đặt trong nhà những chậu cây, hoa cảnh nhằm tăng không khí xuân, khung cảnh tươi vui đồng thời gửi gắm vào đó những mong muốn thầm kín như qua tùng, trúc, đào, nấm ước ao có được sự cường tráng, kiên định, mềm dẻo và tuổi thọ như của cây vì các loại cây này sống dai dẳng chịu được nóng lạnh, khô cằn hoặc ẩm thấp. Tre trúc (rỗng ruột) mang cái tâm không của nhà Phật luôn an vi, vui vẻ. Đa nuôi dưỡng tuổi thọ, si giữ gìn tuổi xuân, sung vả nảy sinh vẻ đẹp dịu hiền, nhiều con. Quất sum suê có cả lá non, hoa trắng, quả xanh lẫn vàng trĩu trịt chứa đựng sự sung túc, vạn hạnh. Hoa đào báo hỷ, hồng cơ; hoa sen cho sự thanh cao, an tĩnh; mẫu đơn cho danh tiếng nức đồn; cúc, lan cho nho nhã, lịch thiệp.

Để cả năm sung túc, thi vị, không thiếu thốn, từ trước tết nhiều tháng nhà nào cũng mua sắm chất đầy các gian buồng. Trên ban thờ nghi ngút hương khói, bày biện đủ thứ, trên là mâm ngũ quả, vàng mã, thủ lợn, gà luộc, bánh mứt, rượu trà; dưới treo lủng lẳng các xâu bánh chưng, bánh dày, nem chả. Đặc biệt luôn có hai cây mía lớn biểu trưng cho một năm ngọt ngào là nấc thang cung thỉnh ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Người lớn đồng thời cho trẻ mặc rất nhiều quần áo mới, chơi đồ chơi đẹp, ăn các món lạ miệng, đút túi đầy kẹo mứt.

Dân gian luôn cho rằng ẩm thực là một tiêu chí đánh giá mức độ no đủ, sung sướng nên từ ngày 23 tháng chạp đến hết tháng giêng (tháng tết) của năm mới khắp nơi vo gạo, thổi xôi, đồ đậu, nấu bánh, mổ gà mổ lợn đặng làm những món ăn ngon và cỗ cúng. Đặc biệt xem trong mâm cỗ ngày tết phải có bánh chưng, bánh dày thì mới thật sự vui tươi, đủ đầy. Nhà nào cũng gói bánh, giã bánh. Người người làm bánh chưng có hình vuông để tôn vinh đất. Vỏ và thịt bánh màu xanh hàm ý chỉ cây cối và nhân bánh bách hợp là các tài nguyên chưa khai thác hết của đất. Với ý nghĩa như vậy, người dân xắt bánh chưng giống như việc cắt đất và cày bừa trên đồng ruộng. Nhà nhà làm bánh dày hình tròn ca ngợi trời. Cũng giống bánh chưng, cắt bánh dày từng lát thể hiện con người dần hiểu biết về vũ trụ. Mọi nhà làm và cúng bánh chưng bánh dày là để tưởng nhớ tiền nhân đã có công dựng làng dựng nước; với những người con đi xa không về quê hương ăn tết được cùng gia đình thì nhìn chiếc bánh sẽ như thấy hình ảnh thân thiết của quê hương, đất nước. Và cũng bởi một lý do nữa: vì con người không trọn vẹn nên cúng bánh trưng bánh dày là mong muốn mọi sự vuông tròn, đầy đặn. Khi cúng, đặt hai cặp bánh chưng và bánh dày to bằng nhau, thể hiện âm dương hài hòa cuộc sống mới phát triển.

