LỄ HỘI QUA GÓC NHÌN BÁO CHÍ NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, số lượng báo và bài viết về lễ hội không quá nhiều. Thêm nữa, công việc bảo quản và lưu trữ, do nhiều nguyên nhân, chưa được như mong muốn, song với những gì hiện còn, chúng ta vẫn có thể nhận thấy ba xu hướng diễn ngôn về lễ hội. Xu hướng thứ nhất là đánh giá tiêu cực về lễ hội. Xu hướng thứ hai vừa đánh giá tiêu cực về lễ hội vừa nhìn thấy mặt khả thủ của lễ hội. Xu hướng thứ ba nhìn chung đánh giá tương đối tích cực về lễ hội. Ở một chừng mực nhất định có thể thấy những đánh giá này khá giống với các đánh giá về lễ hội trên báo chí Việt Nam những năm đầu TK XXI.

Trước hết, các báo xoáy sâu vào quan điểm phê phán lễ hội, cho rằng lễ hội và các thực hành văn hóa trong lễ hội là mê tín dị đoan, lạc hậu, buôn thần bán thánh. Các báo cho rằng ảnh hưởng của mê tín dị đoan rất tai hại, thậm chí gây ra những cái chết thương tâm. Nguyên nhân của hiện tượng mê tín dị đoan chính là do người dân không hiểu biết, dốt nát nên bị lợi dụng, trục lợi. Quan điểm này được tìm thấy trong các bài báo viết về lễ hội trên tờ Đông Dương tạp chí của các tác giả Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh; trên báo Trung Bắc chủ nhật với các bài viết của tác giả H.K.T và T.B; trên Nam Phong tạp chí với các bài viết của Đông Châu, Trần Phát Doan. Báo chí phê phán hiện tượng hầu đồng, hầu bóng và phê phán cả những ông đồng, bà đồng, con công, đệ tử mặc những bộ quần áo và khăn màu sặc sỡ đi nghênh ngang giữa đám đông, nét mặt lúc nào cũng ngơ ngác như những kẻ mất hồn hoặc vênh váo tưởng mình đang đội lốt của các cô, các cậu, các vị thần linh được mọi người tôn sùng. Bởi vậy nên ngay từ đầu TK XX, báo chí Việt Nam đã chuyển tải thông điệp bài trừ mê tín dị đoan - điều mà chúng ta còn gặp lại trên báo chí những năm đầu TK XXI.

Xu hướng thứ hai là diễn ngôn vừa khẳng định lễ hội vừa phê phán việc tổ chức lễ hội. Xu hướng này tập trung ở nhóm tác giả của Nam Phong tạp chíHà Thành ngọ báo. Các báo cho rằng lễ hội là sinh hoạt chính đáng của người dân, đi chùa lễ bái là hành vi đáng tôn trọng. Đến tham dự các lễ hội là một dịp để con người giải tỏa căng thẳng, hòa mình vào không khí náo nhiệt của ngày hội. Bên cạnh đó các báo cũng phê phán công tác tổ chức lễ hội chưa thật tốt, ở một số lễ hội vẫn diễn ra tình trạng lộn xộn, xô đẩy, tranh giành khách đến mức hỗn độn cẩu thả, không hề có luật lệ phép tắc gì. Có thể tìm thấy những đánh giá này qua bài Trảy chùa Hương (1) của Phạm Quỳnh trên Nam Phong tạp chí hay Hội chùa Vua (2) trên Hà Thành ngọ báo, Hội Lim (3) trên Ngày Nay...

Xu hướng khẳng định, đề cao lễ hội chủ yếu tập trung thể hiện qua các bài viết đăng trên Trung Bắc chủ nhậtNgày Nay của các tác giả Nguyễn Duy Kiên, H.K.T, Tường Bách, Tùng Hiệp, Nhị Lang. Các lễ hội được báo chí đánh giá cao là những lễ hội ở miền Bắc như hội chùa Thày, Tràng An, chùa Hương, làng Hạ Lôi. Tác giả Nhị Lang khi tham dự lễ hội Tràng An đã đánh giá cao vai trò của lễ hội bởi ông cho rằng “đi trẩy hội Hoa Lư, người Việt Nam lại đã biết nhớ đến một nhân vật đã tạo nên một thời kỳ oanh liệt trong lịch sử ta, đã dựng một nền chính thống vững vàng đầu tiên ở nước Việt Nam” (4). Còn tác giả Tường Bách thì đánh giá cao đám tế trong lễ hội làng Hạ Lôi (5).

