HÀ TĨNH: Ban hành quy định định hướng nội dung hương ước, quy ước thôn, bản, tổ dân phố

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-UBND về việc ban hành quy định định hướng nội dung hương ước, quy ước thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn Hà Tĩnh. Đối tượng áp dụng là các thôn (bản, tổ dân phố) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng và thực hiện hương ước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Nội dung của hương ước do thôn (bản, tổ dân phố) quyết định, dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư, bảo đảm tự nguyện, tự thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Nội dung của hương ước bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà các văn bản pháp luật chưa quy định. Nội dung hương ước không chép lại các nội dung của pháp luật đã được quy định cụ thể, rõ ràng; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; không vi phạm quyền con người, quyền công dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm bình đẳng giới, không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất; ghi nhận, bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương và xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư; xây dựng các giá trị văn hóa mới lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư; quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phát huy tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán của từng thôn (bản, tổ dân phố), hương ước có thể quy định các nội dung khác đảm bảo phù hợp nhưng không được trái với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

Hình thức của hương ước được thể hiện là văn bản, sử dụng tiếng Việt, được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp trình độ nhận thức và văn hóa của nhân dân trong thôn (bản, tổ dân phố).

Việc lựa chọn tên gọi “Hương ước” hoặc “Quy ước” do cộng đồng dân cư thống nhất, quyết định. Mỗi thôn (bản, tổ dân phố) chỉ xây dựng 1 bản hương ước.

Sở VHTTDL có trách nhiệm quản lý; chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng hương ước, quy ước theo quy định tại Quyết định này và các văn bản pháp luật liên quan.

 

Tác giả: Nguyễn Nga

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

;