MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÂN CÁCH VÀ LỐI SỐNG

         Môi trường văn hóa là một bộ phận quan trọng của môi trường sống, gắn bó hữu cơ, mật thiết với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Xây dựng môi trường văn hóa, vì thế, cũng đồng thời là cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường, con người và văn hóa có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Môi trường văn hóa, với tư cách là kết quả của những ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính bản thân nó, chính là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người cũng như lối sống, nếp sống của cả cộng đồng.

Môi trường từ lâu đã trở thành mối quan tâm của nhiều ngành khoa học khác nhau. Trước đây khái niệm môi trường thường được hiểu theo nghĩa hẹp, dùng để chỉ thế giới tự nhiên xung quanh con người. Về sau, nội hàm của khái niệm môi trường ngày càng mở rộng hơn, được hiểu là tổng thể những nhân tố bao quanh, tác động lên cuộc sống của con người và vạn vật. Không chỉ bao gồm các yếu tố tự nhiên như địa chất, thời tiết, khí hậu, các sinh vật như động, thực vật, vi sinh vật, môi trường còn bao gồm các yếu tố xã hội như sản xuất, quan hệ xã hội, thể chế, và các yếu tố văn hóa như phong tục tập quán, lối sống…

Trên bình diện chung, có thể coi môi trường là toàn bộ những điều kiện tự nhiên và xã hội bao quanh con người, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của con người, của tự nhiên và xã hội. Với cách hiểu này, môi trường là một khái niệm rộng và đa nghĩa. Chính vì vậy, tiếp cận từ các góc độ khác nhau, chúng ta có các thuật ngữ khác nhau dùng để chỉ môi trường như: môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái, môi trường địa lý, môi trường xã hội, môi trường nhân văn, môi trường văn hóa… và thuật ngữ chung nhất: môi trường sống.

Môi trường sống của con người nói chung bao gồm các thành tố cơ bản là môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa là một bộ phận quan trọng của môi trường sống, mặt khác, nó có mối quan hệ hữu cơ mật thiết với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trong nhiều trường hợp, môi trường văn hóa còn được đồng nhất với môi trường xã hội. Hơn nữa, theo nghĩa rộng, môi trường văn hóa còn được coi là bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Nguyên nhân cơ bản nằm ngay trong quá trình vận hành để hình thành nên môi trường văn hóa, đó là quá trình nhân hóa, văn hóa hóa môi trường sống của con người. Môi trường văn hóa chính là môi trường sống trong đó có môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đã được văn hóa hóa. Chính vì vậy, nghiên cứu môi trường văn hóa không thể không nghiên cứu môi trường tự nhiên và môi trường xã hội - cơ sở nền tảng của môi trường văn hóa.

Thuật ngữ môi trường văn hóa mới được sử dụng ở nước ta trong những năm gần đây và đã thu hút được sự quan tâm của nhiều ngành khoa học khác nhau, đặc biệt là văn hóa học. Cũng như khái niệm môi trường, môi trường văn hóa là một khái niệm rộng và đa nghĩa, vì vậy nó thường được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Ở cấp độ vi mô, môi trường văn hóa thường được đồng nhất với đời sống văn hóa. Thực ra, hai khái niệm này tuy có những mối quan hệ mật thiết với nhau nhưng cũng có những khác biệt tương đối.

Đời sống văn hóa bao gồm các lĩnh vực hoạt động sống của con người và các dạng thức hoạt động khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Đời sống văn hóa là một tổng thể những yếu tố văn hóa vật chất và tinh thần nằm trong cảnh quan văn hóa, hoạt động văn hóa của con người, sự tác động lẫn nhau trong đời sống xã hội để tạo ra quan hệ có văn hóa trong cộng đồng người, trực tiếp làm hình thành lối sống của con người trong xã hội (1). Như vậy, đời sống văn hóa bao gồm những nội dung không tách rời mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và bao gồm các yếu tố cơ bản tạo nên cơ cấu của văn hóa như văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần (trong đó có một bộ phận quan trọng là văn hóa ứng xử). Nói cách khác, đời sống văn hóa là một phức hệ hoạt động văn hóa diễn ra trong thực tiễn, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần.

Nói đến đời sống văn hóa chủ yếu là nói về quá trình sáng tạo ra các giá trị văn hóa và sự ứng dụng của cái giá trị văn hóa đã được sáng tạo đó vào trong cuộc sống thực tiễn hàng ngày. Nếu như các giá trị văn hóa (vật chất, tinh thần) biểu hiện văn hóa ở thể tĩnh, thì đời sống văn hóa là nhằm để chỉ văn hóa ở thể động, tức biểu hiện của văn hóa trong đời sống hàng ngày ở mọi lúc, mọi nơi. Từ đó có thể nói, xuất phát từ các nhu cầu văn hóa của con người, đời sống văn hóa bao gồm toàn bộ những hoạt động sản xuất và tiêu thụ, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, thông qua các thiết chế và thể chế văn hóa. Đời sống văn hóa của bất cứ cá nhân, nhóm hay cộng đồng xã hội nào cũng bao gồm các yếu tố cơ bản là: nhu cầu văn hóa, hoạt động văn hóa và sản phẩm văn hóa. Các yếu tố này luôn vận hành trong một môi trường văn hóa nhất định và chịu sự quy định của môi trường văn hóa ấy.

