LÀNG TRANH DÂN GIAN Ở HUẾ

           Nằm ở hạ lưu sông Hương, cách trung tâm thành Huế chừng 9km về phía Đông Bắc, có một làng quê nhỏ nhưng khá nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống tranh dân gian và lễ hội vật võ đầu xuân ngày 10 tháng giêng hàng năm, đó là làng Sình. Làng Sình có tên chữ là làng Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nằm trên điểm hợp lưu giữa hai con sông Bồ và sông Hương, làng Sình không chỉ là địa danh nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian mà còn là vùng đất văn vật xưa cổ với chùa Sùng Hóa. Trên vị thế của một làng văn vật lân cận thành Hóa Châu, thường năm cầu cúng, tế tự nên dòng tranh dân gian phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, phong tục cũng theo đó mà phát triển. Truyền nhân nổi tiếng của nghề tranh dân gian làng Sình hiện nay là ông Kỳ Hữu Phước, hậu duệ thứ 9 của cụ tổ làng tranh Kỳ Hữu Hòa. Từ miền Đàng Ngoài vào đất Thuận Hóa định cư, ông Kỳ Hữu Hòa mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản, từ đó có tranh làng Sình và người dân làng Sình xem ông Kỳ Hữu Hòa là ông tổ nghề của mình. Tranh làng Sình từ đó lan ra cả làng, họ tự tìm tòi học hỏi với nhau chứ không do lớp hướng nghệ nào cả.

Cũng như dòng tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống, sản phẩm tranh dân gian làng Sình được làm theo phương thức in mộc bản trên giấy dó, sau đó tùy theo nhu cầu và thẩm mỹ mà nghệ nhân vẽ màu thêm cho bức tranh. Một bức tranh Sình được hoàn thành bao gồm các công đoạn: khắc bản gỗ, in tranh trên giấy dó rồi tô màu. Thuở xưa, tranh làng Sình được in trên giấy dó kích cỡ 25 x 70cm. Nguyên liệu làm giấy dó được lấy từ loài cây có tên khoa học là Rhamnoneuron balansae; làng Đốc Sơ (nay là phường Hương Sơ, thành phố Huế) là làng nghề truyền thống làm giấy dó ở khu vực miền Trung. Khuôn gỗ được làm từ nhiều loại gỗ khác nhau mít, kiền kiền, thị... Tùy theo kích cỡ của khuôn gỗ khắc mà giấy dó được dùng nguyên khổ, hoặc bổ đôi, bổ ba, bổ tư để in thành tranh lớn, nhỏ khác nhau và cũng tùy theo kích cỡ của tranh mà nghệ nhân sử dụng các phương thức in khác nhau. Đối với tranh lớn thì khuôn gỗ khắc được bôi mực và đặt cố định phía dưới, tiếp đến người ta phủ giấy dó lên trên và dùng xơ mướp xoa đều lưng giấy cho thấm màu, sau đó gỡ giấy ra. Ngược lại đối với tranh nhỏ, người ta đặt từng tập giấy trên một mặt phẳng, kế đó lấy khuôn gỗ khắc đã phết sẵn mực và thứ tự dập lên giấy từng tờ một. Các bản in nét được đem phơi khô, sau đó qua công đoạn tô màu bằng tay theo lối dây chuyền. Mỗi người tô một màu, nhiều lắm cũng không quá ba màu, xong thì chuyển sang người khác. Người khéo tay nhất đảm trách việc tô màu cuối cùng, xem tranh có chỗ nào vụng hoặc thiếu sót thì chỉnh sửa hoặc bổ sung cho hoàn thiện. Tranh được sản xuất hàng loạt, nên công đoạn tô màu đòi hỏi phải thật nhanh, đôi tay người thợ tô màu đưa qua, vẽ lại, hất lên, phẩy xuống một cách thuần thục như múa, thậm chí có người cầm bút cùng một lúc dùng cả hai tay để tô hai màu. Các mảng tô thêm đều đã được quy định trước, nhưng cũng có những mảng được thêm vào tùy sự linh hoạt, sáng tạo của người vẽ màu. Bởi thế, nếu xem kỹ sẽ thấy chẳng có bức nào giống nhau hoàn toàn, dù các bản in nét cùng được in từ một ván khắc.

