Tướng quân Tư Mã Hai Đào và vùng biên giới miền Tây xứ Thanh

Trải qua mấy ngàn năm dựng và giữ nước, miền Tây xứ Thanh luôn là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của quốc gia. Tài liệu văn hóa dân gian vùng biên giới đã cho biết về vị tướng tài ba người Thái - Tư Mã Hai Đào. Ông không chỉ có vai trò trong việc đánh đuổi kẻ thù, trấn giữ vững chắc vùng biên giới mà còn góp phần xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc vùng biên cương. Cuộc đời của Hai Đào bắt đầu từ trẻ mồ côi đến phò mã, tướng quân Tén Tằn và Tư Mã biên phòng. Đây đều là những dấu ấn về sự gắn bó mật thiết của ông cùng người dân vùng biên cương. Mặc dù hàng trăm năm đã trôi qua, nhưng tướng quân Tư Mã Hai Đào vẫn luôn trong tâm thức người dân vùng biên giới miền Tây Thanh Hóa.

Miền Tây xứ Thanh luôn là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của quốc gia. Đường biên giới phía tây tỉnh Thanh Hóa với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào dài 192km, trải dọc theo địa phận của 16 xã vùng cao đặc biệt khó khăn, thuộc 5 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Thường Xuân. Hiện khu vực này là địa bàn sinh sống chủ yếu của các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ mú và Kinh.

Trải qua mấy ngàn năm dựng và giữ nước, các thế hệ cư dân nơi đây đã tạo dựng nên bản, mường trù phú và trở thành thành trì vững chắc để củng cố sức mạnh đoàn kết cộng đồng. Đây là một thứ vũ khí với sức mạnh vô biên, giúp các dân tộc miền Tây Thanh Hóa vượt qua muôn vàn thử thách hiểm nghèo, chiến thắng nhiều kẻ thù hùng mạnh và hung hãn. Một trong những người con ưu tú của núi rừng miền Tây đã từng đảm nhận được sứ mệnh cao cả đó là tướng quân Tư Mã Hai Đào.

1. Từ trẻ mồ côi người Thái - Hai Đào đến Tướng quân Tư Mã Hai Đào

Hiện vẫn chưa có nguồn tài liệu nào cho biết chính xác về năm sinh và năm mất của Tư Mã Hai Đào. Mặc dù không được ghi chép trong chính sử nhưng những công lao to lớn của Tư Mã Hai Đào đã được phác họa bằng những truyền thuyết, truyện kể… vừa mang đậm tính lịch sử, vừa huyền bí đậm chất dân gian. Ngay tên gọi Hai Đào và Tư Mã Hai Đào/ phò mã Tén Tằn cũng xuất phát từ người dân đặt cho ông. Hai Đào là tên được người dân gọi và lâu dần được xem như tên khai sinh của ông gắn với địa danh nơi ông sinh ra - làng Đào thuộc Mường Khô xưa (nay là huyện Bá Thước). Từ đứa trẻ mồ côi cha mẹ, Hai Đào phải đi chăn trâu cho nhà Lang Đạo Mường Khô, sau đó trở thành phò mã nhà vua nên được gọi là Tư Mã Hai Đào/ phò mã Tén Tằn.

Căn cứ vào tài tài liệu truyền ngôn và sách cổ của người Thái (dịch từ chữ Thái) thì Hai Đào sinh trưởng vào thời Hậu Lê, khoảng TK XV. Từ thuở nhỏ, Hai Đào đã bộc lộ tư chất thông minh và phẩm chất hơn người. Khi còn là đứa trẻ chăn trâu cho nhà Lang Đạo, Hai Đào đã rất giỏi chơi đu, chơi cù và luyện kiếm. Lớn lên, ông “có dáng người cao lớn, trán cao, mắt sắc rực lửa, râu hàm, mày nón, tướng mạo phi phàm, tay dài như vượn, võ luyện tinh tài”(1).

