NGÀY TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT ĐẦU THẾ KỶ XX QUA BỘ TRANH KỸ THUẬT CỦA NGƯỜI AN NAM

Đất nước Việt Nam với nền văn minh lúa nước, cuộc sống của người dân không chỉ gói gọn trong những công việc ruộng nương như cày bừa, gặt hái... hay lúc nông nhàn có thể đánh giậm, bắt cá bắt cua hay cầm dùi cầm đục... mà đời sống tinh thần của người dân Việt Nam còn gắn liền với những ngày lễ, ngày tết như một sự kết nối giữa con người và các vị thần linh, như một sự giao hòa giữa trời và đất. Những ngày lễ ngày tết là hiện tượng lịch sử, hiện tượng văn hóa có mặt lâu đời trong đời sống tinh thần của người Việt. Những ngày lễ tết là những mốc đánh dấu chu trình đời sống sản xuất và đời sống xã hội của mỗi cộng đồng người, mà một khi cái mốc mang tính lễ nghi đó chưa được thực hiện thì các quá trình sản xuất, quá trình xã hội đó sẽ bị đình trệ, sự sinh tồn, các quan hệ xã hội sẽ bị phá vỡ. Những ngày lễ tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam đã hòa nhập vào cuộc sống của người dân như một phần không thể thiếu trong đời sống.

Với một cái nhìn tò mò, háo hức nhưng không kém phần cẩn trọng và tinh tế, chàng thanh niên người Pháp Henri Oger, vào những năm đầu TK XX đã chú ý đến những sinh hoạt tinh thần ấy. Henri oger đã tái hiện những hoạt động lễ tết của người dân xứ An Nam qua hàng trăm bản khắc mô tả sống động về phong tục tập quán, những nếp sống văn minh văn hóa trong một giai đoạn lịch sử đã qua - một giai đoạn nửa thực dân nửa phong kiến, mà hầu hết những hình ảnh này đã không còn tồn tại trong xã hội hiện đại nữa (1).

Tết cả (hay còn gọi là tết Nguyên đán, tết ta, tết âm lịch...) là ngày tết, ngày lễ quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của người Việt từ xưa tới nay. Nguyên nghĩa của chữ tết chính là tiết. Hai chữ Nguyên đán có gốc chữ Hán, nguyên có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và đán là buổi sáng sớm. Tết là do xuất xứ từ từ tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa xuân - hạ - thu - đông, điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt đối với một nước thuần nông như nước ta (2).

Tết cả là một ngày tết đặc trưng của xứ An Nam nói riêng và các nước theo văn hóa Hán nói chung, là một ngày lễ với những phong tục rất khác lạ so với văn hóa châu Âu - quê hương của nhà nghiên cứu trẻ tuổi Henri Oger. Với một sự háo hức xen lẫn tò mò, Henri Oger đã dành ra rất nhiều bản ký họa để mô tả đầy đủ tết cả của xứ An Nam, với những phong tục từ ngày Táo quân (23 tháng chạp) cho đến những tập tục của ngày đầu năm mới.

Đặc trưng văn hóa điển hình nhất của Tết cả Việt Nam là “nếp sống cộng đồng”, người An Nam chuẩn bị đón tết từ rất sớm. Ngay từ đầu tháng chạp âm lịch đã nhộn nhịp đón tết, chợ búa, hàng quán trở nên đông đúc hơn những ngày thường. Nhà nào cũng trang hoàng nhà cửa, may quần áo mới, lau chùi đánh bóng đồ thờ tự thay cát mới cho bát nhang, bày biện mâm ngũ quả, viết đối liễn... Ngoài sân, đầu xóm, đầu đường thì dựng cây nêu. Những ngày giáp tết, dù ai bận trăm công nghìn việc hay bôn ba nơi đất khách quê người đều cố gắng về quê hương, đoàn tụ với gia đình... để chăm chút cho bàn thờ gia tiên. Người Việt Nam thường nói “ba ngày tết” nhưng thực tế người Việt xưa thường chuẩn bị cả năm cho ba ngày tết này, từ gà, vịt hay lợn. Những hình ảnh chuồng gà, chuồng vịt hay chuồng lợn, cho đến lá dong hay lạt buộc bánh chưng, bánh giò hay cả mấy vại dưa hành đều được Henri Oger miêu tả lại  bằng những bức ký họa, để khẳng định cho việc chuẩn bị rất chu đáo của người dân An Nam.

