LỄ HỘI RƯỚC VUA GIẢ LÀNG THỤY LÔI

 

Thụy Lôi, cách Hà Nội hơn 20km, là một làng lớn kéo dài từ bến sông Cà Lồ đến sát cánh đồng làng Vân Điềm - quê hương của dòng họ Nguyễn nổi tiếng có nhiều người đỗ đạt thời xưa. Thụy Lôi còn có tên nôm là Nhội, Kẻ Nhội, Ma Lôi, Xuân Lôi, trước Cách mạng tháng Tám thuộc xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, sau thuộc xã Tiến Bộ (1954 - 1964), từ 1964 đến nay thuộc xã Thụy Lâm. Thụy Lôi thuộc một làng đông dân, có lịch sử lâu đời, có truyền thống yêu nước, yêu lao động và hiếu học. Thời Hậu Lê có tiến sĩ Lê Tuấn Mậu, sau này làng có nhiều ông cử, ông tú, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà văn... Thụy Lôi có quần thể di tích còn lại tương đối cổ kính như đền Sái, chùa Sái, đền Thượng, đều được Nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử ngày 31-3-1990.

Truyền thuyết ở Thụy Lôi kể rằng: Sau khi mở rộng bờ cõi đến vùng Văn Lang, An Dương Vương đổi tên nước Âu Lạc đóng đô ở Phong Khê (đất Cổ Loa) và lo đắp một tòa thành thật kiên cố. Khu đất chọn để đắp thành là một quả đồi đất rắn như đá. Đám đông hì hục đào đất, khuân đất hết ngày này sang ngày khác, tòa thành cao dần . Vua cùng các tướng tá đến xem rất lấy làm hể hả, cho là một tòa thành có thể đứng vững muôn đời, sấm sét không lay chuyển, mưa bão không làm sạt được, quân giặc cũng không thể phá nổi. Nhưng chỉ qua một đêm cả bức tường thành quanh co đều sập xuống như đất bằng. Vua đến xem rất tức giận và hỏi những người dân ở gần, họ nói: Ban đêm họ nghe thấy những bước chân rầm rập ở khắp các ngả kéo đến, những tiếng xì xào, có thể là ma quỷ, người đâu mà đông đến thế! Họ sợ quá nên không dám hé phên ra, họ lại nghe thấy những tiếng huỳnh huỵch tiếp đến những tiếng đổ ầm ầm như sấm. Vua sai các tướng đốc thúc đắp lại thành cho kỳ được. Đám người hăng hái đắp lại thành không ngừng, tường thành mỗi lúc một cao dần và lại cao như cũ. Nhưng rồi chỉ trong một đêm, cả dãy tường thành lại sập xuống. Vua sai người đi hỏi những người ở gần thì họ lại nói như trước. Vua lại ra xem chỗ thành đổ, cầu trời phù hộ mình đắp cho xong tòa thành. Vua đi vòng quanh chân tường, vùa đi vừa nghĩ. Bỗng nhiên, vua thấy một ông già râu tóc bạc phơ từ phía xa đi lại, đến gần, tự xưng là thổ thần và nói với vua rằng: Nhà vua đừng lo, sáng mai nhà vua ra đợi ở bờ sông sẽ có sứ giả Thanh Giang đến giúp nhà vua đắp thành. Nói xong, ông già biến mất. Hôm sau, mới tờ mờ sáng, vua đã ra tận bờ sông để đợi Giang sứ. Vừa bắt đầu tan sương thì một con rùa vàng rất lớn nổi lên mặt sông, từ phương đông bơi vào bờ. Đến gần nhà vua, rùa tự xưng là thần Kim Quy, sứ giả của vua Thủy Tề. Vua sai đặt Giang sứ lên một chiếc mâm, khiêng vào cung. Khi vua hỏi kế đắp thành, thần Kim Quy bảo rằng: ở núi Thất Diệu có con gà trắng sống lâu năm thành tinh, có phép biến hóa khôn lường, nó thường hãm hại khách qua đường và khách ngủ ở các quán trọ trong vùng. Các vua thời trước cùng các nhạc công khi qua đời đều được chôn ở núi Thất Diệu, những u hồn ấy từ lâu không tan, lẩn quẩn trong khe đá, hang sâu. Những u hồn ấy có thù với nhà vua, nên đêm thanh vắng họp nhau thành từng đàn từng lũ đến xúi giục con gà trắng phá thành đang xây. Con gà trắng có tiền duyên với con gái lão chủ quán gần chân núi, nên hay hiện hình làm khách bộ hành ghé vào nhà lão. Muốn đắp được thành trước hết phải trừ cho tiệt giống yêu ma và giết chết con gà trắng của lão chủ quán kia đi. Nghe lời thần mách bảo, vua sai mấy viên tướng đem quân vào rừng mai phục, rồi cùng thần Kim Quy làm giả khách bộ hành đến xin ngủ trọ. Chủ quán từ chối, lấy cớ trong núi có nhiều yêu quái hay làm hại khách đi đường. Nhưng vua và thần Kim Quy nhất định xin ở lại, chủ quán phải chiều ý hai người. Đến đêm, vua nghe thấy những bước chân rầm rập bên ngoài, những bước chân từ khắp các ngả đi lại rộn ràng, thốt nhiên có bàn tay rất mạnh đập vào cái phên của nhà lão chủ quán, tiếp đến có tiếng người gọi con gái lão. Thần Kim Quy lên tiếng nạt nộ, tiếng người ngoài im ngay, những tiếng bước chân cũng xa dần. Nhưng đến gần sáng, lại có tiếng chân rầm rập ở ngoài, thần Kim Quy bảo vua mở cửa phên gọi quân mai phục đuổi theo đám yêu quái đang rút về núi Thất Diệu. Quân lính vừa đuổi vừa rút nỏ bắn theo, cứ một loạt tên bay đi thì lại nổi lên những tiếng ma kêu, quỷ khóc rùng rợn. Tiếng rên rỉ, khóc than mỗi lúc một thưa dần. Khi mặt trời mọc thì yêu khí tan. Quân lính của vua đào được rất nhiều hài cốt và nhạc khí cổ trong các hang núi, họ chất thành đống cao rồi đốt, tro và than đổ xuống suối cho tán hẳn oan hồn.

