Giá trị nhân văn trong bài "Cảm hứng" của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Bài thơ Cảm hứng của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là bài thơ có giá trị nhân văn xuyên suốt mọi thời đại: lên án sự tàn khốc của chiến tranh và hướng tới niềm mong mỏi, ước vọng về một xã hội hòa bình, người dân được sống yên ấm, hạnh phúc. Bài viết này phân tích về các tầng lớp cảm xúc, cách gieo vần và giá trị nhân văn của bài thơ. Cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân đạo trong bài thơ là nguồn mạch tạo nên sự trường tồn theo thời gian của bài thơ này. Bài viết phân tích Cảm hứng dưới đây là thành quả trung kỳ của Đề tài Giá trị nhân văn của thơ chữ Hán Việt Nam Trường Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông, Trung Quốc.

    Bài thơ Cảm hứng của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) được đánh giá như một lời tiên tri về tình hình đất nước giai đoạn Lê - Trịnh. Bài thơ được làm theo thể thất ngôn bát cú. Nhà thơ miêu tả thời kỳ Lê - Trịnh phân tranh. Bài thơ bộc lộ nỗi đau khôn nguôi của nhà thơ trước hiện thực đương thời, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc.

    Cảm hứng

   Thái hòa vũ trụ bất Ngu Chu,
 Hỗ chiến giao tranh tiếu lưỡng thù.
 Xuyên huyết sơn hài tùy xứ hữu,
 Uyên ngư tùng tước vị thùy khu.
 Trùng hưng dĩ bốc độ giang mã,
 Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu,
 Thế sự đáo đầu hưu thuyết trước,
 Túy ngâm trạch bạn nhậm nhàn du.

    Bản dịch thơ của Phan Kế Bính:

    Non sông nào phải buổi bình thời,
Thù đánh nhau chi khéo nực cười.
Cá vực, chim rừng, ai khiến đuổi?
Núi xương, sông huyết, thảm đầy vơi.
Ngựa phi chắc có hồi quay cổ,
Thú dữ nên phòng lúc cắn người.
Ngán ngẩm việc đời chi nói nữa,
Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi.

   Câu hỏi tu từ (“Thù đánh nhau chi khéo nực cười”) được tác giả sử dụng lồng ghép với kết cấu phủ định (“nào phải”), thể hiện sự trăn trở, đau đớn trước tình hình thế cuộc của đất nước thời kỳ đó. Nỗi đau đó ẩn chứa trong lời phê phán, mỉa mai (“khéo nực cười”). Không gian của cuộc sống được tạo hình trong không gian môi trường sống của vạn vật: “cá vực”, “chim rừng”. Không gian ấy bị phá vỡ bởi cuộc tranh giành quyền lực của chúa Trịnh và vua Lê (“ai khiến đuổi?”). Nỗi đau, sự mất mát, sự tổn thất nặng nề của cuộc nội chiến Trịnh - Lê đã gây nên cảnh tang thương: “Núi xương, sông huyết, thảm đầy vơi”. Kết cấu sóng đôi “cá vực/ chim rừng”, “núi xương/ sông huyết” đã tạo nên sự bộn bề về không gian (vực, rừng, núi, sông) và đẩy nỗi đau lên tới giới hạn tận cùng: “núi xương, sông huyết”. Xương chất thành núi, máu chảy thành sông, đó là hình ảnh khốc liệt nhất, ám ảnh nhất về chiến tranh. Người đọc không thể đo đếm được số lượng của những thứ bị mất mát nhưng người đọc cảm nhận được nỗi đau ứa máu trong mỗi câu viết. Nỗi đau ấy như những làn sóng dâng trào lớp lớp trong lòng tác giả, trong lòng người đọc: “thảm đầy vơi”. Đó là sự bi thảm khi đầy, khi vơi. Đó là sự bi thảm nối tiếp nhau bất tận do chiến tranh gây ra.

    Trong nỗi đau xé ruột xé gan đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm băn khoăn về quy luật của cuộc đời:

Ngựa phi chắc có hồi quay cổ,

Thú dữ nên phòng lúc cắn người.

    Theo quy luật của tạo hóa, ngựa phi nhanh về phía trước, chưa chắc đã quay cổ nhìn lại phía sau. Con người cũng vậy, khi hướng tới phía trước để lao đi một cách miệt mài, liệu có cơ hội để quay đầu lại, để nhìn lại những sự việc đã xảy ra trong cuộc sống hay không? Đối với thú dữ, quy luật muôn thuở là phải đề phòng có lúc thú dữ sẽ cắn người, vì bản chất của thú dữ là bản năng săn mồi, là bản năng cắn xé. Cách miêu tả ẩn dụ về sự phản trắc của con người trong cuộc sống, về bản chất “thú dữ” không bao giờ thay đổi như một lời cảnh báo về sự đề phòng về những tình huống xấu có thể xảy ra trong cuộc sống, có thể xảy ra trong lĩnh vực chính trị, trong các công việc chung của đất nước. Nhà thơ hiểu rõ quy luật trái ngang của cuộc đời, hiểu rõ sự phản trắc trong đời, thấu cảm về bản chất “thú dữ” của một thế lực trong xã hội lúc đó.