Trong những mối lo, sự chuẩn bị cho ngày tết cả của người dân còn gắn liền với mối lo chợ búa. Những bức ký họa mặc dù chưa đủ các đặc điểm để khẳng định đây là ký họa một phiên chợ tết, nhưng những mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày như hàng thịt, hàng miến, hàng cá, hàng rau... với hình ảnh những bác nhà quê đi mua đồ, những món đồ đặc trưng của xã hội nông nghiệp lúa nước. Một đặc điểm rất thú vị ở làng quê Việt Nam trong những ngày cận tết là tục đụng lợn. Dưới con mắt của Henri Oger thì cảnh mổ lợn thật thô sơ, tuy nhiên Oger không bỏ sót một động tác nào và ghi lại đầy đủ. Vào khoảng thời gian cuối TK XIX, đầu TK XX, Henri Oger cũng như các nhà Đông phương học khác, đến An Nam phần lớn đều hướng nghiên cứu vào “gu ngoại dị” để đi tìm những cái lạ ở một vùng đất xa xôi xứ Đông Dương.

Cuối TK XIX, đầu TK XX là thời điểm Nho giáo bắt đầu suy tàn, nhưng Henri Oger đã dành ra rất nhiều bức khắc để thể hiện những giá trị của Nho giáo như cảnh ông đồ già cho chữ và hình ảnh người khách đứng xem với cái nhìn vừa nể phục, vừa xót xa, hay rất nhiều bức khắc có nội dung thể hiện việc cho chữ và chơi câu đối ngày xuân của người Việt. Một điều thú vị, có lẽ Henri Oger và nhóm những người thợ khắc Việt Nam rất thích thú với chữ thọ, cụ thể, Oger dành không dưới 05 bản khắc để miêu tả các phiên bản của chữ thọ (  ) như chữ thọ vuông, tròn, tròn trổ trang kim, chữ thọ với mấy con dơi hay chữ thọ trang kim.

Trong dịp tết cả của người Việt, thì ngày cúng Táo quân (23 tháng chạp) có một vị trí rất quan trọng. Lễ cúng Táo quân được coi là mang tính giao thời, chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới. Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và báo cáo với Ngọc hoàng. Ngoài ra, ông Táo còn đại diện cho sự ấm no của một gia đình. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và con cá chép, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ môn để lên thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Là một học giả phương Tây nhưng Henri Oger có một sự quan sát tỉ mỉ và đầy đủ về những thói quen và tục lệ ngày tết Nguyên đán của người dân An Nam khi dành những bản khắc để miêu tả về Táo quân của người Việt. Bản khắc hình thần Táo quân là hình ba vị thần có hình dáng cụ thể, người ngồi giữa là phụ nữ, hai bên là hai người đàn ông theo sự tích Táo quân “hai ông một bà Trọng Cao - Thị Nhi - Phạm Lang” của người Việt. Nếu như cùng nội dung thần vị Táo quân, lại được thể hiện bởi ba chiếc mũ đặt trên bàn thờ, phía sau có đầy đủ bát hương, đồ cúng, nhang đèn... Mặc dù là một nhà nghiên cứu đến từ nước ngoài, cùng một vấn đề nhưng ông đã thể hiện vốn hiểu biết phong phú của mình bằng sự tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau.

Người Việt xưa nay thường có phong tục vào chiều muộn ngày 30 tháng chạp sẽ có những hoạt động như tắm bằng nước lá mùi già để tẩy trần đón chào một năm mới, hay quét dọn nhà cửa, bày bàn thờ gia tiên. Nhà nghiên cứu trẻ tuổi Henri Oger lại có một cái nhìn rất thú vị về công việc chiều 30 tết của người dân xứ An Nam. Ông miêu tả lại hành động “rang kiến”, và có chú thích rất rõ cho người xem “Vào ngày 30 cuối năm bắc bếp lên rang. Có người thấy hỏi sao lại rang thế? Đáp rằng rang để trừ kiến mối”. Có lẽ đây là một “mẹo” được lưu truyền trong dân gian, việc tái hiện lại công việc này của một nhà nghiên cứu nước ngoài cho thấy sự am hiểu sâu sắc của ông đối với nền văn hóa bản địa.

