HỘI NGHỆ SĨ SÂN KHẤU VIỆT NAM: PHÁT HUY TINH THẦN ĐOÀN KẾT, KHẢ NĂNG SÁNG TẠO

 
 
NSND Lê Tiến Thọ 
 
         Được thành lập từ năm 1957, trải qua 60 năm hình thành và phát triển,Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đang từng ngày giữ gìn, thừa kế và phát triển những loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc. Trước những thay đổi của đất nước, Hội NSSKVN luôn tự tìm tòi bước đi cho riêng mình. Nhân dịp cuối năm, Nghệ sĩ nhân dân, Chủ tịch Hội NSSKVN Lê Tiến Thọ đã dành thời gian trò chuyện cùng phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật:

            Thưa ông, ông có thể chia sẻ về kết quả hoạt động trong năm qua của Hội NSSKVN?

         NSND Lê Tiến Thọ: Năm 2015 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Nằm trong bối cảnh ấy, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam luôn sáng tạo, đổi mới, tổ chức nhiều hội diễn, liên hoan, hội thảo khoa học, tập huấn chuyên môn và tổ chức sáng tác các loại hình nghệ thuật. Đồng thời, phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức nhiều hoạt động, trong đó điển hình là cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 tại Bạc Liêu; các cuộc liên hoan như: Liên hoan hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân với Bộ VHTTDL, Bộ Công an với Hội; tọa đàm "Những kinh nghiệm gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu dân tộc" do Hội tổ chức nhân dịp "Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ"… Những cuộc liên hoan quốc tế như: Liên hoan rối quốc tế, cuộc thi xiếc trẻ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

          Ngoài những hoạt động đó, Hội NSSKVN còn hướng đến những hoạt động cơ sở, các hội viên luôn được quan tâm, đặc biệt là những hội viên cao tuổi; phối hợp với trung tâm Hỗ trợ và Phát triển văn học nghệ thuật của Bộ VHTTDL mở ba trại sáng tác…

            Bên cạnh những thành tích đã đạt được thì Hội NSSKVN gặp khó khăn gì thưa ông?

          NSND Lê Tiến Thọ: Trong năm 2015, ngoài những thành tích đã đạt được thì Hội NSSKVN cũng gặp không ít những khó khăn, một mặt là sự cạnh tranh ngày càng lớn của những đơn vị xã hội hóa sân khấu ở TPHCM. Mặt khác, đời sống xã hội của các anh, chị, em hội đang gặp khó khăn; nhiều tác phẩm không có giá trị tư tưởng lớn để đáp ứng được với đời sống xã hội hiện nay; cơ sở vật chất thiếu thốn, không đáp ứng nhu cầu khán giả; kinh phí quảng bá cho sản phẩm hạn hẹp…

             Để thoát khỏi khó khăn, trong thời gian tới Hội NSSKVN cần phải có những bước đi mới nào, thưa ông?

         NSND Lê Tiến Thọ: Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Hội cần nỗ lực phát huy khả năng sáng tạo để có những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

         Bên cạnh đó, các hội viên phải phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực sáng tạo xây dựng nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng tư tưởng nghệ thuật cao phục vụ nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh; đồng thời tích cực bồi dưỡng, từng bước hình thành bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

            Xin cảm ơn ông.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016

Tác giả : Thanh Hương

;