Vua và thần Kim Quy trở về quán trọ bảo chủ quán hiến cho mình con gà trắng để tạ trời đất. Gà vừa bị cắt tiết thì con gái lão chủ quán cũng lăn ra chết. Giữa lúc ấy một con chim trong nhà bay vụt ra, thần Kim Quy biết đó là con yêu tinh tìm đường chạy trốn, liền tung phép giết chết. Yêu ma đã trừ xong, thần Kim Quy lại xuất hiện nguyên hình con rùa vàng. Thần rút một cái móng của mình trao cho vua và dặn: Nhà vua giữ lấy móng chân này để làm lẫy nỏ, khi có giặc thì đem nỏ ra bắn, một phát có thể giết được hàng ngàn quân giặc. Nhờ có thần Kim Quy trừ hết yêu ma, vua ra lệnh cho quân lính và nhân dân đắp lại thành. Chẳng bao lâu tòa thành đắp xong, rộng tới ngàn trượng, vừa dày vừa cao, xoáy hình con ốc nên gọi là Loa Thành.

Câu chuyện kể trên đã phản ánh một thời kỳ lịch sử cách đây hàng ngàn năm. Đó là thời kỳ dựng nước của dân tộc Việt Nam thời mà vua tôi đồng lòng, cả nước chung sức chống thiên tai, địch họa để làm ra hạt lúa củ khoai nuôi sống con người, đúc đồng, rèn giáo mác, tên đồng, đào hào đắp lũy chống ngoại xâm.

Núi Thất Diệu, có nghĩa là bảy ngọn núi thiêng liêng, huyền diệu, nằm trên một vùng đất bằng phẳng ở phía đông bắc Thủ đô Hà Nội, cách thành Cổ Loa chừng 15km thuộc địa phận Yên Phong, Bắc Ninh và huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Núi Thất Diệu nhìn từ xa như bảy con rùa mà con đầu đàn là ngọn cao nhất, dân gian gọi là núi Rùa mẹ hoặc Sái, tên chữ là Vũ Dương Sơn hoặc Quy Linh Sơn. Núi Sái thuộc địa phận thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh. Đền Sái hiện nay là do vua Thục thầm cảm ơn công đức của Huyền Thiên Trấn Vũ - người đã giáng lâm trừ ma diệt tà giúp nhân dân phía Bắc tránh được tai họa để yên tâm làm ăn - đã xây đền thờ và đặt tên là Kim Thuyết Cung. Hàng năm cứ vào độ xuân về, vua lại cùng quan quân về bái kiến. Sau thấy việc đi lại làm hao phí của cải của dân nên đã giao lại cho nhân dân toàn quyền thi hành nghi lễ thiên tử. Người dân được phép xưng quan tướng để thực hiện các nghi lễ. Từ đó trở đi, lễ rước vua giả trở thành tập tục và là sự mong ngóng của nhân dân.