Khoảng 30 năm trước Cách mạng tháng Tám, xã hội Việt Nam đầy biến động và xáo trộn đã hình thành một tầng lớp trí thức mới, đa phần chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng, Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Tường Bách. Một số người tuy được trau dồi Hán học như: Ngô Văn Triện, Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố nhưng đã không nệ cổ, hướng tới con đường canh tân đất nước. Với những người trí thức vừa nêu, đại đa số họ nhìn thấy ở quá khứ dân tộc, ở nông thôn Việt Nam là những cảnh quan trường bê bối, những hủ tục mê tín, cảnh tranh giành ngôi thứ ở chốn đình trung, họ xem đình làng và những tệ nạn việc làng là nguồn gốc của đói khổ, lạc hậu.

Trong xã hội phong kiến, với giáo lý Khổng Mạnh, nhà nho giữ một khoảng cách nhất định với quỷ thần: “quỷ thần kính nhi viễn chi” (tức nhà nho thừa nhận có quỷ thần nhưng không mê muội theo quỷ thần). Nhà nho đề cao yếu tố duy lý mà tiêu biểu cho xu hướng này là Ngô Thì Sĩ. Khổng Tử không nói đến những chuyện quái dị, bạo lực, làm loạn, thần thánh “Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần” (6). Bởi thế, nhìn chung trong xã hội phong kiến các hiện tượng lễ hội cứ diễn ra tự nhiên với các nghi thức lễ tế, các hiện tượng lên đồng, xem bói, các trò đánh bạc, chè chén, đốt vàng mã... Vào khoảng 30 năm trước Cách mạng tháng Tám chính là thời gian những tư tưởng khoa học Âu Tây đã thấm vào tầng lớp trí thức Việt Nam. Tầng lớp này cho rằng những hiện tượng lên đồng, bói toán, xóc đĩa, cúng bái là mê tín. Họ chỉ thấy ở lễ hội những đám đông xô đẩy có thể dẫn đến chết ngạt. Cũng có người đã phân biệt chính xác giữa tín ngưỡng và mê tín như tác giả T.B trên Trung Bắc chủ nhật. Đây chính là cơ sở tạo nên các diễn ngôn báo chí về lễ hội.

Trong số những trí thức tân học có những người vừa nhìn thấy những phần tích cực của văn hóa, truyền thống dân tộc, vừa thừa nhận những phần tiến bộ của văn hóa phương Tây. Họ chủ trương dung hòa cái phần tích cực của văn hóa dân tộc và phần tiến bộ của văn hóa phương Tây để xây dựng văn hóa dân tộc. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh đã từng diễn thuyết tại nước Pháp rằng nền văn hóa Việt Nam không phải là một tờ giấy trắng muốn vẽ gì nên đó thì vẽ. Tác giả đã diễn thuyết về cái hay cái đẹp của ca dao, dân ca Việt Nam, về tầm ảnh hưởng rộng khắp của Truyện Kiều. Phạm Quỳnh đã viết về lịch sử hai nghìn năm của dân tộc với nhiều nhận xét đúng đắn, đã chủ trương phổ cập giáo dục tiểu học bằng tiếng Việt, sau đó học sinh mới học chữ Pháp ở bậc học cao hơn. Ông nhắc lại câu nói của lãnh tụ Ấn Độ Gadhi: “Không có gì bất hạnh hơn là không hiểu biết đầy đủ một thứ tiếng nào, bắt đầu từ tiếng nước mình”. Mặt khác, năm 1919 trên tạp chí Nam Phong, sau khi trẩy hội chùa Hương, Phạm Quỳnh viết rằng: “Lòng tín ngưỡng về tôn giáo của nước ta sánh với các nước khác thấp kém lắm, thật là thiếu mất một sức mạnh lớn trong xã hội. Nước người ta vì lòng tin đạo mà dựng lên những nhà giáo đường to lớn, những chốn tịnh xá mênh mông, nước mình trong suốt cõi được dăm ba nền chùa nát, một vài góc miếu xiêu…” (7). Năm 1921, trên tạp chí Nam Phong số 53, ông viết: “...không thể kể hết những tục mê tín vô lý từ đời xưa đến đời nay. Ai muốn khảo về khoản mê tín này cứ xét ngay một xã hội nước Nam ta bây giờ cũng thừa đủ tài liệu cho sự khảo sát, nào là nghề phong thủy, thuật bốc phệ, những thói đồng cốt quàng xiên cúng bái vô lý, bút nào mà tả được những cái trạng thái kinh kỳ của một dân u mê hay tin nhảm” (8).

