MÓN NỢ CỦA CÁC NHÀ ĐIỆN ẢNH VIỆT

Cái bóng quá lớn của điện ảnh Trung Quốc qua các bộ phim truyện hoành tráng, công phu về đề tài lịch sử, dã sử, cổ trang… luôn là sự so sánh không cân sức và thách thức lớn đối với các nhà làm phim truyệnViệt Nam. Làm sao để có được sự tự tin khi xây dựng những bộ phim lịch sử thuần Việt. Làm sao để phim truyện lịch sử không bị giống với cải lương nói?...

Ta đã từng làm nhiều phim truyện lịch sử - cổ trang...

Trên thực tế, dù điện ảnh Việt Nam ra đời từ năm 1953, nhưng phải 6 năm sau, tới năm 1959 chúng ta mới có điện ảnh phim truyện và phải tới năm 1973, Xưởng phim tuyện Việt Nam mới bắt tay sản xuất bộ phim truyện Trần Quốc Toản ra quân. Đây là bộ phim cổ trang đầu tiên về đề tài nhân vật lịch sử được dàn dựng theo lối phim sân khấu chèo.

Dù còn nhiều khó khăn trong thời bao cấp, nhưng lần lượt sau đó, điện ảnh Việt Nam đã vượt qua những thách thức để làm hàng loạt những phim lịch sử, dã sử, cổ trang với những thành công và hạn chế nhất định, nhưng tiếng vang mới chỉ ở mức độ chừng mực. Các phim truyện được dàn dựng theo kiểu sân khấu - cổ trang như: Thanh gươm cô đô đốc (Xí nghiệp phim truyện Việt Nam, 1977), Tướng quân Phạm Ngũ Lão (Xí nghiệp phim truyện Việt Nam, 1979), Thái hậu Dương Vân Nga (Xưởng phim truyện Việt Nam, 1978), Kiều Nguyệt Nga (Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM, 1980), Quan âm Thị Kính, (chèo - Xí nghiệp phim tài liệu khoa học TƯ, 1986) Lưu Bình Dương Lễ (chèo - Xí nghiệp phim tài liệu khoa học TƯ, 1987), Ỷ Lan nhiếp chính (chèo - Hãng phim truyện Việt Nam, 1987) Thoại Khanh - Châu Tuấn (Xí nghiệp phim tài liệu khoa học TƯ, 1988)...; Những phim truyện võ thuật - dã sử - cổ trang được quay kết hợp với ngoại cảnh như: Lửa cháy thành Đại La (Xí nghiệp phim TP.HCM và nhóm nghệ sĩ Lý Huỳnh, 1989), Thăng Long đệ nhất kiếm (Xí nghiệp phim TP.HCM và nhóm nghệ sĩ Lý Huỳnh, 1990), Tráng sĩ Bồ Đề (Xưởng phim thực nghiệm Ngọc Khánh, 1991), Ngọc Trản thần công (Hãng phim Giải Phóng, 1991), Tiểu thư Yến Ngọc (Hãng phim truyện I, 1991)...; Đặc biệt trong số này, đã có những bộ phim truyện lịch sử khá hoành tráng, công phu được người xem nhắc nhớ nhiều như: Đêm hội Long Trì (Hãng phim truyện Việt Nam, 1989), Kiếp phù du (Hãng phim truyện Việt Nam, 1990)...

Nhưng, dù đã có một bề dày làm phim lịch sử - cổ trang như thế, song hầu hết các hãng phim, nhà sản xuất và cả nghệ sĩ làm phim đều vẫn ngại đụng vào thể loại này vì rất khó làm hay, do chúng ta thiếu đủ thứ, từ bối cảnh (nhà cổ, thành quách, lâu đài, đền, miếu...), đến đạo cụ (những đồ dùng cổ thuần chất Việt: bàn, ghế, hương án, tủ thờ, cung, kiếm, ngựa, xe, súng ống...) và trang phục (quần áo, khăn, mũ, nón, guốc, hài, giày, dép…) để trang trí và phục vụ diễn xuất cho các nhân vật. Như vậy, so với các phim làm về đề tài đương đại thì làm phim lịch sử - cổ trang sẽ tốn kém và khó khăn gấp bội phần.

