Đồng Tháp triển khai hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) 35 cấp tỉnh, huyện nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Qua hơn 3 năm thực hiện, tỉnh Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

1. Những kết quả đạt được

Những năm gần đây, tỉnh Đồng Tháp chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 163-KH/TU ngày 7-8-2019 Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cùng với đó, thành lập BCĐ 35 và Quy chế hoạt động của BCĐ cấp tỉnh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, BCĐ 35 tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Tổ Thư ký giúp việc, nhóm chuyên gia và lực lượng cộng tác viên. BCĐ 35 tỉnh còn ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 8-8-2020 Về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tỉnh Đồng Tháp; đồng thời, thực hiện công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội. Bên cạnh đó, các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã quyết định thành lập BCĐ, Tổ Thư ký giúp việc về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 259/KH-UBND ngày 5-11-2020 về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 8-1-2021 về Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 43/KH-BCD 138 ngày 4-2-2021 về thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2021. UBND tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Với việc tập trung triển khai quyết liệt và có hiệu quả của BCĐ 35 cấp tỉnh, huyện, sự tham gia của các cấp, các ngành và các lực lượng chức năng trong tỉnh và sự đồng hành của nhân dân đã giúp cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đạt hiệu quả (1). Kết quả này được thể hiện trên các mặt sau:

Một là, thời gian qua, lực lượng chức năng và các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh phát hiện 12.062 tài liệu tán phát vào địa phương có nội dung tuyên truyền phá hoại tư tưởng; 613 lượt tài khoản mạng xã hội (tăng 381 tài khoản so với năm 2020) (2) lợi dụng các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước, của tỉnh để đăng tải, chia sẻ thông tin chống Đảng, Nhà nước, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân; đăng thông tin nhạy cảm, sai sự thật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đất đai, dịch bệnh COVID-19 và những vấn đề khác có liên quan. Ngoài ra, một số cơ quan báo chí, tạp chí điện tử đăng tin bài phản ánh sai sự thật, thiếu kiểm chứng nội dung, thổi phồng tính chất vụ việc, không mang tính xây dựng… tạo dư luận xấu, bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín địa phương.

Trước tình hình đó, BCĐ 35 cấp tỉnh, huyện đã phối hợp với ngành chức năng chủ động nắm tình hình và tham mưu cấp ủy, chính quyền hướng xử lý, qua đó đã kịp thời ngăn chặn âm mưu, hoạt động tán phát thông tin xấu độc, các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước. Trong năm 2021, các ngành chức năng đã ra quyết định xử 37 trường hợp đăng thông tin xúc phạm uy tín của cá nhân, tổ chức; thông tin sai sự thật về công tác phòng chống dịch với tổng số tiền 230 triệu đồng (3). Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động đối thoại, giải quyết các vụ việc, vấn đề bức xúc trong nhân dân, không để cho các thế lực thù địch tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương; kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về các vụ việc nóng, phức tạp, nhạy cảm có liên quan đến an ninh trật tự để báo chí đưa tin, phản ánh đầy đủ, chính xác, đúng định hướng.

Hai là, để đấu tranh có hiệu quả với các nội dung xấu độc, quan điểm sai trái trên mạng xã hội, lực lượng cộng tác viên và các ngành chức năng trong tỉnh đã đăng tải, chia sẻ 88.741 lượt tin, bài viết. BCĐ 35 cấp tỉnh, huyện và các ngành, tổ chức chính trị cấp huyện và tương đương đăng tải, chia sẻ 30.082 tin, bài viết. Trong đó, BCĐ 35 tỉnh đăng tải, chia sẻ 3.027 tin, bài viết, hình ảnh, clip trên các trang mạng xã hội; Facebook cá nhân và Fanpage của BCĐ 35, Ban Tuyên giáo cấp huyện, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội chia sẻ 27.265 lượt tin, bài viết tuyên truyền, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lên các trang mạng xã hội nhằm cung cấp thông tin, định hướng các thành viên trong nhóm chia sẻ, bình luận, đăng thông tin và bài viết tích cực, định hướng dư luận. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp đăng tải, chia sẻ 18.648 tin, bài viết trên Fanpage “Đất Sen hồng” và nhóm Facebook “Đất Sen hồng”, nhằm cung cấp, định hướng các thành viên trong nhóm chia sẻ, bình luận, đăng thông tin và bài viết tích cực, định hướng dư luận trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Công an tỉnh Đồng Tháp trực tiếp viết, đăng tải, chia sẻ tổng cộng 39.975 tin, bài viết. Trong đó, đã đăng tải chia sẻ 8.655 tin, bài viết, hình ảnh, clip trên các trang mạng xã hội của công an tỉnh (Fanpage “Người Đồng Tháp”, “Đồng Sen Đất Tháp”, kênh YouTube “An ninh trật tự Đồng Tháp”, chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, Zalo “Công an tỉnh Đồng Tháp”). Ngoài ra, công an các đơn vị, địa phương đăng tải, chia sẻ 31.320 lượt tin, bài viết lên các trang mạng xã hội do đơn vị, địa phương tạo lập, quản trị.