Cỗ là bữa cơm ngon nhất trong các ngày vui gia đình. Và cỗ tết là bữa cỗ ngon nhất của mọi bữa cỗ. Ở cỗ thường, người ta chủ yếu thù tạc chỉ nhằm lấy vui song ở cỗ tết còn nhắn gửi bao tâm tình. Người dân luôn làm bốn mâm cỗ gồm cỗ cúng táo quân - thần bếp, cỗ đón đại vương hành khiển (cúng giao thừa), cỗ sum họp đầu năm và cỗ ngũ quả (cúng trời đất). Mâm cỗ cúng táo quân được sửa soạn vào ngày giỗ ông công (23 tháng chạp) gồm cơm, canh, thịt, cá và rượu, một lá sớ ghi lời công bằng và ba bộ áo mũ, ba con cá chép giấy nhằm cảm tạ ơn thần bếp đã cho gia đình sự hòa thuận, no ấm; kính tiễn ông về trời và cầu xin ông nói tốt cho gia đình trước thiên đình cũng như tiếp tục phù hộ toàn gia trong năm mới. Bên mâm cỗ cúng cuối năm, vợ chồng con cái ngồi hồi tưởng lại 12 tháng lao động cực nhọc, ôn nghèo kể khổ, chia sẻ nỗi niềm, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho cuộc sống mai này tốt hơn.

Trái với mâm cỗ cúng táo quân có phần giản dị, mâm cỗ giao thừa nghinh tiếp đại vương hành khiển cai quản hạ giới rất thịnh soạn gồm thủ lợn, giò bò, gà trống, bánh chưng, bánh dày, trầu cau, rượu, nước, thuốc lá, hoa quả, mứt kẹo, vàng mã... Sở dĩ như vậy là để cầu mong đại vương hành khiển sẽ ngự ở gia đình ban phước cho gia quyến ấm êm, thịnh vượng. Vì là mâm cỗ đón chào năm mới nên xung quanh tràn ngập âm thanh vui vẻ và ai nấy cùng hướng tới tương lai, đổi mới tốt đẹp.

Lớn nhất là mâm cỗ đầu xuân. Khi con cháu họp mặt đông đủ mọi nhà sẽ làm mâm cỗ sum họp đại gia đình. Đây là mâm cỗ đồ sộ, mang tính tượng trưng các bữa ăn gói gọn cho cả một năm. Nhiều người xem việc sau này ăn ngon hay không ngon, ăn được nhiều món hay ít món đều phụ thuộc vào đây. Cũng bởi thế họ làm thật nhiều món ăn ngon, mới lạ để thưởng thức. Dường như mọi thứ trên rừng, dưới biển, thịt thà, chim cá đều tụ hợp trong mâm cỗ. Cũng có khi chúng được làm từ rau dưa, củ quả dễ tìm, song lại có những cái tên rất sang trọng, đem lại cảm giác thư thái, vương giả. Thường thấy bánh chưng, bánh dày, bánh giò, xôi đậu, xôi gấc, xôi ngũ sắc, chè kho, cơm tám, canh bóng, canh măng, miến, mọc, giò chả, thịt đông, nem chua, nem chạo, nem rán, cá kho, tôm hấp, rau xào, dưa kiệu... Cha mẹ, ông bà liên tục gắp thức ăn cho con cháu mặc dù trong bát vẫn đầy là để quanh năm con cháu sẽ luôn được ăn sơn hào hải vị, ngoài ra ăn bánh chưng, bánh dày, xôi, chè có những loại hạt dính liền nhau cho gia đình hòa hợp, đoàn kết, yêu thương; thịt nấu đông băm nhuyễn béo ngậy và mềm mại giúp cả năm dễ ăn dễ tiêu, thân thể béo tốt, dễ lành; củ kiệu, hành, hẹ, su hào muối có hình tròn trắng xanh, trắng hồng như ngọc và vị chua thanh, mọng mát đem tới một năm sáng trong, thuận đường, xuôi gió; ngũ vị hương thêm vào đời sống nhiều dư vị đậm đà; khổ qua nhồi thịt cho năm mới không gặp khổ đau; cá cho tốc độ nhanh nhẹn, chân giò khiến đi khỏe, đậu để được mùa, gấc cho buôn bán đắt đỏ...