Màu sắc trong tranh Sình đa phần được lấy từ những sản vật vốn có ở địa phương thông qua một quá trình xử lý rất nghiêm ngặt bằng kinh nghiệm dân gian để mang lại những sắc thái khác nhau, đồng thời khi màu được tô lên tranh sẽ không bị phai. Trong tranh Sình, màu chủ đạo để quét lên khuôn gỗ in nét là màu đen. Màu này được chế biến bằng cách đốt cháy rơm thành tro, rồi cô đặc với lá tràm; lá mồng tơi quết với nước sắc hoa hòe sẽ cho màu xanh dương; hoa hòe kết hợp với lá bàng sẽ cho màu đỏ... Ngoài ra, một số khoáng vật như đá son tạo màu hồng, đất sét nung tạo màu gạch hoặc màu da cam cũng được nghệ nhân sáng tạo và sử dụng trong việc pha chế màu của tranh Sình. Nền tranh Sình lấp lánh là nhờ quét bột điệp, tức vỏ sò mỏng được khai thác ở đầm phá nước lợ duyên hải Thừa Thiên Huế (phá Tam Giang, đầm Cầu Hai), sau đó đem về giã nhuyễn làm hồ quét. Chính vì vậy, làng Sình ngày xưa còn được gọi là làng làm giấy bồi hồ điệp.

Bút chổi dùng để tô vẽ trong tranh Sình cũng được làm từ cây rứa, một sản vật điạ phương. Thân cây rứa được thu hoạch vào thời điểm nhất định trong năm, sau đó đem phơi, bỏ vỏ chỉ lấy phần xơ của ruột để làm bút vẽ. Bút vẽ dùng trong tranh Sình được làm nhiều kích cỡ khác nhau, mỗi loại bút thích hợp với loại nét và loại tranh khác nhau.

Hiện nay khuôn tranh làng Sình còn 42 bản (6 bộ): 12 con giáp, bát âm, thế mạng; có bộ chỉ một bức nhưng cũng có bộ hơn chục bức. Tranh Sình chủ yếu là tranh thờ, cúng ngày tết với các thể loại chính như: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật. Tranh nhân vật thường là tranh thờ và tranh cúng như tranh thế mạng, hoặc các tranh ông, tranh bà, tranh bếp, tranh môn thần... Cũng có những bức tranh miêu tả cảnh trẻ thơ như bé gái xinh xắn cầm hoa, bé trai khôi ngô cầm bút với trạng thái tươi vui, vẻ mặt mũm mĩm rất đáng yêu. Nhân vật xuất hiện nhiều nhất trên tranh làng Sình là phụ nữ; đó là hình tượng mẫu linh thiêng: mẫu tọa trên ngai, mẫu ngồi lưng voi, mẫu cưỡi cá chép... Đặc biệt là bộ tranh Bát âm gồm 8 bức, mỗi bức vẽ một cô gái đẹp chơi nhạc khí dân tộc cổ truyền; cũng có khi thu gọn thành 4 bức mà giáo sư Chu Quang Trứ gọi đó là bộ tranh tứ bình tố nữ Huế. Tranh súc vật là bộ tranh thập nhị thời thần (tức 12 con giáp) in hình 12 con giáp cúng cho tuổi của mỗi gia chủ hoặc tranh các loài gia súc trâu, bò, heo, ngựa treo trong các chuồng trại nuôi gia súc để cầu cho vật nuôi tránh được dịch bệnh, hay mong cho nghề nghiệp được hưng vượng, tranh các linh thú như voi, cọp thì dùng dâng cúng nơi các miếu cầu mong cho chúng không giáng họa cho người. Tranh đồ vật là tranh in hình các loại áo quần, khí dụng như cung tên hoặc các loại tế phẩm như áo ông, áo bà, áo binh có in hoa văn trang trí... Tranh Sình chủ yếu phục vụ các nghi lễ cúng tế của tín ngưỡng dân gian. Thô sơ, chất phác và mộc mạc nhưng đậm chất hồn nhiên và không kém phần tinh tế là những gì rất dễ nhận ra qua tranh Sình.