Từ khi đất nước mở cửa, khán giả yêu phim được tiếp xúc và nhanh chóng bị hấp dẫn đến mê mẩn với những Võ Tắc Thiên, Thái Bình công chúa, Từ Hy thái hậu, Thủy hử, Tam quốc chí, Hồng lâu mộng, Tây Sương ký, Tần Thủy Hoàng, Thập diện mai phục, Anh hùng, Long tranh hổ đấu, Hoàng Kim Giáp, Dạ yến... của điện ảnh Trung Quốc. Cũng kể từ đấy, dù ngại nói ra, nhưng người ta càng thấm thía cảm thấy sự tụt hậu mỗi khi khi liều lĩnh đem so sánh phim ngoại với phim nội. Phim dã sử, lịch sử, cổ trang Việt Nam hệt như ông già leo núi và ngày càng trở nên đuối sức trong cuộc đua dù không hề có tuyên bố chính thức về việc giành khán giả và giành vị trí nghệ thuật xứng đáng trong làng phim - nhờ chính những tác phẩm vừa hay, hấp dẫn vừa đáp ứng tiêu chí đông khách, vừa vì mục đích giải trí vừa đạt giá trị nghệ thuật đích thực để có thể đem dự thi và giành giật những giải thưởng cao tại các LHP quốc tế.

Với nhìn nhận như thế, nhiều nhà làm phim Việt Nam đã và đang thấy rõ những hạn chế của mình trên mọi phương diện. Có ý kiến cho rằng điện ảnh chúng ta vẫn còn thiếu trầm trọng 3 T (tiền - tài - tâm). Đây chính là một trong những nguyên nhân mà từ lâu nay, các hãng phim, các đạo diễn trong nước thường ngại động đến các đề tài lịch sử.

Đó là dù bằng tiền đầu tư của nhà nước hay tư nhân, nhưng thực ra điện ảnh phim truyện Việt Nam vẫn còn thiếu tiền - thiếu kinh phí lớn ra tấm ra món để đầu tư cho những đại cảnh cần dàn dựng trong trường quay với đầy đủ thứ “đồ chơi” chuyên nghiệp, để thuận lợi chủ động tạo nên không khí hoành tráng cần có với hàng ngàn diễn viên quần chúng với đầy đủ trang phục: quần, áo, khăn, mũ, giáp, trụ, giày, dép và vũ khí: gươm, giáo, cung, tên, súng ống, ngựa, xe (nếu phim cần)… Gắn liền với những điều kiện như thế là các quần thể bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ: núi, rừng, suối, thác, sông ngòi, ao hồ và biển cả… hoặc nhà cửa, làng mạc, thành phố… được tận dụng thật từ chính cái có sẵn hoặc được dàn dựng giả y như thật.

Đó là dù cố gắng nỗ lực, nhưng đội ngũ những người làm phim vẫn còn thiếu tài - khi chưa đủ tự tin trong việc sáng tạo và hư cấu nghệ thuật. Người làm phim với kinh phí thấp và hiểu biết về quá khứ còn nhiều hạn chế chẳng khác nào người làm xiếc trên dây khi sự thành bại rất mong manh. Phim làm ra rất dễ bị bắt lỗi, bị chê trách về những hạt sạn trong việc dàn dựng cảnh trí nghèo nàn, giả tạo; trang phục sai lệch thời kỳ lịch sử, màu sắc lòe loẹt như sân khấu; vì phải cưỡi trên những chú ngựa gầy - chân ngắn như con la, nên chân những vị tướng kỵ binh kéo lê gần chạm đất; lời thoại xưng hô giữa các nhân vật thời cổ xưa mà tân tiến anh - em hồn nhiên, dễ dãi như hệt thời hiện đại… Công nghệ thiết bị kỹ thuật lạc hậu và những hạn chế về trình độ sử dụng những hiệu ứng kỹ xảo đã là một thách thức lớn khiến người làm phim không dễ gì vượt qua.

Đó dù có nhiều tâm huyết, nhưng đây đó trong một số đoàn làm phim vẫn còn có những nhóm lợi ích và một vài cá nhân thiếu cái tâm - khi liên kết chiếm dụng, xà xẻo trực tiếp từ kinh phí sản xuất phim với mục đích trục lợi.

