Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024, đoàn nghệ nhân đồng bào dân tộc Cao Lan tỉnh Vĩnh Phúc đã tái hiện Lễ hội Xuống đồng, một trong những nghi lễ truyền thống đặc sắc của dân tộc Cao Lan.
Người Cao Lan đã sinh sống định cư ở Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 200 năm. Lễ hội Xuống đồng của người Cao Lan ở Quang Yên là một trong những lễ hội cổ truyền trong kho tàng văn hóa phi vật thể của tỉnh Vĩnh Phúc. Từ bao đời nay, người Cao Lan là cư dân nông nghiệp lúa nước, vì vậy trong tín ngưỡng dân gian của họ các vị nhiên thần có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất, sinh sống của người dân. Ước mong sự sinh sôi này nở phát triển thuận lợi trước một mùa vụ mới, một năm mới là mơ ước ngàn đời của các cư dân trồng lúa. Đối với các cư dân nông nghiệp việc cầu mùa một năm hai lần vào dịp xuân thu nhị kỳ là việc làm rất cần thiết và ý nghĩa. Đó là hoạt động mang tính chất tín ngưỡng tâm linh đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người Cao Lan qua nhiều thế hệ.
Ở giữa sân đình, người Cao Lan dựng một cây nêu, đây là biểu tượng của sự linh thiêng
Thời gian, nghi thức tổ chức Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Cao Lan chủ yếu diễn ra vào khoảng từ 12 đến 15 tháng Giêng hằng năm (đầu xuân mới) và được chia thành 2 phần lễ và phần hội.
Phần lễ có lễ trình, lễ dâng hương, lễ cầu mùa. Theo phong tục của người Cao Lan những đồ lễ gồm có: Ván xôi con gà, hoa quả, bánh chim bánh chuột. Thày cúng sẽ làm thủ tục để cúng cây nêu (ở giữa sân đình đồng bào dựng một cây nêu, trên ngọn cây nêu có gắn một vòng tròn, đây là biểu tượng cho sự linh thiêng) và thỉnh mời các vị thành hoàng, thần linh, thổ địa, thần núi, thần sông, suối về chứng giám. Dân làng đứng hai bên (một bên nam, một bên nữ) của cây nêu, rồi chia nhau quả còn mà thày cúng đã thỉnh lên các vị thánh thần, trời đất, đồng bào sẽ thi nhau tung quả còn. Theo quan niệm của đồng bào Cao Lan, nếu người nào tung được quả còn chui qua vòng tròn trước thì suốt năm đó sẽ được dân làng đi làm nương, làm ruộng, trồng cấy giúp cho gia đình - gia đình chỉ việc nấu cơm cho dân làng ăn.
Sau khi các nghi thức liên quan đến phần lễ tại đình đã hoàn tất, chủ từ cùng Nhân dân tiến ra khu ruộng để thực hiện nghi thức xuống đồng. Trên thửa ruộng đã chuẩn bị sẵn cày, bừa và 1 con trâu đực, chủ từ bước xuống ruộng theo tiếng hò reo, tiếng vỗ tay của dân bản, bừa vài đường, trên tay chủ lễ cầm mạ và đi 4 góc ruộng mỗi góc cấy một nhánh mạ.
Thày cúng làm thủ tục cúng cây nêu
Phần hội luôn là thời khắc mọi người mong chờ và hào hứng tham gia. Tại Lễ hội Xuống đồng của đồng bào dân tộc Cao Lan có rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức như bắn nỏ, kéo co, chọi gà, đặc biệt là hát Sình ca và trò ném còn.
Hát Sình Ca trong Lễ hội Xuống đồng là những câu hát khai hội, cầu chúc cho lễ hội vui vẻ, con người khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa; cảm ơn Đảng, Bác Hồ đã mang về cho đồng bào được ấm no, hạnh phúc như hôm nay. Như lời câu hát: Em chúc hội ta đồng nhất tâm/ Ơn Đảng mang lại quốc an thái/ Mọi người hôm nay được vui hội/ Vui hội quê hương cùng hát ca. Hay: Có nói bao nhiêu cũng chẳng cùng/ Mọi người hôm nay cùng ca hát/ Ta chúc hội ta cùng phong lưu/ Mời được Sình Ca mới phong lưu.
Ném còn là trò chơi dân gian có từ lâu đời của dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Cao Lan nói riêng. Người Cao Lan làm quả còn bằng những mảnh vải vụn cắt thành hình ô vuông, gấp chéo 4 góc vào nhau, bên trong nhồi bằng hạt bông hay hạt thóc biểu thị của sự cầu mong này nở sinh sôi. Sau khi chọn được cây mai ưng ý, sáng 15 tháng Giêng thì dựng trước ở sân đình (được gọi là dựng cây nêu), phía ngọn của cây nêu theo một vòng tròn, đường kính khoảng 50cm, quanh vòng tròn dán giấy ngũ sắc, phông chính dán bằng giấy màu đỏ bản mỏng (tượng trưng cho mặt trời) đây cũng được coi là phông còn. Chủ từ sẽ lấy quả còn giao cho một đôi nam thanh nữ tú, mỗi người đứng một bên thực hiện nghi thức ném khởi đầu. Tiếp sau đó không phân biệt tuổi tác ai cũng thể tham gia trò chơi này. Trò chơi ném còn vừa mang tính văn hóa vừa mang tính thể thao, rèn luyện sự tinh tế, khéo léo khi tung, khi bắt. Vừa kết hợp các động tác toàn thân, vừa sảng khoái tinh thần, vừa được giao lưu, tỏ tình, đoàn kết, vui vẻ. Do đó, đây là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích, bởi bên cạnh việc làm cho người trong cuộc hào hứng, thì việc người đứng ngoài hò reo cổ vũ cũng khiến không khí cuộc chơi thêm phần đoàn kết, vui vẻ.
Sau phần lễ, đồng bào vừa tung còn vừa hát Sình Ca
Trò ném còn luôn thu hút hàng chục nam thanh nữ tú, những quả còn có tua dài với nhiều màu sắc sặc sỡ thay nhau lấy đà, rồi nhằm hướng mặt nguyệt trên ngọn cây nêu mà tung còn, để cầu thần linh che chở, bảo trợ, cầu cho bản thân, gia đình, làng bản cả năm được may mắn, tốt lành. Đồng bào Cao Lan quan niệm: Cái còn là cái không mất. Mặt nguyệt trên cây nêu mang tính âm, quả còn mang tính dương, đuôi còn là những dải tua có nhiều màu sắc tượng trưng cho hình ảnh chim phượng hoàng hay lên mặt trăng lấy giống lúa về. Vì thế, quả còn nào tung lên trúng qua mặt nguyệt thì người tung trúng sẽ được thưởng lộc, đồng thời phải mang còn ra đình làm lễ tạ thánh thần.
Cứ như thế, ngày xuân khép lại, lễ hội xuống đồng của đồng bào Cao Lan Quang Yên cũng tạm kết thúc trong niềm vui rạo rực, phấn chấn, chờ mong đón một năm mới may mắn, khỏe mạnh, mùa màng mọi nhà bội thu.
Lễ hội thể hiện được các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị khoa học vốn có của nó cần được các cấp chính quyền địa phương, nhân dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Thông qua lễ hội Xuống đồng các thế hệ trẻ người Cao Lan nói riêng và đồng bào các dân tộc anh em hiểu thêm về một lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan.
MẠNH QUẢNG - Ảnh: TUẤN MINH