Hội rước vua giả làng Thụy Lôi tổ chức hàng năm vào ngày 11 tháng giêng. Trước ngày mở hội hàng tháng, dân làng đã có sự chuẩn bị rất cụ thể và bài bản. Ngày 5 tháng giêng, dân làng cho sửa đường xá, cầu cống để đón vua về. Con đường xưa vua đi nay gọi là đường cái thờ, một con đường dẫn vào làng và lên đền. Ngày 6, dân ra đình cắm chỗ, dựng dinh cho vua, chúa (dinh vua đóng trong đình, dinh chúa đặt ngoài đình) và các quan, các ông đám ông trò trình làng những trâu đô, bò đô, lợn đô. Những con vật này được các nhà nuôi cẩn thận và cho ăn sạch sẽ từ cả năm trước. Ngày 9, dân làng làm bánh chưng, bánh dày tiến vua, những thứ bánh được làm bằng gạo nếp hoa vàng gói trong lá chít, lá mía xanh. Bánh chưng, bánh dày làng Nhội là thứ bánh xưa kia đã nổi tiếng khắp vùng. Ngày 10 tháng Giêng làng cho giết những con lợn đô, trâu đô để vua khao dân làng, binh lính tại đình. Trưa hôm đó vua lên đền Sái bái yết đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền Sái ở trên một quả đồi thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, cách di tích Cổ Loa khoảng 5 km về phía bắc. Di tích gắn liền với việc xây thành Cổ Loa của An Dương Vương. Theo truyền thuyết, khi vua Thục đắp thành Cổ Loa, có bạch kê tinh ở Thất Diệu Sơn (núi Sái) quấy phá. Nhờ có thần Kim Quy giúp, thành ốc được xây xong. Để tưởng nhớ công tích đó, Thục An Dương Vương lập đền thờ Huyền Thiên trên núi Thất Diệu.

Sau đó vua lên đền Trung thờ Đông Hải Đại Vương và chúa, đi lễ đền Thượng và đền Thủy thờ Trương Hống, Trương Hát - những vị tướng nhà Lý có công lao trong các trận chiến chống quân xâm lược xưa kia.

Qua giờ ngọ (12 giờ trưa) của ngày chính hội, đám rước bắt đầu, đình làng trang trí lộng lẫy, các ông vua giả, chúa giả, quan giả được kiệu võng rước ra đình. Vua giả ngồi trên ngai sơn son thếp vàng đặt trên một sập cao gần chính giữa đình. Thềm đình bên phải là hai dinh: dinh quan đề lĩnh và quan tán lý, bên trái là dinh của quan thị vệ. Ngoài đình phía bên phải là dinh chúa (chúa ngồi trên ngai gỗ), phía sau là dinh quan lưu thủ.

Sau khi vua giả, chúa giả, các văn võ bá quan đã yên vị, yến tiệc cỗ thí bắt đầu. Tiệc tan, chiêng trống nổi lên, chúa vào yết kiến vua theo đúng nghi lễ truyền thống. Chúa phải đi bộ đúng ba vòng quanh đình mới được vào yết kiến nhà vua, sau đó vua lên kiệu bát cống, các quan tán lý, đề lĩnh, đô tướng... lần lượt cũng lên võng theo vua. Cuộc rước bắt đầu, đi đầu là cờ mao tuyết để dẹp tan yêu khí cho đám rước đi an toàn, tiếp đến là kiệu chúa và sau là kiệu vua có tàn lọng sặc sỡ uy nghiêm che, tiếp đến là phường nhạc bát và tiếng chiêng trống trầm hùng trang nghiêm mà vẫn nhộn nhịp tưng bừng, dân làng đứng hai bên xem. Đoàn rước dừng lại ở Đồng Chầu, vua xuống kiệu đi lên gò vọng bái làm lễ bái vọng Đức thánh Huyền Thiên trên đền Sái.

Ngôi đền dựng trên tòa núi đất nổi giữa cánh đồng. Các công trình kiến trúc kế tiếp nhau từ lưng chừng núi lên đỉnh. Dưới cùng là ngũ môn đồ sộ, tiếp đến gác chuông ba gian hai chái, sau đến đền kính thiên, tiền tế, bái đường và hậu cung. Các công trình kiến trúc có niên đại cuối Lê, đầu Nguyễn. Cổ nhất là hậu cung, nền nhà lát bằng nhiều viên gạch có trang trí nổi hình rồng, vật liệu kiến trúc tiêu biểu của thời Lê. Quanh đền còn có Tiên Tỉnh, Tiên Trì, Mã Tích Tiên Đề, Thạch Sùng. Hiện nay, đền Sái còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ, sáu tấm bia đá, cây hương đá dựng từ đời Lê Chính Hòa.

Sau khi làm lễ bái vọng xong, vua về đình và dừng lại trước dinh lưu thủ, lúc này dinh đã được dỡ bỏ, quan lưu thủ ngồi trên ghế với mấy chiếc chiếu trải từ ghế đến nơi đám rước dừng lại, được coi tượng trưng là cái cổng. Từ đám rước, bốn ông xá - lính của nhà vua - đến quỳ trên chiếc chiếu đối diện với bốn ông đầu phe rồi cùng đứng lên ngồi xuống ba lần như động tác mở cổng thành rước vua vào. Khi vua vào, một cụ già cầm gậy đầu gà gõ xuống chỗ đất trước kiệu vua, vua đọc một bài văn trong đám rước.