Nhân lúc triều đình mở hội thi tuyển chọn anh tài, phò vua diệt giặc ngoại xâm, Hai Đào đã lập tức xuôi về kinh kỳ, dâng sớ tấu trình được tham gia hội thi đấu võ. Vốn là người có năng khiếu và lại được tôi luyện từ nhỏ nên Hai Đào đã khẳng định được khí phách của chàng thanh niên người Thái ở núi rừng Mường Khô bằng những chiến thắng lẫy lừng trên võ đài. Cùng với sự thán phục của nhiều người, chàng thanh niên mồ côi tài giỏi Hai Đào đã lọt vào mắt xanh của công chúa. Biết tin con gái phải lòng chàng trai người rừng, nhà vua lập tức cho triệu Hai Đào vào yết kiến. Tướng mạo phi phàm xứng danh bậc anh tài của chàng đã khuất phục nhà vua, đồng ý gả công chúa, cho thày dạy học văn, võ song toàn.

Như vậy, cuộc thi đấu võ năm ấy như là định mệnh và tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời của Hai Đào. Từ một kẻ nghèo hèn, nay trở thành phò mã Hai Đào và sau đó là tướng quân triều đình. Từ đây, Hai Đào nguyện đem hết tài năng phục vụ giang sơn, đất nước.

2. Tướng quân Hai Đào với việc trấn ải vùng biên giới

Vùng biên giới miền Tây xứ Thanh thời gian này đứng trước muôn vàn gian khó, nhiều biến cố xảy ra khi giặc ngoại xâm rình rập, đánh chiếm liên miên, dân đói khổ, ai oán… Phò mã Hai Đào đã xin vua cha được cầm quân đánh giặc, giữ yên vùng biên giới. Cùng với việc đồng ý chọn Hai Đào, nhà vua còn sắc phong cho chàng là tướng quân, cấp lương thực, vũ khí, đủ để tiến quân. Dưới sự chỉ huy của phò mã Hai Đào, đoàn quân rầm rộ tiến lên biên giới (Tén Tằn thuộc huyện Mường Lát ngày nay) để đánh đuổi giặc ngoại xâm, trấn ải biên cương. Và tên phò mã Tén Tằn xuất hiện từ đó.

Sự tài ba của Tư Mã Hai Đào lần nữa được khẳng định, khi quân địch dùng cọong thần cứu nguy, phản công, đánh chiếm trở lại biên giới. Khi cọong thần vang lên, lập tức quân của Hai Đào chân tay bủn rủn, đầu đau như búa bổ, mất hết sức chiến đấu, phải bỏ chạy, quân địch thừa thắng đánh chiếm đến tận vùng Quán Lào và Dốc Lào (2). Với sự thông minh, linh hoạt và khả năng sử dụng người tài, Hai Đào đã tìm ra nguyên nhân thua trận của quân ta nằm ở sự mầu nhiệm của chiếc cọong thần đang có trong tay quân địch. Lập tức Hai Đào giao cho hai tướng quân võ nghệ tinh thông là Ót Đanh, Ót Dọ thực hiện kế hoạch đánh tráo cọong thần. Việc xuất quân sau khi có được cọong thần đã mang về chiến thắng giòn dã. Quân ta đã dồn địch về đến tận đồi Phân Mao, nơi phân chia ranh giới. Cũng từ đây, theo lệ hàng năm, Lào nộp thuế cho nước Việt. Sau khi giành chiến thắng, Tư Mã Hai Đào rút quân về nước án ngự tại nơi phát ra tiếng cọong thần đánh giặc. Ông đặt tên cho bản người Thái nơi phát lệnh đánh cọong thần là bản Chiềng Côồng. Đồng thời cũng định công, ban thưởng cho Ót Dọ, Ót Đanh và những nghĩa quân trong chiến công lẫy lừng, giữ vững vùng biên cương (3).