Ba là, có sự phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. BCĐ 35 tỉnh đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn âm mưu, hoạt động tán phát thông tin xấu độc, tuyên truyền xuyên tạc tình hình chính trị, phá hoại tư tưởng, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động lôi kéo, xúi giục, kích động tập trung đông người tham gia biểu tình, tuần hành gây rối an ninh trật tự tại địa phương hoặc lôi kéo đi TP.HCM và các tỉnh, thành khác. Chủ động, kịp thời ngăn chặn các hoạt động in, tán phát trái phép tài liệu có nội dung xấu độc của đối tượng chống đối trên không gian mạng (4). Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh, lực lượng 47 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh), Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan có liên quan đã phối hợp giải quyết những vấn đề phức tạp, thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, an toàn không gian mạng. Các cơ quan, đơn vị còn thường xuyên tổ chức họp trao đổi, học tập kinh nghiệm, liên kết với các trang mạng xã hội; giải quyết đơn khiếu nại của công dân về việc đối tượng sử dụng mạng xã hội đăng tải hình ảnh xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, internet ở địa phương trong điều tra, truy tìm chủ tài khoản thực hiện hành vi đăng tải, chia sẻ tin, bài viết có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và hành vi vi phạm pháp luật khác. Song song đó, BCĐ 35 tỉnh còn thường xuyên theo dõi, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.

Bốn là, để công tác đấu tranh với các nội dung xấu độc, quan điểm sai trái trên mạng xã hội đạt hiệu quả, BCĐ 35 tỉnh đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, mở cập nhật kiến thức “Nhận diện và luận cứ khoa học bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác một số quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, có 229 người tham dự. Như vậy, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 12 lớp bồi dưỡng về thực hiện Nghị quyết 35 với 1.067 cán bộ, đảng viên tham dự gồm: thành viên BCĐ, Tổ Thư ký giúp việc, chuyên viên kỹ thuật quản lý mạng huyện, thành phố; cán bộ làm nhiệm vụ đấu tranh phản bác; lực lượng 47; cộng tác viên dư luận xã hội huyện, thành phố; đảng ủy viên, chi ủy viên chi bộ, đảng bộ trực thuộc huyện ủy, thành ủy; cán bộ văn phòng tuyên giáo xã, phường, thị trấn…Những lớp học này giúp cho các đơn vị, địa phương và cán bộ làm nhiệm vụ nâng cao kỹ năng nhận diện, đấu tranh phản bác, gỡ bỏ thông tin sai trái trên internet và mạng xã hội, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Nhìn chung, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCĐ 35 tỉnh và cả hệ thống chính trị tại địa phương. Các cấp, ngành và lực lượng chức năng trong tỉnh đã chủ động nắm chắc tình hình, định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời phát hiện, đề xuất những giải pháp ngăn chặn âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân chủ động chia sẻ, đăng tải thông tin tích cực trên internet, mạng xã hội. Các lực lượng tham gia giúp việc BCĐ 35 cấp tỉnh, huyện đã chủ động nắm tình hình dư luận xã hội và thông tin nhanh những vấn đề dư luận quan tâm, từ đó, tham mưu cấp ủy xử lý hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng chống sự lôi kéo của các thế lực thù địch; đấu tranh, cảnh giác với thông tin sai trái, tin giả, tin xấu; phát hiện, xác minh, răn đe, xử lý ngiêm đối tượng vi phạm, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

2. Hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số cấp ủy, địa phương, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ chưa thực sự quan tâm và nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; công tác quản lý các trang mạng xã hội, tài khoản ảo, tài khoản đăng ký nước ngoài còn hạn chế. Mặt khác, các trang nhóm Facebook trong tỉnh chưa có nhiều bài viết đấu tranh, đa số chia sẻ từ các trang, nhóm đáng tin cậy của Trung ương, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, việc xác định thông tin xấu độc, quan điểm sai trái còn gặp không ít khó khăn, do chưa có bộ phận thẩm định kết luận thông tin xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số ngành chức năng còn xem nhẹ công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác, cho đây là nhiệm vụ của lực lượng an ninh nên khi gặp thông tin xấu độc còn “thờ ơ”. Đội ngũ cán bộ phụ trách, cộng tác viên dư luận xã hội và nhân dân chưa tích cực tương tác, chia sẻ tin, bài viết tích cực; thành viên nhóm chuyên gia chưa mạnh dạn viết bài đấu tranh; lực lượng ở một vài địa phương, cơ sở chưa được tập huấn cụ thể, chuyên sâu và trang bị kỹ thuật chuyên dùng nên thiếu mạnh dạn trong thực hiện đấu tranh phản bác. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước đối với mạng internet, mạng xã hội còn bỏ ngỏ, thiếu chặt chẽ, đồng bộ; quy định của pháp luật về xử lý đối tượng tuyên truyền, phá hoại tư tưởng còn thiếu, nhất là đối tượng tuyên truyền, phát tán tài liệu phá hoại tư tưởng qua đường bưu chính chưa có cơ sở pháp lý để xử lý. Bên cạnh đó, thủ đoạn hoạt động của đối tượng ngày càng tinh vi, rất cảnh giác, gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thời gian tới

Thứ nhất, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tại địa phương trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt vai trò của Ban Tuyên giáo cấp tỉnh, huyện. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong và ngoài ngành công an; kịp thời cung cấp những thông tin chính thống, nhất là những vấn đề mà dư luận quan tâm nhằm phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ hai, chỉ đạo, định hướng cộng tác viên và lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, nhất là trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, tổ chức, phân công lực lượng tuyên giáo, cộng tác viên dư luận xã hội, nhóm chuyên gia tích cực tham gia viết bài phản bác lại các quan điểm sai trái. Đồng thời, BCĐ 35 cấp tỉnh, huyện cần nhân rộng các trang mạng xã hội có sức lan tỏa, chính thống để các đơn vị, địa phương chủ động đăng tải, chia sẻ tin, bài đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng, kịp thời chuyển tải các bài viết tuyên truyền, thông tin tích cực, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao nhận thức, kiến thức của nhân dân về mạng xã hội, tạo “sức đề kháng đối với thông tin xấu độc, sai trái của các thế lực thù địch. Tập trung nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp lợi dụng mạng internet, mạng xã hội để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, đưa các thông tin sai sự thật. Kịp thời cung cấp thông tin những vụ việc nóng, phức tạp, nhạy cảm cho các cơ quan báo chí đưa tin, phản ánh đầy đủ, chính xác, định hướng dư luận, không để địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng.

Thứ tư, hỗ trợ các đơn vị, địa phương xây dựng lực lượng tham gia đấu tranh trên không gian mạng, nhất là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, các thiết bị chuyên dùng. Cùng với đó, tổ chức lực lượng đấu tranh phản bác, gỡ bỏ những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội có biểu thị xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước; tập trung xử lý các đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, chuyển tải các bài viết tuyên truyền thông tin tích cực, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta trên mạng xã hội.

Thứ năm, tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình nhóm Zalo, Facebook của các đơn vị, địa phương với Tổ nhân dân tự quản trên địa bàn để kịp thời trao đổi, tiếp nhận tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Phát huy vai trò của lực lượng Công an chính quy tại các xã, phường, thị trấn trong xác thực các thông tin sai sự thật, phát hiện đối tượng sử dụng mạng xã hội có nội dung xấu độc, tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước để kịp thời gỡ bỏ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, các cơ quan, đơn vị và địa phương cần chủ động cung cấp thông tin, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Cùng với đó, thường xuyên thông tin, phổ biến các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm về tin giả, tin sai sự thật trên mạng; vận động nhân dân không tham gia bình luận, chia sẻ và phản ảnh cho chính quyền địa phương khi phát hiện những nội dung thông tin chưa được kiểm chứng, tin giả, tin sai sự thật trên mạng.

________________________

1. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Đồng Tháp, tháng 12-2020, tr.36.

2, 3. Ban Chỉ đạo 35 tỉnh Đồng Tháp, Báo cáo kết quả đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, số 15-BC/BCĐ, ngày 30-11-2021, tr.4, 5-6.

4. Ban Chỉ đạo 35 tỉnh Đồng Tháp, Báo cáo kết quả đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, số 06-BC/BCĐ, ngày 2-12-2020, tr.8.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

Ths PHAN THỊ MINH HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;