Trong khi vua chỉ dừng ở gò Vọng Bái thì kiệu chúa đi nhanh về phía đền Thượng, đến đền, chúa xuống kiệu làm lễ ướm gươm, chém ba nhát vào hòn đá để sau đền, đổ phẩm đỏ lên. Tục truyền ấy là động tác giết gà trắng. Sau lễ ướm gươm, chúa vào đền đứng vái trước bài vị Cao Sơn Đại Vương ba vái rồi chúa biến mất, dân làng khiêng kiệu không về đình.

Hội rước vua giả ngày nay vẫn tuân thủ và giữ được nghi thức của lễ hội xưa, nhưng rước có phần nào giản đơn đi đôi chút, vì thời điểm diễn ra lễ hội chính là cao điểm của việc gieo trồng vụ chiêm xuân, nếu kéo dài theo nghi thức cũ phần nào ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch của nhân dân.

Việc chọn vua, chúa, các quan cho hội là rất quan trọng, do làng chọn. Người được chọn đóng vua giả phải là người khỏe mạnh, tuổi đúng 72 và còn song toàn (còn cụ bà, còn vợ), vua giả phải tự sắm lấy áo thụng, mũ hoàng đế (mũ cánh chuồn), một đôi hia và người đó đã từng làm lễ thượng thính. Tập tục làng quy định, các lão ông tuổi 55, nhất loạt vào ngày mồng 8 tết phải sửa hai mâm cỗ, mâm lớn dâng lên đền Sái, mâm nhỏ dâng lên đình cúng thành hoàng sau đó khao dân gọi là lễ thượng thính. Nếu ai không sửa được cỗ thì mua trầu cau, xôi oản và thủ lợn để mua nhưng. Những người không có lễ thượng thính, chỉ có nhưng theo lệ cũ không được chọn làm vua giả. Người đã qua lễ thượng thính đến tuổi 60 được cử đóng vai chúa hoặc quan trước khi lên làm vua giả. Xưa kia người được chọn đóng vua giả, làng cấp ba mẫu ruộng để lấy hoa lợi chi phí trong hội, ngoài áo quần, kiệu võng còn phải lo một trâu đô, một lợn đô. Người đóng vai chúa thì ít hơn, chỉ có một mẫu ruộng nhưng phải lo một con bò cho làng.

Các vai như quan đô tướng, quan trấn thủ, quan tự vệ, quan đề lĩnh... việc chọn đơn giản hơn. Đó thường là các cụ trên 55 tuổi, đã làm cỗ thượng thính, họ hàng anh em với vua và chúa.

Trong hội rước vua giả, tất cả các động tác, tình tiết đều nhằm diễn lại tích xưa. ấy là việc vua cùng đoàn tùy tùng bái kiến Đức Thánh Huyền Thiên nên các ngôi thứ, phục trang, võng lọng đều phỏng theo lối của triều đình. Cùng với việc diễn tích vua bái yết đền Sái là tích diệt bạch kê tinh (yêu gà trắng). Các cụ già của làng kể lại, trước kia cứ vào dịp làng làm hội ông Đám, ông Trò thì có dân thập phương, đặc biệt là các liền anh, liền chị, những làng kết nghĩa lân cận đến dự và chúc tụng rất đông. Trong những ngày hội có dọn cỗ thí, cỗ thí được bày trong các mâm từng tầng. Trong các món ăn của cỗ thí, đặc biệt có bánh tét, chè lam là đặc sản của làng Nhội. Bánh tét làng Nhội được làm bằng gạo nếp hoa vàng, không gói vuông mà gói bằng lá chít hoặc lá mía, khi ăn người ta lấy một sợi chỉ đã dấp nước để cắt thành những khoanh tròn bày từng tầng lên đĩa hoặc mâm. Ngày nay trong cỗ thí, bánh tét không được làm nữa mà thay vào đó là bánh dày, cũng làm bằng gạo nếp hoa vàng nên bánh mịn, thơm đậm tình người Thụy Lôi.

Như vậy, bên cạnh hội đền Cổ Loa, hội đền Sái cũng là một hoạt động có quy mô lớn tưởng nhớ đến vua An Dương Vương và công đức của ngài. Ngày nay, việc tổ chức một cách long trọng, trang nghiêm những hoạt động như lễ rước vua ở đền Sái là rất cần thiết, giúp cho thế hệ sau hiểu rõ hơn về phần lịch sử đã trở thành huyền thoại của nước nhà, đồng thời góp phần khẳng định và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014

Tác giả : Phạm Văn Lự

;