Không chỉ có công đầu trong việc đánh dẹp giặc mang lại sự bình yên, mà ngay sau thắng lợi Tư Mã Hai Đào đã quyết định ở lại với nhân dân vùng biên giới. Ông đã được vua phong tước vị Tư Mã Biên phòng (4), đồn dựng tại Tén Tằn. Khi trở thành Tư Mã Biên Phòng, để tạo lập được bức thành trì lòng dân, Hai Đào đã quan tâm củng cố khối đoàn kết cộng đồng dân cư vùng biên và mối quan hệ giao hữu Việt - Lào. Với nhãn quan của một tướng quân biên ải, dọc tuyến biên giới, ông đặc biệt chú trọng đến những nơi mà dân cư còn thưa thớt nhưng lại là địa bàn xung yếu và có vị trí đắc địa.

Sinh dưỡng ở vùng núi rừng và lại được trải nghiệm từ các trận chiến biên ải, Hai Đào đã sớm nhận thấy được tầm quan trọng của vùng đất Mường Xia (thuộc xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn ngày nay). Mường Xia là vùng đất phong thủy hữu tình nhưng thời điểm này, dân cư lại thưa thớt. Nguyên do trước đó, nơi đây đã từng diễn ra mâu thuẫn gay gắt về sự tranh giành quyền cai quản giữa ba anh em cùng mẹ khác cha của Tạo Mường Chu Sàn ở TK XV.

Xét về vị trí, Mường Xia (hay Mường Chu Sàn) nằm trên vùng ngã ba sông - suối, nơi suối Xia chảy từ nước bạn Lào qua vùng đất Sơn Thủy, uốn lượn qua núi Lá Hoa để nhập với sông Luồng ngay ở trung tâm vùng đất Mường Xia. Xưa kia có tuyến đường giao thông men biên giới, đồng thời cũng được xem là tuyến đường nối các huyện miền núi vùng cao biên giới phía tây: từ xã Tén Tằn, suối Yên sang, sông Lò về Khằng, Khiết (Thiên Phủ, Hiền Kiệt, Hiền Chung).

Tư Mã Hai Đào một lần nữa đã nhận thấy vị trí chiến lược của vùng đất Mường Xia cũng như vai trò của cộng đồng dân cư trong kế sách trấn ải vững chắc vùng biên giới. Vì vậy, ông đã quyết định chọn dựng thủ phủ và đồn biên ải tại Mường Xia (5). Vị trí Mường Xia không chỉ tiện lợi cho các đồn biên phòng từ Tén Tằn sang, sông Luồng về, Na Mèo xuống, suối Yên sang mà còn có thể án ngự được Mường Khằng, Mường Khiết (Thiên Phủ, Hiền Kiệt, Hiền Chung) tới. Mặt khác, từ Mường Xia cũng sẽ không quá khó khăn mỗi lần Hai Đào muốn xuôi đường về thăm làng Đào - Mường Khô quê ông.

 Cùng với việc xây dựng thủ phủ ở trung tâm đất Mường Xia, Hai Đào đã xin vua cha được lập lại Chu Sàn. Việc lập lại Mường Chu Sàn khẳng định Hai Đào không chỉ đề cao những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân đã bao đời cùng Tạo Mường Chu Sàn mà ông còn rất coi trọng sức mạnh lòng dân trong khối đại đoàn kết cộng đồng dân cư vùng biên giới. Do đó, với người dân vùng Mường Xia, Hai Đào còn có vai trò như chiếc cầu nối niềm tin về một sức mạnh từ trong quá khứ đến hiện tại và cả tương lai.