Phạm Quỳnh nhìn thấy ở hội Phủ Dày, Kiếp Bạc “là những chợ buôn thần bán thánh cùng những trường luyện quỷ trừ ma, không còn gì là cái thú vị về tôn giáo nữa. Duy có chùa Hương, hòa hợp cái thú thiên nhiên một nơi phong cảnh có một trong cõi Bắc với cái nghĩa màu nhiệm của một đạo tu hành rất cao của trời Tây, là chốn cao thượng hữu tình hơn cả”. Khi chứng kiến cảnh những người dự hội chùa Hương xô đẩy, chen chúc nhau đến mức hỗn độn, cẩu thả không có lề luật, không ai biết quản trị ngoài việc độc quyền chở khách, Phạm Quỳnh cho rằng “người mình hèn thật”. Đối với người dự hội, sau khi chứng kiến cảnh đông đúc, chen chúc chật ních người, kẻ đứng người ngồi, kẻ nằm ngang người nằm dọc, không có chỗ nào mà lách chân được, ăn lấm, nằm láp, coi rẻ cái thân thể, lấy rằng đi lễ được phúc, càng phải lầm than bao nhiêu càng được phúc bấy nhiêu. Tác giả có tâm thế ái ngại về điều đó. Theo ông, cái đẹp của chùa Hương là cái đẹp của cảnh vật thiên nhiên, của đêm khuya thanh vắng, của non xanh nước biếc, của phong cảnh ngoạn mục với “hai bên núi đá, một dòng sông con chảy dưới, núi thâm thấp, nước quanh co”. Cái đẹp của núi sông chùa Hương là cái đẹp của sự vừa phải bởi “núi cao quá thường làm cho người ta rợn, sông rộng quá thường làm cho người ta ghê, mà non kia nước này thật là vừa bằng cái sức người tưởng tượng nên coi ra rất là mĩ miều, khả ái” (9).

Xu hướng khẳng định, đề cao lễ hội tập trung vào các năm 1940-1942. Sở dĩ như vậy vì từ năm 1939 chính quyền Pháp hạn chế, đóng cửa nhiều tờ báo. Có lẽ để tồn tại được trước các đạo luật hà khắc của chính quyền thực dân nên các tờ báo có khuynh hướng tránh bàn luận đến các vấn đề chính trị mà tập trung vào các vấn đề ít nhạy cảm như danh lam thắng cảnh, hội hè đình đám. Như đã phân tích ở trên, các tác giả cũng không bàn đến các khía cạnh rước xách, ông đồng bà cốt mà viết về những cảnh du thuyền, viết về sự tích Đinh Tiên Hoàng, Từ Đạo Hạnh hay tục thổi cơm thi, ý nghĩa của hội vật làng Mai Động. Nhìn chung các tác giả của khuynh hướng này không phải là những người thật nổi tiếng trong xã hội lúc đó.