Như ta đã biết, để tái hiện được quá khứ lịch sử xa xưa, người làm phim phải chứng tỏ được sự am hiểu về truyền thống. Dù sáng tạo thế nào cũng phải làm sao vừa tái hiện cho thật đúng với giai đoạn, thời đại lịch sử, xã hội, hoàn cảnh nhân vật mà mỗi truyện phim đòi hỏi, vừa tạo được giá trị thẩm mỹ. Muốn làm được như thế, phải cần có đội ngũ những người làm phim và các chuyên gia giỏi có đủ tầm hiểu biết để cố vấn trực tiếp cho bộ phim trong hầu khắp các lĩnh vực xã hội như: lịch sử, khảo cổ, quân sự, kiến trúc, mỹ thuật, trang phục dân tộc qua mỗi thời kỳ...

Nhưng vẫn còn nguyên món nợ mấy ngàn năm

Điện ảnh Việt vẫn nợ tổ tiên - cha ông, món nợ của hàng ngàn năm lịch sử thăng trầm dựng nước và giữ nước với những câu chuyện bi hùng thấm đầy máu và nước mắt của dân tộc Việt. Thời đại các vua Hùng, Bà Trưng, Bà Triệu, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... mãi mãi là đề tài cho những bộ phim truyện hấp dẫn.

Bàn về điều này, NSND, đạo diễn Thanh An lý giải: “Nếu chỉ tính riêng những câu chuyện lịch sử bi hùng về chín đời các vua Lý, chúng ta đã có một kho tàng những cốt truyện phim rất đặc sắc, rất hay với muôn màu tính kịch sâu sắc, hấp dẫn. Theo chính sử, có thể thấy chỉ riêng việc vua Lý đặt chín ngôi Hoàng hậu đã là quá bi kịch, vì riêng chuyện thanh toán lẫn nhau để các con tranh giành quyền bính cũng đã là những trang sử đầy máu và nước mắt và chỉ ngay việc miêu tả những đại cảnh quân nhà Lý giao tranh Nguyên, Tống... cũng đã hấp dẫn lắm rồi! Nếu làm phim nhựa có lẽ phải hàng chục tập mới nói hết, còn nếu làm phim vidéo phải hàng vài trăm tập mới mong kể đủ. Nếu điện ảnh ta biết khai thác thì đây sẽ không chỉ là giải trí, mà còn là bài học của muôn đời, không hề thua kém bất cứ truyện gì, của nước nào”.

