Tóm tắt: Tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa là một vấn đề hết sức quan trọng, không chỉ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, mà còn liên quan đến việc xây dựng niềm tin và sự tham gia của cộng đồng trong quá trình quản lý di sản. Di sản văn hóa là tài sản vô giá của mỗi quốc gia, gắn liền với lịch sử, văn hóa và bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn di sản văn hóa đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự thiếu minh bạch trong các quyết định, chính sách và nguồn lực dành cho bảo tồn di sản.
Từ khóa: công khai, minh bạch, quản lý nhà nước, di sản văn hóa.
Abstract: Enhancing transparency and accountability in public management of cultural heritage is of paramount importance. Not only does it contribute to the protection and promotion of heritage values, but it also fosters trust and community engagement in heritage management. Cultural heritage is a priceless asset of every nation, intertwined with history, culture, and national identity. However, in the current context, cultural heritage conservation faces numerous challenges, particularly those related to the lack of transparency in decisions, policies, and resource allocation for heritage conservation.
Keywords: publicity, transparency, state management, cultural heritage.
Di sản Thành Nhà Hồ - Ảnh: Minh Anh
1. Khái quát về tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa
Hiện nay, cả nước ta có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê, tổng số di tích đã xếp hạng gồm hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.614 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó có 8 di sản đã được UNESCO ghi danh Di sản thế giới. Di sản văn hóa không chỉ là những giá trị vật chất hay tinh thần từ quá khứ, mà còn là nền tảng cho sự phát triển của các thế hệ tương lai. Do đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đến nay, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa đã có nhiều thành tựu nổi bật, được quốc tế ghi nhận, các địa phương và cộng đồng nắm giữ di sản đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị này, tính công khai minh bạch trong quản lý nhà nước vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm. Có thể hiểu “công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hóa” là quá trình cơ quan quản lý thuộc nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức được tiếp cận, tham gia trao đổi thông tin liên quan đến quá trình quản lý di sản văn hóa.
Trong bối cảnh hiện đại, yêu cầu về công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa trở nên cấp thiết nhằm đảm bảo sự bền vững và hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Việc thực hiện công khai, minh bạch không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là nguyên tắc căn bản giúp quản lý di sản văn hóa đạt được sự đồng thuận xã hội, huy động được sự tham gia của cộng đồng và đảm bảo phát triển hài hòa giữa bảo tồn và khai thác di sản.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Những nỗ lực này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mà còn thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và tăng cường hiệu quả quản lý.
Hệ thống pháp luật và chính sách về di sản văn hóa tiếp tục được hoàn thiện. Luật Di sản (sửa đổi) 2024 đặc biệt chú trọng tính công khai minh bạch trong mọi hoạt động của công tác quản lý di sản. Công tác quản lý di sản văn hóa đã được thực hiện một cách công khai, minh bạch, với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp minh bạch hóa quy trình quản lý di sản văn hóa. Các cơ sở dữ liệu về di sản được số hóa và công khai trên các cổng thông tin điện tử, giúp người dân dễ dàng tra cứu, tiếp cận thông tin. Nhà nước khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua các chính sách xã hội hóa. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng không chỉ giảm gánh nặng ngân sách mà còn tăng cường tính minh bạch, khi các hoạt động đều được công khai, giám sát bởi cộng đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần răn đe, ngăn chặn các hành vi xâm phạm di sản.
Hoạt động công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở Việt Nam hiện đang đối mặt với một số hạn chế đáng chú ý. Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến di sản văn hóa, nhưng vẫn tồn tại những khoảng trống và chồng chéo. Hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực di sản văn hóa còn thiếu đồng bộ và chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều vi phạm chỉ được phát hiện sau khi có phản ánh từ báo chí hoặc người dân, cho thấy tính chủ động của cơ quan quản lý còn thấp. Việc công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nguồn lực dành cho bảo tồn di sản chưa được thực hiện đầy đủ. Nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế.
2. Một số giải pháp để tăng cường tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa
Giải pháp về hoàn thiện pháp luật
Tiếp tục rà soát để có sự thống nhất giữa khái niệm, định nghĩa của Luật Di sản văn hóa và các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Theo rà soát, giữa các Công ước quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa mà Việt Nam tham gia với Luật Di sản văn hóa Việt Nam vẫn còn một số định nghĩa, khái niệm cơ bản còn rất khác nhau, dẫn đến việc quản lý trong thực tế các di sản văn hóa, nhất là các di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận còn gặp nhiều khó khăn do không được hiểu một cách thống nhất, như khái niệm “di sản văn hóa”, “di sản thiên nhiên”, “di sản văn hóa phi vật thể”, “di sản tư liệu”.