Như vậy, rõ ràng môi trường văn hóa không đồng nhất với đời sống văn hóa mà bao trùm lên toàn bộ đời sống văn hóa của con người.

 

Môi trường văn hóa không phải là cái tự nhiên vốn có mà nó hình thành trên cơ sở “sự vận động của các quan hệ của con người trong các quá trình sáng tạo, tái tạo, đánh giá, lưu giữ và hưởng thụ các sản phẩm vật chất và tinh thần” (2). Môi trường văn hóa là kết quả của những ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính bản thân nó. Vì vậy, môi trường văn hóa, theo nghĩa rộng, bao gồm toàn bộ không gian văn hóa, chất lượng hoạt động văn hóa của xã hội để tạo nên các giá trị văn hóa, cùng với hệ thống thiết chế văn hóa đảm bảo cho quá trình sáng tạo, phổ biến, tiếp nhận, đánh giá và thưởng thức các giá trị văn hóa của con người. Có môi trường văn hóa mang tính nhân loại, quốc gia, đồng thời cũng có môi trường văn hóa mang tính vùng, khu vực, địa phương… được quy định bởi những điều kiện địa lý tự nhiên, lịch sử, tâm lý, truyền thống, phong tục tập quán, lối sống… riêng (3). Như vậy, môi trường văn hóa bao gồm điều kiện tự nhiên, các thiết chế và thể chế văn hóa, các giá trị và chuẩn mực văn hóa. Nói cách khác, môi trường văn hóa bao gồm cả hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn bao quanh, tác động trực tiếp đến đời sống văn hóa của con người, và ngược lại, chịu sự tác động của con người.

Là sản phẩm của một nền văn hóa nhất định, môi trường văn hóa chịu sự quyết định, chi phối bởi nền văn hóa đó thông qua hệ thống các giá trị và chuẩn mực văn hóa. Nếu như, văn hóa của một cộng đồng xã hội nhất định là một chỉnh thể có cấu trúc hai tầng: cấu trúc bề mặt và cấu trúc chiều sâu, thì môi trường văn hóa của một cộng đồng xã hội nhất định cũng vậy, nó cũng có cấu trúc hai tầng. “Cấu trúc bề mặt là những biến số hay còn gọi là những yếu tố động của văn hóa, bao gồm tất cả những biểu hiện văn hóa trong mọi mặt đời sống và thường xuyên đổi mới… Cấu trúc chiều sâu là những hằng số hay còn gọi là những yếu tố tĩnh của văn hóa. Hạt nhân của nó là hệ giá trị xã hội. Nó tạo nên truyền thống, lối sống, bản sắc văn hóa của cộng đồng xã hội. Cấu trúc bề mặt chịu sự chi phối, điều chỉnh của cấu trúc bề sâu. Ngược lại, cấu trúc bề sâu lại chịu sự tác động của cấu trúc bề mặt. Cấu trúc bề sâu đóng vai trò điều tiết, chỉ huy; cấu trúc bề mặt đóng vai trò thẩm thấu và có thể làm thay đổi dần những hệ giá trị, những quan niệm, những nếp sống…trong cấu trúc bề mặt” (4). Với cấu trúc bề mặt, môi trường văn hóa dễ tiếp nhận những tác động trong giao lưu, tiếp xúc văn hóa và thường diễn ra những biến đổi văn hóa. Với cấu trúc bề sâu, môi trường văn hóa lại tác động trở lại đời sống văn hóa của con người, quy định sự lựa chọn của mỗi thành viên trong cộng đồng. Và như vậy, con người vừa là chủ thể tạo lập nên môi trường văn hóa, lại vừa chịu sự quy định của chính môi trường văn hóa bởi hệ thống các giá trị và chuẩn mực xã hội.

Giá trị là cái ao ước, mong muốn trong đời sống của một cộng đồng xã hội, của một nhóm hay một cá nhân. Theo CL. Kluckhohl, giá trị mang trong nó “những quan niệm thầm kín hoặc bộc lộ về cái ao ước riêng của một cá nhân hay của một nhóm. Những quan niệm ấy chi phối sự lựa chọn trong các phương thức, phương tiện và mục đích khả thể của hành động”. Giá trị là sở thích của cộng đồng nảy sinh trong một bối cảnh xã hội nhất định và đóng vai trò điều tiết trong nội bộ cộng đồng ấy. Vì vậy, giá trị ở đây là giá trị xã hội, mang tính quy ước xã hội. Giá trị giúp cho cá nhân hay nhóm dựa vào vị thế xã hội của mình, xác định phương hướng hành động cho phù hợp. Vì vậy, giá trị có ý nghĩa tạo ra những động lực ẩn tàng bên dưới bề mặt đời sống xã hội (5).