Trước Cách mạng tháng Tám, quyền lực chi phối các diễn ngôn nói chung trên báo chí và diễn ngôn nói riêng về lễ hội trên báo chí, trước hết tập trung ở chính quyền thực dân. Các tác giả và những tờ báo không được viết hoặc đăng tải những bài ảnh hưởng đến sự an ninh của chính quyền đô hộ nói riêng, của nước Pháp nói chung. Một vài sự việc sau cho thấy điều đó. Quan án sát Nguyễn Chí Đạo, quê ở Bắc Ninh, đang tại chức ở Hải Dương bị Tây cho về hưu non chỉ vì lỡ tay viết thư thăm bạn đồng liêu, trong đó ghi câu thơ cổ: “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay đi đánh nhau có mấy người trở về nhà). Lá thư được viết giữa lúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Pháp đang cổ động dân An Nam mua công trái ủng hộ mẫu quốc và mộ lính sang Tây (10). Tháng 9-1939, nhà văn Nguyễn Công Hoan đang dạy học ở Trà Cổ (thuộc Quảng Ninh ngày nay) được đổi về trường tỉnh Thái Bình. Lúc này chiến tranh thế giới lần thứ hai bắt đầu, nội các của Mặt trận bình dân ở bên Pháp đổ, thực dân Pháp ở Đông Dương bắt đầu trị cộng sản. Nguyễn Công Hoan về Thái Bình chưa đầy một tháng thì bị cảnh sát khám nhà. Chúng lục tủ sách, thấy có quyển viết về Stalin (lãnh tụ của Liên Xô lúc đó), chúng tịch thu và Nguyễn Công Hoan bị truy tố. Viên công sứ (người Pháp đứng đầu tỉnh) đã dặn viên chánh án khép nhà văn ba năm tù (11).

Quyền lực thứ hai chi phối diễn ngôn là các tờ báo, nhất là những tờ báo lớn và các tác giả có địa vị, sức ảnh hưởng lúc đó. Kinh Thánh đã nói: “Khởi thủy là lời nói”. Nữ nhà báo và văn sĩ người Anh, Angela Carter đã viết “Ngôn ngữ là quyền lực” (12). Trong một nghìn năm dưới chế độ phong kiến, nước ta không có báo chí. Dưới chế độ thực dân Pháp, báo chí là hiện thân của cái mới, của sức mạnh, của nền văn minh phương Tây, sức lan tỏa và ảnh hưởng của nó rộng lớn và lâu dài. Chính vì vậy, những điều viết trên báo nói chung và những bài viết về lễ hội nói riêng đem đến những nhận thức hay nói chính xác hơn tạo thành nhận thức, tri thức ở người đọc. Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Ngày NayTrung Bắc chủ nhật là những tờ báo có ảnh hưởng rộng rãi trong bạn đọc. Những tác giả như: Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh là những trí thức mới, hiểu rộng, biết nhiều, nhiều người đã từng sang Pháp, tận mắt chứng kiến nền văn minh của nước Pháp. Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh là 2 trong số 4 người giỏi tiếng Pháp nhất lúc đó (gồm cả Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố). Trong sách giáo khoa dành cho học sinh trung học lúc bấy giờ, tác giả Dương Quảng Hàm đã đánh giá Nguyễn Văn Vĩnh “có công diễn dịch những tiểu thuyết và kịch bản của Âu Tây và phát biểu những cái hay trong tiếng Nam ra; ông Quỳnh thì có công dịch thuật các học thuyết tư tưởng của Thái Tây và luyện cho tiếng Nam có thể diễn đạt được các ý tưởng mới. Đối với nền văn hóa cũ của nước ta, thì ông Vĩnh hay khảo cứu những phong tục, tín ngưỡng của dân chúng, mà ông Quỳnh thường nghiên cứu đến chế độ, văn chương của tiền nhân. Văn ông Vĩnh có tính cách giản dị của một nhà văn bình dân, văn ông Quỳnh có tính cách trang nghiêm của một học giả. Tuy văn nghiệp của mỗi người có tính cách riêng, nhưng hai ông đều có công với việc thành lập quốc văn vậy” (13).