    Trước thực tế đó của xã hội, nhà thơ đau nỗi đau của thời đại, đau đến mức “ngán ngẩm”, đau đến nỗi không muốn nói đến việc đời nữa. Vì thế, nhà thơ thả mình tiêu du bên đầm để thưởng thức cuộc sống “say hát nhởn nhơ chơi”. Cuối bài thơ, nhà thơ đã thể hiện thái độ “buông bỏ”: buông bỏ nỗi đau, buông bỏ suy nghĩ, buông bỏ sự buồn chán, tự tìm cho bản thân một cách giải thoát “say hát” và “nhởn nhơ chơi”. “Say hát”, “nhởn nhơ chơi” dường như là một cách giải thoát của nhà thơ khỏi thực tại nhưng ẩn sau sự giải thoát ấy thấm đẫm nước mắt, thấm đẫm nỗi đau của nhà thơ khi ông chứng kiến cuộc nội chiến khốc liệt khiến cho nhân dân khốn khổ, lầm than.

    Điểm độc đáo của bài thơ là bằng 8 câu thơ, nhà thơ đã bộc lộ nhiều tầng lớp cảm xúc: phủ định (về thời kỳ đất nước không hòa bình), hỏi (về tình hình thời sự có sự phân tranh giữa các thế lực chúa Trịnh - vua Lê), phê phán, mỉa mai (khéo nực cười), xót xa, đau đớn tận cùng (trước cảnh “núi xương, sông huyết, thảm đầy vơi”), giãi bày suy nghĩ về quy luật cuộc sống (ngựa phi, thú dữ), buồn chán ở mức độ cao (ngán ngẩm, không nói nữa vì nói cũng chẳng để làm gì), buông bỏ nỗi buồn, nỗi đau, tìm cách giải thoát cho bản thân (say hát, nhởn nhơ chơi). Những cung bậc tình cảm ấy được thể hiện qua cách gieo vần “u” trong bài thơ (Ngu Chu, lưỡng thù, thùy khu, thất khu, nhà du). Nguyên âm “u” là nguyên dòng sau, tròn môi thể hiện sự thu hẹp về không gian, thể hiện sự bó buộc về tâm trạng, cảm xúc, thể hiện sự bế tắc về trạng thái, tình cảm, suy nghĩ…Vì thế, vần “u” góp phần tạo nên một không gian u uất, chật hẹp, bí bức của bài thơ, khắc họa rõ nỗi đau khôn nguôi của nhà thơ. Khi bài thơ phiên âm đó được dịch sang chữ quốc ngữ, Phan Kế Bính đã dùng vần “ơi” và “ươi/uôi” để xâu chuỗi không gian thơ (bình thời, nực cười, đầy vơi, người, chơi). Việc chuyển từ vần “u” sang vần “ơi”, “ươi/uôi” tạo ra không gian mở hơn cho bài thơ. Bởi nguyên âm đơn “ơ” là nguyên âm dòng giữa, độ mở của miệng là nửa mở. Các nguyên âm đôi “ươ/uô” tạo ra âm hưởng kéo dài, khi chúng ta phát âm, miệng hơi mở một chút. Cũng vì thế, vần “ơi/ươi/uôi” tạo ra trường độ cho các từ ngữ có vần này (thời, cười, đuổi, vơi, người, chơi), làm cho người đọc hình dung đến nỗi đau lan tỏa, trải dài, bao phủ cả bài thơ. Đồng thời, vần “ơi”, “ươi/uôi” cũng góp phần thể hiện thái độ ngạo nghễ, mỉa mai của nhà thơ trước tình hình thời cuộc đương thời.

    Có thể nói, bài Cảm hứng của Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là bài thơ phản ánh, phê phán, dự báo về thực trạng xã hội Trịnh - Lê phân tranh trong thời kỳ trung đại ở Việt Nam (bài thơ được sáng tác trước khi xảy ra việc chúa Trịnh chuyên quyền lấn át vua Lê) mà còn có giá trị nhân văn xuyên suốt các thời đại: lên án sự tàn khốc của chiến tranh. Vì thế, bài thơ hướng tới niềm mong mỏi, ước vọng về một xã hội hòa bình, người dân được sống yên ấm, hạnh phúc. Tư tưởng yêu nước và tư tưởng nhân đạo là hai tư tưởng xuyên suốt bài thơ, góp phần làm cho bài thơ đi vào lòng người, tạp nên sự rung động sâu sắc, sự chia sẻ, đồng cảm của độc giả với tâm trạng của nhà thơ. Cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân đạo trong bài thơ là nguồn mạch tạo nên sự trường tồn theo thời gian của bài thơ này.

_____________

1. Phan Kế Bính, Nam Hải dị nhân liệt truyện, Nhà in Bắc Kỳ, Hà Nội, 1930.

2. Hữu Đạt, Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 2000.

3. Hữu Đạt, Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2016.

4. Hữu Đạt, Tiến trình phát triển và đổi mới Ngôn ngữ thơ Việt Nam từ sau 1986 đến nay, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2017.

5. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu xuất bản, 1968.

6. Nguyễn Thị Phương Thùy, Xu hướng tự do hóa Ngôn ngữ thơ tiếng Việt TK XX, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014.

7. Văn đàn bảo giám, Nxb Văn học, 2004.

Tác giả: Mông Lâm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

;