Từ khi có ông, bà con bỏ mường đi trước đây đều lần lượt trở về cùng nhau xây dựng vùng đất Mường Xia tươi đẹp, phồn thịnh. Kể từ đây, Mường Xia lại tấp nấp, dân cư sầm uất. Hàng đêm, dưới nếp nhà sàn đầm ấm của người Thái vùng Chu Sàn lại rộn nhịp khua luống, quấn quýt tiếng khèn gọi bạn dưới chân núi Pha Dùa. Và Tư Mã Hai Đào trở thành người cai quản ba vùng: Mường Chu Sàn, Mường Chu Gia, Mường Chu Sang (trong đó, Mường Chu Gia, Mường Chu Sang thuộc tỉnh Hòa Bình, Sơn La ngày nay). Triều đình còn cho Hai Đào được thu thuế một số mường khu vực biên giới (cả phía Việt Nam và Lào). Thuế của các mường chủ yếu là những sản vật từ chăn nuôi, trồng trọt của các địa phương.

3. Tư Mã Hai Đào trong đời sống văn hóa vùng biên giới

Đã nhiều thế kỷ trôi qua nhưng những chiến công của Hai Đào, từ việc đánh đuổi quân xâm lược đến xây dựng và phát triển các bản, mường trù phú hiện vẫn còn như nguyên vẹn trong tâm thức người dân vùng biên giới. Ông xứng đáng được người dân nơi đây ngưỡng mộ và tôn thờ. Những di sản văn hóa liên quan đến tướng quân Hai Đào đã trở thành nét văn hóa độc đáo trong đời sống văn hóa của đồng bào vùng biên giới.

Tài liệu văn hóa dân gian cho biết, từ khi xây dựng thủ phủ và tái lập Mường Chu Sàn, Tư Mã Hai Đào đã gắn bó cuộc đời còn lại với vùng đất Mường Xia. Khi mất, người dân đã an táng ông tại một trong những hang động của núi Pha Dua. Cũng từ đây, người dân Mường Xia gọi ông là Thần Mã ở Pha Dua. Cùng với đó, để tỏ lòng ngưỡng mộ và tưởng nhớ đến ông, người dân Mường Xia đã lập đền thờ để hàng năm tiện việc hương khói thờ phụng, coi ông như người giữ vía cho cả mường. Tại rừng cây Mát bên bờ suối Xim và thượng nguồn sông Mã, bà con cũng lập đền thờ để thờ vọng tướng quân Hai Đào, được gọi là đền Tén Tằn.

Tại bản Chung Sơn hiện nay, đền thờ tướng quân Hai Đào đã được phục dựng khang trang và tôn nghiêm giữa rừng núi ngút ngàn một màu xanh thẳm. Vẫn còn đó dấu ấn ao vua, cây đa, cây gạo xưa kia là nơi nghỉ mát của các binh sĩ sau khi luyện tập. Ngày nay, cây gạo vẫn còn nguyên trạng như chứng tích của người anh hùng ghi dấu ấn trên đất Mường Xia. Hay một khu đất rộng sát với đồi núi, trước đây, Tư Mã Hai Đào đóng quân, cùng binh lính ngày đêm rèn đúc vũ khí, luyện võ. Vừa đặc biệt cũng trở thành truyền thống, toàn bộ người dân Mường Xia đều gửi vía vào một hòn đá, gọi là Hòn Đá Vía (6). Theo những người cao niên trong mường, hòn đá vía đã có từ thời khai thiên, lập địa, rất ứng nghiệm đối với bà con bản, mường. Hòn đá vía hiện nằm ngay giữa trung tâm của bản Chung Sơn, gần sát với nền móng của dinh cơ Tư Mã Hai Đào.

Nghi thức rước hòn đá vía trong lễ hội Mường Xia. Ảnh tư liệu

Năm tháng có trôi đi, nhưng nhiều điều còn đọng mãi, người đời truyền tụng nhau rằng ông chính là vị thần thiêng, người có công tiến quân lên biên giới diệt trừ giặc ngoại xâm. Khi đất nước thanh bình, Hai Đào lại cai quản yên lành cửa ải biên cương và khi mất ông đã trở thành thần thiêng, giữ mãi cho Mường Xia vía yên, vía khỏe. Như một lời nguyền thần bí, mỗi khi trong mường có con em đi làm ăn xa hoặc đi bộ đội, người trong gia đình thường mang một cái áo của người sắp lên đường đến đền thờ thắp hương xin ông phù hộ cho chân cứng, đá mềm. Và điều diệu kỳ là tất cả những người được gửi vía tại đền Hai Đào và hòn đá vía đều gặp may mắn, bình an nơi trận mạc trở về.