Thật vậy, hấp dẫn lắm chứ, về Lý Công Uẩn - vị vua không biết rõ lai lịch về cha mình, nhưng được nhà sư Lý Khánh Văn nuôi dạy, vẫn biết nuôi chí lớn với tầm nhìn thời đại khi quyết định rời đô bằng thuyền về “Thăng Long nơi xứng đáng là kinh sư của muôn đời”, cho dù lúc ấy nơi đây còn là đám bùn lầy, mọc đầy sen, khoai. Đặc sắc bi hùng lắm chứ, về triều Lý Thái Tông huy hoàng, anh minh, đánh đông dẹp bắc, giành chiến thắng lẫy lừng; về Lý Thánh Tông - vị vua học giỏi, yêu văn nghệ, và lập nhiều chiến công xuất sắc, huy hoàng cho dân giàu nước thịnh. Riêng mối tình của vua với cô gái quan họ hát dưới gốc cây lan (ỷ Lan) đã là đề tài đặc sắc để điện ảnh khắc họa nên hình tượng người đàn bà từng đắc lực giúp chồng cai quản triều chính, biết lấy thóc chia cho dân nghèo và khuyến khích người tăng gia giỏi, song vì để hả cơn ghen đàn bà - đã ra lệnh chôn sống 72 cung phi và rồi do bị ám ảnh vì tội ác này mà phải bỏ triều đình đi tu. Éo le, thú vị lắm chứ, khi Lý Nhân Tông, lên kế vị cha lúc mới có 6 tuổi, vẫn trị vì ngôi báu trên 60 năm, lập biết bao chiến công hiển hách với niềm tự hào “đánh giặc giỏi, kinh doanh giỏi, học hành đỗ đạt cao”; khi Lý Thần Tông - một trong 5 ngôi sao sáng của bầu trời Đại Việt (tương truyền do sư Từ Đạo Hạnh hóa xác mà thành) dám cho con gái mình ra Hồ Tây ở riêng để tự cày cấy lấy mà ăn. Bi kịch, sâu sắc lắm chứ, về những triều vua tồi tệ, sa sút đầy bi kịch từ thời vua Lý Anh Tông, tới thời vua Lý Nghệ Tông khi nạn trộm, cướp hoành hành, hạn hán, đói nghèo kéo dài mấy mươi năm; và khi sự suy thoái càng tàn tệ hơn dưới thời Lý Huệ Tông khi vua để mất thủ đô, bỏ triều đình chạy về Tức Mặc (Hà Nam) và yêu mê đắm Trần Thị quyết lấy về làm Hoàng hậu. Khi được triều đình rước về, bị mắc bệnh thần kinh, sợ bị đầu độc, đi tu ở Ninh Bình, giao quyền cho con gái Lý Chiêu Hoàng rồi bị treo cổ. Và... tàn khốc lắm chứ về đời vua thứ chín Lý Chiêu Hoàng - mới 7 tuổi đã lên ngôi trước cơn lốc xoáy của sự cấu xé, loạn luân... đã lên đến đỉnh điểm nơi thâm cung bí sử, tới mức sau này phải nhường ngôi cho chồng và do không có con nên đã để những thế lực cơ hội cướp mất ngôi báu nhà Lý.

Còn nữa biết bao các câu chuyện lịch sử mãi mãi như tài nguyên di sản giàu có mà điện ảnh Việt còn chưa có điều kiện khai thác.

Từ thành công của Long thành cầm giả ca

Bộ phim lịch sử mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội Long thành cầm giả ca đã tạo nên ấn tượng đẹp cho người xem. Sau buổi chiếu, nhiều người mừng rỡ: “Từ lâu lắm rồi, mới được xem một bộ phim lịch sử thuần Việt sạch sẽ, tử tế như thế này”. Quý lắm niềm lạc quan kỳ vọng về một dòng phim về lịch sử cổ xưa thuần chất Việt.

Kịch bản phim Long thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn thành Thăng Long) của NSƯT - đạo diễn Đào Bá Sơn được làm theo kịch bản của NSƯT Văn Lê - phóng tác từ bài thơ chữ Hán Long thành cầm giả ca của đại thi hào Nguyễn Du. Bối cảnh lịch sử bắt đầu từ năm 1783 cho đến năm 1813, khi Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc và người ta cho rằng ông viết bài thơ về người ca nữ trong thời gian này. Chuyện phim khắc họa mối tình “cùng một lứa bên trời lận đận” của Tố Như (thi hào Nguyễn Du) với Cầm - ca nương xinh đẹp nổi danh đất Thăng Long.

Khi bắt tay làm bộ phim này, điều mà đạo diễn NSƯT Đào Bá Sơn lo lắng nhất là với số tiền khiêm tốn chỉ gần 8 tỉ đồng, phải làm sao để tạo nên không gian Bắc Hà xưa, và quan trọng là phải có được một phong vị thuần Việt. Do đó, kể câu chuyện gì chưa quan trọng bằng cách kể như thế nào. Và... đó mới thực sự là thử thách với tất cả đội ngũ làm phim.

Cái mà Đào Bá Sơn luôn luôn lo lắng nhất là bộ phim được làm ra phải “đừng giống Trung Quốc”. Theo đạo diễn, với hoàn cảnh và điều kiện hiện tại ở ta thì dàn dựng tạo cảnh cầu kỳ giống Trung Quốc là điều không tưởng. Còn bỏ tiền để thuê họ làm dịch vụ thì còn chi là phim của mình? Tất cả thách thức ấy đã khiến những người làm phim Long thành cầm giả ca quyết định chọn một hướng đi riêng trong khả năng và điều kiện có thể.