Cốt lõi của văn hóa là giá trị. Cốt lõi của môi trường văn hóa cũng là giá trị. Trong mối quan hệ tương tác giữa con người, tự nhiên và xã hội, thông qua hoạt động sáng tạo của mình, con người đã hình thành nên các giá trị văn hóa, và chính các giá trị văn hóa trong quá trình vận hành, ứng dụng vào trong đời sống xã hội lại hình thành nên môi trường văn hóa. Như vậy, không phải môi trường văn hóa mà chính là hoạt động văn hóa tạo ra các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, hoạt động sáng tạo văn hóa ấy chỉ có thể diễn ra trong một môi trường văn hóa nhất định. Nói cách khác, chính môi trường văn hóa đã tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho các giá trị văn hóa sản sinh và vận hành, từ đó làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội.

“Môi trường văn hóa là thành quả kết tinh văn hóa của một thời đại cụ thể” (6), vì vậy, trong một môi trường văn hóa có thể vừa có các giá trị văn hóa truyền thống vừa có các giá trị văn hóa mới. Mặt khác, trong một môi trường văn hóa cũng có thể đồng thời tồn tại nhiều loại hình giá trị như chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học, nghệ thuật, đạo đức, thẩm mỹ, lịch sử… Tùy theo mỗi cộng đồng, dân tộc, giai cấp, tùy vào những thời điểm lịch sử nhất định mà có thể giá trị này hay khác trở thành giá trị chủ đạo.

Chuẩn mực là những quy tắc về ứng xử xã hội tồn tại dưới dạng thể chế thành văn hoặc bất thành văn được mọi thành viên trong cộng đồng công nhận và tuân theo. Mỗi môi trường văn hóa xã hội thông thường được chi phối bởi bốn hệ chuẩn mực cơ bản: hệ chuẩn mực trong lao động chi phối các hoạt động văn hóa lao động, hệ chuẩn mực trong giao tiếp chi phối các giao tiếp văn hóa, hệ chuẩn mực gia đình điều chỉnh các quan hệ văn hóa trong môi trường sống, các chuẩn mực phát triển nhân cách điều chỉnh lối sống.

Những hệ chuẩn mực lớn này đan kết nhau, định hướng, kiểm tra các hành vi cá nhân, nhóm xã hội, xác định các mẫu mực, mô hình chi phối, mục tiêu, giới hạn, hình thức ứng xử, tạo nên diện mạo tương đối ổn định của các môi trường văn hóa (7).

Từ đó có thể nói giá trị và chuẩn mực xã hội đóng vai trò điều chỉnh các hành vi cá nhân và cộng đồng trong một môi trường văn hóa nhất định và làm nên diện mạo của môi trường văn hóa đó. Nhờ có hệ giá trị xã hội và hệ thống chuẩn mực xã hội, văn hóa đóng vai trò vừa là động lực vừa là hệ điều tiết của sự phát triển xã hội.

Môi trường văn hóa, với hạt nhân cơ bản là những giá trị, chuẩn mực văn hóa, chi phối toàn bộ đời sống văn hóa của con người và cộng đồng xã hội sống trong môi trường ấy. Ngược lại, môi trường văn hóa cũng chịu sự tác động trở lại của con người và cộng đồng khiến cho nó có thể biến đổi theo cả hai xu hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Chính vì vậy, bên cạnh việc đặt trọng tâm nghiên cứu những vấn đề cơ bản mang tính nhân văn của môi trường văn hóa như hệ thống giá trị, chuẩn mực, thiết chế, thể chế văn hóa, mối quan hệ giữa các thành tố của môi trường văn hóa (trong đó trọng tâm là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với cộng đồng và xã hội…), cần lưu ý: thứ nhất, không thể bỏ qua đặc trưng vùng miền của môi trường văn hóa; thứ hai, không thể không nghiên cứu đời sống văn hóa của nhóm (cộng đồng) cư dân với tư cách là một thành tố quan trọng.

Môi trường văn hóa nói chung dù tiếp cận ở góc độ nào cũng không nằm ngoài mối quan hệ tương tác giữa con người, môi trường sống và sự phát triển. Môi trường văn hóa chính là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người cũng như lối sống, nếp sống của cả cộng đồng. Vì vậy xây dựng môi trường văn hóa cũng đồng thời là cải thiện và nâng cao chất lượng của môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn. Với ý nghĩa đó, xây dựng môi trường văn hóa không tách rời với việc xây dựng nhân cách cá nhân và lối sống, nếp sống của cộng đồng xã hội.

_______________

1. Viện Văn hóa, Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1984, tr.28.

2, 6, 7. Đỗ Huy, Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay từ góc nhìn giá trị học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.35, 67, 71.

3. Viện Văn hóa, Xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa ở Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.314-315.

4. Phạm Đức Dương, Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000, tr.18.

            5. Hoàng Vinh, Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999, tr.50-58.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 329, tháng 11-2011

Tác giả : Nguyễn Phương Lan

;