           Đã có một thời, tranh làng Sình bị cấm, vì cho rằng mê tín dị đoan, nên nhiều bản mộc quý bị đem xẻ làm gỗ. Giờ đây, nghề truyền thống này đang được gây dựng lại, không chỉ đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần của người dân đất cố đô mà còn được tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong số những làng thủ công truyền thống còn tồn tại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế ngày nay, làng Sình được xem là một trong những làng nghề mà hoạt động nghề truyền thống vẫn được gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng của đời sống hiện tại. Trên cơ sở đó, khôi phục và phát triển tranh làng Sình gắn với phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn là một yêu cầu mới của địa phương; đây cũng là nguyện vọng của những người dân đã từng gắn bó với nghề truyền thống này. Tuy nhiên, cả làng hiện chỉ có hơn 40 hộ làm tranh nhưng đa phần đều theo phương pháp công nghiệp (tranh không được làm trên giấy dó, không phủ hồ điệp) nên không mang vẻ đẹp tự nhiên, càng không thể hiện được cái hồn của tranh dân gian truyền thống. Chính điều này khiến cho hoạt động nghề tranh dân gian Sình đều chạy theo xu hướng thương mại hóa. Các bản khắc gỗ cũ còn lại với số lượng rất ít, các bản khắc mới xa rời yếu tố gốc và người làm nghề cũng đã dùng sản phẩm sơn, màu công nghiệp thay cho các chất liệu màu truyền thống... Nếu trước kia, hầu hết tranh thờ in ván bày bán ở hàng mã là do dân Sình làm, nên quen gọi là tranh Sình thì ngày nay phần lớn các gia đình đã chuyển vào thành phố, tại làng còn rất ít nhà tranh. Nhiều người làm đồ mã ở Huế đã thuê thợ khắc ván theo mẫu tranh để in bán, lại có người đưa sang in máy để kinh doanh, nên tranh Sình đích thực đang mai một dần. Mặt khác, do thời gian sản xuất cao điểm nhất của tranh Sình là vào tháng giáp tết, những tháng còn lại trong năm chỉ sản xuất với số lượng cầm chừng, nên thu nhập các hộ sản xuất tranh ở làng Sình chưa thật sự ổn định, thị trường tiêu thụ của tranh Sình còn bó hẹp tại các tỉnh miền trung (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi). Tại Festival Huế 2004, quy trình in tranh làng Sình lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước, sau đó tham gia nhiều đợt triển lãm nghệ thuật giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn.

          Để nghề tranh dân gian truyền thống phát triển theo hướng phục vụ du lịch, năm 2009 đề án Thiết kế bản mẫu mới sản xuất các sản phẩm tranh làng Sình phục vụ du lịch do cơ sở nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đề xuất đã được Trung tâm Khuyến công tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, cấp kinh phí và đưa vào thực hiện. Với tổng giá trị đầu tư hơn 33 triệu đồng, 4 mẫu mới với 9 bản khắc gỗ mô phỏng các hoạt động văn hóa dân gian tiêu biểu của Huế như vật làng Sình, trò chơi kéo co, trò chơi bị mắt bắt dê, trò chơi bài chòi... đã được ra đời. Các các mẫu mới sau khi lấy ý kiến của các họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, người dân làng Sình... đã được kịp thời đưa vào trình diễn tại Festival nghề truyền thống Huế 2009 và hiện nay bộ tranh này đã được phát triển rộng rãi trong làng Sình và bắt đầu tìm được đầu ra trên thị trường du lịch trên địa bàn Thừa Thiên Huế cũng như trong và ngoài nước.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 320, tháng 2-2011

Tác giả : Phạm Thị Minh Tâm

;