Quy định rõ hơn, đầy đủ hơn một số quy định còn chung chung, chưa cụ thể tại Luật Di sản văn hóa: (i) Cần quy định rõ việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được thực hiện thông qua đấu giá, thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Để có thể thực hiện được việc mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, dù được thực hiện theo hình thức nào, cũng cần phải có những quy định rõ ràng, minh bạch về cơ chế, chính sách cụ thể. (ii) Về giám định di vật, cổ vật, đề nghị quy định cụ thể khái niệm, các điều kiện về trang thiết bị, phương tiện và điều kiện về số lượng tối thiểu người giám định, các tiêu chuẩn của người giám định. (iii) Về bảo vật quốc gia, cần quy định cụ thể chế độ bảo vệ và bảo quản đặc biệt; các yêu cầu về bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia theo chế độ đặc biệt bao gồm các điều kiện về nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát môi trường bảo quản, ứng phó thiên tai, phòng chống cháy nổ, trộm cắp ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của bảo vật quốc gia; điều kiện lưu giữ và trưng bày; điều kiện của kho bảo quản; chế độ sắp xếp trong kho; hồ sơ về hiện trạng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bảo vật quốc gia; chế độ bảo quản định kỳ, thường xuyên; bảo quản phòng ngừa; bảo quản trị liệu, quy định về phục chế. (iv) Về khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, cần quy định cụ thể các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động nêu trên được hưởng các chế độ ưu đãi về thuế, ưu đãi vay vốn; quy định rõ tiền ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động nêu trên của các tổ chức, cá nhân được tính là chi phí phù hợp của doanh nghiệp khi hạch toán; tiền ủng hộ, tài trợ của các cá nhân được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế thu nhập…
Giải pháp về phân cấp quản lý di sản văn hóa
Việc phân cấp quản lý tại các di sản này cẩn phải được chấn chỉnh theo hướng tiếp tục để cao trách nhiệm của cấp có thẩm quyền trong việc thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được giao, để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản đúng với quy định, khắc phục tình trạng một số di sản văn hóa, nhất là các di sản văn hóa nằm trong các khu có tiềm năng du lịch, đã bị khai thác quá nhiều, mà chưa ưu tiên đến việc bảo tồn, làm cho di sản văn hóa xuống cấp, bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội.
Cần chấn chỉnh trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, nhất là trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích; chấn chỉnh công tác quản lý các di sản theo hướng tôn trọng quyền sở hữu đồng thời yêu cầu chủ sở hữu phải tuân thủ nghĩa vụ và trách nhiệm trong quản lý do pháp luật quy định; cần thồng nhất công tác quản lý của các ban quản lý hoặc trung tâm bảo tồn di sản trong cả nước.
Tiếp tục ban hành chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú nói chung chứ không chỉ đối với các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.
Nâng cao công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản để khắc phục tình trạng nhiều loại hình di sản của một số cộng đồng có nguy cơ bị mai một, biến đổi khi chưa được bảo vệ hoặc kiểm kê, ghi danh. Nhiều di sản chưa có đề án bảo vệ và phát huy giá trị (trong đó có các di sản đã được UNESCO ghi danh) theo cam kết thực hiện với UNESCO. Còn có việc lợi dụng thực hành di sản văn hóa để trục lợi, làm sai lệch, thậm chí biến dạng giá trị của di sản. Các di sản tư liệu sau khi được UNESCO ghi danh, được lưu giữ nhưng chưa phát huy giá trị nhiều trong công chúng.
Việc phân cấp triệt để cho các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, trưng bày, chỉnh lý, nâng cấp bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh dẫn đến tình trạng chỉ chú trọng đầu tư cho phần xây dựng mà chưa chú trọng đến đầu tư cho phần trưng bày và việc chuẩn bị trưng bày.