Trước nhất, đạo diễn đã cương quyết không đưa đoàn phim của mình sang Trung Quốc để quay một số cảnh về quân Mãn Thanh (khác một số đoàn phim Việt Nam khác đang đua nhau tới trường quay Hoành Điếm tại Trung Quốc để thuê thực hiện cảnh quay). Cũng chính vì vậy, những người làm phim đã luôn luôn gánh trên vai mình áp lực là phải làm sao tạo ra cho phim một không khí cổ kính rất riêng của đất Bắc Hà xa xưa khi xây dựng Long thành cầm giả ca với chủ trương liệu cơm gắp mắm với nỗ lực cao nhất.

Người làm phim đã khôn khéo không sa đà vào việc mô tả đi sâu vào lịch sử của một Thăng Long cổ kính xưa trong giai đoạn cực kỳ biến động của loạn lạc, ly tán đầy nhiễu nhương dưới vương triều phong kiến vua Lê - chúa Trịnh mục nát, lại bị nạn kiêu binh hoành hành cướp bóc, chém giết khắp nơi. Những người làm phim chỉ dùng những sự kiện lịch sử này để làm nền, tạo nên cái cớ để tập trung vào một mảng trong cuộc đời truân chuyên và tâm hồn đầy trắc ẩn trong mối tình giữa thi hào Tố Như (Nguyễn Du) cùng người ca nữ đất Thăng Long. Ở họ vằng vặc một tình yêu thanh xuân và cả niềm tương tư khi xa cách cùng sự tri âm, tri kỷ nghệ thuật với nhiều tình tiết thú vị.

Về tạo hình bối cảnh nơi dung chứa hành động nhân vật, để tạo nên một tổng thể những nội và ngoại cảnh cần thiết cho bộ phim, những người làm phim đã nỗ lực đi khắp nơi, chọn lựa kỹ lưỡng để chắt chiu từng góc độ phù hợp với tạo hình mà bộ phim cần, đã tận dụng triệt để những ngoại cảnh làng quê Bắc Bộ: đường làng, chiền đê, lùm tre, bến nước, bờ bãi, cánh đồng... tại Ninh Bình, đền Thái Vi, Đường Lâm (Hà Tây cũ), Đà Lạt... và quyết định tổ chức phần lớn các cảnh quay tại khu du lịch Việt phủ Thành Chương (của họa sĩ Thành Chương) để khéo léo hòa trộn cùng những khung cảnh được chắt lọc tại các khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn, khu du lịch Làng Việt cổ Cố Viên lầu...

Ngoài sự tham gia của họa sĩ Nguyễn Trung Phan, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (con trai nhà văn Kim Lân) đã thực sự làm người xem thích thú nhờ kinh nghiệm phim trường đã nhiều năm và gu thẩm mỹ tinh tế của ông. Mạnh Đức đã trực tiếp chỉ đạo nhóm chuyên viên dựng cảnh, đạo cụ cùng chăm chút tạo dựng, bày biện, sắp đặt nên toàn bộ không gian Việt khá chỉn chu, kỹ lưỡng, đẹp mắt từ kiến trúc nội, đến ngoại cảnh, từ từng chi tiết hoa văn, phù điêu, từ mỗi đồ vật cổ xưa làm đạo cụ đặc tả trong trang trí bối cảnh và phục vụ diễn xuất. Tất cả những cố gắng chăm chút này đã góp phần không nhỏ cho những giá trị chung của bộ phim.

Về tạo hình nhân vật, đánh giá đúng vai trò quyết định của diễn viên trong việc tạo nên linh hồn cho phim, đạo diễn Đào Bá Sơn đã không tiếc công tìm kiếm và khá thành công trong việc quyết định chọn bé Hà Anh với đôi mắt sáng ngây thơ vào vai cô Cầm (lúc nhỏ) và chọn nữ diễn viên Nhật Kim Anh, lần đầu tiên đóng phim, có ngoại hình khá bắt mắt vào vai cô Cầm (lúc lớn). Vai Tố Như (thi hào Nguyễn Du) được trao cho nam diễn viên Ngọc Ngoan cũng khá phù hợp từ khuôn mặt, vóc dáng ngoại hình. Sự cố gắng của họ đã không phụ kỳ vọng của những người làm phim.