Cùng với việc lập đền thờ ông thì hàng năm, vào các ngày 15, 16 tháng 3 âm lịch, bà con Mường Xia lại tổ chức lễ hội Cầu Mường. Lễ hội này vừa là để tri ân, tưởng nhớ đến tướng quân Tư Mã Hai Đào, vừa cầu cho một năm vạn vật tốt tươi, khang thái. Xưa kia, lễ hội Cầu Mường được xem là đông vui, tấp nập bậc nhất các vùng Thái xứ Thanh. Khi mở hội người dân trong mường và các mường lân cận như Mường Mìn, Mường Khiết, Mường Ly, Mường Lò… thậm chí cả Mường Bén, Mường Xôi nước Lào cũng đến tham dự. Với nam thanh, nữ tú, lễ hội Mường Xia còn là dịp để cầu duyên hay có thể xem là lễ hội của tình yêu đôi lứa (7).

Đền thờ và lễ hội về Tư Mã Hai Đào không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn mang giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Lễ hội Mường Xia hiện đã được khôi phục và việc tổ chức phần tế lễ diễn ra tại 5 điểm:

Điểm thứ nhất: cúng Thần Mường (tại Đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào).

Điểm thứ hai: cúng Lặc Mắn (tại nơi chôn Hòn Đá Vía ngay giữa bản). Ngoài việc tế lễ chính, trong lễ hội Mường Xia còn có tục rước Hòn Đá Vía (Lặc Mắn) của mường về làm lễ, vì đó chính là nơi gửi vía của toàn bộ dân cư Mường Xia. Mỗi khi thực hành nghi thức này, người Mường Xia mới được đào Hòn Đá Vía lên, rửa sạch, bọc vải đỏ và cho lên kiệu long đình rước về làm lễ trước đền thờ tướng quân Hai Đào. Sau khi tổ chức lễ hội xong, Hòn Đá Vía lại được rước về chôn xuống nơi cất giấu cũ chờ mùa hội năm sau.

Điểm thứ ba: cúng Sần Cuống ở Sộp Xia (tại nơi giao hòa giữa suối Xia và sông Luồng (trung tâm của Mường Chu Sàn cũ)).

Điểm thứ tư: cúng Sần Phiềng Phay (bên bờ sông Luồng gần thủ phủ Hai Đào).

Điểm thứ năm: cúng Sứa Tú Năm (tại Hang Dùa dưới núi Pha Dùa).

Lễ vật dâng trong tế lễ gồm 1 con trâu trắng, 1 con bò, 3 con lợn, 1 con chó, 1 con vịt, rượu cần, rượu siêu và vài chục con gà. Theo phong tục, người Thái xem các vị thần như những vị khách, do đó đồ lễ phải thực sự như một mâm mời khách quý. Khi mọi việc chuẩn bị hoàn tất, Vóong Moò - người trông coi việc cúng tế trong ba năm của mường phải chuẩn bị một mâm lễ vào đền xin phép thần mường cho tổ chức lễ hội. Nhạc cụ trong các phần lễ được sử dụng khác nhau: chiêng sử dụng trong phần rước của lễ hội; sáo trúc dùng trong tế lễ tại đền tướng quân Hai Đào. Các loại nhạc cụ khác cũng như trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống: khua luống, múa cá sa, trống chiêng, đánh mắc lẹ, bắn nỏ, kéo co, đẩy gánh được bà con tổ chức trong phần hội. Trong các trò chơi, tung còn được xem là đặc biệt nhất, bởi trò chơi này gắn liền với một câu chuyện tình bi ai trên núi Pha Dua. Trong phần ném còn kèm theo những lời ca da diết của giai điệu khặp như tái hiện lại một niềm thiết tha về một tình yêu cháy bỏng nhưng dang dở.