Nếu các mâm cỗ mặn cúng thần linh thì mâm ngũ quả ngọt để cúng các phương vị trời đất (đông, tây, nam, bắc, trung tâm), ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), ngũ sắc, ngũ âm, ngũ vị... Cứ 5 thứ quả tạo được một mâm ngũ quả. Tựu chung là các quả: chuối, phật thủ, bưởi, bòng, cam, quýt, táo, lê, đào, lựu, hồng, dưa hấu, đu đủ, xoài, dừa... xếp hình tháp trên một mâm gỗ sơn son thếp vàng hoặc đĩa sứ cô tiên. Qua mâm ngũ quả, người dân mong ước rất nhiều điều như sự sinh sôi, hòa hợp, rực rỡ, thơm tho, những thành quả và cơ hội. Ngoài ước vọng sự sống, nải chuối, quả phật thủ còn chỉ bàn tay nâng đỡ cho sự an lành, tĩnh tại; bưởi, dưa tròn xoe cho sự viên mãn, mát lành; hồng đỏ, cam quýt, trứng gà, đu đủ cho sinh lực, sự phấn chấn, tươi vui.

Sau khi cúng, mâm cỗ mặn được mọi người hạ xuống thụ lộc ngay, nhưng mâm ngũ quả thì vẫn để nguyên suốt tháng tết để hương sắc, điềm lành lưu giữ lâu bền trên ban thờ gia tiên và thấm đẫm trong nhà. Ngoài cỗ quả, người dân còn làm mứt quả. Có bấy nhiêu loại củ quả thì bấy nhiêu loại mứt như mứt gừng, bí, cà rốt, cà chua, chanh, dâu, me, khoai, rong, dứa, trám, nhót, sen, lạc, đậu...; cũng nhuộm các loại hạt dưa cắn tí tách cho phẩm màu phai hồng ra tay quanh năm mãi mãi có được vị ngọt ngào, nhí nhảnh, vô tư, hiền hòa.

Vào xuân, ở nhiều vùng, miền người lớn luôn cho trẻ em chút tiền gọi là tiền mừng tuổi, chúc trẻ ăn nhanh chóng lớn, thể hiện sự quan tâm của ông bà, cha mẹ tới con cháu. Tục này đã bắt đầu từ tối 30 tháng chạp, khi trẻ em trong làng trong xóm nối đuôi nhau nhảy múa và lắc ống tiền - trò súc sắc đến thăm từng nhà. Ai nấy bắt gặp đều cho các em một ít tiền đút vào ống tre, và trong ba ngày tết cha mẹ cũng cho con cái các phong bao đỏ đựng tiền lẻ mừng tuổi, hàm ý để trẻ lấy đó mà mua gà con, bán gà tậu bò, bán bò tậu nhà, lấy vợ lập thân. Tuy điều này phải rất lâu mới thực hiện được nhưng là sự dạy trẻ biết tiết kiệm, tích tiểu thành đại.

         Tới thăm nhau chúc tết, người dân luôn ăn trầu, uống trà, hút thuốc, bởi có câu đến nhà không trà thì thuốc. Gia đình nhà chủ vào ngày thường có thể không chuẩn bị trà thuốc, cau trầu nhưng đến tết nhất thiết phải đầy đủ vì nó thể hiện sự hiếu khách, và là vật dẫn cho những câu chuyện thêm hào hứng. Miếng trầu luôn được têm sẵn, ấm trà được pha đầy, bao thuốc bóc vỏ và nhiều bánh mứt kẹo xếp tràn đĩa. Mặc dù có thể đã ăn uống no bụng, song ai nấy đều nhấp vài ngụm trà, cầm đôi miếng trầu, phong bánh, điếu thuốc để lấy may, tích thêm tài lộc cho bản thân và chúc phúc gia chủ.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 320, tháng 2-2011

Tác giả : Chu Mạnh Cường

;