Giải pháp về bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật
Trong thời gian qua, các điều kiện thi hành pháp luật về di sản văn hóa vẫn còn có lúc, có nơi chưa được bảo đảm như yêu cầu, thể hiện ở một số hạn chế sau, cần phải khắc phục nhanh chóng:
Nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn: còn thiếu các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên sâu như bảo tồn, tu bổ di tích, khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật, công nghệ thông tin, hóa chất…; thiếu nhân lực có đủ kỹ năng, bí quyết, am hiểu sâu về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
Công tác đào tạo về bảo tồn, tu bổ di tích chỉ mới bắt đầu tại một số trường đại học. Hiện, nguồn nhân lực đang tham gia trực tiếp vào hoạt động tu bổ di tích (kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, thợ lành nghề…) chưa thường xuyên được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn, tu bổ di tích.
Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung còn thấp, do vậy không đủ nguồn lực để thực hiện đúng kế hoạch các nhiệm vụ được giao.
Giải pháp về việc tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa
Mặc dù công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa được thực hiện tương đối bài bản, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhưng việc tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa trong cả nước trong thời gian qua còn có một số hạn chế cần phải khắc phục để làm cho pháp luật về di sản văn hóa không chỉ được đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa thấm nhuần, mà còn phải được người dân nơi có di sản văn hóa thấy được niềm tự hào về di sản văn hóa của địa phương mình để từ đó thực hiện pháp luật một cách tự giác, với đầy đủ trách nhiệm của chủ thể di sản và nghĩa vụ của người thụ hưởng giá trị di sản. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa phải hướng đến việc điều chỉnh các hạn chế sau trong tuân thủ pháp luật:
Ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhận thức về di sản văn hóa của người dân và nhất là của cán bộ quản lý còn chưa sâu sắc và toàn diện. Vẫn còn diễn ra tình trạng nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa kinh tế và văn hóa, giữa lợi ích trước mắt và sự phát triển bền vững, dẫn đến không can thiệp kịp thời trước những vi phạm đôi khi rất nghiêm trọng trong công tác quản lý di sản văn hóa, làm hư hỏng, sai lệch di sản văn hóa, làm ngơ trước những biểu hiện trục lợi khi khai thác, sử dụng di sản văn hóa. Một số địa phương ít dành ngân sách cho việc bảo tồn, tu bổ mà chỉ ưu tiên xây dựng các công trình khai thác di sản. Nhiều nơi do du lịch tăng trưởng quá nhanh mà chưa có sự đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường sinh thái nên di tích đã bị ô nhiễm nặng do khai thác quá tải.
Việc tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, nhất là tại một số di tích, còn chưa nghiêm dẫn đến tình trạng mất cắp di vật, cổ vật, cháy nổ tại di tích. Còn nhiều vi phạm xảy ra trong hoạt động tu bổ di tích, nhất là ở một số di tích được đầu tư bằng nguồn vốn của địa phương, nguồn vốn xã hội hóa, công đức do không tuân thủ quy trình, thủ tục do luật định. Do chưa nhận thức được và chưa thấy được lợi ích của cộng đồng, của quốc gia khi bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tại nhiều địa phương, cộng đồng đã xảy ra hiện tượng làm sai lệch, trục lợi khi thực hành di sản văn hóa phi vật thể, không có những biện pháp bảo tồn kịp thời, dẫn đến làm mai một, thậm chí làm mất đi di sản văn hóa phi vật thể quý báu của địa phương và cộng đồng.
Yêu cầu về công khai, minh bạch không chỉ được đề cao trong công tác xây dựng pháp luật về di sản văn hóa. Yêu cầu về công khai, minh bạch còn phải được đảm bảo trong suốt quá trình thực thi pháp luật về di sản văn hóa, thể hiện ở việc phân cấp quản lý di sản văn hóa theo hướng quy định rõ phạm vi trách nhiệm quản lý, thẩm quyền quyết định của từng cấp, tính chịu trách nhiệm đối với từng hoạt động quản lý được giao. Yêu cầu này cũng phải được thể hiện trong việc bảo đảm các điều kiện thi hành pháp luật về nguồn lực về con người và trình độ chuyên môn, nguồn lực về tài chính trong và ngoài ngân sách nhà nước, để làm cho các quy định pháp luật về di sản văn hóa đi vào cuộc sống. Việc tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, cả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cũng như từ phía người dân chủ thể của di sản văn hóa và là người trực tiếp bảo vệ, phát huy giá trị và thụ hưởng giá trị của di sản văn hóa, ngày càng trở nên nghiêm minh hơn, đầy đủ hơn khi yêu cầu công khai, minh bạch thể hiện tốt trong đời sống hằng ngày.
Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế ngày càng sâu rộng, các hoạt động quản lý nhà nước ở Việt Nam phải được công khai, minh bạch. Cơ quan quản lý, người có thẩm quyền, có trách nhiệm cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức được tiếp cận, tham gia trao đổi về thông tin liên quan đến quá trình hoạt động quản lý nhà nước diễn ra.
Với cách tiếp cận hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hóa theo hướng công khai, minh bạch, chúng tôi đã làm rõ các yếu tố thể hiện công khai, minh bạch trong từng nội dung của hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Đó là quá trình từ xây dựng văn bản, triển khai kế hoạch thực hiện, đánh giá, kiểm tra hoạt động, kết hợp quản lý nguồn lực, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.
Luật Di sản văn hóa sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tháng 11-2024 sau một thời gian nghiên cứu sửa chữa, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý và của cả cộng đồng. Với quan điểm ngày càng hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, đảm bảo việc thực thi pháp luật của Nhà nước được công khai, minh bạch, Luật Di sản văn hóa sẽ giúp các hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hóa ngày càng đảm bảo tính công khai, minh bạch, đảm bảo quyền tiếp cận và tham gia của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa.
Ngoài Luật Di sản văn hóa, hệ thống các văn bản pháp luật và văn bản dưới luật khác cũng cần tiếp tục xem xét bổ sung, sửa đổi. Hệ thống pháp luật hoàn thiện sẽ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cơ chế công khai, minh bạch tốt hơn. Từ đó, nhân dân được nắm bắt thông tin, tham gia ý kiến góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quản lý di sản văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
Kết luận
Việc tăng cường tính công khai và minh bạch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là yếu tố then chốt để bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vô giá của dân tộc. Di sản văn hóa, với sự đa dạng và phong phú của mình, là một phần không thể thiếu trong bản sắc và lịch sử của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, di sản văn hóa Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như sự xuống cấp của các công trình di tích, sự xâm hại bởi các hoạt động phát triển kinh tế không kiểm soát và đặc biệt là vấn đề thiếu minh bạch trong công tác quản lý, bảo tồn.
Việc thiếu sự công khai và minh bạch trong các quyết định về bảo tồn, phát huy di sản có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực, tham nhũng hoặc quản lý không hiệu quả. Điều này không chỉ làm tổn hại đến giá trị di sản mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của cộng đồng và xã hội vào các cơ quan chức năng. Do đó, việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng. Những giải pháp như tạo ra các kênh thông tin rõ ràng và dễ tiếp cận về các dự án bảo tồn, công khai các quyết định liên quan đến việc khai thác và bảo vệ di sản, cũng như tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các quá trình quản lý sẽ giúp xây dựng một môi trường quản lý di sản minh bạch và hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là những đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác bảo tồn di sản, là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch. Các cơ quan này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, các nhà nghiên cứu, và cộng đồng dân cư để cùng nhau giám sát và đảm bảo rằng các nguồn lực dành cho bảo tồn được sử dụng đúng mục đích, tránh tình trạng lãng phí và thất thoát.
Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, việc xây dựng một hệ thống quản lý di sản văn hóa minh bạch, hiệu quả sẽ góp phần nâng cao giá trị di sản Việt Nam trên trường quốc tế. Việc công khai các chiến lược, kế hoạch bảo tồn và phát triển di sản sẽ giúp Việt Nam khẳng định được vai trò của mình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời tạo ra một môi trường hợp tác quốc tế mạnh mẽ, từ đó thu hút sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ di sản.
Cuối cùng, sự công khai và minh bạch không chỉ giúp duy trì và phát huy giá trị di sản văn hóa mà còn là một phương tiện quan trọng để xây dựng niềm tin giữa chính quyền và nhân dân. Nó cũng sẽ khuyến khích mọi cá nhân và tổ chức tham gia vào công tác bảo tồn, làm cho mỗi người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc. Vì vậy, việc thực hiện các giải pháp tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa không chỉ góp phần bảo vệ di sản mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền văn hóa Việt Nam trong tương lai.
__________________
Tài liệu tham khảo
1. Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009.
2. UNESCO, Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới, 1972.
3. UNESCO, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, 2003.
4. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Hội thảo khoa học: Vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa với sự nghiệp đổi mới đất nước, Lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2003.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 20-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 3-1-2025; Ngày duyệt đăng: 5-1-2025.
TRIỆU THẾ ĐỨC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025