Khảm trai Chuôn Ngọ là làng nghề truyền thống thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, nổi tiếng với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, giàu tính nghệ thuật và chứa đựng những câu chuyện lịch sử, văn hóa của đất nước. Trải qua gần 1000 năm, nghề khảm trai Chuôn Ngọ vẫn được lưu giữ, bảo tồn, phát triển, được người dân trong nước và bạn bè quốc tế ưa chuộng.
Nằm nơi tả ngạn sông Nhuệ, làng Chuôn Ngọ là một trong những làng nghề phát triển cùng với những nghệ nhân tài hoa, cho ra đời nhiều mặt hàng thủ công tinh xảo, độc đáo. Cùng với 7 làng: Chuôn Thượng, Chuôn Trung, Chuôn Hạ, Chuôn Ngọ, Đồng Vinh, Bối Khê, Mỹ Văn thuộc xã Chuyên Mỹ đều làm nghề khảm trai, nhưng làng Chuôn Ngọ lại là nơi có đình thờ ông tổ nghề, có lịch sử và bề dày làm nghề đặc sắc hơn cả.
Nghệ nhân Nguyễn Đình Trang phác thảo các bản vẽ
Chúng tôi gặp gỡ nghệ nhân Nguyễn Đình Trang, ông là một trong những nghệ nhân giàu kinh nghiệm, đã gắn bó với nghề lâu năm. Trong khuôn viên của gia đình nghệ nhân, nhiều vật dụng gỗ được khảm trai rất tinh xảo, cùng những tác phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn nghệ thuật. Chia sẻ với chúng tôi về nghề truyền thống của gia đình, nghệ nhân Nguyễn Đình Trang cho biết: “Tôi được tiếp xúc và gắn bó với nghề từ khi còn nhỏ, được cha, ông truyền lại cho những ngón nghề đặc trưng của làng Chuôn Ngọ. Khảm trai là một nghề thủ công mỹ nghệ đòi hỏi sự cần cù, khéo léo, chỉn chu của người thợ, đồng thời phải trải qua nhiều công đoạn được thực hiện tỉ mỉ, chỉn chu. Khảm trai không giới hạn về đồ dùng hay nguyên liệu được khảm, mỗi vật dụng, tác phẩm có thể thực hiện theo ý đồ của từng nghệ nhân nên họa tiết, hình dạng, nội dung rất đa dạng, phong phú. Thông thường, các sản phẩm gỗ khảm trai là hình ảnh các tích trò truyền thống, tứ quý, bách điểu hay hoành phi câu đối”.
Để tạo nên một sản phẩm khảm trai hoàn chỉnh phải trải ra rất nhiều công đoạn, trong đó, với vẽ cơ bản phải trải qua 6 bước: sáng tác, lên màu, cưa, đục mảnh, hạ mặt tranh khảm, mài, đánh bóng. Mỗi một công đoạn đều cần sự tập trung và tỉ mỉ của người thợ, chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ làm hỏng bức tranh. Theo nghệ nhân, trong quá trình thực hiện khảm xà cừ, việc cưa, đục các mảnh trai đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Người thợ phải mài thủ công, ngâm rượu, hơ lửa, chẻ dóc miệng. Sau đó là khâu đục và chọn lựa các miếng trai để có thể khảm đầy đủ cho mặt tranh… Những tranh gỗ sau khi đã khảm cũng cần được tỉa gọn, đánh bóng (mài khảm) rồi vẽ nét. Nhờ đường nét tinh xảo, sống động, có hồn mà sản phẩm khảm trai của xã Chuyên Mỹ nói chung, làng Chuôn Ngọ nói riêng luôn nổi tiếng nhiều năm qua.
Mỗi người thợ sẽ thực hiện một công đoạn
Nghệ nhân cũng cho biết, nguyên liệu để làm tranh khảm được làm từ vỏ trai, mảnh ốc. Nếu như trước đây, nguyên liệu này sẽ được nhân dân thu hoạch từ con sông gần làng, thì ngày nay đã có thêm sự lựa chọn khác từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu của các nước như: Nhật Bản, Singapore, Malaysia... Không chỉ vậy, hiện nay việc mài vỏ trai cũng đã được hỗ trợ thêm bởi máy móc, người nghệ nhân không còn phải dành nhiều giờ để xử lý nguyên liệu như trước đây…
Ông Nguyễn Đình Trang luôn tự hào khi nghề truyền thống của làng mang những nét độc đáo, riêng có trong khâu chế tác cũng như từng nét vẽ. Với ông, đó chính là những yếu tố tạo nên thương hiệu của khảm trai Chuôn Ngọ, được nhiều người quan tâm và giới sưu tâm yêu thích.
Chúng tôi tiếp tục di chuyển sang xưởng sản xuất của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đình Hải. Trong xưởng hiện có 6 thợ đang làm việc, mỗi người sẽ đảm nhận một khâu trong quá trình thực hiện sản phẩm khảm trai. Bên cạnh nơi sản xuất là không gian trưng bày các sản phẩm đã được hoàn thiện, với nhiều sản phẩm và các bức khảm đa dạng kích cỡ, chủng loại. Nổi bật là những tác phẩm khảm trai mang đậm nét văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam như: Ba lần chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng; Vinh quy bái tổ, Chùa Một cột, Tứ quý, hoành phi, câu đối… và các bức truyền thần những danh nhân của đất nước được thực hiện sống động, đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ thuật, tay nghề cao.
Các sản phẩm khảm trai của làng nghề Chuôn Ngọ
Mặc dù đang bận rộn với công việc nhưng nghệ nhân Nguyễn Đình Hải vẫn dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về khó khăn, thách thức của những người làm nghề. Ông cho biết: “Để cho ra đời một tác phẩm mất rất nhiều thời gian, nhiều công đoạn, cũng như công sức, tâm huyết của người thợ. Trong khi vật liệu nhập từ nước ngoài về có giá thành cao, vì thế mỗi sản phẩm bị đội giá lên rất nhiều. Nếu cộng giá thành phẩm cùng với tiền công của người thợ thì một bức khảm sẽ có giá rất cao và rất khó bán. Vì thế, để sản phẩm dễ dàng đến tay người tiêu dùng sẽ phải hạ xuống, do đó tiền công của người thợ không cao. Điều này khiến cho thu nhập của họ chưa thật sự xứng đáng với công sức và tâm huyết mà họ dành trọn vào tác phẩm”.
Dẫu biết thu nhập chưa tương xứng với công sức bỏ ra, nhưng những nghệ nhân, người thợ làng nghề Chuôn Ngọ vẫn luôn kiên trì bám trụ với nghề. Với sự tâm huyết và tình yêu dành cho các tác phẩm khảm xà cừ, những người làm nghề vẫn tiếp tục cho ra đời các bức tranh, vật dụng tinh xảo, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, cũng như khẳng định thương hiệu làng nghề Chuôn Ngọ. Họ cũng chính là thế hệ tiếp nối đang lưu giữ, bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị tinh hoa của dân tộc đến với đông đảo người dân trong cả nước và bạn bè quốc tế.
Bài, ảnh: THU GIANG