Nữ họa sĩ phục trang Nguyễn Thị Thu Hà đã nghiêm túc học hỏi, nghiên cứu, tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia mỹ thuật nổi tiếng và cả tất nhiên cả từ cha mình (NSND đạo diễn Hải Ninh - qua những kinh nghiệm thực tế đã từng trải của ông khi hoàn thành hai bộ phim lịch sử nổi tiếng Đêm hội Long Trì Kiếp phù du). Nhờ vậy mà Thu Hà và các đồng sự đã tái tạo nên những bộ trang phục cho các nhân vật trong phim: từ vai cô Cầm đến Tố Như, Nguyễn Khản, Thùy Trung Hầu, Nguyễn Đề, Thầy Nguyễn, Thầy Quản, quân lính, kiêu binh... Hầu hết các bộ trang phục đều được may kỹ lưỡng từ mẫu mã, phù hợp kiểu loại, chất liệu vải với tông màu trang nhã, không lòe loẹt..., không chỉ toát lên vẻ đẹp thuần Việt, mà còn thể hiện rõ sự am hiểu của những người tái tạo chúng.

Về tạo hình ống kính, đã có sự đóng góp không nhỏ của quay phim Đặng Phúc Yên và Xuân Bằng. Họ đã tạo nên nhiều khuôn hình đẹp về bố cục và ánh sáng, tạo nên không gian Bắc Bộ cổ xưa, hài hòa được với chất thơ bay bổng, giúp đạo diễn thể hiện được những ý đồ sáng tạo của mình. Được biết, trong cảnh quay cần đến diễn viên quần chúng đông nhưng số người được huy động đến hiện trường lại không đồng bộ về ngoại hình, quay phim đã khôn khéo chọn cách quay ngược sáng, phối hợp cùng kỹ xảo và hiệu quả của khói, bụi... để che dấu bớt những khiếm khuyết về tạo hình.

Nhờ công phu trong việc tìm tòi góc độ máy, vẻ đẹp mộc mạc đồng quê Bắc Bộ được toát ra từ chính những cái tưởng như bình dị nhất như hình ảnh con đường gạch dẫn tới cái giếng làng cổ xưa nước mát trong như gương để cô Cầm, người ca nữ khi về già, soi vào. Khuôn hình kết phim được nhìn từ trên cao gợi cho người xem sự liên tưởng ẩn dụ giống hệt như cây đàn và khúc ca định mệnh đã từng gắn bó một tình yêu tri kỷ, tri âm trong nghệ thuật giữa người ca nữ xinh đẹp với tâm hồn đầy trắc ẩn của một thi nhân tài hoa nơi đất Thăng Long xưa.

Thoại phim được chăm chút kỹ lưỡng. Đạo diễn đã nghiên cứu sử dụng và khéo léo trích dẫn khá phù hợp các bài thơ chữ Hán như Đói tửu, Tự thán, Mạn hứngVăn tế thập loại chúng sinh (chữ Nôm) của đại thi hào Nguyễn Du, Tỳ bà hành của thi hào Trung Quốc Bạch Cư Dị... thông qua thoại nhân vật. Bên cạnh đó hiệu quả của tiếng động và âm nhạc đã cùng góp phần nâng tầm giá trị Long thành cầm giả ca khi nhạc sĩ Quốc Trung đã sử dụng chủ yếu nhạc cụ dân tộc, góp phần tạo nên hồn Việt cho bộ phim.

        Khác với một bộ phim được ra mắt mới đây về nghĩa quân Tây Sơn và gây thất vọng cho khán giả vì nhiều hạn chế cần rút kinh nghiệm nghiêm túc về dàn dựng, trang phục, diễn xuất...; dấu ấn thật sự của Long thành cầm giả ca là một tín hiệu đáng mừng. Từ thành công này, người ta đã có thể tin rằng với một số vốn đầu tư không lớn lắm, nhưng với sự nghiêm túc, hết mình, đội ngũ những người làm phim nội vẫn có thể làm nên những bộ phim tạo được ấn tượng đẹp cho người xem bởi phong vị thuần chất Việt.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 317, tháng 11-2010

Tác giả : Đỗ Lệnh Hùng Tú

;