Từ năm 1957 đến năm 2011 là giai đoạn mai một của một lễ hội đầy ý nghĩa nhân văn, để lại bao sự nuối tiếc của cư dân vùng Sơn Thủy. Những người cao niên trong Mường Xia xưa kia đã từng được tham dự lễ hội và lớp trẻ thì chỉ được nghe kể về lễ hội như một giai thoại về Tư Mã Hai Đào. Đến năm 2012, được sự cho phép của UBND tỉnh và Sở VHTTDL Thanh Hóa, huyện Quan Sơn đã chính thức phục dựng và tổ chức lễ hội Mường Xia. Đến nay, lễ hội đã được duy trì tổ chức hàng năm và thu hút hàng nghìn người tham gia, làm sống dậy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Thái vùng biên cương, đánh thức tiềm năng, thế mạnh văn hóa bản, mường góp phần vừa đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của đồng bào biên giới, vừa tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch cộng đồng.

Mặc dù hàng trăm năm đã trôi qua, nhưng tướng quân Tư Mã Hai Đào vẫn luôn trong tâm thức người dân vùng biên giới miền Tây Thanh Hóa. Từ trẻ mồ côi đến phò mã, tướng quân Tén Tằn và Tư Mã biên phòng là những dấu ấn về công lao to lớn của ông. Hai Đào không chỉ là vị tướng tài ba trong việc đánh đuổi kẻ thù, trấn giữ vững chắc vùng biên giới mà còn góp phần xây dựng khối đại đoàn kết, tạo nên sợi dây kết nối bền chặt cùng niềm tin sắt son của cộng đồng các dân tộc vùng biên cương. Di sản văn hóa liên quan đến Tư Mã Hai Đào là những bằng chứng khẳng định về sự ngưỡng mộ và tôn vinh của cộng đồng cư dân nơi đây với ông. Lễ hội Mường Xia từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân vùng biên giới. Tư Mã Hai Đào đã trở thành linh hồn, góp phần tạo nên sắc thái văn hóa người Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc miền núi xứ Thanh trong nền cảnh chung của văn hóa Việt Nam.

_______________

1. Sở VHTTDL Thanh Hóa, Sưu tầm, nghiên cứu lễ hội Mường Xia, dân tộc Thái, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa nhằm bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể vùng biên, Báo cáo kết quả thực hiện để tài, lưu tại Sở VHTTDL Thanh Hóa, 2009, tr.14.

2. Tài liệu dân gian cho biết địa danh Quán Lào nay là thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định; Dốc Lào thuộc huyện Thạch Thành ngày nay.

3. Theo tài liệu Truyện Tư Mã Hai Đào, bản dịch chữ Thái, lưu tại phòng văn hóa huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa thì Hai Đào được vua giao cho coi giữ đất giáp hai bên Lào - Việt và Ót Đọ cho quản đất Mường Chanh, Ót Đanh đất Pùng, Xim, Lý, Lát (tức Mường Lý, Mường Lát ngày nay).

4. Tương đương chức Đồn trưởng đồn biên phòng hiện nay. Tuy nhiên, thời kỳ bấy giờ Tư Mã biên phòng không chỉ trấn giữ một khu vực mà gần như là toàn bộ biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa và một phần của Hòa Bình, Sơn La ngày nay.

5. Khu vực này hiện vẫn còn dấu tích nền móng thủ phủ của Tư Mã Hai Đào.

6. Tiếng Thái gọi là Lặc Mắn.

7. Lễ hội Mường Xia còn gắn với câu chuyện tình thủy chung, son sắt của đôi trai gái nhưng lại bị gia đình ngăn cấm. Để giữ được lời thề nguyện ước bên nhau, họ đã quyên sinh ở núi Pha Dua - nơi đây có hang động mà người dân đã an táng tướng quân Hai Đào.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Thúy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018

;