Vẫn trong mạch quan sát những phong tục tập quán ngày tết của người An Nam, Henri Oger miêu tả việc tế giao thừa rất đầy đủ và chi tiết. Chỉ trong một bức tranh, phong tục tế lễ ở giây phút giao thừa được tái hiện lại với hình ảnh người chủ nhà (theo phong tục truyền thống Việt Nam, thường là người đàn ông lớn tuổi trong nhà) quỳ trước bàn thờ gia tiên rất kính cẩn làm lễ. Bàn thờ của gia đình tuy đơn giản nhưng rất đầy đủ với bát hương được đặt ngay ngắn trang trọng trước bài vị tổ tiên, trên bàn thờ là chén rượu, chén nước và đồ lễ của con cháu, kính dâng lên các bậc tổ tiên chứng giám lòng thành. Cũng liên quan đến việc tế lễ, nhà nghiên cứu Henri Oger dành hai bản khắc để miêu tả chi tiết về chiếc áo tế của người dân An Nam. Theo suy nghĩ chủ quan của tác giả bài viết, đây là áo tế của phụ nữ xưa với hình ảnh chiếc áo không tay, cổ tròn, phía dưới hơi xòe mang kiểu dáng váy, hai bên được trang trí họa tiết chim hạc. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam cuối TK XIX, đầu TK XX, quan điểm của xã hội vẫn chịu nhiều tư tưởng của Nho giáo “trọng nam khinh nữ”, vai trò của người phụ nữ thường không được đề cao, thì hình ảnh chiếc xiêm (áo) tế nếu đúng là chiếc áo tế của phụ nữ, có lẽ loại áo tế này không được sử dụng rộng rãi trong xã hội, mà chúng chỉ được sử dụng trong những gia đình quyền quý. Sự quan sát cẩn thận và tinh tế này chứng tỏ cái nhìn của Henri Oger đã đi sâu được vào đời sống xã hội lúc bấy giờ. Khác với hình ảnh chiếc xiêm (áo) tế được mô tả có lẽ là chiếc áo tế của nam rõ ràng hơn với hai bên cánh tay áo dài, thụng, cổ đắp chéo với họa tiết chim hạc trang trí trên ngực áo.

Nhắc đến tết xưa, không thể không nhắc đến phong tục đốt pháo. Trước đây, việc đốt pháo trong dịp tết Nguyên đán là một tập tục không thể thiếu, người Việt quan điểm, vào thời khắc giao thừa, tiếng pháo gây những âm thanh ầm ỹ, nhộn nhịp, như tiếng trống thúc giục hòa cùng những khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời, màu khói xanh tỏa trong không gian, màu xác pháo hồng dưới đất đã gây nên những xúc động mạnh cho khứu giác, thị giác, thính giác... Ngoài ra đốt pháo cũng là một cách dự đoán tương lai. Nhà ai đốt pháo không nổ phải châm lại hai ba lần, hay pháo nổ rời rạc thì năm đó làm ăn không thuận lợi. Henri Oger tái hiện lại hình ảnh một người đàn ông An Nam tay đang đốt bánh pháo, gương mặt với nụ cười rạng rỡ bánh pháo đốt ngoài sân, bên tay trái là một người đang đốt hương (đốt nhang) phía sau người cha đứng mở rộng cửa, như để nghênh đón một năm mới với những điều may mắn hạnh phúc sẽ đến với gia đình. Bức ký họa này được Henri Oger miêu tả là “mở cửa đốt pháo đốt nhang”.

Trong tư tưởng của người Việt xưa, “tháng giêng là tháng ăn chơi”, mang đầy đủ đặc trưng “ăn chơi” của người dân xứ An Nam: “Ngày xuân thong thả tổ tôm chơi. Ai được ai thua cũng chớ cười. Cao cũng có bài thì mới đặng. Thấp mà gặp nước hóa ra người”. Henri Oger cho khắc hình ảnh 5 người đàn ông đang ngồi chơi tổ tôm - một loại bài lá dân gian phổ biến của người Việt. Do tổ tôm là một loại bài chơi khá khó và được người xưa đề cao (qua câu ca dao Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống chè mạn hảo xem nôm Thúy Kiều), nên có lẽ người xem cũng không quá ngạc nhiên khi trong bố cục bản khắc này, có hình ảnh hai người (theo đường nét mềm mại, có lẽ là hai người phụ nữ) ngồi trên chiếc sập gần đó, quan sát ván tổ tôm hết sức chăm chú. Henri Oger lại thể hiện một cách hưởng thụ ngày xuân tao nhã khác của người dân An Nam với “thời bình mở hội xuân, nô nức khắp xa gần, nhạc dâng ca trong điện, trò thưởng cuộc ngoài sân”.

Dù đã trải qua hơn một thế kỷ, nhưng qua bộ tranh khắc Technique du peuple Annamite - Kỹ thuật của người An Nam, Henri Oger đã tái hiện cho người xem thấy đầy đủ những phong tục tết của người dân Việt những năm đầu TK XX. Và dù cuộc sống có thay đổi như thế nào thì ngày tết cả của người Việt vẫn là dịp để gia đình sum vầy, cùng đón chào một mùa xuân mới với nhiều điều hạnh phúc và may mắn.

___________

1. Henri Oger, Technique du peuple Annamite - Kỹ thuật của người An Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009.

2. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nhã Nam xb, Hà Nội, 2015.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : VŨ THỊ VIỆT NGA

;