Về địa vị xã hội, Phạm Quỳnh là bậc thượng lưu, lương chủ bút Nam Phong là 7.200 đồng/1 năm, trong khi đó lương tổng đốc hạng 1 (tức người Việt Nam đứng đầu một tỉnh lớn) năm 1938 là 4.500 đồng/1 năm. Nhà văn Nguyễn Công Hoan nhận xét mức lương của Phạm Quỳnh cao hơn lương Thượng thư (Bộ trưởng nội các Nam triều) rất nhiều. Về Phan Kế Bính, ông đã đỗ cử nhân Hán học, lại tự trau dồi tân học, sự nghiệp làm báo của ông ở Đông Dương tạp chíTrung Bắc tân văn được Phạm Quỳnh kính phục, đánh giá là một bậc đàn anh “đã có công to với quốc văn” trong thời gian đó. Như vậy, các tác giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính đều được người đương thời công nhận là những trí thức lớn. Trong bối cảnh đặc biệt, những người như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Lê Thành Khôi, Nguyễn Khắc Viện đã được đào tạo qua hai lớp văn hóa Pháp - Việt, nhờ tài năng, họ thực sự là những nhà văn Pháp giúp cho người Pháp gần như thẳng mạch tiến vào văn hóa Việt Nam, hay nói đúng hơn là cho người Pháp tiến những bước đầu tiên để lấy sức cần thiết và dài hơi tìm cách thâm nhập: “Một nghịch lý đáng nói là sự xâm lược thuộc địa của người Pháp tại Việt Nam đã làm trỗi dậy tuy khá trễ, một thế hệ các nhà trí thức Việt Nam sở đắc hai hoặc ba văn hóa, mang lại cho nước Việt Nam độc lập vốn liếng sở đắc của họ và duy trì mối liên lạc phi vật chất với nước Pháp hậu thuộc địa. Điều này được thể hiện đặc biệt qua sự có mặt của Việt Nam trong khối cộng đồng Pháp ngữ” (14), Charles Fourniau, một nhà sử học Pháp quen thuộc với Việt Nam đã viết về những trí thức lớn Việt Nam như vậy.

Về hình thức diễn đạt, báo chí trước Cách mạng tháng Tám chưa hình thành những ngôn từ đặc biệt, cũng ít xuất hiện các từ gây ấn tượng mạnh, tần số lặp lại của các từ ngữ đó cũng rất ít.

Tác giả người Anh Francis Bacon đã nói: “Tri thức là quyền lực”. Vậy tri thức khổng lồ của những học giả có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính đồng thời cũng là những tác giả các bài báo, các diễn ngôn được đăng tải trên báo chí tất sẽ thể hiện quyền lực và có sức ảnh hưởng, tác động lớn đến bạn đọc, người dân đương thời. Gần 100 năm sau, các tác giả viết về lễ hội trên báo chí Việt Nam vẫn thể hiện quan điểm tương đồng với cách đánh giá của các học giả những năm đầu TK XX.

__________

1, 7, 9, 13. Phạm Quỳnh, Thượng Chi văn tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006, tr.368, 373, 10.

2. Không có tên tác giả, Hội chùa Vua, Hà Thành Ngọ báo, số 1627-1933, tr.4.

3. Tường Bách, Trên đồi Lim, Ngày Nay, số 4-1935, tr.4.

4. Nhị Lang, Tại chốn Tràng An của vua Đinh Tiên Hoàng, Trung Bắc chủ nhật, số 10-1940, tr.14-15.

5. Tường Bách, Hội làng Hạ Lôi, Ngày Nay, số 4-1935, tr.5.

6. Nhiều tác giả, Tín ngường thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hành trình đến di sản nhân loại, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr.108.

8. Phạm Quỳnh, Thế giới tiến bộ sử, Nam Phong tạp chí, số 53-1921, tr.442-451.

10. Nguyễn Xuân Kính, Lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015, tr.411.

11. Nguyễn Công Hoan, Nhớ và ghi, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978, tr.125-129.

12. Nguyễn Hòa, Phân tích diễn ngôn phê phán: Lý luận và phương pháp, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2006.

14. Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc, Vĩnh Sính, Từ Đông sang Tây, Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.42.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : LẠI THỊ HẢI BÌNH

;